Ai là người đau đớn nhất vụ này? Người bị oan phải ngồi tù đã đành nhưng có lẽ oan ức, đớn đau tột cùng là người vợ. Không thể diễn tả nổi nỗi khổ nhục, tức tưởi trong cơn ác mộng suốt 10 năm mà chị phải chịu đựng.
Ông Chấn và gia đình mừng vui ngày được tạm tha sau 10 năm đi tù.
|
Người vợ ngất lịm trong ngày được đoàn tụ với chồng.
|
Tên sát nhân nhởn nhơ?
Thông tin từ Viện KSND Tối cao cho hay, trong quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) có khai nhận hành vi giết người, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, và phúc thẩm, ông Chấn đều không nhận tội và bị tuyên mức án tù chung thân ở cả hai cấp xét xử.
Phải thụ án ở trại giam, ông Chấn đã nhiều lần kêu oan. Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Viện KSND Tối cao và tòa án tối cao xem xét.
Chồng bị tù tội, vợ ông Chấn là bà Nguyễn Thị Chiến vẫn miệt mài đi kêu oan suốt 10 năm qua.
Trong một lá đơn gần đây, bà Chiến viết: “Gia đình tôi và chồng tôi vẫn một mực kêu oan, đến nay đã 10 năm chưa thấy cơ quan nào trả lời.
Đến tháng 6, tôi được gia đình anh Lý Nguyễn Chung (SN 1988, cùng trú ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) cho biết, Chung chính là thủ phạm đã giết chị H. lấy đi 1 nhẫn vàng, 1 nhẫn bạc”.
Theo bà Chiến, sau khi giết nạn nhân xong, thấy máu me lênh láng, dính đầy người, khi Chung về nhà, bị bố mẹ đuổi đi tắm sông.
Sau hôm đó, anh ta vẫn ung dung sống với vợ ở Đắk Lắk, trong khi chồng bà phải ngồi tù oan.
Lời kêu oan được xem xét
Viện KSND Tối cao cho biết: Nhận được đơn kêu oan của vợ chồng ông Chấn, cơ quan điều tra đã khẩn trương triển khai các biện pháp xác minh, kết hợp với kiên trì vận động đối tượng ra tự thú.
Đến ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị H. vào tối ngày 15/8/2003 để cướp tài sản.
Trên cơ sở điều tra, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo cần xem xét lại vụ án theo trình tự tái thẩm và báo cáo Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước đã đồng ý với đề xuất của lãnh đạo liên ngành, cần xem xét giải quyết lại vụ án đúng pháp luật, nếu thực tế có oan thì phải khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân trong quá trình giải quyết vụ án, nếu có vi phạm quy định của pháp luật.
Đến ngày 4/11, Viện trưởng Viện KSND Tối cao kháng nghị tái thẩm bản án đối với ông Chấn. Cùng ngày, ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành án.
Theo quy định của pháp luật, sau khi có quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao sẽ xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm, do xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án, và đó sẽ là căn cứ để mở ra trình tự thủ tục tố tụng tiếp theo đối với vụ án.
Được biết, ngày 6/11, vụ án sẽ được Hội đồng thẩm phán TANDTC đưa ra xét xử tái thẩm.
T.Nhung
(Vietnamnet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét