Ký sự Quê nhà

SÀI GÒN “SIÊU HỶ”

                                                                                                  Ngô Quốc Túy
                                                        
    Và cứ thế..., cưới Sài Gòn luôn thể hiện phong độ “phần nổi”.

                                                                                       

    Trong dân gian có tranh đám cưới chuột, không thấy tranh đám cưới người. Chắc tranh đám cưới người đông quá, khó vẽ! Trên trái đất mỗi tộc người có một văn hóa cưới riêng. Văn hóa cưới do con người bày ra nên con người cũng có thể thay đổi. Nó thường bền lâu ở những vùng sơn cước hay hải đảo xa xôi. Nó luôn được thêm, bớt, làm mới..., ở những chốn quần cư hội nhập.
   Không biết chỗ khác trong lãnh thổ Việt, cưới hỏi như thế nào chứ ở Sài Gòn cưới hỏi bây giờ lạ lắm. Xét thứ bậc thì có cưới bình dân, cưới đại gia….Xét bản chất thì có cưới thật cưới giả…Xét địa lí thì có cưới nội thành, cưới ngoại thành….Nhưng là loại cưới gì thì chúng cũng giống nhau : “Ôi vui quá xá là vui. Nhà trai hăng hái bên gái kém gì đâu…Ông Sui cũng đang nói với bà Sui. Dâu với rể hiền xứng lứa thiệt vừa đôi…” Đó là những ca từ trong bài hát “ruột”  Ngày Xuân Vui Cưới thịnh hành cả chục năm nay, dân Sài Gòn ai cũng thuộc. Nó cứ vô tư oang oang, hoành tráng khắp cõi tân hôn mà không màng tới nguồn cơn vui buồn của người trong cuộc.
   Công nghiệp cưới Sài Gòn phát triển đến chóng mặt. Ước tính hiện có khoảng 250 nhà hàng tiệc cưới chuyên nghiệp, chưa kể  một số Hotel hoặc Restaurant nhảy dù vào mùa động hỷ hứng tình. Từ loại siêu hỷ nhà hàng như White Palace, Sinh Đôi, Gió và Nước…Đại hỷ như Phong Lan, Đệ Nhất, Đông Phương…Trung Hỷ như Thiên Thai, Cõi Mơ, Thượng Uyển…Đến tiểu hỷ ba ca nhan nhản ở khu công nghiệp chế xuất dành cho những đôi lứa lãnh lương ATM, trả nợ gối đầu quán cóc, nhưng buộc phải cưới vì không thể nín được!
    Mỗi năm doanh số công nghiệp cưới Sài Gòn thu được từ sản phẩm tân hôn, tái hôn cả nghìn tỉ đồng. Thiệp cưới, áo cưới, ảnh cưới, xe cưới, mâm quả, cổng hoa, phù dâu, thiên thần…luôn sẵn có, tha hồ chọn lựa. Người căn cơ thì đến tận Lý Thái Tổ, Quận 10 đặt thiệp; đến ngã ba Ông Tạ, quận Tân Bình chọn mâm quả; đến Minh Long Bridal, Quận Bình Thạnh ngã giá album…Người sành điệu ga lăng thì hợp đồng một mạch “Mật Ngọt Sinh Đôi – Honey Bees “ với công ty “Con ong mật” ở Hoàng Diệu , Quận 4..., là OK, tưng bừng từ hỏi đến cưới, từ vu qui đến tân hôn, đảm bảo mát lòng hai họ!
   Một đám cưới “thường thường bậc trung” mang hương vị Sài Gòn đích thực thời giá 2013 cũng phải trên dưới 200 triệu; 90 triệu cho 25 bàn; 25 triệu cho tiger bia chai lớn; 20 triệu cho nhẫn cưới, ngũ quả, màn vũ công, xe đưa đón; 20 triệu cho thiệp cưới, áo cưới, album ngoài trời; 20 triệu cho nội thất động phòng; còn lại nướng vào tuần “trăng ngọt” Mũi Né hoặc Đà Lạt. Đó là chưa kể tiền tàu xe, ăn ngủ cho cô dì chú bác ở quê đến chia vui và trả nợ thiệp hồng. Nếu là siêu cưới Sài Gòn, tiền tỷ có thể tới vài con số, sem sẻm đám cưới cặp đôi Jang Đong Gun và Go So Young ở khách sạn Shilla Hàn Quốc.
   Cưới Sài Gòn cũng tiên phong về cách tân và lắm chiêu “độ” phong tục. Cuối thế kỉ trước, nhà nước cấm đốt pháo, Sài Gòn thế ngay tiếng pháo thu băng. Sau này, đổi tông hiệu ứng âm thanh kết hợp cách điệu sắc màu sân khấu bằng những dây bóng bay xanh, đỏ, ép nổ ngay hai bên cánh gà. Công nghệ đèn chiếu, múa bụng cũng được đưa vào vận hành khôn khéo, ép phê đến độ như thể “thuần phong mỹ tục”, mà tân lang, tân nương không thể không theo. Mới đây cưới Sài Gòn đang thử nghiệm châm thêm màn múa lân vào bầu rượu hỷ tân hôn làm sủi tăm giấc mơ sợ hãi cho những đôi tân hôn công chưa thành danh chưa toại đang ý định cùng đứng tên trong thiệp hồng lần thứ nhất. Bởi một màn múa lân cưới chuyên nghiệp như thế cũng móc hết hầu bao hy vọng tiền mừng từ 30 đến 50 triệu đồng.
   Đám cưới phân ra đẳng cấp, khách mời cũng phân ra đẳng cấp. Những người giàu có phát tiết tâm hồn tiệc tùng, rất khoái trở thành cua rơ chạy sô dự cưới thiên hạ để có cớ chưng diện, có cớ cụng li trong không khí hào sảng tràn ngập múa, hát, nói, cười; vui là chính, phong bì không thành vấn đề. Nhưng cũng không ít người méo mặt, coi thiệp hồng như giấy báo nợ. Nó ám ảnh như một thứ hụi chết. Không ít người nơm nớp mùa Noel đến, bởi mùa Noel đến là mùa cưới ở Sài Gòn đang về ! Thông thường tiền mừng cưới tùy thuộc vào thân, sơ, mục đích và điểm đến. Thân, sơ để phân biệt “giọt máu đào” hay “ ao nước lã”. Mục đích là để phân biệt trả nợ hay hối lộ theo cách “tình thương mến thương”. Điểm đến là sảnh cưới chờ ta để phân biệt “đại hỷ” hay “tiểu hỷ”. Nhưng một suất vé bước qua cổng hoa, bèo cùng đinh cũng không thể dưới 300 nghìn. Những người làm công ăn lương hạng muỗi ở Sài Gòn gặp khi thiệp hồng nối đuôi bay đến, quẫn bách trách bậy nhà nước sao không cơ cấu khỏan này vào lương tối thiểu hàng tháng!

          Đám cưới tập thể 100 cặp chạy xe đạp điện tại Sài Gòn (2/9/2013)- 
    có bao nhiêu cặp đôi lãnh lương ATM?- ảnh: Tuổi trẻ

   Thói thường người ta cưới nhau vì nhiều lẽ. Cưới theo lẽ tự nhiên : Rước một nửa còn thiếu của trái tim, kết thúc hành trình tìm kiếm ngôi nhà hạnh phúc, để thưởng thức “râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Số còn lại, ngày xưa có: Cưới chạy tang, cưới chạy tang là cưới tức thì trước khi hạ huyệt ông bà hay cha mẹ, nếu không, phải chờ ba năm sau; Cưới gán nợ, cô dâu, chú rể trở thành mệnh giá thanh khoản cho cha mẹ…Ngày nay lí lẽ để cưới “trăm hoa đua nở”. Tỉ lệ cưới theo lẽ tự nhiên giảm dần. Có người cưới cho xong cái nợ đời. Có người cưới để rộng đường công danh. Có người cưới để khỏi phải thuê nhà ở trọ. Có người cưới để thực tế đời sống vợ chồng mà rút ra bài học cõi trần… Nhưng có lẽ hài hước nhất là cưới giả. Cưới giả để làm visa thật, hoàn tất giấc mơ Mỹ bằng cú nock out hôn thú!
     Cưới là hỷ, hỷ là vui. Song hỷ là vui cả hai. Suy rộng ra mọi người cùng vui. Tuy nhiên cưới thời nay chưa hẳn đã vậy. Chuyện cưới xin ở Sài Gòn lắm lúc cười ra nước mắt. Tín ngưỡng hôn nhân Á Đông chọn ngày thanh long hoàng đạo đã gây ra hiệu ứng trùng song hỷ. Phương Đông, Tân Sơn Nhất, Thiên Thai, Kỳ Hòa, Hoàng Việt…cùng lúc diễn ra chục tiệc cưới. Những người ăn đong, chỉ lo đi trả góp phong bì, chưa thuộc sơ đồ, địa bàn, rất dễ nhầm địa chỉ. Bỏ phong bì vào thùng để hoàn tất thủ tục hồi âm thiệp hồng dễ ẹc, nhưng lấy lại là không thể, không thể vì không ai nỡ phân bua tiền bạc trong thời khắc thiêng liêng như thế, đành ngậm ngùi làm lại ! Có những cặp thanh niên gốc tỉnh, già nhân ngãi non vợ chồng, thử vận may bằng một cuộc “tiểu hỷ ba ca”, mong anh em, bạn bè chung chi đông đủ, hòng kiếm chút lời. Chẳng may gặp cơn mưa chiều ghen ghét làm ngập đường, kẹt xe, khách không thể đến được. Khách không đến nghĩa là phong bì không đến…Tuần trăng mật bỗng dưng thành tuần trăng khóc !
    Ở Sài Gòn, giờ làm, giờ học, giờ nhậu, giờ hẹn hò, giờ tang lễ,… rất chuẩn. Duy chỉ có giờ khai tiệc cưới là giờ…dây thun. Nó luôn là cái bẫy làm nản lòng thực khách mới dự tiệc cưới lần đầu ở Sài Gòn. Sai lệch giữa “tích tắc” ghi trên thiệp hồng và “tích tắc” cụng li được chuẩn hóa như sự khác biệt giữa các múi giờ trên trái đất. Thường chênh nhau 2 giờ. Nếu định khai tiệc lúc 19 giờ thì nhất thiết phải in trên thiệp là 17 giờ. Riết rồi quen. Quen rồi không muốn bỏ. Nếu bỏ “giờ giấc dây thun”, ắt không còn là cưới Sài Gòn nữa !
    Kết hôn ở Sài Gòn tự do nhất nước và dị đoan cũng nhất nước. Điều e ngại nhất của anh Sui chị Sui là đôi trẻ không hợp tuổi. Nếu là tuổi Tí gặp tuổi Thìn, tuổi Thân là cực tốt. Gặp Sửu cũng khá. Gặp Dậu, gặp Mùi không ra gì. Gặp Ngọ không xấu, không tốt nhưng lắm đa đoan. Sợ nhất là tuổi tuyệt mệnh: Tí tuyệt Tị, Dậu tuyệt Dần, Ngọ tuyệt Hợi, Mão tuyệt Thân…Sợ nhì là ngũ hành tương khắc: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ,..Sợ nữa là can chi phá nhau: Giáp phá Mậu, Bính phá Canh. Rộng ra còn phải tính đến cung mệnh. Chẳng hạn nữ cung Đoài lấy nam cung Khảm thì cực tốt nhưng lấy nam cung Chấn thì lại cực xấu…Nhưng


          Mốt cưới ngoài trời thêm phần lãng mạn

thuận nghịch của số mệnh cũng như thuận nghịch của tạo hóa. Có ngũ hành tương khắc thì hiển nhiên có ngũ hành tương sinh. Và ngay trong ngũ hành tương khắc cũng không hẳn hòan tòan xấu ! Tỷ như Hoả khắc Kim nhưng nếu là mạng Sa Trung Kim thì phải có lửa, Kim mới tượng hình được. Hỏa khắc Thủy nhưng mạng Sơn hạ Hỏa, phải có nước Sơn mới lung linh được. Bởi vậy số má trong duyên phận cũng chưa hẳn là lá bùa chiếu mệnh, hay bảo kê cho hạnh phúc lứa đôi.
    Dân Sài Gòn biết lách luật ngay cả trong đời sống tâm linh. Lách như lách vỏ lãi xoay sở trên kênh Tàu Hủ, Kênh Đôi... Nếu nhất định muốn cưới, gặp khi năm cùng tháng tận, đôi uyên ương năn nỉ thầy chùa vận hết công lực thuật pháp, thế nào cũng xuất chiêu được ngày lành tháng tốt, lèo lái được số mệnh. Các thầy tướng số đã có sẵn phầm mềm cho đôi lứa hợp kiếp lương duyên và cũng sẵn cả phần mềm cho lứa đôi thuận lòng yêu thương nhưng lại nghịch ngược số má.
   Và cứ thế..., cưới Sài Gòn luôn thể hiện phong độ “phần nổi” hợp với mỗi thời đại, hợp với văn hóa Đông – Tây, dung hòa tâm linh, tín ngưỡng. Bình dù mới nhưng vẫn thứ men rượu cũ. Thứ men rượu mấy thế kỉ say sóng Đồng Nai, Bến Nghé :
                                 “ Chợ Sài Gòn đèn xanh đèn đỏ
                                    Anh coi không tỏ anh ngỡ đèn tàu
                                    Lấy em, anh đâu kể sang giàu
                           Rau dưa mắm muối nhưng có nơi nào hơn em !”

                                                                       SÀI GÒN 2013 – N.Q.T
                                                                (Cảm ơn tác giả đã gửi bài tới Quê Nhà)




Hương vị bánh Huế


Lang thang trong Huế suốt một ngày dài với những lăng tẩm và đền đài, cuối giờ chiều, bạn hãy thưởng thức những món bánh ngon của Huế.
Màn sương buông xuống, nhịp sống Huế trầm hẳn, ánh sáng le lói của những chiếc đèn chỉ đủ soi sáng góc phố. Người Huế rủ nhau đi ăn đêm. Trong thành nội đã thưa vắng người, những gánh bánh ít, bánh nậm thơm ngon khiến người đi qua không thể không dừng lại thưởng thức. Ánh đèn dầu leo lét treo trên đôi quang gánh gợi nhớ đến một Huế từ rất xưa.
422262-4053804058988-415906909-n.jpg
Hàng trăm loại bánh ngon, mỗi loại lại có một cách làm và mang ý nghĩa riêng.
Người Huế làm bánh không phải để ăn no, mà làm để thưởng thức hương vị.  Bột làm bánh ram ít, bánh bèo hay bánh nậm là thứ nếp trắng chọn kỹ, ngâm nước vừa độ để không bị chua rồi xay nhuyễn. Những con tôm tươi, vỏ mỏng mang lại hương vị thơm ngọt. Và cách chế biến các loại bánh rất cầu kỳ, tỉ mỉ.
Chiếc bánh bèo được làm theo hình dáng của cánh bèo xinh với khuôn là những chiếc chén nhỏ xíu. Múc từng muỗng bột gạo loãng đổ vào khuôn. Trông thì đơn giản nhưng để đồ được những chiếc bánh bèo đều nhau, bột không bị sánh ra ngoài là cả một nghệ thuật. Hấp chừng 5 phút là bánh chín. Lấy bánh để ra một chiếc khay nhỏ, rắc tôm chấy màu vàng gạch lên trên rồi thêm vào miếng phồng nhỏ bằng da lợn rán giòn. Bánh bèo dùng với nước chấm ngọt có mùi tôm chín đặc trưng.
IMG-3336-JPG.jpg
Vài địa chỉ cửa hàng tại Huế: Cà phê Tịnh Lâm Nhi, Cà phê Nam Giao Hoài Cổ, Bánh khoái Lạc Thiện     
Bánh nậm trắng ngần điểm nhụy tôm hồng, mặt bằng hình chữ nhật, lát mỏng thanh thanh, được bọc bằng lá dong ăn kèm với chả tôm.
Bánh khoái cầu kỳ. Bánh đổ bằng bột gạo, trộn với bột nghệ, trứng gà, nước và các gia vị mắm muối đánh cho thật mịn, thật sánh. Nguyên liệu phụ của bánh khoái là giá đỗ, giò sống và tôm. Bánh khoái ăn với rau sống gồm vả, chuối chát, khế thái lát và nước lèo.
1382210-10151727744093445-1506849012-n.j
Bánh ram ít là bánh được nhiều thực khách thích nhất khi đến Huế.
Lang thang trong Huế về đêm, dễ dàng nhận thấy rất nhiều hàng bánh Huế tấp nập khách. Ăn bánh Huế phải thưởng thức cả bằng miệng, bằng mắt và bằng tai mới có thể tận hưởng hết hương vị đậm đà và sự cầu kỳ tinh tế vốn có của nó.
Bài và ảnh: Lam Linh


















































Tìm ăn bún bò 'chính hiệu' ở Sài Gòn




 > Bài thơ 'Gửi Táo Y tế' gây xôn xao dân mạng

Thẩm mỹ Cát Tường - nơi vừa xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Ảnh: Như Ý


 










Quá bất bình về việc liên tiếp xả ra các vụ chết người thương tâm trong ngành y, một dân mạng đã làm thơ gửi Bộ Y tế bày tỏ thái độ bức xúc.






Thư gửi chị Táo Y tế
Ối chao chị Táo Y tế ơi
Em sợ quân của chị lắm rồi
Cái nghề vốn cứu nhân độ thế
Mà đụng vào đâu cũng chết người!
"Nhân bản" Hoài Đức vốn chưa yên
Tráo thủy tinh thể lại nổi lên
Tiêm chủng trẻ em dăm đứa chết
Xử lý đến đâu, chị có quên?
Thanh Hóa, chị kia, rõ khổ chưa?
Tiền thì chả có để mà đưa
Chậm mổ, mất luôn con lẫn mẹ
Đền tiền, người đã khuất núi Nưa.
Phòng khám không phép thì tràn lan
"Bác sĩ" bên Tàu cũng từng đàn
Tiền thì thu giá đến cắt cổ
Toàn "Maria", dân chết oan.
Bệnh viện thì chả thấy đầu tư
Mỗi giường nằm tới tận ba, tư
Chị có xuống thăm vẫn cảnh ấy
Nằm trong gậm giường rên ử ư.
Máy móc nhà nước thì lắt lay
Để cho "nhóm lợi ích" bắt tay
Đem đồ tư nhân vào "hợp tác"
Giá cao mà được thu tiền ngay.
"Y đức", chữ Tàu khó học thay
Giờ tiền đi trước mới là hay
Khẩu hiệu: Cấm phong bì triệt để
Thì đòi tiền mặt, trao tận tay.
Thế nên nâng ngực, lại chết người
Xăm mắt, hút mỡ cũng đi đời
Đem xác bệnh nhân quăng xuống nước
Bác sĩ thành ra quân giết người!
Thế nên chị Táo Y tế ơi
Chị có còn thương dân chúng tôi
Mong chị sửa sang ngành từ gốc
Để danh "Từ mẫu" lưu với đời!



Nguồn: Tri Thức Thời Đại


Không có nhận xét nào: