Trò chuyện với phóng viên Một Thế Giới nhân sự kiện 40 năm Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an cho rằng: "Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để đòi lại quyền chủ quyền với Hoàng Sa nhưng không dễ dàng".
Cần hiểu đúng bản chất sự kiện Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa
Là một người nghiên cứu lâu năm về chủ quyền biển đảo của Việt Nam nói chung và Hoàng Sa nói riêng, Thiếu tướng có cảm xúc gì trước sự kiện 40 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa?
Tôi rất buồn vì Nam Bắc thống nhất đã gần 40 năm mà giang sơn chưa thu về một mối, đất nước chưa trọn vẹn.
Vậy, chúng ta nên nhìn nhận như thế nào về hải chiến Hoàng Sa năm 1974, thưa ông?
Chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa được các chúa Nguyễn xác lập cách đây hơn 300 năm. Từ giữa thế kỷ 17, các chúa Nguyễn đã cử các hải đội ra Hoàng Sa từ tháng giêng và trở về đất liền vào mùa mưa bão đầu tháng 7 để báo cáo tình hình. Việc này diễn ra suốt từ năm 1635 cho đến khi Pháp xâm lược Việt Nam vào năm 1858.
Khi Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954, 5 cường quốc của thế giới là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Liên Xô (cũ) và Trung Quốc đã ký vào tuyên bố chung, trong đó nêu rõ cộng đồng quốc tế tôn trọng và cam kết bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Điều 4 của Hiệp định Geneva về phân công quản lý biển đảo ghi rõ, Việt Nam dân chủ cộng hoà quản lý hải phận phía bắc vĩ tuyến 17, Việt Nam cộng hoà quản lý hải phận phía nam vĩ tuyến 17.
Không chỉ trong các tư liệu lịch sử, địa lý, hàng hải mà ngay cả về mặt pháp lý, Hoàng Sa, Trường Sa đã được Hiệp định Geneva khẳng định là của Việt Nam. Chính Trung Quốc cũng đã ký công nhận Hiệp định này.
Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh: VTC |
Với tư cách là một người Việt, xung quanh hải chiến bảo vệ Hoàng Sa cách đây 40 năm tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải nhận diện chính xác bản chất của sự việc này là Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và khi đó, những người lính Việt Nam cộng hoà đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ đất thiêng của tổ quốc.
Tôi rất tiếc đến tận bây giờ trong sách lịch sử, chính trị, địa lý, hệ thống giáo trình chính thống của Việt Nam từ cấp phổ thông, đại học và sau đại học đều không nói về cuộc hải chiến này.
Tôi nghĩ rằng, điều này phải nhận thức cho rõ và vì thế nó phải được đưa vào sách giáo khoa, đưa vào hệ thống giáo trình chuẩn quốc gia. Dù bây giờ đã muộn nhưng chúng ta phải bắt đầu làm việc đó bởi cho đến tận bây giờ, nhiều người Việt Nam vẫn lơ mơ về Trường Sa, Hoàng Sa.
Phải cho họ hiểu rõ quá trình hơn 300 năm cha ông ta đã đổ xương máu tổ chức quản lý và bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc cho đến ngày hôm nay. Không biết bao nhiêu người anh hùng, người con của tổ quốc đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc suốt hơn 300 năm qua. Nếu không đưa vào hệ thống giáo dục là chúng ta đang tự mâu thuẫn với chính mình.
Cuộc chiến này là cuộc chiến bảo vệ tổ quốc của người Việt Nam mà khi đó là những binh lính Việt Nam cộng hoà chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Cho nên, sự hy sinh của họ phải được nhìn nhận là sự hy sinh để bảo vệ đất thiêng của tổ quốc. Tôi nghĩ sớm muộn phải ghi danh họ, ghi công họ bằng một hình thức nào đó.
Dưới góc nhìn pháp lý hiện đại, dựa vào Công ước quốc tế về luật biển 1982 để khẳng định cho 90 triệu người trong nước và 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam và mọi người Việt phải có trách nhiệm bảo vệ.
Báo chí của chúng ta cũng phải nắm sát tình hình ở Trường Sa, Hoàng Sa để thông báo cho người dân biết. Muốn động viên lòng yêu nước mà không cho người dân biết thế lực nào đang uy hiếp, đe doạ Trường Sa, Hoàng Sa thì không được. Chúng ta không kích động chủ nghĩa dân tộc nhưng người dân phải được biết điều gì đang diễn ra trên biển đảo quê hương mình.
Chúng ta cũng cần phải tổ chức nghiên cứu về biển Đông. Muốn bảo vệ vùng lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc thì phải hiểu biết cặn kẽ. Nhà nước phải có chính sách đầu tư để thu hút, động viên những người tham gia nghiên cứu về biển Đông để có một Trung tâm nghiên cứu về biển Đông cấp quốc gia đủ mạnh chứ không phân tán, tản mát như hiện nay.
Trung Quốc không có cơ sở pháp lý với Hoàng Sa
"Trung Quốc không có cơ sở pháp lý với chủ quyền Hoàng Sa". Ảnh: VTC |
Trung Quốc vẫn căn cứ vào Công hàm 1958 cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký để đòi quyền chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và đường lưỡi bò 9 đoạn nói chung và coi đó là cơ sở pháp lý mạnh nhất của họ. Giá trị pháp lý của Công hàm này đến đâu và nên được hiểu thế nào cho chính xác thưa Thiếu tướng?
Đúng là có văn bản ký ngày 14.9.1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nói rằng Việt Nam tuyệt đối tôn trọng hải phận theo tuyên bố ngày 4.9.1958 của chính phủ Trung Quốc và tuyên bố này của họ có nói đến Hoàng Sa và Trường Sa nhưng tôi xin được khẳng định lại, đây không phải là công hàm mà chỉ là công điện.
Tuy nhiên, công điện này không có giá trị pháp lý bởi Hiệp định Geneva mà Trung Quốc đã ký trước đó có giá trị cao gấp nhiều lần. Hiệp định này cũng đã thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Công điện 1958 không có giá trị phủ nhận Hiệp định Geneva. Dựa vào đó để đòi chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa là không có giá trị pháp lý.
Vinh danh những người đã hy sinh vì Hoàng Sa sẽ được đa số dư luận đồng thuận
Mới đây, Trung tâm Minh triết Việt đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm những người lính đã ngã xuống trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. Ở cấp Nhà nước, chúng ta đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên báo chí nhưng vẫn chưa có động thái chính thức. Ông có nghĩ rằng chúng ta cần phải làm việc này bởi bên cạnh việc ghi danh những người đã chiến đấu bảo vệ đất thiêng của cha ông để lại thì đây cũng là một cơ sở pháp lý mạnh để chúng ta có thể đòi chủ quyền với Hoàng Sa?
Sự kiện này đã xảy ra được 40 năm, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải làm ngay những việc đó, nếu để thêm nữa thì quá muộn. Dù rằng điều này không dễ dàng bởi chúng ta phải vượt qua những căng thẳng của lịch sử nhưng tôi tin việc này sẽ nhận được đa số đồng thuận từ dư luận, nhất là trong hoàn cảnh chúng ta đang khép lại quá khứ, hướng tới tương lai như hiện nay. Có một điều chắc chắn, việc làm này sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Đòi lại Hoàng Sa là khó khăn nhưng không thể không tiến hành. |
Theo ông, nếu dựa vào luật pháp quốc tế, chúng ta có đòi lại được quyền chủ quyền với Hoàng Sa hay không? Cần phải tiến hành việc này như thế nào và chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn gì?
Hiện nay, chúng ta đang theo đuổi phương thức song phương, đàm phán hoà bình. Phương thức này là đúng đắn nhưng khó hy vọng thành công được.
Nếu phương thức đó không xong, chúng ta phải nhờ đến bên thứ ba có uy tín làm trung gian hoà giải.
Cao hơn nữa là dùng đến các định chế quốc tế, cao nhất là nhờ Thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc can thiệp.
Cuối cùng không được thì kéo nhau ra toà án tư pháp quốc tế mà ở đây là Toà án tư pháp quốc tế La Haye và Toà án công lý quốc tế luật biển.
Nhưng tôi muốn nhấn mạnh điều này, khi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi còn tri phối chính sách ngoại giao của bất kỳ quốc gia nào trong tranh chấp biển đảo thì sẽ không có chỗ cho chủ nghĩa quốc tế trong sáng và 95 triệu người Việt trong và ngoài nước phải hiểu rất rõ điều này, nhất là những người có trọng trách đứng đầu đất nước không được mơ hồ. Dù việc đòi lại Hoàng Sa là vô cùng khó khăn nhưng chúng ta vẫn phải làm.
Cảm ơn Thiếu tướng!
Tuấn Ngọc (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét