Phố Tam Kỳ xưa, nơi Huỳnh Đáo một thời ngang dọc. |
Thông thường những tướng cướp nổi danh sẽ có rất nhiều những bóng hồng vây quanh bởi phần vì có tiền bạc tiêu xài rộng rãi, có chút tiếng tăm và được cung phụng hết mực.
Nhưng với Huỳnh Đáo thì điều đó chỉ đúng một phần bởi cho đến khi đã ngoài 30 tuổi và rất nổi danh nhưng Huỳnh Đáo vẫn không có vợ con, chỉ có một bóng hồng duy nhất bên cạnh suốt thời gian ấy. Thế nhưng, cũng chính vì bóng hồng này đã khiến tướng cướp nổi danh phải "thân bại danh liệt", tất cả cũng chỉ vì một chữ tình.
Bóng hồng… tai hoạ
Theo lời kể của nhiều người biết về sự việc này và được ông Trần Bảo xác nhận, thì người đàn bà của Huỳnh Đáo tên Hồng, là người từ Sài Gòn ra Đà Nẵng rồi dạt về Tam Kỳ.
Hồng là một người đàn bà rất đẹp, chính vì thế mới lọt vào được mắt xanh của tướng cướp nổi tiếng có trái tim sắt đá với đàn bà này.
Nhưng trước khi làm vợ hờ của Huỳnh Đáo, Hồng đã từng có một đời chồng là sỹ quan ngụy ở trong Sài Gòn và có một đứa con gái nhỏ với người chồng này. Sau ngày chồng chết trong chiến trận, Hồng bồng bế con nhỏ đi khắp nơi ở đất Sài thành hoa lệ mong kiếm cái ăn qua ngày bằng việc làm điếm.
Nhưng rồi ở đất Sài Gòn không được bao lâu, Hồng lại phải phiêu dạt ra tận Đà Nẵng mong tìm kiếm một công việc gì đó tốt hơn để nuôi thân và nuôi con.
Tại Đà Nẵng, với sắc đẹp của mình, Hồng đã lấy một thông dịch viên khi quân Mỹ đổ bộ sang miền Nam Việt Nam. Sống với người thông dịch viên này được một thời gian thì hai người xảy ra mâu thuẫn rồi cũng mỗi người một nơi.
Sau đó Hồng vào Tam Kỳ mưu sinh với nghề cũ là làm điếm phục vụ các sỹ quan ngụy để lấy tiền nuôi cô con gái nhỏ. Lần ấy, sau khi cướp được một số tiền lớn và đã chia đều cho anh em, Huỳnh Đáo một mình đi về nhà. Trên đường, một người đàn bà rách rưới bế theo một đứa con nhỏ nằm lả bên đường. Sau khi tìm hiểu sự tình, Huỳnh Đáo liền đưa người đàn bà và đứa con đó về nơi mình ở để chăm sóc.
Sau ngày định mệnh được tướng cướp hết lòng giúp đỡ, người đàn bà tên Hồng ấy đã quyết định theo Huỳnh Đáo làm cô vợ hờ. Làm vợ hờ của Huỳnh Đáo, Hồng được cung phụng đủ điều và không phải đi làm điếm nuôi thân, cũng chẳng phải lo sợ đến những nỗi lo cơm áo, lại có tiền tiêu xài rủng rỉnh.
Thế nhưng, khi đã "yên bề gia thất" với Huỳnh Đáo, Hồng bắt đầu muốn dựa hơi tướng cướp của "chồng" để thị uy, lên mặt với thiên hạ. Chính điều này đã khiến Huỳnh Đáo phải trả một cái giá rất đắt… đó chính là mạng sống của mình.
Vốn ghét cay ghét đắng những phu nhân của các tướng tá ngụy ở Quảng Tín thời ấy nên Hồng thường xuyên gây sự với những người phu nhân của các tướng tá này.
Mỗi lần gây sự là Hồng lại cho đàn em, đệ tử của Huỳnh Đáo đến dằn mặt các vị phu nhân kia, khiến họ vô cùng căm ghét người đàn bà này.
Khi nỗi căm hận với tướng cướp Huỳnh Đáo lên đến đỉnh điểm và rồi sau khi nhận được chỉ thị ngầm của đại tá Tỉnh trưởng Hoàng Đình Thọ, một kế hoạch tiêu diệt Huỳnh Đáo được vạch ra chi tiết. Lần ấy, biết Huỳnh Đáo đang rất cần tiền, các tướng tá ngụy quân bèn cài một cái bẫy để có thể tiêu diệt được "cái nhọt" này.
Huỳnh Đáo nghe lời thủ thỉ của cô vợ hờ về việc có một số tiền rất lớn để ở nhà một thiếu tá ngụy mà ít người canh gác, rất dễ lấy. Không phải đắn đo suy nghĩ quá lâu, Huỳnh Đáo chấp nhận làm liều vì đang túng thiếu, mà không ngờ đó là cái bẫy đã giăng sẵn khiến tướng cướp này phải bỏ mạng.
Huỳnh Đáo cùng một vài anh em tin cẩn đột nhập vào ngôi nhà này vào một đêm tháng 4/1972, nhưng không tìm thấy số tiền đâu. Trong lúc rút đi, một người anh em của Huỳnh Đáo không may vướng phải mìn gài sẵn trong sân nhà nên mất mạng.
Tiếng nổ ấy đã báo hiệu cho cả một trung đội cảnh sát dã chiến ngụy và nhiều binh lính đang chực chờ tiêu diệt Huỳnh Đáo.
Vì biết Huỳnh Đáo rất giỏi võ nghệ, lại có tài xuất quỷ nhập thần nên hơn một trăm tên lính đến bao vây mà không một tên nào dám ho he xông tới.
Súng ống lăm lăm chực chờ nhả đạn, nhưng lệnh của đại tá Thọ là phải bắt sống Huỳnh Đáo để trả thù vụ việc y dám hai lần đột nhập vào nhà tỉnh trưởng, khiến tỉnh trưởng mất mặt trước đám sỹ quan cao cấp.
Cuộc bao vây kéo dài hai ngày hai đêm để mong Huỳnh Đáo kiệt sức sẽ đầu hàng, hay chí ít ra không còn khả năng chống cự sẽ dễ dàng bắt hơn và cũng bởi trong tay Huỳnh Đáo lúc ấy đang có 2 quả lựu đạn chực bung chốt.
Hơn một trăm tên cảnh sát ngụy ngày càng siết chặt vòng vây, hết lớp người này mệt mỏi lại được thay bằng một lớp người khác sung mãn hơn.
Cùng với vòng vây người là vòng vây của lưới B40 cao năm mét, ba tầng để đề phòng Huỳnh Đáo có thể trốn thoát.
Biết chẳng thể nào thoát được khỏi vòng vây lưới B40 và hàng rào người dày đặc kia, Huỳnh Đáo đã nói với tên chỉ huy xin được gặp mặt Hồng lần cuối rồi nhận hết tội lỗi về mình và cũng xin miễn mọi tội lỗi cho cho các anh em còn lại.
Sau khi nói xong những lời cuối cùng với Hồng, hai quả lựu đạn trên tay Huỳnh Đáo đã phát nổ, ngọn lửa bao trùm lấy thân thể của tướng cướp và người vợ nhỏ của mình trước sự sững sờ của những người đứng gần đó. Khi cảnh sát đã về hết, đệ tử của Huỳnh Đáo mới nhặt nhạnh những mảnh còn lại của hai thân thể để đem về an táng.
Hùm chết để da
Ông Trần Bảo cho biết, khi ấy ông và nhiều anh em khác của Huỳnh Đáo đã lặng lẽ chôn cất hài cốt của hai người tại một mảnh đất nhỏ ở khu vực bây giờ là phía bên hông của KTX trường Đại học Quảng Nam.
Ông Bảo cho biết thêm, thời đó nhiều người ở đây có hơi hướng mê tín dị đoan cũng râm ran chuyện hồn của Huỳnh Đáo vì không được siêu thoát nên rất linh thiêng, chỉ cần thắp hương khấn vái là có thể cầu được ước thấy, đặc biệt việc "cầu cơ" lại càng chính xác hơn.
Nhiều con bạc, ma đề biết tiếng Huỳnh Đáo linh thiêng nên thường đến khu vực này để cầu cơ và xin số. Chẳng biết thực hư thế nào nhưng rất nhiều người đồn đại những lời như thế.
Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, tên tuổi của Huỳnh Đáo đã dần dần đi vào quên lãng. Không có hậu duệ nối dõi, và vì nhiều biến thiên của lịch sử, nên những câu chuyện về Huỳnh Đáo chỉ còn rất ít người biết.
Cuộc đời của Huỳnh Đáo cuối cùng đã nhận một kết cục bi thảm, nhưng cho đến tận bây giờ, khi ngồi kể lại về Huỳnh Đáo nhiều người vẫn không khỏi bâng khuâng. Cái sự bâng khuâng này một phần vì ai cũng đã từng nghe kể vài lần về câu chuyện nhuốm màu giai thoại của nhân vật này.
Thế nhưng khi được hỏi có biết rõ ràng, chi tiết về nhân vật tướng cướp này không, thì tất cả đều ngại ngần hoặc không biết tường tận mà đa phần chỉ nghe thôi chứ có chứng kiến đâu mà biết rõ.
Nhưng với nhiều người dân, cái tên Huỳnh Đáo đã đi vào tiềm thức như một nỗi sợ hãi thực sự, đại loại như chỉ cần nói "ông Đáo kìa" thì y như rằng đứa trẻ đang quấy khóc cũng nín bặt.
Cuộc đời Huỳnh Đáo tuy không nổi như tướng cướp Bạch Hải Đường lững lẫy một thời, nhưng cũng đã để lại rất nhiều giai thoại. Trong những giai thoại mà chúng tôi nghe được, có không ít câu chuyện mang tính giai thoại nhưng cũng có nhiều câu chuyện là sự thật được chính đàn em một thời của Huỳnh Đáo kể lại. Nhưng vẫn còn đâu đó những lời khen chê, sự tôn trọng và cả nỗi sợ hãi khi nhắc đến tên tuổi của tướng cướp xứ Quảng này.
(Theo Gia đình&Xã hội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét