Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

'Mối tình đầu' của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tuổi 20, ông Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên gặp Nguyễn Thị Quang Thái (em gái ruột của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai) trong chuyến tàu Vinh-Huế, gặp lại trong tù khi hoạt động cách mạng, rồi gặp lại tại Vinh để sau đó trở thành người yêu, người vợ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái thời trẻ. Ảnh tư liệu


                 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái 
                 thời trẻ. Ảnh tư liệu.

LTS: Không chỉ là người lính, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, còn gần gũi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi duyên phận "anh em đồng hao" (phu nhân Đặng Bích Hà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân của Trung tướng Phạm Hồng Cư là hai chị em ruột).
Trong những ký ức riêng rẽ về tuổi trẻ, đặc biệt những ký ức về cuộc sống riêng, Đại tướng đã chọn người anh em đồng hao của mình nhờ phác bút hồi ký. Năm 2004, Trung tướng Phạm Hồng Cư - với sự cộng tác đặc biệt của bà Đặng Bích Hà - đã cho ra mắt tập sách "Đại tướng Võ Nguyễn Giáp thời trẻ" được đông đảo bạn đọc mến mộ.
Một phần thú vị của cuốn sách này là những ký ức đặc biệt về "Tuổi 20 của Đại tướng", trong đó có chuyện kể về cuộc gặp gỡ định mệnh với bà Nguyễn Thị Quang Thái. Đó là người phụ nữ Võ Nguyên Giáp gặp lần đầu tiên trong chuyến tàu Vinh-Huế, gặp lại trong tù khi hoạt động cách mạng, rồi gặp lại Vinh và sau đó trở thành người yêu, người vợ đầu của ông - một người phụ nữ đặc biệt, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động cách mạng của Võ Nguyên Giáp, cho đến khi bà qua đời vì bị giặc bắt cầm tù.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc:


Gặp gỡ
Cô tìm anh để xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng.
Lúc ấy, anh Giáp ở trong một ngôi nhà khuất nẻo trong thành nội Huế. Từ cửa Đông Ba đi vào, rẽ trái, ngôi nhà nép sát thành Huế. Trong nhà treo la liệt các bức trướng phúng viếng cụ Phan Chu Trinh. Cô đi ngay vào nhà. Một cô học sinh xinh xắn, giọng nói nhẹ nhàng, âm ấm. Cô có dáng mảnh dẻ, hai con mắt to rất sáng.
“Đôi mắt này mình đã gặp ở đâu nhỉ?”. Anh Giáp thầm nghĩ. Xem thư giới thiệu, anh nhận ra: Đây là Quang Thái, em chị Minh Khai.
Anh Giáp nhớ lại hôm ở cơ quan Liên tỉnh ủy Nghệ - Tĩnh, cán bộ phụ trách cơ quan nói: “Chị Minh Khai có cô em đẹp người, đẹp nết, học giỏi, hoạt động cách mạng hăng hái không kém gì chị”. Lần đầu tiên anh Giáp nghe nói đến Quang Thái. Nhưng lúc đó, anh không chú ý.
Hôm đi từ Hà Nội về, anh gặp hai cô nữ sinh trên chuyến xe lửa Vinh-Huế. Anh quen cô Cầm, em chị Hoàng Thị Hải Đường, và qua cô Cầm biết người cùng đi với Cầm là Quang Thái.
Hôm ấy, anh Giáp mặc âu phục may theo lối ký giả. Anh vui vẻ nói chuyện với hai cô.
Gặp Quang Thái lần đầu, anh Giáp có ngay mối cảm tình đặc biệt. Người thiếu nữ ấy có điều gì thu hút tâm hồn anh: dáng vẻ dịu hiền, điềm đạm nhưng không kém phần kiên định, khuôn mặt trái xoan, đặc biệt là hai con mắt rất thông minh. Chia tay, anh Giáp nhớ mãi hai con mắt ấy.
Hôm nay gặp lại, anh Giáp gần như sững sờ. “Đúng là con người ấy, người con gái gặp trên chuyến tàu” - anh thầm nghĩ.
Anh hỏi chuyện:
- Tình hình dạo này thế nào?
Quang Thái đáp:
- Ngoài ấy cũng bị khủng bố. Nhiều cơ sở tan vỡ. Những người tích cực chuyển sang Cộng sản.
Quang Thái vào Huế để đi học. Cô tìm bắt liên lạc với tổ chức để nhận công tác với đoàn thể. Anh Giáp giới thiệu Quang Thái với anh Lê Viết Lượng.
Anh Giáp biết là Quang Thái đã tham gia sinh hoạt Hội học sinh đỏ. Anh mong có dịp gặp lại.
Quang Thái vào học lớp Đệ nhất niên trường nữ học Đồng Khánh niên khóa 1929-1930. Quang Thái học giỏi, bài luôn luôn có điểm chín điểm mười về tất cả các môn học nhưng Quang Thái rất giản dị, kín đáo.
Nhiệm vụ của đoàn thể giao cho Thái là phát triển tổ “nữ sinh đỏ”. Tâm trí của Thái dồn vào việc học và hoạt động bí mật. Thái có đến gặp anh Giáp vài lần ở nơi ở mới của anh tại Đông Ba, nhưng về phía Thái chưa nảy nở tình yêu đáp lại. Người mà Thái ngày đêm thương nhớ là chị Minh Khai, lúc này đã từ biệt gia đình lên đường cứu nước.
Năm học 1930-1931 không yên lặng. Những cuộc bãi công của công nhân Bến Thủy, Trường Thi, những cuộc biểu tình của nông dân Nghệ Tĩnh, phong trào Xô viết dội vào trường. Học sinh chuyền tay nhau những tờ truyền đơn in thạch, giấu kín đem vào nhà xí đọc. Họ hào hứng góp tiền ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ.
Thực dân Pháp đàn áp. Xe hòm đen xông vào trường bắt nhiều học sinh chở lên xe đóng kín đưa đi. Quang Thái bị bắt cùng với chị Nga, chị Lài, chị Lý. Khi anh Giáp hoạt động bị bắt rồi bị tống giam vào nhà lao Thừa Phủ, đi ngang qua trại giam nữ, anh Giáp giật mình: Quang Thái!
Khi đó, trong tù, Quang Thái làm bài thơ, được lưu truyền khắp nhà lao:
Mười sáu xuân qua sống ở đời
Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi
Trông phường đế quốc lòng ngao ngán
Thấy bạn cần lao dạ rối bời
Quyết chí hy sinh thây kệ chết
Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi
Ngọn cờ vô sản bao giờ phất
Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.
Bài thơ khiến anh Giáp càng mến phục Quang Thái.
Tình yêu của họ nảy nở từ những lý tưởng chung về cách mạng...

Theo Phạm Hồng Cư
Vietnamnet

Nguyên TBT Lê Khả Phiêu: Anh Văn là một nhân cách lớn

Trong suốt câu chuyện với VietNamNet về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhiều lần nhắc đến nhân cách lớn của ông, đó là sự nhẫn. Dù ở hoàn cảnh nào, ông luôn kiên nhẫn, nhẫn nại cho lợi ích chung của Tổ quốc, của nhân dân.

Chân chính
 

Nguyên Tổng bí thư cho rằng, vốn giàu lòng yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, được Đảng, Bác Hồ đào tạo, giáo dục, cùng với sự tự học, tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu, với tài trí thông minh, sáng tạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng văn, võ song toàn.  
"Vừa võ vừa văn, cả hai lĩnh vực ấy quyện vào nhau, hỗ trợ nhau, đều hay, đều giỏi: quân sự - chính trị - kinh tế - văn hóa, văn hóa - chính trị - kinh tế - quân sự" - ông nói.
Lê Khả Phiêu, Võ Nguyên Giáp, Đại tướng, bô-xít, mở rộng Hà nội, phê bình và tự phê bình, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu năm 2000. Ảnh: Trần Tuấn
Về thành tựu quân sự, ông Lê Khả Phiêu cho rằng trong quá trình lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có công rất lớn, góp phần xứng đáng vào việc hình thành một học thuyết quân sự độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh - đường lối chiến tranh nhân dân.
Điện Biên Phủ và kháng chiến chống Mỹ đều ghi dấu ấn của Đại tướng.

Với chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Phiêu khẳng định tư tưởng "Đánh chắc, tiến chắc" và chiến thuật "kéo pháo vào, kéo pháo ra" của Đại tướng thể hiện sự tài tình, trí tuệ, nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Ông nhớ lại trong Đại thắng mùa xuân 1975, ấn tượng nhất là mệnh lệnh "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Tôi nhớ lúc đó khi đang ở mặt trận thì nhận được thư viết tay của Đại tướng chỉ đạo chiến dịch. Thư tay gửi đến tận nơi cho chúng tôi với nội dung trên. Ngay khi nhận, chúng tôi đã sao y gửi toàn quân đoàn. Lúc đó, khi có thời cơ thuận lợi, chúng tôi đã xốc lên, vượt lên ở mặt trận..." - nguyên Tổng bí thư bồi hồi nhớ lại.

... Trong suốt thời gian chiến tranh, gần như không có sự kết nối trực tiếp giữa Đại tướng và ông Phiêu. Một người ở mặt trận chỉ huy trung ương. Một người ở mặt trận chiến đấu trực tiếp.

Chiến tranh khép lại. Những trọng trách công việc thời bình khiến hai người gần gũi nhau trực tiếp nhiều hơn.

"Tôi và Đại tướng có quá nhiều kỷ niệm gắn bó. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ" - ông Phiêu nói "Ngay ở chỗ này, anh đến thăm tôi hôm đó... trò chuyện biết bao điều".
Lê Khả Phiêu, Võ Nguyên Giáp, Đại tướng, bô-xít, mở rộng Hà nội, phê bình và tự phê bình, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng
Anh Văn là người cộng sản chân chính, trong sáng - ông Lê Khả Phiêu nói. Ảnh: Phạm Hải
Nguyên Tổng bí thư nhớ mãi hội nghị kỷ niệm thành lập đội tuyên truyền giải phóng quân ở Thái Nguyên năm 1993.

12 giờ đêm trước ngày hội nghị, ông trăn trở bên bàn viết. Cho đến sáng hội nghị khai mạc, ông (lúc đó trong vai trò Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) được mời đến dự và phát biểu.

Đến dự hội nghị khi đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài phát biểu được mở đầu "Thưa anh Văn", toàn bộ hội trường vang lên tiếng vỗ tay rầm rầm không ngớt của những vị đại biểu, của những cựu chiến binh, cán bộ quân đội... Chỉ cần mấy chữ đó nhưng đã từ rất lâu nay mới trở lại.

"Nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng mãi mãi xứng đáng là "Anh cả" của quân đội nhân dân Việt Nam. Bạn bè thế giới, các nhà chính khách, học giả, các nhà quân sự khâm phục, kính trọng Đại tướng và coi ông là một danh tướng tài ba thao lược.

Trong suốt câu chuyện với VietNamNet về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhiều lần nhắc đến nhân cách lớn của ông, đó là sự nhẫn.
Dù trong những hoàn cảnh khác nhau, ở những cương vị, trọng trách khác nhau, Đại tướng luôn kiên nhẫn, nhẫn cho lợi ích chung của Tổ quốc, của nhân dân.

"Anh Văn là người cộng sản chân chính, trong sáng. Một con người như thế, từng trải bao điều, nhưng trong những hoàn cảnh khác nhau, đã luôn đặt lợi ích chung của Tổ quốc, nhân dân trên hết" - ông nói. "Có điều tốt là cứ phân công việc gì anh cũng làm. Và làm bằng hết tâm, hết trách nhiệm của mình".

Tư duy mới

Theo nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là nhà quân sự, mà còn là nhà tư tưởng, văn hóa, khoa học, luôn gắn lý luận với thực tiễn. Đại tướng rất coi trọng quá trình tổng kết lịch sử, nhất là những bước ngoặt, lúc thuận lợi, khi khó khăn để rút ra những bài học cho lãnh đạo và cho chính mình.

Với những lĩnh vực trên, theo nguyên Tổng bí thư, Đại tướng là một người có kiến thức rộng và một tư duy mới.

Về công cuộc đổi mới của đất nước, với trách nhiệm và tâm huyết của một người cách mạng lão thành đối với sự phát triển của đất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đóng góp những ý kiến rất quan trọng cho Đảng và Nhà nước.

Đại tướng luôn khẳng định công cuộc đổi mới đã giành được những thành tựu to lớn.. Nhưng ông cũng cho rằng phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ yếu kém, nhược điểm tránh cho được bệnh "chủ quan, kiêu ngạo cộng sản", nhìn rõ mâu thuẫn, thực tế của đất nước, của thế giới để có quyết sách đột phá phù hợp với quy luật, đưa đất nước phát triển tiến lên, sớm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh...

Những vấn đề như mở rộng Hà Nội, khai thác bô-xít Tây Nguyên... ông đều có chính kiến và đã gửi thư góp ý cho lãnh đạo cấp cao.
 
Đại tướng rất quan tâm đến vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
 
Theo nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, về xây dựng Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhấn mạnh phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ vững nguyên tắc Đảng sử dụng hiệu quả vũ khí tự phê bình và phê bình, đoàn kết, thống nhất đi đôi với mở rộng dân chủ trong Đảng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, xa rời quần chúng, chống tham nhũng, lãng phí... xóa bỏ tệ nạn xã hội để Đảng xứng đáng là lương tâm, trí tuệ, danh dự của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam.
 
Và trên cơ sở đó, mà xây dựng, củng cố Nhà nước thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân, mỗi cán bộ, công chức nhà nước phải là công bộc của dân như Bác Hồ từng căn dặn.

Theo Vietnamnet

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Đại tướng sống mãi trong lòng dân tộc

Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp qua đời lúc 18h chiều nay tại Viện quân y 108 khi ông vừa qua tuổi 103.

Đại tướng qua đời vào 18h9 phút chiều 4/10, tại bệnh viện nơi ông nằm điều trị từ năm 2009. Mới cách đây hơn một tháng, Đại tướng bước qua tuổi 103.
Thi hài của ông đã được chuyển từ khu chăm sóc đặc biệt đến nhà lạnh trong sự nghiêm cẩn của những người lính bồng súng.
vnghcm-664624-1368796710-500x0-3144-1380
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới (1950).
Sinh ngày 25/8/1911 tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vốn là một thầy giáo dạy sử đã trở thành "người anh cả" của lực lượng vũ trang Việt Nam, là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.
"Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng!" - Mệnh lệnh nổi tiếng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Trong Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại tướng trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Hồ Chí Minh (1975) - những bước ngoặt trong lịch sử dân tộc.
Sau khi đất nước thống nhất, Đại tướng là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng (đến 1980); Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981 - 1991). Ông cũng là đại biểu Quốc hội các khoá I - VII.
dt4-jpeg-6223-1380898872.jpg
Ông là biểu tượng của ý chí và lòng tự hào dân tộc. Ảnh:  tư liệu
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự trong nước và thế giới đều đánh giá Đại tướng là người toàn tài kể cả trong thời chiến lẫn thời bình. Ông đặc biệt được người dân Việt Nam nhiều thế hệ yêu mến, kính trọng bởi tài năng cũng như sự gần gũi, bình dị trong cuộc sống.
dt1-8845-1380898872.jpg
Đại tướng năm 2004. Ảnh: AFP
Trong Bách khoa toàn thư của Mỹ và của nhiều nước, tên và hình ảnh của ông được ghi lại như một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết hôn lần đầu năm 1934 với nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái. Hai người có một người con là bà Võ Hồng Anh (1941-2009). Bà Hồng Anh là tiến sĩ khoa học và từng đoạt giải thưởng Kovalevskaia
Đại tướng tái hôn với giáo sư Đặng Bích Hà (con gái của giáo sư Đặng Thai Mai) sau khi người vợ đầu hi sinh vào năm 1946. Ông bà có 4 người con là Võ Hòa Bình, Võ Hạnh Phúc, Võ Điện Biên và Võ Hồng Nam
.
Nhóm phóng viên

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần ở tuổi 103

(TNO) Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần vào hôm nay 4.10.2013, thọ 103 tuổi. Đại tướng qua đời vào cuối giờ chiều 4.10, tại bệnh viện nơi ông nằm điều trị lâu nay.

Thanh Niên Online xin giới thiệu bài viết Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp đến bạn đọc. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp

Trong cuộc đời cầm quân của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có rất nhiều quyết định quan trọng, đưa ông vào hàng “những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử” (từ của Peter MacDonald, một vị tướng kiêm sử gia người Anh). Nhưng việc thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” chuyển sang “Đánh chắc tiến chắc” - một thay đổi đưa đến chiến thắng tuyệt đối trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 - được coi là quyết định to lớn và “khó khăn” nhất cuộc đời ông. Thanh Niên giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của đại tá PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự VN, để thấy rõ hơn về bản lĩnh quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tại sao lại là Điện Biên Phủ?
Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất, nhưng vào mùa thu năm 1953, nó hoàn toàn không có trong kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh của ta và cả trong Kế hoạch Navarre của Pháp.
Kế hoạch của quân viễn chinh Pháp
Do chiến sự diễn ra nhanh chóng, một đơn vị bộ đội ta hành quân lên Tây Bắc để tiến công giải phóng thị xã Lai Châu, vị trí còn lại cuối cùng của Pháp ở Tây Bắc, nhằm giải phóng hoàn toàn vùng này. Lo sợ quân ta sau khi làm chủ vùng Tây Bắc chiến lược rộng lớn, sẽ thừa thắng đánh sang Thượng Lào rồi đánh xuống Trung Lào, Hạ Lào, xuống đông bắc Campuchia, rồi quặt vào miền Trung Trung Bộ..., Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương là Nava vội vã cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ trong các ngày 20-21.11.1953 nhằm lập một trung tâm chốt chặn đường tiến của bộ đội ta lên Lai Châu và sang Lào.
Về mặt địa lý chiến lược, Điện Biên Phủ - có cánh đồng Mường Thanh, là nơi có địa hình rộng lớn và bằng phẳng nhất ở Tây Bắc. Lòng chảo Điện Biên Phủ có chiều rộng từ 6-8 km, dài 15-17 km, được chính Tổng chỉ huy Navarre đánh giá là căn cứ lục quân, không quân tốt nhất ở miền bắc Đông Dương, rất thuận tiện cho việc xây dựng tập đoàn cứ điểm phòng thủ.
Không những thế, bộ chỉ huy Pháp còn tính toán rằng, ở Điện Biên Phủ, nơi cách Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ 300 đến 500 km đường chim bay, chỉ có đường quốc lộ số 6 từ Hà Nội đi qua Hòa Bình, Sơn La lên, thì việc đảm bảo vũ khí, đạn dược hậu cần, lương thực thuốc men... cho hàng vạn người chiến đấu trong một thời gian dài, là điều rất khó, nếu không nói là không thể thực hiện được. Sở dĩ như vậy là vì Bộ chỉ huy Pháp cho rằng quân ta chủ yếu vận chuyển bằng đôi vai và các phương tiện thô sơ như xe đạp thồ, ngựa thồ, thuyền mảng, nếu có đi theo đường số 6 thì sẽ bị máy bay của Pháp ném bom chặn đánh.
Hơn nữa, hình thức tập đoàn cứ điểm đã được phía Pháp áp dụng xây dựng trong đông xuân 1951-1952, tại thị xã Hòa Bình, trong chiến dịch Hòa Bình; tại Nà Sản (10.1952), trong chiến dịch Tây Bắc, nhưng bộ đội ta đều không đánh được, trái lại bị tổn thất nặng, thì với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, được xây dựng kiên cố, quân đông (16.000), nhiều vị trí và trung tâm đề kháng (49 cứ điểm, 8 trung tâm đề kháng), lại có cầu hàng không tiếp tế liên tục với số lượng lớn..., từng được viên Tổng chỉ huy tiền nhiệm của Navarre là Salan đánh giá là “Nà Sản lũy thừa 10”, được Bộ chỉ huy Pháp coi là bất khả xâm phạm. Nếu bộ đội ta có liều lĩnh đánh vào thì tập đoàn cứ điểm trở thành “cái nhọt hút độc”, là “cái cối xay thịt” chủ lực Việt Minh. Chính vì thế, cả Pháp và Mỹ đều rất chủ quan, thậm chí còn cho thả truyền đơn “thách tướng Giáp tiến công” Điện Biên Phủ.
Điểm hẹn lịch sử
Về phía ta, nhận được tin quân Pháp nhảy dù chiếm và xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm, T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng đây là cơ hội tốt để ta tiêu diệt địch, đánh bại ý chí tiếp tục chiến tranh của chúng. Vì thế, tuy chưa chuẩn bị cho một trận đánh lớn, mà đang tập trung huấn luyện, củng cố ở khu vực Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ..., nhưng rất nhanh chóng, phần lớn các đại đoàn chủ lực của ta được lệnh lên đường nhằm hướng Điện Biên Phủ.
Xuất phát từ quan điểm chiến tranh nhân dân, với khẩu hiệu “Tất cả cho Điện Biên Phủ”, hàng chục vạn dân công các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa đã được huy động làm đường, vận chuyển hàng cho chiến dịch. Cũng với niềm tin tưởng rằng trải qua 8 năm kháng chiến, bộ đội ta đã trưởng thành về mọi mặt: quân số, tổ chức, trang bị vũ khí, cách đánh..., có đủ khả năng đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất của thực dân Pháp, giáng một đòn quyết định, sớm kết thúc chiến tranh.
Vì thế, một cách không tự giác, nhưng lại có tính logic trong tiến trình chiến tranh, đã đến lúc cả hai bên tham chiến đều nhận thấy cần có một trận đánh quyết định để kết thúc chiến tranh. Tuy rằng, trong kế hoạch, Navarre chủ trương đến mùa thu 1955 mới kéo quân ra miền Bắc giao đấu trận quyết định với chủ lực ta sau khi đã bình định xong Nam Bộ và “thanh toán” được vùng tự do Liên khu 5, nhưng trước bối cảnh của thế bị động chiến lược, phải đối phó với đòn tiến công của ta nhằm phá khối cơ động chiến lược - xương sống của Kế hoạch Navarre, viên Tổng chỉ huy Pháp đã có một quyết định táo bạo - nhưng lại là quyết định sai lầm lớn nhất trong cuộc đời nhà binh - cầm quân của ông ta.
Ngày 3.12.1953, Navarre quyết định chấp nhận giao chiến với ta ở Điện Biên Phủ. Chỉ 3 ngày sau, ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng họp mở rộng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua kế hoạch tác chiến ở Điện Biên Phủ do Tổng Quân ủy trình bày.
Điện Biên Phủ trở thành điểm hẹn mang tính lịch sử một cách nhanh chóng trong vòng 2 tuần, nếu chỉ tính từ ngày 20.11.1953, khi những lính dù Pháp đầu tiên được ném xuống vùng lòng chảo thanh bình và trù phú này, nhưng thực chất đó là kết quả của cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, ác liệt của quân và dân ta.  

Chủ trương viện trợ cho Việt Nam chống Pháp, Đảng, Chính phủ Trung Quốc đã cử Bí thư Tỉnh ủy, Chính ủy trong Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc La Quý Ba sang Việt Nam làm đại diện liên lạc giữa hai T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc và T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương (3.1950). Tháng 7.1950, Trung Quốc đã cử ông Trần Canh, lúc đó đang là Phó tư lệnh Quân khu Tây Nam kiêm Tư lệnh Quân khu Vân Nam, sang giúp cuộc kháng chiến của Việt Nam, chuẩn bị mở chiến dịch Biên giới thu đông 1950.
Đến giữa tháng 8.1950, các thành viên Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc lần lượt sang Việt Nam, do ông Vi Quốc Thanh, lúc đó đang là Chính ủy Binh đoàn số 10 kiêm Chủ nhiệm Ủy ban quân quản thành phố Phúc Châu, làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy; ông Mai Gia Sinh làm Phó đoàn phụ trách Tham mưu trưởng, Đặng Dật Phàm là Phó đoàn phụ trách Chủ nhiệm Chính trị.
 PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà

Hạ cánh nghỉ hưu: Hàng loạt sếp lớn vẫn phải vào tù

Nhiều sếp lớn về hưu tưởng được an nhàn nghỉ ngơi, bỗng một ngày công an đến nhà đọc quyết định bắt giam. Lý do: họ đã có hành vi vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng khi còn đương chức.

Đặc biệt, chỉ vòng 1 tháng trở lại đây, có tới 4 cựu lãnh đạo DN bị cơ quan điều tra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét và bắt giữ.
Cựu sếp Intimex làm thất thoát gần 26 tỷ đồng
Vừa qua, ông Nguyễn Thăng Long, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Intimex Hà Nội, đã bị khám xét nhà và bắt tạm giam về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo điều tra, khi còn đương chức, ông Long đã sử dụng danh nghĩa của Intimex Hà Nội ký 3 hợp đồng mua bán tinh bột sắn với Công ty TNHH Phú Mỹ (Hòa Bình) và Công ty Toàn Năng (Phú Thọ) với tổng giá trị hơn 24 tỉ đồng và Intimex Hà Nội đã chuyển 10,7 tỉ đồng vào tài khoản công ty Phú Mỹ.
Nhưng sau đó, Phú Mỹ không chuyển hàng cho Intimex Hà Nội nên để hợp thức hóa hồ sơ giấy tờ và khoản tiền đã chuyển, Intimex Hà Nội đã làm giả hai hợp đồng xuất khẩu tinh bột sắn cho một doanh nghiệp nước ngoài nhưng không có khoản tiền nào được thanh toán. Cho đến nay, 10,7 tỉ đồng đã chuyển cho Phú Mỹ không thu hồi được.
Cựu lãnh đạo, về hưu, giám đốc, HĐQT, bị bắt, vi phạm pháp luật, sếp 
Bên cạnh đó, ông Long còn chỉ đạo làm giả một số hợp đồng mua bán cà phê để sử dụng thế chấp vay tiền của ba ngân hàng với số tiền hơn 15 tỉ đồng, khoản vay này được sử dụng vào mục đích kinh doanh bất động sản và thua lỗ, gây thiệt hại cho Intimex Hà Nội.
Cựu sếp DN thủy sản làm 150 tỷ đồng “bốc hơi”  
Ngày 15/6/2013, ông Nguyễn Hữu Lộc - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - Công ty TNHH MTV đã bị bắt về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong thời gian ông Lộc giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hải sản Biển Đông đã làm mất vốn nhà nước lên tới 150 tỉ đồng.
Ông Long không chỉ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hải sản Biển Đông mà còn nắm giức các chức vụ khác: chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghiệp thủy sản (Seameco); thành viên HĐQT Công ty CP Biển Tây; chủ tịch HĐQT Công ty CP Aquafeed Cửu Long.
Do nắm giữ nhiều chức, nhiều quyền lực nên ông Lộc cùng các “cộng sự” gây ra nhiều sai phạm rất nghiêm trọng. Cụ thể, Công ty CP công nghiệp thủy sản chuyển tiền về các công ty CP Biển Tây, Aquafeed Cửu Long bằng cách ký hợp đồng bán nguyên liệu thức ăn nuôi cá nhưng không có văn bản báo cho HĐQT.
Hậu quả đến nay công ty CP Aquafeed Cửu Long nợ công ty CP Công nghiệp thủy sản 113 tỷ đồng không có khả năng chi trả, bởi Aquafeed Cửu Long đã ngừng hoạt động hơn một năm nay và đang chờ làm thủ tục phá sản.
Ngoài ra, Tổng công ty Hải sản Biển Đông còn cho công ty CP Công nghiệp thủy sản vay gần 21 tỉ đồng, nhưng thủ tục cho vay không đầy đủ và không hợp pháp. Khoản nợ này hiện tại cũng không có khả năng thu hồi.
Cựu lãnh đạo, về hưu, giám đốc, HĐQT, bị bắt, vi phạm pháp luật, sếp 
Ông Lộc và tay chân của mình còn bất chấp quy định của Nhà nước, tự ý giảm tỉ lệ vốn nhà nước từ 59% xuống còn 46% tại Công ty CP Công nghiệp thủy sản. Việc giảm vốn dẫn đến Nhà nước không còn chi phối, nên công ty này hoạt động chệch hướng chiến lược của tổng công ty, kéo theo nhiều sai phạm nghiêm trọng khác.
Bắt nguyên Phó GĐ chi nhánh Agribank
Đầu tháng 7/2013, ông Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Bình Chánh (TP.HCM) và 2 bà Trần Thị Hoàng Yến, Nguyễn Thị Thanh Nga đều là nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh của chi nhánh ngân hàng này đã bị khởi tố do không thực hiện đúng quy định gây thiệt hại hơn 12 tỉ đồng.
Theo điều 179 Bộ Luật hình sự, 3 bị can trên bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Năm 2009, ông Lê Văn Chức (Giám đốc Agribank - chi nhánh Bình Chánh) ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Thanh Phát (ở quận 6) vay hơn 19 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng dự án khách sạn 5 sao tại Đà Lạt.
Cuối năm 2012, ông Chức bị bệnh từ trần. Khi tiến hành các thủ tục cho vay, 3 nguyên cán bộ trên đã không thực hiện đúng quy định của ngân hàng về thẩm định dự án và tài sản đảm bảo cho vay dẫn đến Công ty Thanh Phát mất khả năng thanh toán. Hậu quả, ngân hàng Agribank chi nhánh Bình Chánh thiệt hại hơn 12 tỷ đồng.
Cựu lãnh đạo, về hưu, giám đốc, HĐQT, bị bắt, vi phạm pháp luật, sếp 
Bắt cựu lãnh đạo giúp SME lừa đảo
Ngày 12/7/2013, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với Cao Tuấn Nghĩa, nguyên Giám đốc Công ty CP tư vấn Anh do bị tình nghi có vai trò đồng phạm giúp sức lãnh đạo Công ty SME lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng.
Trước đó, Cơ quan CSĐT đã khởi tố, bắt tạm giam Phan Huy Chí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SME; Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT SME, cùng 3 cán bộ của Công ty SME để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhị Anh (tổng hợp)

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Phở, bún chả, bún thang vào top giá trị ẩm thực châu Á

Phở, bún chả, bún thang sẽ được vinh danh tại liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng 2013 từ ngày 8 đến 12/10 tại Hà Nội.

Theo ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội, ẩm thực được xem là thế mạnh, một trong những yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch đến với Việt Nam.
Kể từ năm 2010, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã triển khai việc quảng bá ẩm thực và đặc sản, tìm kiếm kỷ lục ẩm thực và đề cử đến các tổ chức trên thế giới, góp phần làm cho ẩm thực Việt Nam được biết đến một cách rộng rãi. Theo đó, trong 57 quốc gia, Việt Nam có 12 món lọt vào "Top các món ăn đạt giá trị ẩm thực Châu Á" do tổ chức kỷ lục Châu Á ghi nhận.
pho1-6992-1380783469.jpg
Phở Hà Nội nằm trong top giá trị ẩm thực châu Á.
Việc đón nhận danh hiệu của 3 món ăn của Hà Nội gồm phở, bún chả, bún thang sẽ được tổ chức trong chương trình khai mạc Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Cũng theo ông Dũng, tại liên hoan này Hà Nội cũng đón nhận 6 món ẩm thực được công nhận trong Hành trình top đặc sản Việt Nam lần thứ nhất 2012 gồm: chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì, mơ Hương Sơn, cam Canh, bánh cốm Hàng Than, ô mai Hàng Đường do Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam trao tặng.
"Hầu hết khách du lịch nước ngoài đều đánh giá cao ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là ẩm thực Hà Nội có giá trị truyền thống cao. Do vậy Hà Nội tự hào về nền ẩm thực của mình như một giá trị văn hóa", ông Dũng cho hay.
12 món ăn Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận gồm: phở, bún chả, bún thang (Hà Nội), bánh đa cua Hải Phòng, cơm cháy Ninh Bình, miến lươn Nghệ An, bún bò Huế, mì Quảng (Quảng Nam), phở khô Gia Lai, bánh khọt Vũng Tàu, gỏi cuốn Sài Gòn, cơm tấm Sài Gòn.
Anh Phương

Danh hài Hoài Linh ngoài sân khấu

GiadinhNet - Sở thích của Hoài Linh là ăn những món ăn dân dã. Và những lúc rảnh rỗi lại phi xe về vùng miệt vườn sông nước để câu cá và ngắm cảnh đồng quê yên ả...

Ảnh hiếm của danh hài Hoài Linh 1
Hoài Linh rất thích đi câu tôm mỗi khi rảnh rỗi.

Sinh năm 1969 tại Cam Ranh (Khánh Hòa) trong một gia đình có 6 anh chị em (3 trai, 3 gái), từ nhỏ danh hài Hoài Linh đã được ba má rèn dũa cho một lối sống giản dị, chừng mực và khiêm tốn. Chính lối sống này đã giúp Hoài Linh có được rất nhiều tình thương yêu của khán giả và bạn bè đồng nghiệp.

Theo chia sẻ của anh thì thời trung học, do hoàn cảnh nên anh phải theo gia đình di chuyển rất nhiều nơi. Khi thì Trảng Bom, Long Khánh (Đồng Nai) lúc lại về lại Cam Ranh. Tuy nhiên, anh không bị mất đi một người bạn nào. Anh đi, mọi người vẫn viết thư thăm hỏi thường xuyên. Thậm chí, không ít bạn gái đã gửi cho anh nhiều tặng phẩm thể hiện sự luyến thương, tiếc nuối khi phải chia tay một người bạn tốt.

Đến năm 1989, Hoài Linh gia nhập đoàn ca múa nhạc Ponaga. Khi có ý định theo đoàn múa, gia đình anh đã tỏ ra không hài lòng và tìm cách ngăn cản vì bố mẹ anh nghĩ tính cách của anh phù hợp với ngành sư phạm hơn cả và đã hướng con theo con đường này. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan nên chuyện trở thành nhà giáo của Hoài Linh đã không thành. 

Thời gian anh cộng tác với đoàn múa Ponaga, khi theo đoàn đi lưu diễn ở các tỉnh miền Trung và một số tỉnh miền Nam, Hoài Linh đã được rất nhiều khán giả yêu mến. Họ quý anh vì tâm huyết với nghề nhưng đồng thời là người biết sống vì người khác, biết quý trọng giá trị bản thân.

Có lẽ vì thế mà bước chân vào thế giới nghệ thuật đã trên 30 năm nhưng Hoài Linh vẫn luôn được mọi người xem là nghệ sĩ bình dân nhất Việt Nam. Trên sân khấu lẫn trong cuộc sống đời thường, Hoài Linh luôn giữ lối sống giản dị, chừng mực. 

Anh không bao giờ thích lên báo và càng không thích lê la sau giờ diễn. Rất hiếm khi gặp được Hoài Linh một mình đi shopping ở các trung tâm thương mại hoặc khu vui chơi giải trí. Ngay cả trang phục biểu diễn của anh, nhiều nhất vẫn là những chiếc áo bà ba và những dép tông rẻ tiền.

Sở thích của Hoài Linh là ăn những món ăn dân dã. Và những lúc rảnh rỗi lại phi xe về vùng miệt vườn sông nước để câu cá và ngắm cảnh đồng quê yên ả. Anh có thể ăn, ngủ, sống, nhậu… cùng bà con nông dân hàng tháng mà không biết chán. Thế nhưng, với một người yêu công việc như Hoài Linh thì ngay cả những sở thích dân dã như thế không phải bao giờ anh cũng có cơ hội để thực hiện.

Dưới đây là một số hình ảnh rất ngộ nghĩnh của danh hài nổi tiếng Hoài Linh:
 
Ảnh hiếm của danh hài Hoài Linh 2
Thích cùng anh em, bạn bè về quê “quậy” cùng sông nước, miệt vườn.
Ảnh hiếm của danh hài Hoài Linh 3
Ngoài đời, Việt Hương và Hoài Linh có quan hệ anh em rất thân thiết. Mọi người hay gọi hai người là “Tú ông”, “Tú bà”.
Ảnh hiếm của danh hài Hoài Linh 4
Cũng mũ tai mèo, quần soóc, áo phông, đi ghe, thả lưới như nông dân thứ thiệt mỗi khi về quê.
Ảnh hiếm của danh hài Hoài Linh 5
Hoài Linh rất yêu động vật. Anh đặc biệt thích nuôi chó và chim.
Ảnh hiếm của danh hài Hoài Linh 6
Là người giàu tình cảm nên Hoài Linh rất gần gũi mọi người. Mỗi lần qua Mỹ, anh lại thường hay gặp gỡ bạn bè, người thân để thăm hỏi. Ảnh: Hoài Linh bên mộ cố nghệ sỹ Hữu Phước – thân phụ của ca sĩ Hương Lan.
Ảnh hiếm của danh hài Hoài Linh 7
Hoài Linh “tự sướng” trước khi vào vai thầy đàn Bảy Mến thời trẻ, trong phim “Khúc Nam Ai”.
Ảnh hiếm của danh hài Hoài Linh 8
Hoài Linh bảnh bao ở Pháp cách đây 6 tháng.
Ảnh hiếm của danh hài Hoài Linh 9
Xì tin giữa phố đông người ở trời Tây
Ảnh hiếm của danh hài Hoài Linh 10
Hoài Linh và Việt Hương tranh thủ tạo dáng trước khi bước vào một cảnh quay trong phim “Nhà có 5 nàng tiên” tại Vũng Tàu. Hoài Linh chú thích: “Hình chụp kỷ niệm lễ “luộc” hôn của vợ chồng em. Trang phục cưới hơi bị quá nhưng vợ chồng em thích thế”.
Ảnh hiếm của danh hài Hoài Linh 11
Tập lái xe trước khi bước vào quay cảnh thật trong phim “Nhà có 5 nàng tiên”
 
Hà Tùng Long

Phố cổ Hội An 'bơi" trong biển nước

(TNO) Nước lũ từ các thủy điện thượng nguồn đổ về khiến cho phố cổ Hội An (Quảng Nam) bắt đầu ngập trong nước từ khuya 2.10.

Hội An 1
Người dân dùng thuyền để đi lại trên tuyến đường Bach Đằng (Hội An)
Đến 13 giờ ngày 3.10, nhiều tuyến đường tại Hội An vẫn ngập sâu trong nước từ 0,5 - 1 m. Trong đó, tuyến đường Bạch Đằng (ven sông Hoài) bị tê liệt hoàn toàn. Người dân phải dùng thuyền để đi lại.
Các tuyến đường như: Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, Tiểu La… cũng bị ngập cục bộ.
Nhiều hàng quán tại những tuyến đường này đã đóng cửa để tránh lũ.
Do không thể lưu thông trên các tuyến phố nên nhiều người dân tranh thủ dùng ghe thuyền chở du khách để kiếm tiền.
Mỗi chuyến “tham quan” phố cổ trong nước lũ bằng thuyền trong vòng 30 phút người dân lấy giá 50.000 đồng.
Hiện nước lũ tại Hội An đang xuống nhưng rất chậm. Mực nước lũ của sông Vu Gia tại Ái Nghĩa vào sáng 3.10 là 8,47 m (dưới báo động 3 là 0,53 m).
Đến khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày mực nước sông đã xuống báo động 2.
Phóng viên Thanh Niên Online ghi lại những hình ảnh đặc biệt tại Hội An vào sáng nay 3.10:
Hội An 2
Các tuyến đường ven sông Hoài ngập sâu trong nước
Hội An 3
Biển chỉ dẫn cho du khách bị ngập hơn phân nửa
Hội An 4
Người dân tranh thủ chèo thuyền chở khách du lịch kiếm tiền
Hội An 5
Ghế công cộng ngắm cảnh ven sông Hoài chìm nghỉm trong nước lũ
Hội An 6
“Bến đò” trên một tuyến phố cổ
Hội An 7
Du khách ngồi thuyền ngắm cảnh nước lũ
Hội An 8
Rất đông ghe, thuyền sẵn sàng chở du khách vào mùa lũ
Hội An 9
Bữa ăn vội vàng của những người chèo đò
Hội An 10
Cầu An Hội nước lũ đã lên mấp mé
Hội An 11
Đường phố đến 13 giờ ngày 3.10 vẫn ngập nước
Hội An 12
Những con tàu lớn neo đậu cạnh đường Bạch Đằng
Hội An 13
Nước lũ đang xuống nhưng rất chậm
Hội An 14
Hội An mùa lũ cũng có một vẻ đẹp riêng của nó
Hội An 15
Một quán cóc bên đường chìm trong nước dù đã đặt trên vỉa hè
Hoàng Sơn