Có một chút khác biệt giữa cách gọi phố phường ở Sài Gòn và Hà Nội.Trong nội thị, Sài Gòn gọi là đường, ví dụ “đường Hùng Vương”, Hà Nội gọi là phố, ví dụ “phố Bà Triệu”. Trong phố đã có đường. Có đường chắc gì đã có phố. Bởi vậy, “Em ơi, Hà Nội – Phố” thì xuôi tai, “Em ơi, Sài Gòn – đường” nghe lãng xẹt! Nhưng vốn chịu chơi, Sài Gòn “nhép” một từ, hòa ca cùng Hà Nội, cũng có sao đâu!
Sài Gòn đầu thế kỷ mười bảy như miền viễn tây nước Mỹ. Nó tiếp nhận và định cư mọi tộc người, mọi nền văn hóa theo luật chơi tứ chiếng. Sài Gòn là hợp chủng phố của Tây, Tàu, Ấn, Xiêm, Miên…, khảm thêm màu da, màu mắt vào bức sơn dầu Việt!
Sài Gòn vốn là vùng đất mở, không địa linh nhân kiệt, đỏng đảnh như gái muốn chồng, thèm con, suốt ba trăm năm ngựa chứng. Ngựa hay phải có Nài giỏi. Thời nào cầm cương khôn ngoan Sài Gòn phi nước kiệu cùng những cú nhảy ngoạn mục.
Trước khi người Pháp đến, Sài Gòn đã có phố. Những đường phố sánh đôi cùng kênh rạch, luồn lách trong rừng khộp, rừng sác “dưới sông cá lội, trên bờ cọp đua”. Một Sài Gòn phố thị ngay cạnh lương sơn Bạc Bình Xuyên giang hồ, luôn bất ngờ nổi loạn. Khộp ngã dần, sác lùi ra biển, Sài Gòn lứa đầu cùng lúc đẻ ba đường phố con so ; bây giờ là đường Hai Bà Trưng nối quận Một và Phú Nhuận, đường Nguyễn Trãi nối Bến Thành và Chợ Lớn, đường Cách Mạng Tháng Tám nối Cầu Muối và Tân Sơn Nhất.
Một Sài Gòn phố thị ngay cạnh lương sơn Bạc Bình Xuyên giang hồ,
luôn bất ngờ nổi loạn (Sài Gòn 1922)
Nhưng phải đến ba mươi tháng tư năm một tám sáu hai, thống sứ Bonafd mới ký duyệt đồ án xây dựng thành phố Sài Gòn năm chục nghìn dân. Từ đây, Sài Gòn như đứa bé hoang thai, tự dứt khỏi núm nhau sình lầy, rừng rú . Một đứa trẻ sơ sinh đã tự đứng dậy “rũ bùn” như thế thường ít bệnh tật , hay ăn chóng lớn!
Từ một nghìn tám trăm sáu bẩy, đường phố Sài Gòn đã có đèn chiếu sáng bằng dầu dừa, hai năm sau thay bằng dầu hỏa . Một ngàn tám trăm chín ba Sài Gòn có chín mươi ba cây số đường phố thì đã có ba mươi lăm cây số được thắp sáng bằng đèn điện . Sài Gòn là thành phố sáng nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ .
Những đường phố cổ xưa nhất của Sài Gòn khoảng một trăm năm mươi tuổi. Có khoảng mười đường phố tuổi ấy. Nhưng rất lạ, những đường phố ấy không già theo năm tháng, không chạm ngưỡng thời gian, như thể gái càng nhiều con, càng mòn nhiều con mắt!
Đường Đồng Khởi bây giờ, tên thôi nôi là đường số mười sáu. Năm một tám sáu nhăm đổi là Catinat. Năm một chín năm nhăm đổi tiếp thành đường Tự Do. Bằng ấy cái tên cho một đường phố, không làm thay đổi vẻ sang trọng và giàu có vốn dĩ thuở nào. Khách sạn năm sao, đồng hồ Thụy Sỹ, mỹ nghệ cao cấp…giăng kín mặt tiền. Giới kinh doanh bất động sản đồn thổi giá sàn Đồng Khởi hiện nay khoảng bảy mươi nghìn đô một mét vuông. Nhưng không phải muốn là mua được. Chỉ riêng phí đăng ký chờ xem nhà, có khi chờ vô thời hạn, đã mất năm ngàn đô. Nhưng Đồng Khởi không chỉ rạng danh nhờ sang trọng và giàu có. Giá trị ở trần gian là sự khác biệt. Đồng Khởi là nơi xuất hiện quán cà phê đầu tiên ở Đông Dương, quán cà phê deparis nơi sứ bộ Phan Thanh Giản và nhiều chính khách Pháp ghé tới nhâm nhi cà phê phin, thương thảo chuyện quốc gia đại sự. Để thiết lập một thuộc địa , người Anh mở bóp tiền, người Tây Ban Nha xây nhà thờ, người Pháp dựng quán cà phê. Bằng quán cà phê de Paris trên đường số 16 Sài Gòn, năm một ngàn tám trăm sáu tư, người Pháp gián tiếp khai trương vùng thuộc địa mới của nước Pháp ở Châu Á!
Sài Gòn năm 1970 |
Con đường cổ tích nhất của Sài Gòn là Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Gọi là cổ tích vì nó xưa nhất lại thêm chút lãng mạn và kỳ bí. Tên lọt lòng của nó là đường hai sáu. Đây là con đường tự phát vì nhu cầu dân sinh. Nó như đứa con của thành phố từ lỗ nẻ chui lên, không qua hôn phối. Một ngàn tám trăm bảy mươi mang tên Mác- ma- hon. Một ngàn chín trăm năm nhăm đổi ra Công Lý. Năm một ngàn chín trăm tám nhăm bị cắt ngắn phân nửa, chỉ còn từ kênh Nhiêu Lộc đến Lê Lợi. Nam Kỳ Khởi Nghĩa cắt mặt dinh Độc Lập, thấp thoáng những công thự sau những cây sao, cây khộp trăm tuổi. Thời nào nó cũng là con đường quyến rũ quyền lực và lưu giữ phần lớn thâm cung bí sử của “Hòn ngọc viễn đông”.
Khác với Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Nguyễn Huệ vốn là con kênh, kênh Lớn. Khi thành đường phố nó mang cái tên có mùi mẽ hảo hán giang hồ: Đường Ba Tàu Bảy Đen, ám thị con phố của những tay buôn anh chị người Hoa người Ấn. Ban đầu tên đường là Charner . Cái tên Nguyễn Huệ có từ thời Ngô Đình Diệm đến nay. Nguyễn Huệ là đường phố ngắn nhưng rộng, được án ngữ bởi Tòa Đô Chính, nay là ủy ban nhân dân thành phố, tượng trưng cho quyền lực mà con người luôn ganh đua thâu tóm và kề dòng sông Sài Gòn lãng mạn, mà ai qua đây cũng có thể được nó ban tặng, khi một nụ hôn gió rười rượi, khi một mi sóng gợn lòng! Mỗi tết ta, Nguyễn Huệ thành một đường hoa phương Nam, bồ nhí cùng đào phai Hà Nội .
Nguyễn Huệ thành đường hoa phương Nam mỗi dịp tết đến |
Sài Gòn còn một đường hoa khác, không phải hoa thực vật mà là hoa người, hoa con gái. Con đường Hoa ấy cắt ngang đại lộ Canton, nay là Hàm Nghi. Hoa hồng nhan thường bạc mệnh. Đường hoa chết yểu nhưng vẫn lởn vởn đâu đây những hồn thiêng son phấn cùng nghiệp chướng thi nhân:
“Đường hoa son phấn đợi
Ai gấm về xênh xang”.
( Vũ Hoàng Chương )
Những đường phố giao nhau như Ngã Sáu, Ngã Bảy, Cây Gõ… cũng làm Sài Gòn thêm vẻ lãng tử, phiêu đãng. Ngã tư Đề Thám – Bùi Viện một thời kiêu hãnh với danh xưng Ngã Tư Quốc Tế! Theo cách đặt tên của người Sài Gòn, Ngã Tư Quốc Tế vừa có nghĩa là nơi rộng cửa tiếp nhận bốn phương, dung nạp mọi nền văn hóa, vừa có nghĩa là chốn giang hồ, ăn chơi đàng điếm. Tiệm Billard France nói nên cái cách thể thao cờ bạc mốt Tây. Quán bar Bia Bốc thể hiện đẳng cấp cụng ly, phong độ say xỉn của những đại gia thua , thắng sau các phi vụ làm ăn lớn. Trung Tâm chiêm tinh Minh Nguyệt phán xét số phận đỏ đen theo những lá bài Ai Cập. Công ty mai táng Tô Bia thu xếp vĩnh hằng cho những người tâm linh thiên chúa về nơi cát bụi…Ấn tượng hơn cả là sự hiện diện của cơ sở Ba Tru chuyên lắp ghép chân tay giả, chủ yếu cho dân đâm thuê chém mướn, chặt chém theo hợp đồng bằng mã tấu, dao lê.
Khác với Ngã Tư Quốc Tế, tứ giác xanh giữa Sài Gòn giới hạn bởi Hồ Con Rùa, bệnh viện Nhi Đồng II, Bảo tàng, công viên Tao Đàn, thăng hoa một Sài Gòn cổ điển, hoa lệ, hiền hòa. Ở đó, sau dinh Độc Lập, lặng lẽ đường Huyền Trân Công chúa, e ấp dưới mái xanh cổ thụ, âm thầm những cảm xúc sương khuya. Ở đó, tháp chuông nhà thờ Đức Bà ngước trời vời vợi làm nao lòng lứa đôi đêm Thánh. Ở đó , bưu điện thành phố với nghệ thuật kiến trúc mong manh giữa biên giới buồn vui vẫn không giấu được vẻ đài các, kiêu sa. Ở đó, quảng trường Công Xã Pa Ri nếu cộng thêm xe thổ mộ, bành tô, ba toong và mũ phớt…, người của thế kỷ hai mốt có thể hóa thân thành mệnh phụ hay bá tước Tây Âu thế kỷ mười chín!
Hà Nội là thành phố của những vương triều nên thời nào mọi ý tưởng quy hoạch kiến trúc cũng phải đánh đu với thuật phong thủy, cung kính theo nghi lễ quân thần và đạt đích lợi nhuận của quyền lực. Sài Gòn không thế. Nói đúng hơn, quyền lực ở Sài Gòn không thể nhũng nhiễu được nhiều như Hà Nội. Bởi Sài Gòn là thành phố của ngẫu hứng vi diệu, miên man cùng sông, biển, kênh, rạch và nắng gió..., “theo thì sống, chống thì chết”.
Đô thị mới Phú Mỹ Hưng bây giờ hay Thủ Thiêm sau này, cũng theo long mạch ấy mà phát tiết!
Ngô Quốc Túy
(Cảm ơn tác giả đã gửi bài tới Quê Nhà)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét