Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

> Biết thân biết phận, DN Trung Quốc tìm cách thay tên đổi họ khi ra nước ngoài




    Các doanh nhân Trung Quốc hiểu rằng, nếu vươn ra thị trường thế giới bằng một thương hiệu “thuần Trung Quốc 100%” thì gần như chắc chắn họ sẽ thất bại nặng nề. Một giải pháp mới đang được áp dụng: Mua lại doanh nghiệp nước ngoài, lấy tên và thương hiệu nước ngoài, thuê giám đốc nước ngoài… Đã có những thành công đáng kể.

    Mới đây, hãng điều tra và khảo sát thị trường HD Trade Service đã tiến hành một cuộc điều nghiên về thương hiệu và các công ty Trung Quốc tại thị trường Mỹ đối với người dân Mỹ. Kết quả là có tới 94% số người được hỏi đã không thể kể tên được một thương hiệu Trung Quốc nào. Tệ hơn nữa, có hơn 30% số phiếu khảo sát đã thẳng thừng tuyên bố sẽ không mua, không dùng một sản phẩm nào đó nếu họ biết được rằng nó là do Trung Quốc sản xuất. Nói một cách khác,những tiếng xấu về chất lượng kém, độc hại, nguy hiểm, ăn cắp mẫu mã, thiết kế… của sản phẩm “Made in China” đã hằn quá sâu vào tâm trí của người dùng.
    Đó cũng có thể là một trong những lý do khiến Trung Quốc không thể có nổi một thương hiệu nào lọt vào Top 100 thương hiệu hàng đầu thế giới. “Đây là một sự kỳ lạ nhưng hợp lý. Kỳ lạ là bởi Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới mà không có nổi cái tên nào lọt vào danh sách Top 100 và hợp lý là vì sản phẩm của họ xứng đáng bị như vậy”, một đại diện của công ty tư vấn tiếp thị Interbrand nhận xét.
    Cùng quan điểm này, ông Richard Edelman, chủ tịch công ty Edelman nói: “Thương hiệu Trung Quốc có rất nhiều tiếng xấu và vấn đề như: sự minh bạch, các quy tắc đạo đức, cách đối xử với lao động và chất lượng sản phẩm”.
    Tất nhiên là các doanh nhân Trung Quốc không thể để tình trạng này tiếp diễn và cản trở con đường xuất ngoại của họ. Cách làm của công ty an ninh mạng di động NQ Mobile là một ví dụ. Công ty này đã thành lập một trụ sở chính mới ở Lone Star (Mỹ), niêm yết trên thị trường chứng khoán New York và tuyển một đồng giám đốc điều hành người Mỹ từ chính ngân hàng đầu tư Citigroup và trên trang web bằng tiếng Anh của hãng có tiêu đề: “Sản xuất tại Dallas, Texas”.
    Henry Lin – người sáng lập NQ Mobile thừa nhận việc này: “Tất cả các lao động làm việc tại cơ sở của chúng tôi ở Mỹ đều là người Mỹ và người tiêu dùng sẽ nghĩ rằng đây là một công ty Mỹ. Nếu bạn có thể thành công ở Mỹ thì bạn sẽ có thể thành công ở Tây Âu, Nhật Bản hay Australia”.
    Không có điều kiện để “tẩy gốc gác” một cách kín đáo và “sạch sẽ” như NQ Mobile, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khác sử dụng biện pháp đơn giản hơn là mua lại các công ty nước ngoài. Tháng 9/2013, các cổ đông của công ty chế biến thịt lợn Smithfield Foods của Mỹ đã đồng ý bán lại cổ phần trị giá 7,1 tỷ USD cho công ty Shuanghui International (Trung Quốc) và trở thành một thương vụ mua lại doanh nghiệp Mỹ có giá trị lớn nhất mà một công ty Trung Quốc thực hiện.
    Tương tự, công ty sản xuất ô tô Geely (Trung Quốc) đã mua Volvo (Thụy Điển) trong khi đối thủ cạnh tranh nội địa của Geely và Chery đã tạo ra một thương hiệu mới là Qoros khi liên doanh với  một công ty của Israel. Đến nay, thương vụ nổi bật nhất là việc mua lại bộ phận sản xuất máy tính của IBM mà tập đoàn điện tử Lenovo thực hiện hồi năm 2005 và hiện hãng này đã trở thành nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới.
    Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp Trung Quốc nào cũng muốn “ra biển lớn” bằng tên tuổi của người khác. Tập đoàn sản xuất đồ điện gia dụng Haier hay tập đoàn viễn thông Huawei là những ví dụ điển hình dù bước đi của họ gặp muôn vàn khó khăn. Huawei có 67% doanh thu từ các thị trường bên ngoài Trung Quốc và trong năm 2012 đã lọt nhóm 5 công ty đứng đầu thế giới về số bằng sáng chế nhưng công ty này vẫn liên tục thất bại trong khi phải đối đầu với những đối thủ như Apple, Samsung bởi những lý do không hề liên quan đến kinh doanh. Năm 2012, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu không cho phép Huawei tham gia vào các dự án của cơ quan chính phủ Mỹ còn Australia thì nghiêm cấm việc Huawei cung cấp dịch vụ băng rộng tại đất nước này.
    (Stockbiz)

    Không có nhận xét nào: