"Cấp địa phương giải quyết sai, khiếu nại, kêu oan nhiều lần không được. Nếu đưa lên cấp trên lại bảo vượt cấp thẩm quyền, rồi chuyển lại hồ sơ về địa phương".
*Ai nghe thấu tiếng trống kêu oan của người dân vô tội?
Độc giả Trần Dân Lập đề cập đến thực trạng của những người bị kết án oan nhưng không biết cầu cứu cơ quan chức năng nào, đành chịu cảnh "trời kêu ai người đó dạ".
Trong những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội giết người và phải ngồi tù oan trong suốt 10 làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của ông, gia đình và dòng họ. Nhưng vấn đề mà độc giả quan tâm ở đây là: Ai sẽ là người trả lại những gì mà ông đã mất trong 10 năm qua? Ai sẽ lắng nghe tiếng kêu oan của những người dân vô tội?
Bạn đọc Han đặt câu hỏi: "Cấp địa phương giải quyết sai, khiếu nại, kêu oan nhiều lần không được. Nếu đưa lên cấp trên lại bảo vượt cấp thẩm quyền, rồi chuyển lại hồ sơ về địa phương. Nhưng nếu đông người kêu oan, khiếu kiện lại coi là gây rối trật tự công công, phạm pháp. Vậy làm thế nào nếu bị oan?”.
Phải mất 10 năm vụ án oan của ông Chấn mới được lật lại để làm công lý sáng tỏ, bạn đọc Phạm Vinh cho rằng: “Ông Chấn là một người dân thấp cổ bé họng, không biết được đầy đủ các quyền công dân của mình. Các điều tra viên, quan tòa của vụ án này quá kém nên mới có chuyện oan sai 10 năm mới lộ ra sự thật khi có người đứng ra nhận tội. Vậy tại sao không thành lập thêm một ban tiếp nhận và giải quyết những khiếu kiện của người dân để không xảy ra những sự việc đáng tiếc như vậy nữa?", Phạm Vinh nói thêm.
“Điều đáng mổ xẻ trong câu chuyện này là vợ chồng ông Chấn kêu oan nhiều nơi tại sao không có cơ quan nào chú ý và giải quyết. Chẳng lẽ khi bị oan thì phải chịu hay sao”, bạn đọc Dung Le Viet.
Độc giả Công Bình bức xúc: “Bắt người ta nhận tội trong khi không tìm thấy tang vật vụ án là con dao gây án, không so được vân tay. Tốt nhất bây giờ phải có luật sư bên cạnh khi bị hỏi cung điều tra”.
Độc giả Son nghi ngờ: "Liệu còn bao nhiêu vụ án oan chưa ra ánh sáng đây? Đến khi nào nước ta mới thành lập được một cơ quan giải quyết các khiếu kiện của người dân".
"Xử lý nghiêm những người ép cung và xử sai là một việc. Việc quan trọng hơn là ngành công an, toà án, viện kiểm sát phải làm gì để không xảy ra những vụ tương tự như thế này. Phải làm gì để có cơ chế giám sát thường xuyên để đảm bảo tính công minh trong từng vụ án", bạn đọc Lan Nguyen góp ý.
"Quốc hội nên có một ban chuyên trách tiếp nhận và giải quyết các vụ án oan"- độc giả Hoang nói.
Độc giả Thu Thảo đồng tình: "Việc có một nơi chuyên giải quyết án oan là vô cùng cần thiết. Có như vậy mới tránh được những án oan đáng tiếc xảy ra, gây ảnh hưởng đến sinh mệnh, nhân phẩm, danh dự của người dân".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét