Có thể ai cũng cho rằng bài đồng dao: Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng rất vô lý, khó hiểu, phản cảm và bạo lực. Nhưng nếu từng quan sát trong hiện thực đời sống dân gian thì mới thấy bài đồng dao này cũng có "cái lý".
Hãy thử lý giải về điều này:
- Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng: Có thể Nhăng (là lăng nhăng, nhăng nhít). Bản thân cái tên Nhăng đã gợi cho người ta cái ý không được đẹp đẽ cho lắm.
- Đẻ ra con rắn thằn lằn cụt đuôi: Tại sao lại đẻ ra "thằn lằn" chứ không phải con nào khác. Xưa các cụ thường ví những đứa trẻ nghịch ngợm, bướng bỉnh, khó dạy bảo là: loại thằn lằn rắn giáo. Kết cục của một câu chuyện không có hậu. Sinh ra một nghịch tử, một đứa con hư, loại "thằn lằn rắn giáo". Ở đây nói đến luật nhân- quả.
- Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro: Mâu thuẫn vợ chồng trong việc giáo dục, nuôi dạy con cái. Người cha cố bao che, dung túng đứa con hư. Nhưng bà mẹ thì kiên quyết "đập chết đem vùi đống tro", thà không có đứa con hư ấy còn hơn.
Cha ông ta ngày xưa thường có những câu nói răn dạy, thể hiện suy nghĩ, thái độ của mình trước một đứa con hư hoặc mắc lỗi: "nuôi cho toi cơm". Hoặc cực đoan hơn, "ngoa ngôn" hơn là mắng chửi con kiểu: Tao mà biết đẻ ra đứa con hư như mày, tao đã đập chết, vùi tro rồi; Hoặc: Đẻ ra đứa con hư như mày, thà đẻ ra quả trứng mà ăn; Ăn không chịu làm lấy cứt mà đổ vào mồm; Liệu thần hồn, hỗn láo ông đập chết; Bà thì vặn cổ đằng trước ra đằng sau; Thằng chết đâm chết chém đi đâu rồi?...
Những tư duy, ngôn ngữ cách diễn đạt như trên hoàn toàn có thật. Nó cũng rất logic với những suy nghĩ, thái độ của bà Nhăng trong bài đồng dao. Ngày nay, do xã hội phát triển nên cách nói như thế gần như không còn thấy, nó sẽ gây sốc nếu như người ta đọc hoặc nghe kể lại.
Ông Nhăng bảo để mà kho/ Bà Nhăng đập chết đem cho láng giềng
Có kho thì kho với riềng/ Đừng kho với ớt tốn tiền uổng công.
Kết cục hai người cãi nhau về việc "xử lý" đứa con hư. Người cha vẫn cứ "tiếc rẻ", không muốn ra tay, nhưng người mẹ thì kiên quyết. Cuối cùng thì hai người vẫn đưa ra một biện pháp "kho với riềng" nhằm "vớt vát" cái kết cục xấu kia. Hai câu kết này kéo ra cũng là để cho có vần, có điệu, không nghiêng về ý nghĩa.
Cũng như nhiều bài đồng dao ta cũng thấy rất vần điệu nhưng có khi không rõ nghĩa. Chẳng hạn: Chi chinh chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ba vương thượng đế/ Cấp dế đi tìm/ Con chim làm tổ/ Ù à ù ập/ Ngồi sập xuống đây. Rất vui nhưng thật có giải nghĩa, khó mà hiểu hết được.
Chuyện về ông Nhăng và bà Nhăng cũng có "cái lý", đó là xuất phát từ hiện thực cuộc sống, từ ngôn ngữ dân gian trong đời sống hàng ngày để đi vào đồng dao, nói lên một sự việc không được tốt đẹp trong cuộc sống để qua đó răn dạy con người ta hãy tránh xa những điều xấu xa để khỏi có một cái kết xấu.
Đồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng của trẻ em. Thường gặp nhất là các bài đồng dao gắn liền với các trò chơi trẻ em. Đồng dao chỉ truyền miệng. Qua đồng dao, thấy được một thế giới chân chất, mộc mạc, vui vẻ, hồn nhiên. Chỉ để chơi, để dễ đọc, vui và dễ nhớ. Chẳng có gì phức tạp, quan trọng hóa cả.
Nhưng khi đưa nó vào thành sách thì là cả một vấn đề, cần chọn lọc. Bởi nếu không sẽ gây ra phản cảm.
Blog Quê Nhà (quenhvn.blogspot.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét