Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

> Lưng trời vẫn cánh diều bay


 ...Ấy là tình người, hồn quê, là ca dao, cổ tích 
                                         
Mùa thu, mùa buông diều thả lá. Từ xa xưa, cánh diều đã là ước mơ bay của những thiên thần bé nhỏ, những chủ nhân tương lai trên trái đất. Ước mơ bay là một trong những ước mơ vĩ đại nhất, lãng mạn nhất của con người. Ước mơ bay đã làm cho trái đất thăng hoa, cõi trần cất cánh. Khinh khí cầu, máy bay, vệ tinh, tàu vũ trụ…, chính là những phiên bản mới của ước mơ bay trên cánh diều tuổi thơ có từ vạn năm thuở trước!




Cánh diều Việt Nam, là một trong những biểu tượng độc đáo của Văn minh sông Hồng, văn minh lúa nước. Trên đôi cánh mong manh, trầm bổng tiếng sáo trúc hiền hòa, thân thương ấy là tình người, hồn quê là ca dao, cổ tích là tâm linh, tín ngưỡng và cả những buồn vui của một dân tộc, một đất nước nghìn năm văn hiến, bốn mùa mây trắng, trăng thanh bên bờ biển Đông nồm nam lộng gió cánh diều. Loại diều truyền thống cổ nhất của Việt Nam là diều cánh roi, hình hạt lúa. Diều Hạt Lúa được buông, thả trên bầu trời như những mong ước một vụ mùa bội thu, như gửi lòng biết ơn đến Thần Nông, vị thần gần gũi với nông gia.

        Những lễ hội diều truyền thống

Các tỉnh phía Bắc hiện vẫn còn lưu dấu những Lễ hội diều truyền thống như ở Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội…Trong đó, đáng kể nhất là Lễ hội diều Thiên Cầm-Đông Thanh, Bá Dương Nội-Đan Phượng, Song Vân-Hiệp Hòa, Sáo Đền-Quí Sơn… 

Lễ hội diều truyền thống lâu đời nhất miền Bắc được tổ chức đều đặn vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm diễn ra ở làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, thủ đô Hà Nội. Ở làng Bá Dương Nội, hầu như ai cũng biết làm diều. Lúc nông nhàn, người ta  làm diều ngay trước hiên nhà hoặc nơi sân đình, bến nước. Những con diều tham gia dự thi lễ hội này được chế tác hoàn toàn thủ công, cõng sáo bộ 2 hoặc bộ 3. Diều sáo Bá Dương Nội có ba loại : diều cánh mộc, diều cánh chanh và diều cánh muỗm. Sáu mươi cánh diều ưng ý nhất được tuyển chọn dự thi trong lễ hội diều Bá Dương Nội, tượng trưng cho sáu mươi năm cuộc đời, cho chu kỳ chuyển dịch của vũ trụ, cùng thả trên bầu trời niềm hy vọng giản dị, khôn nguôi về một cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Lễ hội diều sáo Đền ở thôn Quí Sơn, xã Song An, Vũ Thư, tỉnh Thái Bình diễn ra từ ngày 20 đến ngày 27 tháng 3 âm lịch mỗi năm là lễ hội diều truyền thống dài ngày nhất, hoành tráng nhất vùng hạ lưu sông Hồng. Hội diều sáo Đền từ ngọn nguồn một câu chuyện đậm chất sử thi, huyền thoại. Hội diều sáo Đền hơn 500 năm nay, không chỉ là cuộc chơi dân dã mà còn là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân quê lúa. Lễ hội diều sáo Đền diễn ra ở đền thờ hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Bà Ngô Thị Ngọc Dao là cháu ngoại quốc công Đinh Lễ, vợ vua Lê Thái Tông, mẹ vua Lê Thánh Tông. Năm 1471, Lê Thánh Tông cho xây đền An Lão để mẹ tụng kinh, niệm phật, vui thú tuổi già.  Khi mới khánh thành, đền này được đặt tên là Đốc Hỗ. Sau khi bà Ngô Thị Ngọc Dao mất, Lê Thánh Tôn đổi Đốc Hỗ thành Quốc Mẫu, thánh chỉ nơi đây thành nơi thờ cúng mẹ vua. Ngày chính của Lễ hội diều sáo Đền cũng chính là ngày mất của bà Ngô Thị Ngọc Dao. Cùng với việc cúng giỗ Quốc Mẫu, hội thả diều như một nghĩa cử của người dân tưởng nhớ đến Tam quốc công là Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt cùng với các tướng sỹ có công phù tá triều Lê, đồng thời cũng là những mục đồng tuổi thơ diều sáo. Lễ hội diều sáo Đền chỉ có một giải thưởng duy nhất với những tiêu chí và thể lệ chấm thi cực kỳ nghiêm ngặt. Trên bãi cỏ diễn ra cuộc thi, người ta dựng 2 cây sào tre thẳng tắp cắm 2 lưỡi mác bén ngọt, cách nhau 50m. Những diều dự thi không đảm bảo kỹ thuật, bị đảo gió, chao ngang, lập tức lưỡi mác cắt dây và đương nhiên bị loại. Diều thắng cuộc phải là con diều đẹp, cân xứng, kéo được trên trăm sải dây buông, tiếng sáo du dương, ngọt ngào, êm dịu, vang xa và đậu ở lưng chừng trời suốt 7 ngày đêm của lễ hội.

        Công nghệ chế tác diều và sáo

Diều Việt truyền thống được chế  tác trong không gian thư thái, tràn ngập đam mê, lung linh mỹ cảm, chứa chan khát vọng cùng với những trải nghiệm quê mùa chân thành, chất phác. Một con diều truyền thống gồm hai phần riêng biệt : Thân diều và bộ sáo.

Thân diều được hình thành qua 2 công đoạn, dựng khung và lợp diều. Khung diều được chẻ, vót, chuốt…, từ cây tre hóp đực, dày cật, thẳng dóng, mọc giữa bụi. Để cho khung diều nhẹ, dẻo, bền, đàn hồi, không mối mọt, người ta luộc kỹ những dóng tre hóp trong nước vôi pha muối. Dựng khung diều theo trình tự : Đầu diều, tai diều, đuôi diều, tim diều và lên dây cung. Khung diều phải cân xứng giữa hai cánh, bụng và đuôi để diều không bị đảo, bay được cao. Lợp diều bằng giấy gió (còn gọi là giấy bản) với chất dính là nhựa sung già hoặc hồ nếp. Sau đó, màu diều được nhuộm vàng, nâu hoặc cánh gián. Diều truyền thống phổ biến nhất là diều cánh roi, diều cánh cốc (còn gọi là diều cánh tiên), diều mặt nguyệt, diều bướm, diều chú Tễu…

Nếu như thân diều thể hiện hình hài, nhan sắc thì sáo diều phát lộ âm thanh giai điệu. Mỗi thân diều đều cõng theo một bộ sáo tương xứng. Có thể ví  diều và sáo như một cặp tình nhân, nếu cọc cạch, lệch pha thì không thể bay bổng, đồng hành trong gió. Sáo diều truyền thống có ba loại, sáo Bi (còn gọi là sáo đơn), sáo Kép (còn gọi là sáo chị em) và sáo Ba (còn gọi là sáo con khóc mẹ ru). Sau này, các nghệ nhân sáng tạo thêm sáo bộ 5, bộ 7, bộ 9. Hiện đang giữ kỷ lục Guinness Việt Nam là bộ sáo 13 ống của Câu lạc bộ diều sáo Kiến Thụy-Hải Phòng. Những vương quốc sáo diều nổi tiếng hiện nay là Bách Thuận-Thái Bình, Đường Sơn-Bắc Giang, Thủy Nguyên-Hải Phòng…Sáo diều truyền thống được chế tác từ tre, gỗ và sơn ta. Ống sáo được tuyển từ những gióng trúc già lũa đã chết róc trong bụi, hoặc tre kiến 10 tuổi, cắt thành từng đoạn dài, ngắn khác nhau tùy theo tiêu chí từng bộ sáo. Đoạn giữa ống trúc giữ nguyên cật, đục thông một lỗ vuông chính giữa và vuông góc với thân ống. Cách đều 2 đầu ống tiện 2 rãnh sâu chừng 1mm, lột bì trúc rồi chuốt sạch, xử lý chống mối mọt. Miệng sáo, vách ngăn được làm bằng lõi gỗ thị, gỗ mít hoặc gỗ vàng tâm. Đó là những loại gỗ mềm, nhẵn thớ, dễ gọt. Khó nhất trong công đoạn chế miệng sáo là khâu mổ lỗ, căn vách. Sau cùng là gắn miệng sáo, vách ngăn vào ống sáo bằng sơn ta. Một bộ sáo có bè nhạc hay, âm sắc hư ảo, réo rắt, đặc tả tròn vành “tiếng mẹ”, “tiếng con”, đòi hỏi bàn tay nghệ nhân phải khéo léo, tinh tế từ khâu chọn tre, chọn gỗ, tạo vách, khoét miệng… Muốn thanh âm tiếng sáo vang xa, nghiền thủy tinh thành bột, trộn sơn hoặc keo, quét đều trong lòng ống sáo. Một bộ sáo truyền thống âm sắc phải nhu nhuận, chuẩn theo cung bậc : Cồng, còi, go, gí, gộ.
Với chủ đề  “Khám phá văn minh sông Hồng” tại Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư-Hà Nội, từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 11 năm 2012, Câu lạc bộ diều sáo Việt Nam cùng  câu lạc bộ sáo diều các tỉnh trong cả nước, lần đầu tiên đã giới thiệu được một số sản phẩm nghệ thuật sáo diều truyền thống và đương đại của Việt Nam, gồm 50 kiểu sáo bộ và hàng trăm mẫu diều phá cách.

        Bầu trời diều Việt ba miền














 Festival diều quốc tế Vũng Tàu, góp thêm
 gam màu khác lạ cho cánh diều phương Đông.


Liên hoan diều quốc tế lần thứ  21 năm 2012, diễn ra 9 ngày tại thành phố Berck thuộc miền Bắc nước Pháp với chủ đề “Vũ điệu hòa bình” đã thành công ngoài mong đợi, chứng tỏ nhân loại vẫn luôn chấp chới say mê, ngưỡng mộ những sản phẩm văn hóa mô phỏng ước mơ bay có từ thời tiền sử. Ở Việt Nam, từ năm 2009 đến nay đã tổ chức 4 lần Festival diều quốc tế tại Vũng Tàu với sự tham gia của 25 nước. Năm 2011, với chủ đề “Chung một bầu trời”, Nhật Bản đã đem diều Rokkaku (diều lục giác) tham gia Festival diều quốc tế Vũng Tàu, góp thêm gam màu khác lạ cho cánh diều phương Đông.

Khoảng 2 thập kỷ  nay, từ Bắc vào Nam, phong trào chơi diều nở rộ. Ở Sài Gòn có hàng chục đồng diều tự phát nhờ những mặt bằng qui hoạch treo như Ngã tư Giếng Nước-Hóc Môn, Nguyễn Văn Lượng-Gò Vấp, Kênh Tẻ-Quận 8, chân cầu Thủ Thiêm-Quận 2, ven kênh Nhiêu Lộc-Quận 3, đường Nguyễn Văn Linh-Quận 7 …Người Sài Gòn chơi diều “đa phong cách” vào bất cứ lúc nào. Cứ chiều thứ 7, chủ nhật, nếu trời đẹp là những đồng diều nội đô, ngoại thành lại hoạt động nhộn nhịp chẳng khác gì lễ hội. Dân chơi diều đủ thành phần, lứa tuổi, nam nữ, từ bé mầm non đến bô lão 80, từ dân lao động nghèo đến các đại gia…, thậm chí có gia đình cả vợ chồng con cái cùng tham gia thả diều. Người Sài Gòn thường chơi diều nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Singapore…, với giá bán lẻ từ 50.000 đến 200.000 đồng một chiếc, đa phần là loại diều khí động học, diều thể thao Delta 3D, diều đèn les, diều bạch tuộc, diều siêu nhân… Mới đây Câu lạc bộ diều Phượng Hoàng vừa ra mắt con diều bạch tuộc khổng lồ dài 50m, riêng số vải dù lợp cho con diều này hết 500 m2. Dân Sài Gòn đi thả diều chẳng khác gì như đi chơi Gol, cầu lông, tennis, hay đi câu…, cũng đeo túi da đựng diều sành điệu (diều công nghiệp được tháo ráp rất gọn nhẹ). Ăn theo trào lưu chơi diều là các dịch vụ mua bán, sửa chữa, trang trí…cho diều, gần đây còn xuất hiện dịch vụ huấn luyện viên thả diều, dịch vụ tư vấn chọn diều, chọn sáo cho những người lần đầu chơi diều, còn bỡ ngỡ. Thuật buông diều cũng như chăm bẵm trẻ con, phải tung tẩy, cương nhu, tránh ngả nghiêng, chao đảo, bay cao nhưng không bay mất…!

Dân Huế chơi diều theo cách riêng. Đa phần diều Huế tiếp thu vẻ  đẹp quyền quí, cao sang của loại hình diều cung đình triều Nguyễn. Thời vua Đồng Khánh, Bảo Đại, hàng năm đều có Hội diều hoành tráng ở quảng trường Ngọ Môn. Hình hài diều Huế thiên về đặc tả những con vật thuộc hàng tứ linh như long, ly, qui, phụng. Thời hiện đại, diều Huế ảnh hưởng trường phái diều nghệ thuật của Pháp, các nghệ nhân sử dụng vải, sơn dầu, bột luy- mi- nơ để chế tác. Huế đã 9 lần tham gia Liên hoan diều quốc tế và đoạt nhiều giải thưởng. Nhiều nghệ nhân diều Huế nổi tiếng trong nước và thế giới như Đoàn Chước, Ưng Hạng, Nguyễn Văn Bê, Nguyễn Đăng Hoàng…

So với Sài Gòn, Huế, bầu trời thủ đô Hà Nội có vẻ vắng cánh diều hơn.  Nội thành Hà nội cũng có một số đồng diều tự phát như Khu đô thị Việt Hưng-Quận Long Biên, Mỹ Đình-Quận Cầu Giấy, bờ đê Yên Phụ-Quận Tây Hồ…Sự kiện nổi bật nhất ở thủ đô đầu thế kỷ 21 là Liên hoan nghệ thuật diều Hà Nội ngày 6 tháng 10 năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, tại quảng trường sân vận động Mỹ Đình, với chủ đề “Hà Nội-Bầu trời hòa bình” đã thu hút sự tham gia của hàng chục câu lạc bộ diều danh tiếng. Những cánh diều bay trên bầu trời Thăng Long-Hà Nội, không chỉ mang theo cùng mây gió những tâm hồn mộng mị, đài tranh, đời thường của người Tràng An mà còn có ý nghĩa thiêng liêng về mảnh đất linh ứng huyền thoại rồng bay.

Trong “Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013”, dự kiến sẽ  tổ chức Hội thi diều sáo ở bãi biển Quất Lâm, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định để giới thiệu với du khách năm châu về vẻ đẹp riêng của những cánh diều Việt của một đất nước thời nào cũng khát vọng cất cánh, bay xa, bay cao .

“Diều lên theo gió, đôi cánh bình yên”
Ký ức về một khoảng trời xanh, lững lờ mây trắng, về một cánh đồng thơm mùi cỏ mật

Kỷ niệm tuổi thơ  của mỗi người Việt Nam bao giờ cũng có cánh diều chao nghiêng những miền ký ức. Ký ức về một khoảng trời xanh, lững lờ mây trắng, về một cánh đồng thơm mùi cỏ mật, về lũy tre vương khói lam chiều, về mái phố rêu phong cổ kính, về dòng sông quanh quẩn làng quê…Và tiếng sáo diều đêm trăng nữa. Sáo diều đêm trăng chợt nghe như thể đàn trời. Gió lẩy đàn trời cho cõi người nửa tỉnh nửa say, quên hết đắng cay, mơ về nơi vô vi cực lạc. Có lẽ trong số những thành tựu văn hóa do con người sáng tạo ra, diều và sáo diều là cặp đôi hình hài và âm thanh hồn nhiên nhất, hiền hòa nhất, gợi cảm nhất. Nó đối lập với súng gươm, thù hận. Nó kết nối vẻ đẹp của đất trời, của nghĩa tình đồng loại. Trên bầu trời, dưới mặt đất hiện nay có hàng trăm kiểu vóc dáng những cánh diều khác nhau với nhiều màu sắc, âm thanh tươi mới, khác lạ, chứng tỏ sự tiến bộ và xu hướng hội nhập của thời đại. Mỗi người đều có quyền lựa chọn cho mình một con diều theo sở thích. Nhưng đã là người Việt thì những chiếc diều cánh roi, hình hạt lúa, lợp giấy gió, màu cánh gián, sáo bộ đôi… luôn hiệu ứng, dư âm một không gian cảm xúc mộc mạc, tinh tế, bay bổng, lắng đọng…trên cánh đồng chiều sau mùa gặt, bờ bãi lúc hoàng hôn, mái phố cổ tiết thu phân, đêm trăng thanh gió mát…, mãi mãi là bóng hình huyền ảo, lãng đãng suốt đường đời từ khi thơ bé đến đầu bạc răng long.

Nếu vì lý do nào đó, chiều nay, bạn nhớ diều mà không thể đến đồng diều thì hãy nghe ca khúc “Những cánh diều miền Bắc” của Văn An, do ca sỹ Vân Anh thể hiện. Bạn sẽ được cùng “chiều về, diều lên theo gió. Đôi cánh bình yên…Chiều về, diều vang tiếng sáo. Êm mướt đường tơ…”!
                                                                   


  SÀI GÒN 2013
 NGÔ QUỐC TÚY
(Cảm ơn tác giả đã gửi bài tới Quê Nhà)

Không có nhận xét nào: