*Thành viên HĐXX 'án oan 10 năm'
nói gì?
Liên quan đến việc ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, ở xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) vừa được tạm trả tự do sau 10 năm ngồi tù, chủ tọa và thẩm phán phiên xét xử sơ thẩm vụ án vào năm 2004 đã trả lời về trách nhiệm trong vụ việc này.
Bên cạnh việc bồi thường cho nạn nhân, điều khiến nhiều người dân quan tâm hiện nay là trách nhiệm của những người "cầm cân nảy mực" trong vụ án đã gây ra 10 năm bi kịch cho cuộc đời của một con người.
Công bố quyết định tạm tha ông Chấn - Ảnh: Minh Quang |
Về vụ việc này, trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Năng (chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm vụ án này vào năm 2004) nói: “Tôi quên phiên xét xử đó rồi. Hồi xưa xét xử thì dựa trên chứng cứ, tài liệu vụ án, chứ giờ vụ án đã lâu không nhớ nổi".
Trả lời về trách nhiệm trong vụ việc xử án oan cho phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn, ông Năng nói: "Giờ bị cáo bị oan sai thì trách nhiệm là do Quốc hội chứ biết sao được”.
Cũng trên báo này, ông Trần Văn Duyên (69 tuổi, nguyên thẩm phán TAND tỉnh Bắc Giang, thẩm phán phiên xét xử sơ thẩm năm 2004, đã nghỉ hưu từ năm 2006) nói: “Đã có sự phân cấp rồi, chúng tôi xử sơ thẩm mà cấp phúc thẩm y án thì chứng tỏ có đủ căn cứ kết tội bị cáo về tội giết người. Cấp phúc thẩm tuyên y án thì có nghĩa chúng tôi xử đúng rồi và chúng tôi cũng không có trách nhiệm gì, giờ vụ án có sai thì trách nhiệm thuộc về cấp phúc thẩm của tòa tối cao”.
Trao đổi trên báo Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Đức Khiển – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao, cũng cho rằng: "TAND Tối cao có trách nhiệm bồi thường cho anh Nguyễn Thanh Chấn, cả về vật chất lẫn tinh thần theo Luật bồi thường của Nhà nước. Hội đồng xét xử của TAND Tối cao đã xử anh Chấn cũng phải có trách nhiệm trong việc này".
Ông Khiển cũng nhấn mạnh: "TAND Tối cao đã xử phúc thẩm bản án của TAND tỉnh Bắc Giang, phán quyết anh Chấn tù chung thân, và trên thực tế anh Chấn đã phải ngồi tù 10 năm rồi. Nay, TAND Tối cao có trách nhiệm bồi thường cho anh Chấn cả về vật chất và tinh thần. Họ đã xử oan cho anh Chấn và gián tiếp làm tan nát cả một gia đình".
Cũng theo nguồn tin của báo này, một vị nguyên là cán bộ cấp cao của Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, việc oan sai xảy ra trong quá trình tố tụng không phải bây giờ mới có.
Vị này cho rằng, đây là một “lỗ hổng” trong hệ thống pháp luật của chúng ta. Việc điều tra, khởi tố, truy tố, kết án ẩu, thiếu kỹ lưỡng đã dẫn đến không ít vụ oan sai. Theo ông được biết, đã từng có trường hợp đi tù 17 năm rồi mới được minh oan.
Người tù oan đã làm gì trong buổi tối có án mạng?
Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, sáng 4/11, trại giam Vĩnh Quang, Bộ Công an đã thông báo quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn để điều tra lại.
Theo bản án phúc thẩm, ngày 27/7/2004 của TAND Tối cao, chiều ngày 15/8/2003, ông Chấn đi ra quán bán hàng của gia đình ở đầu sân bóng thôn Me.
Khoảng gần 19 giờ cùng ngày, vợ ông Chấn bảo chồng đi xin nước. Ông Chấn lấy hai vỏ thùng nhựa đựng sơn móc vào xe đạp đi xin nước. Khi đi qua nhà một người phụ nữ đơn thân cùng xã tên H., ông Chấn nảy ý định rẽ vào gạ gẫm giao cấu.Sau khi “gạ tình” chị H. không được, ông Chấn lao vào chị này. Hai bên giằng co nhau một lúc, khi ông Chấn buông tay, chị H. vớ vỏ chai bia ở dưới chân giường đập vào ông Chấn. Vừa bực tức, vừa sợ chị H. tố cáo, ông Chấn nảy ý định phải giết chị H.
Gây án xong, ông Chấn tắt hai công tắc nhà nạn nhân rồi đi xin nước...
Trong quá trình điều tra, ông Chấn đã khai nhận hành vi giết người nhưng tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo lại không nhận tội.
Cụ thể, trong những lá đơn kêu oan, ông Chấn cho biết: Cơ quan công an bắt giữ tôi vì cho rằng tôi đã giết chết chị H. khi đi xin nước, vào thời gian khoảng 19h đến 19h25.
Thực tế, trong thời gian đó, tôi đang bấm điện thoại cho anh Thực (ở Yên Sơn, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Số máy và thời gian còn lưu lại ở tổng đài bưu điện huyện Việt Yên.
Trong các lá đơn do bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) cũng khẳng định, khoảng thời gian đó chồng bà đang ở nhà bấm điện thoại cho ông Thực gọi nhờ. Trước tòa phúc thẩm, ông Thực làm chứng điều này.
Người đàn ông này cũng lý giải nguyên nhân trong quá trình điều tra, ông phải nhận tội là do bị "ép cung". Theo đó, do bố là liệt sỹ mất sớm, gia đình khó khăn nên không có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn. Ông không hiều biết về pháp luật, vì quá sợ hãi nên đành nhận tội.
L.Lê(Vietnamnet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét