Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Yêu đương thời chiến tranh



Lứa tuổi U 60 trở về trước, ở miền Bắc – Việt Nam, đa số là yêu vụng. Người ta bảo cái gì ăn vụng cũng ngon. Chẳng biết yêu vụng có ngon hơn yêu công khai không, nhưng đa số các bô lão thấy bọn trẻ bây giờ tỏ tình, hôn nhau giữa thanh thiên bạch nhật, người thì tủm tỉm, kẻ lại ấm ức, bĩu môi, tỏ thái độ xem thường, hoặc giận dữ ra mặt…



Con người thời nào cũng có 7 thứ tình, gọi là thất tình, gồm : Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục (ứng với : Mừng, Giận, Yêu, Ghét, Buồn, Sướng, Muốn) . Trong thất tình, “Ái” là thứ tình cảm phức tạp và mẫu thuẫn  nhất. Ái có nghĩa là yêu, trong đó có tình yêu trai gái. Yêu, có khi làm cho con người thêm khát vọng, nghị lực, sức mạnh, khôn ngoan, khoáng đạt, hướng thiện, nhưng cũng có khi làm con người chán nản, bi lụy, yếu đuối, dại đột, hèn hạ, ác độc. 


Tùy theo giới tính, đẳng cấp, cảnh ngộ, lứa tuổi mà những căn bệnh do ái tình sinh ra như : tương tư, ghen ghét, hoài nghi, trầm cảm, thù hận…, sẽ nặng nhẹ, hậu quả khác nhau. Có thể mất nước, có thể mất mạng, có thể thần kinh phân liệt, có thể khuynh gia bại sản hay có thể cả đời “bóc lịch”…, vì yêu. Từ khi xuất hiện trên trái đất cho đến nay, con người vẫn loay hoay, mò mẫm trên đường giải mã cho tình yêu.

Những mỹ từ như : Rung động đầu đời, hai trái tim vàng, thủy chung, răng long đầu bạc…, được mọi người tin dùng như kinh thánh, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà chẳng biết cuộc tình của mình có thật thế hay không. Thời tiền sử yêu theo bản năng hoang dã, thời trung cổ bị cấm đoán hà khắc, thời hiện đại được cởi mở tự do…, rốt cục hệ lụy từ tình yêu vẫn “bảo toàn năng lượng”, chỉ biến đổi tự dạng này qua dạng khác. Đã có hàng vạn tác phẩm văn chương, hội họa, âm nhạc, điện ảnh phản ánh về tình yêu, hàng ngàn chuyên gia tâm lý tư vấn về tình yêu, kết quả chỉ làm cho nó thêm huyễn hoặc, bí ẩn. Càng những ông hoàng, bà chúa của truyện tình, thơ tình, nhạc tình, phim tình…, càng bị vướng vào bẫy tình như gà mắc tóc !

          Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay”

        Nửa cuối thế kỷ trước, đời sống tinh thần của con người Việt Nam thật đặc biệt. Cái gì cũng gắn với chiến tranh, gắn với cách mạng, gắn  với cống hiến, hy sinh. Từ tình đồng chí, đồng đội, họ mạc, cha con…, đến tình yêu lứa đôi, tình nào cũng đậm đà sắc màu đoàn thể, nghẹn  khét lửa khói đạn bom. Thời chiến, ăn vội, ngủ vội, đi vội, nghĩ vội…, làm gì cũng vội, chỉ yêu là chậm. Tỷ lệ tình yêu sét đánh cũng có, nhưng rất ít, chưa đến một phần trăm. Yêu chậm nhưng lại cưới gấp, cưới gấp để đàn ông kịp ra mặt trận, cưới gấp may ra người đàn bà kịp có đứa con, nếu chẳng may chồng không trở về. Yêu chậm, cưới gấp, lại thiếu bản lĩnh, kiến thức về giới tính, nên những người phụ nữ của “một thời hoa đỏ” ấy không chỉ trĩu nặng đau thương bởi tang tóc, chia ly mà còn âm thầm cam chịu những thiệt thòi trong đời sống ái ân do bị ràng buộc bởi những quan niệm về “thủy chung”, “chính chuyên” bất công và vô lý. Hầu như mọi người không biết đồng tính là gì. Chẳng ai dám thừa nhận công khai nhu cầu về tình dục. Hôn nhân bền vững và những đứa con được xem là thước đo hạnh phúc. Nhưng lạ thay, tín ngưỡng một lý tưởng sinh ra ngộ nhận hoặc ảo ảnh trong khoảnh khắc lịch sử nào đó lại vẽ vời thành những cái đẹp bất ngờ !
        
 
Dân cư thời chiến tranh ở nước ta, hơn chín phần là người nhà quê. Đó là chưa kể suốt 8 năm từ 1964 đến 1972, già nửa dân thành phố, thị xã ở miền Bắc, sơ tán về quê để tránh bom Mỹ. Về vật chất, nhà quê ngày ấy chỉ thua thành thị mỗi cái bóng điện tròn sợi tóc tỏa thứ ánh sáng màu mật ong, chập chờn mỗi đêm. Còn chuyện yêu đương thì ở quê lại phong phú, lãng mạn gấp nhiều lần ở phố. Lý do thật đơn giản : Ở quê có hợp tác xã, nông trường, tổ đổi công, dân quân du kích, các trường học sinh miền Nam tập kết, các trại thương binh bệnh binh…, tổ chức nào cũng lao động, làm việc, sinh hoạt tập thể, trừ lúc tắt đèn, lên giường. Ở quê lại có cánh đồng, sườn đê, bờ sông, cánh rừng thơ mộng, hoang vắng đến nao lòng… Nhưng chất xúc tác mạnh mẽ nhất phải kể đến lực lượng hàng chục vạn bộ đội đóng quân ở các địa phương. Hồi đó, từ Vĩnh Linh trở ra, hầu hết bộ đội không đóng quân trong doanh trại, mà ở cùng với dân. Có những sư đoàn, trung đoàn chuyên nhiệm vụ tuyển quân, huấn luyện tân binh để bổ sung quân cho mặt trận. Có những đơn vị từ chiến trường ra an dưỡng sau những chiến dịch lớn. Thường mỗi xã một trung đoàn, mỗi thôn một tiểu đoàn, mỗi xóm một đại đội. Bình quân mỗi nhà ước chừng có hai, ba người lính. Nhà nào có bộ đội ở là hãnh diện lắm, nhất là các cô gái. Những chàng tân binh xứ người, chưa “mảnh tình vắt vai”, gặp các nữ dân quân bản địa tuổi trăng tròn trong những buổi cùng họp hành, tập luyện, cùng chạm mặt nơi ngõ xóm đường làng, thậm chí cùng ngước nhìn mảnh trăng non trước hiên nhà…, làm sao tránh được tình huống “tức cảnh sinh tình”. Khác với thời nay, dù yêu “tít mê tơi”, nàng cũng phải tỏ ra e thẹn, kẻo mang tiếng “cọc đi tìm trâu”. Còn chàng dẫu thích “mê củ tỉ”, cũng không thể thổ lộ nhớ thương “quá mức đoàn thể cho phép”, vì “vui duyên mới nhưng không quên nhiệm vụ”. Những cái hôn công khai cũng phải có giới hạn, gọi là “thơm”, mà chỉ được thơm lên má. Những bức thư tình gửi qua đường quân bưu, liều lượng tình cảm phải chừng mực và nhất định phải tái bút đôi lời động viên khích lệ, thề thốt đôi lứa tròn vai “hậu phương – tiền tuyến” (đàn bà là hậu phương, đàn ông là tiền tuyến). Ngay cả những cái xú-vơ-nia (vật kỷ niệm) của tình yêu cũng được luật hóa bất thành văn : Con trai tặng lược i-nôc, nón bài thơ, con gái tặng khăn mùi soa có thêu đôi chim bồ câu bằng chỉ hồng. Những cái xú-vơ-nia ấy được giấu kín tận đáy hòm, đáy ba lô và chỉ đem ra lúc vắng người, xem trộm, tủm tỉm một mình!

Nghệ thuật làm tình, chửa hoang, thông dâm, thủ dâm, ly dị…, tất nhiên thời nào chả có ! Sách “Tố nữ kinh” có cách nay cả nghìn năm! Tình yêu thời chiến tranh đương nhiên cũng không ít hệ lụy từ tình yêu, tình dục. Có, nhưng ít và thường bị dấu nhẹm. Bản thân giấu. Gia đình giấu. Cơ quan, tổ chức, đoàn thể…, hiệp đồng nhau, cùng giấu. Giấu vì những hiện tượng ấy được cho là ghê tởm xấu xa. Giấu vì cái hồ sơ lý lịch mà có “điểm đen” như thế thì khốn khó cả đời. Giấu, để khỏi ảnh hưởng đến thành tích của cơ quan, đơn vị…Nhưng giấu như thế, là cách che đậy, dại dột vụng về, bởi hậu thế chẳng ai tin tình yêu của tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng lại “khuôn vàng thước ngọc” tuyệt vời như thế !

“Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay” thời chiến tranh, không chỉ giấu “Hương thầm” của trái tim mà có khi giấu trong ấy cả những cánh hoa đã nhàu nát, héo tàn, khờ dại hay lỡ thì kết trái, giấu trong ấy cả nỗi cô đơn, góa bụa, phản bội của mối tình đầu !

“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng…”

Hình như chính trị và chiến tranh không đủ dày, đủ cứng làm khuôn mẫu đúc ra những trái tim đông lạnh, xác ướp duy ý chí. Tiếng hát của con tim có những cung bậc sắc mềm như nước, thanh thoát như gió, chờ thời cơ thẩm thấu, thoát ra, để biến ảo, thăng hoa. Bộ ba : sân trường, phượng hồng và áo trắng góp thành những kỷ niệm bi hùng của người lính để giải thoát khoảnh khắc cô đơn, đói khát, đau đớn, nuối tiếc…, trước lúc ngã xuống nơi chiến trận. Tình yêu học đường thời chiến tranh ở hai bên vĩ tuyến 17 và chiến tranh biên giới phía Tây, phía Bắc, trước thập kỷ 1980, còn mãi như tượng đài phi vật thể mà chắc chắn không ít bạn trẻ thế hệ X nếu có máu phiêu liêu, mạo hiểm đều muốn “đầu thai” về quá khứ để trải nghiệm. Thật tiếc cho một số tài năng thơ, nhạc “thời hoa đỏ” ở miền Bắc, mải sáng tác theo đơn đặt hàng của nghệ thuật quốc doanh nên không có nhiều tác phẩm về tình yêu học đường thời chiến tranh còn sống được đến ngày nay.

Cách đây vài chục năm, tình yêu học đường nở chậm và chín muộn. Thường sang bậc phổ thông trung học, nam nữ sinh mới dám ra mặt thân nhau. Đến lớp cuối cấp, tình cảm của họ cũng chỉ trên mức tình bạn một chút. Đó là những cảm nhận phong thanh từ nhịp gõ khác lạ nơi nhạy cảm nhất của con tim, như thể hương nhài phảng phất. Một vài dòng lưu bút, hay cánh phượng ướp trong trang vở…, cũng chỉ làm cho đôi bạn lúc gặp nhau vân vê gấu áo, hoặc vô tình vặt trụi những lá cỏ trong tầm tay… Phải đến lúc vào giảng đường cao đẳng, đại học, tình yêu lứa đôi mới thật sự bật mầm, nảy nở. Thoát ra ngoài vòng cương tỏa của gia đình, họ hàng, lối xóm, tuổi mực tím thỏa sức vùng vẫy trong không gian rộng mở, mới lạ. Khát vọng yêu đương trỗi dậy từng ngày.

Thời ấy, các trường đại học đều có học bổng, ký túc xá, bếp ăn tập thể cho sinh viên. Sinh viên được quản lý khá chặt chẽ, nhất là sinh viên đại học sư phạm. Bởi vậy chuyện yêu đương cũng chỉ nửa kín nửa hở. Mốt thời trang ngày ấy, nữ : quần sa tanh đen giáp đũng, áo hồng kông, cổ cánh sen; nam : quần simili màu cửu long gấp gấu, áo sơ mi cầu vai, túi nắp. Màu trắng, màu đen, màu xanh sỹ lâm, màu gụ già, màu nâu non, màu tím Huế, màu cà phê sữa, là những màu giới trẻ ưa thích…Nhạc đỏ, sách đỏ, sao đỏ, “cuộc chia ly màu đỏ”…, nhưng “áo đỏ chứng tỏ nhà quê”, nên ai cũng né. Tóc con gái mốt nhất là phi-dê hoặc dóc bím. Không có những khái niệm Hot girl trong  Showbiz Việt, trong giới trẻ nên cũng không có những scandal trên mặt báo để quảng cáo hay tiếp thị da thịt, tiếp thị ái tình. Thần tượng tình yêu của các nữ sinh viên lúc ấy không phải là đại gia, ca sỹ, người mẫu như bây giờ mà là thương hiệu đại học, được xếp thứ tự : “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, bỏ qua Sư Phạm”. Tổng Hợp, Giao Thông, Xây Dựng thuộc loại lưng chừng. Thần tượng tình yêu của nam sinh viên là Thương Nghiệp, Sư Phạm, Kinh Tế. Những cánh đồng Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam (hai bên phố Nguyễn Trãi bây giờ) mỗi chiều thứ 7 trở thành công viên miễn phí thuộc lãnh địa của “cư dân ký túc xá” đại học Tổng Hợp, đại học Ngoại Ngữ, đại học Bưu Điện… Tương tự, bên Cầu Giấy, sinh viên đại học Sư Phạm, đại học Thương Nghiệp, đại học Sân Khấu… lấy Đồng Xa, Dịch Vọng (hai bên phố Xuân Thủy bây giờ) làm nơi tình tự, hẹn hò. Giữa chơi vơi hương đồng cỏ nội, bát ngát trăng sao, cuộc sống yên bình…, lại được rót vào tai những lời có cánh của “Hăm Lét”, “Romeo”, “Pa-ven”…, và những nụ hôn mật rừng, thì không gì lãng mạn bằng. Có lẽ, nếu được chọn lại, dám chắc, U60 vẫn loại công viên Đầm Sen, Kỳ Hòa, Thảo Cầm Viên…(Sài Gòn), công viên Thủ Lệ, Thống Nhất, Hòa Bình…(Hà Nội) ra khỏi địa chỉ hẹn hò.

Cứ chủ nhật là “trâu đi tìm cọc”. Các chàng đi xe buýt, nhảy tàu điện hoặc đạp xe đến “nhà” nàng ở ký túc xá. Khi đã dính vào yêu trong cự ly cùng thành phố, thể nào các nàng cũng nại ra cả tỷ lý do để kéo cái ri-đô che giường, sắm bếp dầu, bát, đĩa, xoong, nồi…, xì xụp nấu nướng. Có chàng do si mê mà ga-lăng đến độ nhịn cả khoản bánh mỳ sáng, hàng ngày đem “cầm cố” ở quán nước để cuối tuần có mấy đồng góp vốn cho nàng nấu “bữa tươi” chủ nhật. Rồi thơ phú, nhật ký, thư tay, thư tem, ghi ta bập bùng…, làm cho các khu ký túc xá sinh viên lung linh, mộng mị những thiên tình ca trong nghèo khó, chiến tranh. “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng…” và chở cả tình yêu thời áo trắng, đã thêu dệt, thoi đưa suốt một thời quá vãng không thể nào quên !

  “Hai đứa ở hai đầu xa thẳm”

Trong dòng thơ tình tiền tuyến, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ…, may mắn có những câu thơ tình sạm mùi khói bom, thuốc súng, lạnh tanh rừng già, nhưng vẫn hé hở sự trinh trắng, thuần khiết, lãng mạn, trẻ trung. Người ta thường gán cho các anh các chị là “chiến sỹ cầm bút trên mặt trận văn hóa” làm thơ tình cách mạng. Thực ra, không phải như vậy. Có thể các anh các chị đã  khéo léo “mượn gió bẻ măng”, để “nhất tiễn hạ song điêu”, vừa có thơ đủ “điều kiện” đăng báo, vừa bày tỏ được lòng mình. Thời ấy, hầu hết “thợ viết” đều thế. Tình yêu đã từng khuất phục từ vua chúa, kẻ sỹ, tỷ phú, tướng cướp đến linh mục, thầy chùa thì trai gái bình thường như bộ đội, thanh niên xung phong sao thoát được. Chỉ những kẻ khuyết tật tâm hồn, hay xác ướp di động thì mới không rung rinh vì tình !

Không chỉ có thơ tình tiền tuyến mà còn có thơ tình hậu phương. “Hương Thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn có lẽ là bài thơ tình hậu phương hay nhất miền Bắc thời chống Mỹ. Chẳng cần lý lẽ dài dòng, bốn mươi mốt năm rồi mà bọn trẻ bây giờ vẫn hát : “Cửa sổ hai nhà cuối phố. Không hiểu vì sao chẳng khép bao giờ…”. Từ khi được nhạc sỹ Vũ Hoàng phổ nhạc, bài thơ như được chắp thêm cánh. Trong văn chương, thơ là thứ khó diễn tả tình yêu nhất . Cứ cả ngàn truyện tình hay thì mới có một bài thơ tình hay. Nếu tính theo đơn vị câu hoặc trang viết thì tỷ lệ ấy thêm nhiều lần cách biệt. Xuân Diệu, người được mệnh danh là “ông hoàng” của thơ tình Việt Nam cũng chỉ có vài bài thơ tình đời thường trước năm 1945 là đáng kể. Thơ tình hay nhất thời chiến tranh hiện đại ở miền Bắc, sau 1945, chỉ có bài “Đồi tím hoa sim” của Hữu Loan và “Núi Đôi” của Vũ Cao. Thơ giống tình yêu ở chỗ, chỉ khi nào lên tới đỉnh của cảm xúc hoan lạc, mới đẻ ra được sản phẩm chất lượng. Phan Thị Thanh Nhàn có người em trai thứ sáu là Phan Hữu Khải, nhập ngũ rồi hy sinh ngoài mặt trận. Phan Thị Thanh Nhàn viết “Hương thầm” ngay sau khi nhận được giấy báo tử của em. Có lẽ, nỗi đau mất đứa em trai của Phan Thị Thanh Nhàn, lúc hoa bưởi tháng ba trong vườn nhà chị ở Yên Phụ -  Hà Nội ngát lên, gợi nhớ mối tình của cô gái hàng xóm với em mình khi còn đi học, là căn nguyên bật lên giá trị của tứ thơ “Hương thầm”.

Sự bất hạnh của tình yêu đôi lứa trong “Hương thầm” và một số bài thơ tình trong chiến tranh khác, thế hệ bây giờ vẫn còn nghe được, cảm được, nhưng họ chỉ nghe chỉ cảm được một chiều theo hướng bi hùng. Sự thật bất hạnh của tình yêu lứa đôi thời chiến tranh ở lằn ranh giữa cái chết và sự sống, giữa bản năng và lý trí, giữa xác thịt và tâm hồn giữa lý tưởng và thực dụng…Không thể nói là dàn đồng ca thời ấy chỉ có một bè. Sau những khoảnh khắc bốc đồng trong ngày hội tòng quân, những phút giây tín thiêng lời thề trong lễ kết nạp đoàn, kết nạp đảng, những lúc hò reo sau một trận thắng tạm thời…, là những mùa mưa đói khát, buồn chán, những mùa khô máu lửa, thương tích, những rừng già bưng biền hiu quạnh…, nỗi khát khao tình yêu lứa đôi, sự thèm thuồng giao thoa thịt da khác giới nổi loạn nơi bờ sông, ngọn suối, bìa rừng. Nhiều nữ chiến sỹ thanh niên xung phong phục vụ ở các trạm giao liên, các kho tàng quân nhu bí mật, các căn cứ chỉ huy của mặt trận tiền phương…, hàng thập kỷ nhịn yêu, đã trở thành những gái già quắt queo, cay nghiệt, điên loạn. Nhưng cũng không ít các cô gái, các chàng trai “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” vượt rào quân lệnh, chấp nhận bị kỷ luật, mặc sự ghẻ lạnh của những kẻ đội lốt cà sa, để yêu như thiêu thân. Họ quấn lấy nhau như trăn gió, như “rắn mồng năm”. Trong số đó, có cặp xuất phát từ tình cảm đích thực, có cặp tình một đêm, có cặp thác loạn, sống gấp để biết “mùi đời” kẻo biết đâu ngày mai “xanh cỏ”!
 


Mùa khô 1971, ở binh trạm Bãi Hà, lính tráng qua đây thường truyền khẩu câu chuyện về một nữ cựu binh ngoài 35 tuổi âm thầm dâng hiến thể xác cho hàng nghìn tân binh trẻ, mỗi khi chị làm nhiệm vụ giao liên dẫn đường cho các đơn vị bộ đội từ miền Bắc bổ xung cho mặt trận B5. Họ kháo nhau chị có một cơ thể nuột nà và mùi hương da thịt thơm tho như con gái vừa tới tuổi dậy thì. Với ai, chị cũng trao tặng, dâng hiến như trút hết đến giọt cuối cùng của đại dương tình ái. Nhưng ai cũng chỉ được duy nhất một lần như thế. Chị quê ở Vĩnh Lộc – Thanh Hóa, nơi thường có các đơn vị bộ đội chủ lực về đóng quân. Cuối năm học phổ thông, chị yêu một người lính binh nhì làm liên lạc cho Ban chỉ huy tiểu đoàn đang ở nhờ nhà mình. Họ gặp nhau vào mỗi sáng tinh mơ bên bờ sông Mã. Anh viện cớ thể thao chạy bộ để rèn luyện thân thể. Đó là thời điểm tiểu đoàn bộ ít việc sai vặt và cũng là lúc chỉ huy ít săm soi, nghi ngờ về chuyện hẹn hò của lính tráng. Bởi từ cổ chí kim, bình minh không phải là lúc quả đất dành cho tình yêu hẹn hò, mọc cánh. Hai cơ thể trinh nguyên, cường tráng, trẻ trung ấy mỗi lần gặp nhau, hừng hực, hổn hển như định ăn sống nuốt tươi nhau. Nhưng nỗi sợ đoàn thể, đơn vị, họ mạc…, cứ lạnh lùng, nhẫn tâm như lưỡi hái bén sắc kề cổ, răn đe họ. Buổi hẹn hò cuối cùng ở ngã ba Bông, nơi sông Mã hung dữ mà đa  tình như chốn Lương Sơn Bạc, trước lúc anh cùng tiểu đoàn hành quân ra mặt trận, anh cũng chỉ dám thơm chớp nhoáng một cái lên trán chị. Ba năm sau, tình cờ, chị gặp anh ở một trạm giao liên trên Đường 9 – Khe Sanh, khi chị đã là dân công hỏa tuyến và anh đã trở thành một đại đội trưởng pháo binh, dày dạn trận mạc. Chỉ có hơn một tiếng để tâm sự sau hơn một nghìn ngày xa cách.

Sau mươi phút hàn huyên, họ dìu nhau xuống chân sườn ta-luy của con đường dã chiến mới mở. Đúng vào lúc anh chị định trao thân cho nhau, thì bom B52 rải thảm. Anh vồ lấy chị, đè lên, che đỡ… Bị một mảnh bom cự ly rất gần, chém xuyên qua lưng, thấu phổi, anh đã hy sinh trên đường tải thương ngay đêm ấy.

Cái chết của anh đã biến chị thành vọng phu sống. Chị vẫn xinh đẹp, khỏe mạnh nhưng không thể yêu ai. Một lần, đi kiếm rau tàu bay về nấu canh, chị đã bị trưởng trạm giao liên, thủ trưởng trực tiếp của chị, mò theo, cưỡng hiếp ngay bên bờ thượng nguồn sông Ba Lòng…

Có người nói văn vẻ rằng : Chiến tranh đã biến chị thành búp bê tình dục, nhưng đó là búp bê tình dục có đôi cánh thiên thần !


SÀI GÒN 2013/2014 
Ngô Quốc Túy

Không có nhận xét nào: