Quảng Trị: Theo dõi sát hiện tượng thấm, lún ở các đập thủy điện
Dù vẫn chưa khắc phục xong hậu quả của cơn bão số 10 và 11, toàn tỉnh Quảng Trị một lần nữa gồng mình lên để phòng chống bão.
Theo thông tin mà PV Thanh Niên Online có được, hiện toàn tỉnh Quảng Trị có 130 hồ chứa, 209 đập dâng và 5 hồ thủy điện.
Ông Nguyễn Duy Thông, Tổng giám đốc Công ty quản lý khai thác các công trình thủy lợi Quảng Trị sáng 9.11 cho hay đơn vị hiện đang quản lý 14 hồ đập lớn với tổng dung tích hơn 200 triệu m3 .
“Gần như 100% các hồ đã đầy, đạt dung tích thiết kế. Để chủ động ứng phó bão, chúng tôi đã mở cửa cống, xả lũ 6/14 hồ đập, đồng thời yêu cầu anh em túc trục 24/24, sớm ghi nhận các hiện tượng thấm, lún nếu có”, ông Thông nói.
Cũng trong sáng 9.11, PV Thanh Niên Online đã về xã Hải An, một xã miền biển thuộc H.Hải Lăng.
Lãnh đạo địa phương cho biết, ngay từ sáng sớm, lực lượng chức năng đã cùng người dân khẩn trương triển khai các biện pháp chống bão. Trong thôn xóm, tiếng còi hú báo động bão và những thông điệp cảnh báo bão của chính quyền địa phương được phát đi liên hồi.
Là đơn vị vũ trang đóng trên địa bàn, Đồn biên phòng Mỹ Thủy đã điều động khoảng 30 cán bộ, chiến sĩ giúp dân kéo tàu thuyền lên bờ, cố định vào những vị trí an toàn. Tại những nhà dân còn tạm bợ, lực lượng cũng khẩn trương chằng chống nhà cửa hoặc tháo toàn bộ phần mái xuống.
Có mặt chỉ đạo công tác, đại tá Hoàng Hữu Chiến, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết : “Xác định đây là cơn bão cực mạnh, nên chúng tôi đã chỉ đạo các đồn biên phòng phải tập trung lực lượng giúp dân, tránh để dân thiệt hại về tính mạng và tài sản. Mọi công tác chuẩn bị phải hoàn thành trước 17 giờ chiều 9.11. Và ngay sau khi bão đổ bộ, các cán bộ chiến sĩ cũng phải phối hợp với chính quyền địa phương để khắc phục thiệt hại”.
Quảng Ngãi: Lo ngại bão vào trong đêm tối
Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió cấp 5, cấp 6 và gió bão đang mạnh lên. Công tác phòng chống bão đang được chính quyền và nhân dân khẩn trương thực hiện.
Việc neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, di dời dân ra khởi vùng nguy hiểm... đang được gấp rút triển khai, đảm bảo hoàn thành trước 17 giờ chiều nay (9.11).
Tại Vũng neo trú tàu thuyền An Hải, gần 400 phương tiện tàu cá đang hoạt động trên biển đã vào nơi tránh trú an toàn. Trong đó, có gần 40 phương tiện tàu cá đang khai thác hải sản tại ngư trường Trường Sa cũng đã kịp chạy về cập đảo, tìm nơi tránh trú an toàn.
Xác định bão số 14 có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đảo Lý Sơn vào tối và rạng sáng mai 10.11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Lý sơn đã khẩn trương họp bàn để có biện pháp đối phó với bão, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động chằng chống nhà cửa cùng tài sản... hướng dẫn các hộ dân sử dụng bao cát và các vật dụng khác để chằng chống nhà cửa phòng khi mưa bão đổ bộ vào gây tốc mái hoặc làm hư hại nhà cửa như những cơn bão trước.
Ngoài ra, địa phương còn tổ chức đoàn công tác, phân công lực lượng xuống địa bàn để kiểm tra, đôn đốc theo dõi nắm tình hình công tác phòng chống bão, tổ chức di dời trên 40 hộ dân sống ở các vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao về nơi tránh trú an toàn; đảm bảo về tài sản, tính mạng người dân khi mưa bão đổ bộ vào đảo trong đêm tối.
Ngày 9.11, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã về kiểm tra công tác phòng chống bão số 14 tại tỉnh Quảng Ngãi.
Phó thủ tướng hoan nghênh sự năng động của tỉnh Quảng Ngãi trong việc huy động toàn bộ các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và vùng ven biển tình nguyện tiếp nhận số dân sơ tán.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, tổng số dân cư phải di dời, sơ tán là gần 80.000 hộ dân với hơn 400.000 khẩu ở các xã ven biển, đảo, ở nhà cấp 4, nhà tranh tre tạm bợ, vùng có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở núi, bờ sông, bờ biển, vùng hạ du hồ chứa nước xung yếu. Đến chiều tối 9.11, công tác di dời dân đã hoàn thành.
Quảng Nam, Đà Nẵng: Đổ xô đi mua vật liệu xây dựng gia cố nhà cửa
Trước thông tin cơn bão số 14 (tức bão Hải Yến) có sức tàn phá khủng khiếp khi đổ bộ, người dân Quảng Nam đã đổ xô đến các cửa hàng vật liệu xây dựng để mua đồ về gia cố nhà cửa.
Sáng sớm nay 9.11, hàng trăm người dân tại TP.Tam Kỳ đã đến các cửa hàng trên địa bàn để mua các thiết bị, vật liệu về chằng chống nhà cửa. Mặt hàng bao tải, dây thép, dây cáp, đinh vít bỗng nhiên đắt hàng.
Anh Nguyễn Thanh Thiên (35 tuổi, trú tại P.An Mỹ, TP.Tam Kỳ) cho biết, anh mua 120 m dây cáp với giá 800.000 đồng để về giằng mái nhà.
“Cũng tốn tiền thật, nhưng nghe đài báo bão số 14 giật cấp 17, tôi lo quá nên chỉ chờ trời sáng để đến cửa hàng mua đồ về chống bão ngay”, anh Thiên nói.
Thế nhưng, do lượng người mua tăng đột biến nên đi mua hàng từ khi 6 giờ 30 phút nhưng đến 2 tiếng sau, anh Thiên vẫn chưa đến lượt thanh toán tiền.
Chủ hiệu buôn Phi Cúc (trên đường Phan Chu Trinh, TP.Tam Kỳ) mồ hôi chảy ròng vì khách quá đông, nói: “Mấy cơn bão trước, người mua thưa thớt lắm. Nhưng nghe cơn bão số 14 quá mạnh nên người mua tăng lên. Ngớt khách, tôi cũng phải chằn chống lại quán rồi đi tránh bão”.
Trong khi đó, tại các vùng ven biển như Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, Núi Thành… người dân cũng đang khẩn trương dùng các bao tải cát để chằng mái nhà.
Cạnh cầu Kỳ Phú (TP.Tam Kỳ), hàng chục người dân kéo đến để xúc đất cát về gia cố mái nhà. Dọc bờ biển Tam Thanh, quán sá đã đóng cửa kín mít, tàu thuyền loại nhỏ đã được ngư dân kéo vào sát khu dân cư.
Trước tối ngày 9.11, hàng ngàn hộ dân sống tại các vùng ven biển như Duy Hải, Duy Nghĩa (H.Duy Xuyên), Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), Cửa Đại (Hội An)… sẽ được di dời đến những nơi an toàn.
Tại huyện Tây Giang, chính quyền địa phương cũng đang thực hiện phương án di dời các hộ dân tại xã Dang, Ch’Ơm, A Tiêng… Huyện Nam Giang đã lập sở chỉ huy tiền phương để chỉ đạo việc ứng phó với cơn bão số 14.
Trước những thông tin về sức tàn phá dữ dội của siêu bão Hải Yến, người dân Quảng Nam không chỉ chèn chống nhà cửa để bảo vệ tài sản, mà còn đào cả hầm trú ẩn.
UBND huyện Đông Giang cũng đã có chỉ đạo nghiêm cấm người dân qua lại những khu vực nguy hiểm, dễ bị nước cuốn như: ngầm Dốc Rùa (xã A Ting), cầu Sông Vàng (xã Ba), cầu Lấy - Nà Hoa (xã Tư)…
Gia đình ông Lê, bà Lựu (trú xã Đại Hồng, H.Đại Lộc, Quảng Nam) là một trong những gia đình đã phải sử dụng phương án này để tránh bão.
Ông Lê cho hay, gia đình gồm 5 người sẽ xuống hầm nếu bão mạnh, bởi cảm thấy không yên tâm khi ở trong nhà.
Hầm được ông bà khoét sâu trong lòng đất, trong vườn nhà. Sau đó lấy gỗ và tôn chèn kín, đắp bao ny lon lên trên để tránh mưa bão.
* Đến trưa 9.11, người dân Đà Nẵng gần như đã chuẩn bị xong phương án để mong giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại khi bão Hải Yến đổ bộ.
Ở các khu chợ trên địa bàn Đà Nẵng, các tiểu thương đã nhanh chóng dọn hàng, nghỉ bán từ rất sớm để chuẩn bị về nhà phòng chống bão. Các cơ quan, xí nghiệp cũng nhận được công văn yêu cầu cho công nhân nghỉ làm trong ngày.
Các mặt hàng như đèn pin, đèn sạc, nến, dây thép, đà gỗ, bao cát... trong tình trạng cháy hàng. Rất nhiều nơi bày những bao cát loại 10 kg ra bán với giá 15.000-20.000 đồng/bao. Dây thép, dây dù ... cũng không dễ để mua được hàng.
Mì tôm, các loại rau, củ, thịt…dù giá có nhỉnh hơn nhưng người dân vẫn giành nhau mua để trữ.
Không chỉ dung bao tải cát để chèn chống mái nhà, người dân còn dung cả những can nhựa chứa nước để chèn chống nhà cửa.
Không khí cấp tập từng giờ, từng phút.
Bình Định: Vẫn còn 67 tàu (521 người) ngư dân trong vùng nguy hiểm
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết đến chiều 9.11 vẫn còn 67 tàu (521 người) của ngư dân trong tỉnh nằm trong khu vực nguy hiểm của bão Hai Yến trên biển Đông. Trong đó, khu vực quần đảo Hoàng Sa có 3 tàu/24 người và khu vực quần đảo Trường Sa: 64 tàu/407 người.
Trong ngày 9.11,Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bình Định đã phân công cán bộ xuống các địa phương, cơ sở kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão Hải Yến, chuẩn bị sơ tán dân, giằng chống nhà cửa, sắp xếp tàu thuyền neo đậu, thu hoạch lúa vụ mùa, bảo đảm an toàn hồ chứa.
Sở Công thương tỉnh Bình Định đã tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu tại tỉnh và các địa bàn xung yếu: 178 tấn gạo, 63.500 gói mì, 12.450.000 lít xăng dầu, 15.000 chai nước uống....
Trong khi đó, Đại tá Ngô Văn Cải, Lữ đoàn trưởng 146, Vùng 4 Hải quân cho biết: "Theo dự báo, cơn bão sẽ đi qua điểm đảo gần nhất là Song Tử Tây, nên từ chiều ngày hôm qua, bộ đội trên đảo đã giúp ngư dân đưa 64 phương tiện tàu thuyền vào âu tàu neo đậu chặt chẽ, tổ chức đưa toàn bộ 736 ngư dân trên các tàu thuyền này lên Nhà tiếp dân của đảo, để tránh trú bão, không để bất cứ một người nào trên tàu thuyền".
Từ đảo Nam Yết, Trung tá Trần Đình Hòa, Chính trị viên phó đảo Nam Yết gấp gáp: "Hiện tại, khu vực đảo Nam Yết sóng đã lên cấp 6, gió mạnh làm gãy một số cây nhỏ trên đảo!"
Cụ thể hơn, Trung tá Hòa thông tin: Ngay từ khi nhận lệnh từ Bộ tư lệnh Quân chủng, Bộ tư lệnh Vùng 4 và Chỉ huy Lữ đoàn 146, toàn đảo đã tập trung công tác chằng chống nhà của (chèn bao cát, gia cố mái tôn), đặc biệt là việc bảo quản vũ khí khí tài và đảm bảo hầm hào công sự, chèn bao cát không cho nước tràn vào các hố bắn...
Chỉ huy đảo Nam Yết cũng thành lập 2 tổ sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tàu cá của ngư dân trong khu vực.
Ngoài đảo An Bang, Thiếu tá Bùi Văn Đệ, Chính trị viên đảo cho biết: kế hoạch phòng chống lụt bão đã được xây dựng từ trước, đối với cơn bão Hải Yến này, do dự báo cường độ mạnh, ngay từ hôm qua, toàn đảo đã tập trung vào các công việc chằng chống nhà cửa. Đặc biệt, với hệ thống thông tin liên lạc, cho hạ độ cao và chằng buộc cẩn thận - tiện lợi, vừa đảm bảo an toàn vừa sẵn sàng chiến đấu, phục vụ nhiệm vụ đột xuất".
Quảng Bình: Lo bão tới, người dân mua lương thực, xăng dầu... dự trữ
Đến trưa 9.11, người dân Quảng Bình tiếp tục nỗ lực chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền tránh bão số 14.
Theo dự báo, mặc dù tâm bão không trực tiếp đổ bộ vào nhưng Quảng Bình vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng nguy hiểm. Đặc biệt, là nơi vừa hứng chịu liên tiếp các trận bão lũ, lốc xoáy lịch sử nên người dân càng đề cao cảnh giác.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online vào sáng 9.11, dù trời hửng nắng nhưng người dân TP.Đồng Hới và các huyện thị vẫn mua bao tải về đổ cát vào để chèn đè mái nhà và dùng dây chằng lại. Người dân cũng đổ ra chợ, quầy hàng mua lương thực thực phẩm, nến, sáp, xăng dầu dự trữ.
Hà Tĩnh: Di dời khẩn cấp 50.000 dân
Ngày 9.11, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn hỏa tốc gửi các cơ quan chức năng liên quan, yêu cầu di dời hơn 14.000 hộ dân với hơn 50.000 nhân khẩu ở khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn trước lúc siêu bão Hải Yến vào.
Người dân ở các khu vực nguy hiểm thuộc diện phải di dời khẩn cấp gồm: Kỳ Anh, Lộc Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP.Hà Tĩnh.
Cùng ngày, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Hà Tĩnh, hiện tại vẫn còn 112 phương tiện với gần 500 thuyền viên hoạt động trên biển, nhưng tất cả những người này đã nắm được thông tin về siêu bão đang đến gần, đang vào nơi trú ẩn an toàn.
Ngoài ra, trước diễn biến phức tạp của siêu bão Hải Yến, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai nhanh các phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi, thủy điện và các công trình phòng chống lụt bão trên địa bàn.
Thừa Thiên - Huế: Lo lũ chưa qua, bão tới
Trong buổi họp phòng chống siêu bão Hải Yến (bão số 14), sáng 9.11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB T.Ư) đã đến Thừa Thiên - Huế và thị sát một số vùng xung yếu nằm ven biển đồng thời có cuộc họp khẩn với lãnh đạo tỉnh.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho hay hiện toàn bộ 1.819 tàu thuyền (có 6 tàu tỉnh bạn) đều đã vào bờ neo đậu tránh bão.
Ông Cao cũng cho biết hiện toàn bộ học sinh trong tỉnh đều đã được cho nghỉ học. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương cũng như khuyến cáo người dân chuẩn bị lương thực để ứng phó với siêu bão Hải Yến ít nhất trong một tuần.
Ông Cao cho biết tỉnh này vừa hứng chịu những ngày mưa thượng nguồn lớn đã gây ngập lũ ở vùng hạ du, vừa bão vừa lũ nên nhiều khó khăn đang thách thức khiến công tác phòng chống bão lũ hết sức cam go.
Hiện tất cả các lực lượng quân đội, bộ đội biên phòng, công an, y tế… đều đã sẵn sàng ứng phó cả trước, trong và sau bão, lũ.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết dự báo từ 4 giờ sáng, chậm nhất là 10 giờ ngày 10.11, bão vào đất liền, vùng tâm bão là Quảng Ngãi đến Thừa Thiên -Huế.
Ngoài sức gió mạnh chưa từng thấy, siêu bão Hải Yến cũng sẽ làm nước biển dâng cao 4 - 6 mét, sóng có thể cao đến 10 mét vì thế ngoài công tác sơ tán dân, tỉnh cần hết sức đề phòng trong việc neo đậu tàu thuyền, làm sao giảm thiệt hại thấp nhất.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, người dân tại nhiều vùng ven biển và đầm phá của tỉnh Thừa Thiên - Huế khá chủ động và cảnh giác cao độ đối với siêu bão số 14.
Dọc các tuyến ven biển, đi đâu cũng gặp cảnh người dân chằng níu nhà cửa. Một số nhà dân tại thị trấn Thuận An đã chủ động tháo dỡ mái nhà lợp tôn của mình đi sang nhà khác trú bão để giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn.
Bà Trần Thị Lường (thị trấn Thuận An, H.Phú Vang), dù đã ở tuổi 72 nhưng cũng bắc thang trèo lên mái nhà lợp tôn của mình dùng từng sợi thép nhỏ gia cố mái.
Người dân trong thôn cho biết, bà Lường có một người con trai duy nhất nhưng đang dưỡng bệnh tại nước bạn Lào sau một vụ tai nạn. Bà Lường phải sống đơn độc một mình nhiều năm nay.
Phú Yên: Quân đội giúp dân làm kè chống bão
Sáng 9.11, tỉnh Phú Yên đã huy động hơn 30 cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn bộ binh 85 thuộc Trung đoàn 888 của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh giúp dân làm kè chắn sóng ở vùng biển xóm Rớ, phường Phú Đông, TP.Tuy Hòa để phóng chống siêu bão Hải Yến (bão số 14).
Lực lượng này phối hợp với người dân, các cơ quan chức năng cùng 3 máy múc xây dựng kè bằng đá chắn sóng.
Hiện thời tiết tại Phú Yên chưa có gì bất thường nhưng người dân vẫn chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền tại nơi an toàn để đối phó với siêu bão Hải Yến.
THANH NIÊN ONLINE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét