Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

*Hot- Căn hộ chung cư chỉ được sở hữu 70 năm- Bộ Xây dựng không sợ chọc vào "tổ kiến lửa"?


(Quê Nhà)- Đưa ra phương án căn hộ chung cư chỉ được sở hữu trong 70 năm tại Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Bộ Xây dựng thật vô cùng vô cảm và dũng cảm. Vô cảm vì bất chấp đạo lý, lẽ phải, Bộ không mảy may quan tâm đến những đồng tiền xương máu của người dân. Dũng cảm vì Bộ không sợ bị sốc phản vệ, thậm chí nguy nan đến mạng sống khi cố tình chọc vào "tổ kiến lửa"?


Dư luận đang “sôi sục” khi Bộ Xây dựng đưa ra phương án căn hộ chung cư chỉ được sở hữu trong 70 năm tại Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.



“Sao lại thế?”!
Theo phương án mà Bộ Xây dựng đề xuất, “Đối với trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xây dựng nhà chung cư để bán, cho thuê mua, thì thời hạn sở hữu nhà chung cư là 70 năm”, và “Thời hạn sở hữu nhà chung cư được ghi vào Giấy chứng nhận và khi hết thời hạn sở hữu thì các chủ sở hữu nhà ở chung cư không còn quyền sở hữu nhà chung cư đó và phải bàn giao lại quyền sử dụng đất xây dựng nhà chung cư cho Nhà nước để phá dỡ và xây dựng lại các công trình khác theo quy hoạch được duyệt tại thời điểm bàn giao lại quyền sử dụng đất cho Nhà nước. Chủ sở hữu nhà chung cư được hỗ trợ và bố trí tái định cư theo quy định tại Điều 117 của Luật này”.

Anh Nguyễn Ngọc Anh Tuấn (đường Hoàng Quốc Việt, Tây Hồ, Hà Nội) đã “giãy nảy” lên khi nghe phóng viên đọc quy định mới trong Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi về việc căn hộ chung cư chỉ được sở hữu có thời hạn là 70 năm.
“Tôi vừa đăng ký mua căn hộ tại Cầu Giấy, phải 2 năm nữa mới được nhận nhà. Nếu quy định này trở thành hiện thực thì tôi sẽ mất trắng căn hộ trị giá nhiều tỷ đồng, là tài sản lớn của cả gia đình tôi tích cóp trong nhiều năm. Sao lại thế được?”, anh Tuấn sửng sốt.
Không riêng gì anh Tuấn, mà khi trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, nhiều người hiện đang sống trong các tòa nhà chung cư đều tỏ ra hết sức ngạc nhiên và tỏ ý bất bình với quy định này. Lo ngại lớn nhất của họ là sau khi tích lũy vốn liếng gần như cả đời để mua được một căn hộ chung cư để ở với mong muốn có thể để lại chút tài sản cho con cháu, thì với quy định này sẽ khiến ước vọng của họ tan thành mây khói.
Ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Xí nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu, người đang phát triển nhiều dự án căn hộ chung cư “đình đám” tại Hà Nội cho rằng, quy định này là “chẳng hiểu gì về tâm lý người Việt”.
“Tại sao Bộ Xây dựng lại đưa ra quy định như vậy trong bối cảnh thị trường bất động sản đang rất khó khăn, thanh khoản kém, niềm tin của khách hàng đang lung lay”, ông Thản nói và chất vấn, tại sao lại là 70 năm mà không là hàng trăm năm, bởi công nghệ xây dựng bây giờ đã khác xưa, tuổi thọ công trình có thể nói là hàng trăm năm hoặc vĩnh cửu.
Ông Vũ Kim Giang, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thái Minh Quang thì cho rằng, quy định này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giao dịch trên thị trường bất động sản và sẽ có sự chênh lệch giá rất lớn đối với căn hộ sở hữu có thời hạn. Ông Giang lấy ví dụ về Dự án Eurowindow trên đường Trần Duy Hưng. Dự án có 2 phần, phần sở hữu vĩnh viễn thì bán hết vèo, còn phần sở hữu 50 năm thì chẳng ai mua. Chỉ sau khi chủ đầu tư xin chuyển đổi thành sở hữu vĩnh viễn mới bán được.
“Chắc chắn luật sẽ không hồi tố, vì vậy, những căn hộ có sở hữu vĩnh viễn sẽ có giá sản phẩm ngất trời, được mua đi bán lại ‘chóng mặt’, còn với những dự án đang và sẽ triển khai sau đó, nằm trong danh mục chỉ cấp sở hữu có thời hạn cho người mua, thì với tình trạng thị trường như hiện nay, sẽ ít có người giữ ý định mua nhà chung cư. Chưa kể, bao nhiêu dự án, sản phẩm chung cư còn tồn đọng sẽ khó tháo được ngòi nếu quy định được thông qua”, ông Giang đánh giá.
Mục tiêu hạ giá chung cư
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, ngay sau khi có thông tin, ông cũng đã tìm hiểu thì được biết, mục đích chính khi Bộ Xây dựng đưa ra phương án này là nhằm kéo giá căn hộ chung cư xuống để những người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận được với nhà ở. Tuy nhiên, theo ông Liêm, đây là một cách làm “phân biệt đối xử” với căn hộ chung cư.
“Trong khi chủ trương của Nhà nước là vận động người dân tại thành thị vào sống trong chung cư để tiết kiệm đất thì quy định như thế này khác nào ‘đuổi’ người dân tìm về với đất thổ cư”, ông Liêm nói và cho rằng, nếu quy định sở hữu chung cư là 70 năm thì sao không quy định thời hạn sử dụng với nhà liền kề, biệt thự, bởi nói cho cùng thì công trình xây dựng nào chẳng có thời hạn sử dụng.
Ông Liêm cũng cho rằng, quy định này có thể xuất phát từ thực tiễn khó khăn trong việc cải tạo chung cư cũ hiện nay. Song không thể vì để giải quyết khó khăn trước mắt, mà làm khó cho thị trường bất động sản vốn đang tồn kho quá nhiều như hiện nay, dù nếu được thông qua thì cũng phải 70 năm sau mới phát huy tác dụng.
Có một góc nhìn khác, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc CTCP Đầu tư và phân phối DTJ ủng hộ quy định trên với lý do “ngay cả các chung cư mới xây được hơn chục năm nay tại Mỹ Đình cũng đã xập xệ lắm rồi”. Tuy nhiên, ông Khánh cũng đề nghị, nếu áp dụng quy định này, cần có lộ trình cụ thể.
“Vấn đề là phải làm thay đổi được nhận thức của người dân khi mua nhà chung cư đã”, ông Khánh nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, quy định “Chủ sở hữu nhà chung cư được hỗ trợ và bố trí tái định cư theo quy định tại Điều 117 của Luật này” là không rõ ràng. Vì vậy, Nhà nước nên quy định rõ ràng về quyền lợi của người sử dụng. Chẳng hạn, sau khi được xây mới thì người dân vẫn tiếp tục được sử dụng nhà, nhưng quy định số tiền phải đóng thêm. Như vậy, người mua nhà sẽ yên tâm hơn.
Được biết cách đây 2 năm, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất hình thức sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn cụ thể. Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự đồng tình của dư luận vì nhiều ý kiến cho rằng, khó đi vào thực tế, do nước ta có nhiều loại hình chung cư và thời gian xây dựng cũng như chất lượng, vị trí của mỗi chung cư không giống nhau, nên không thể ấn định thời gian chung cho tất cả các chung cư được.
Qua những ý kiến phản ánh trên, hy vọng Ban soạn thảo sẽ có những tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn thiện bản Dự thảo trước khi trình ra Quốc hội vào kỳ họp đầu năm 2014.
Theo Minh Nhật (ĐTCK)

Không có nhận xét nào: