- (Tư vấn pháp luật) - Chắc có lẽ nhiều người trong chúng ta đều quen thuộc với câu chuyện Phủ Khai Phong với các nhân vật trong phim đã quá đỗi nổi tiếng như Bao Công, Triển Chiêu, Công Tôn Tiên Sinh, Dương Triều, Mã Hán…
Xem thêm: Nói lời xin lỗi mà cũng khó thế à?
Có thể nói, trong Phủ Khai Phong, câu chuyện oan sai là không hề có, vì các nhân vật của chúng ta (có thể là do hư cấu!?) đều là những bậc thanh liêm, nghiêm minh và kiệt xuất. Thế nhưng, nếu Phủ Khai Phong có một án oan, thì ai phải là người chịu trách nhiệm?
Tôi còn nhớ khi vẫn lẹt đẹt ở giảng đường Đại Học Luật. Một người thầy của chúng tôi đã ví von rằng, Phủ Khai Phong là một mô hình ngành tư pháp thu nhỏ. Trong đó, nhân vật Bao Công tất nhiên là đại diện cho vị quan tòa, thẩm phán. Triển Chiêu, Dương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ đại diện cho Cơ quan điều tra. Vậy, Công Tôn Tiên Sinh thì đại diện cho ai? Vâng, chính là Viện Kiểm Sát (VKS).
Trở lại với câu chuyện của chúng ta. Khi xảy ra một vụ án trong khu vực quyền hạn của Phủ Khai Phong, thì ngay lập tức, ngài Bao Công sẽ triệu các thuộc hạ dưới quyền của ông, là Triển Chiêu, Công Tôn Sách đến hiện trường vụ án để điều tra, thu thập, lấy lời khai nhân chứng… Như vậy, ở đây chúng ta có thể hiểu là thủ tục Tố tụng hình sự đã được ‘khởi động’. Các điều tra viên đã bắt đầu tiến hành hoạt động điều tra dưới sự giám sát của kiểm sát viên.
Sau một thời gian thụ lý vụ án, tìm ra bị can, tiến hành truy bắt bị can, điều tra vụ án… thì ngài Bao Công mới tiến hành hoạt động xét xử bằng cách đưa tất cả mọi việc ra trước Công đường. Đây là hình ảnh chúng ta đã rất quen thuộc trên màn ảnh truyền hình từ lâu và cũng chính là hoạt động tiến hành tranh tụng tại Tòa án. Từ đây, bị can có trở thành tội phạm hay không, tội ác thật sự có được phơi bày hay không tất cả là nhờ vào sự nghiêm minh, tài năng và công tâm của vị ‘thẩm phán’ Bao Thanh Thiên và ngay bên cạnh ông là ‘kiểm sát viên’- đại diện của VKS, Công Tôn Tiên Sinh.
Như vậy, trong quá trình điều tra vụ án, anh Triển Chiêu đẹp trai có dùng những ‘thủ thuật’ như nhục hình, ép cung, mớm cung… hay không thì khi ra trước công đường, đối diện với vị ‘thẩm phán’ nghiêm minh như ngài Bao Công, thì tất nhiên mọi việc sẽ đều được phơi bày. Còn nếu không, phải chăng là ‘ngài Bao Công’ đã không nghe thấy những lời kêu oan của bị cáo? Vậy còn ngài Công Tôn Sách ngồi kề bên thì sao? Phải chăng ông cũng không nghe thấy?
Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán là nhân vật trung tâm, họ là người đại diện cho các cơ quan Tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án) làm nhiệm vụ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Thông qua hoạt động giải quyết vụ án hình sự, họ có nhiệm vụ xác định tội phạm và người phạm tội được chính xác, xử lý nghiêm minh, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ‘thảo dân’. Như tôi đã nói ở trên, trong đó:
- Triển Chiêu, Dương Triều, Mã hán… chính là các Điều tra viên, đại diện cho cơ quan điều tra, có trách nhiệm lập hồ sơ vụ án, tiến hành hoạt động điều tra (triệu tập, hỏi cung bị can; lấy lời khai nhân chứng; bắt, tạm giữ bị can; khám nghiệm hiện trường…)
- Công Tôn Tiên Sinh chính là Kiểm sát viên, đại diện cho viện kiểm sát, có trách nhiệm kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra; triệu tập và hỏi cung bị can; Tham gia phiên toà; đọc cáo trạng; hỏi, đưa ra chứng cứ và thực hiện việc luận tội; tranh luận với những người tham gia tố tụng tại phiên toà; Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án, của những người tham gia tố tụng và kiểm sát các bản án, quyết định của Toà án; Kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Toà án;
- Bao Thanh Thiên là Thẩm phán, đại diện cho Tòa Án, có trách nhiệm Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên toà; Tham gia xét xử các vụ án hình sự…
Như vậy, chúng ta có thể thấy, vai trò của Triển ‘đại hiệp’ bắt đầu từ khi vụ án xảy ra và kết thúc khi ngài Bao Công đem vụ án ra xét xử tại Công Đường. Vai trò của Bao Thanh Thiên là tiến hành xét xử ngay tại công đường, khi tất cả nhân chứng, vật chứng, bị can đã được triệu tập và kết thúc khi ngài tuyên ra bản án thích đáng. Trong khi đó, vai trò của Công Tôn Tiên Sinh thì bao trùm tất cả mọi hoạt động tố tụng, ông ấy bắt đầu công việc ngay khi tiến hành điều tra vụ án, xác định bị can, hỏi cung bị can, lấy lời khai nhân chứng, nắm quyền công tố ngay tại công đường, tham mưu cho ngài Bao Công trong khi xét xử, giám sát quá trình xét xử, giám sát quá trình thi hành án…
Nếu nhìn nhận Phủ Khai Phong dưới một góc độ khoa học pháp lý, chúng ta có thể dễ dàng thấy rõ vai trò cực kỳ đặc biệt của ngài Công Tôn Tiên Sinh, chứ không quá mờ nhạt như trên màn ảnh nhỏ.
Chúng ta hãy tạm gác chuyện ‘hư cấu’ tôi vừa kể phía trên để quay lại vấn đề đang rất nóng trong những ngày gần đây, là việc ông Nguyễn Thanh Chấn và án oan sai trong suốt 10 năm. Và những điều đã diễn ra thì thật sự mới đúng là hoang đường…
Chúng ta đều đã biết, ngay sau khi án tù chung thân của ông Chấn được đình chỉ và ông trở về nhà với gia đình, ông đã tiết lộ gần như ngay lập tức với báo giới về hành động ép cung, mớm cung… của cơ quan điều tra đối với ông. Dù chưa hề có kết luận chính thức nào, nhưng nghe qua, ai trong chúng ta cũng không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ với hành vi như thế. Mọi mũi dùi dư luận gần như ngay lập tức, hướng thẳng đến các điều tra viên. Nhưng khoan hãy phẫn nộ đã, để tôi dẫn cho các bạn một điều luật sau đây:
Theo như Điểm a, khoản 1, điều 36 Bộ luật tố tụng hình sự thì VKS có vai trò như là một người ‘quan tòa’ hoạt động vượt ra ngoài phạm vi Tòa án. Họ là những người giám sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra. Và cao hơn nữa, cũng theo Điểm b, khoản 2, điều 36,họ có quyền yêu cầu thay đổi Điều tra viên khi họ nhận thấy những sai phạm của điều tra viên. Vậy, họ đã ở đâu khi ông Chấn bị ép cung, mớm cung? Họ đã làm gì khi sau đó lại đứng trước phiên tòa, với quyền công tố trong tay, chỉ danh điểm tội ông Chấn?
Vừa qua, trả lời báo chí bên lề phiên họp Quốc hội ngày 5/11, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã cho rằng vụ việc liên quan ông Nguyễn Thanh Chấn do đã có bản án nên trách nhiệm là của tòa án. Còn các kiểm sát viên, điều tra viên làm trái pháp luật, có bản án nào cho họ?
Như vậy, nếu Khai Phong Phủ đã đưa ra một bản án oan sai, thì người chịu ‘tội’ đầu tiên trước Triều đình, chính là Bao Thanh Thiên, Triển Chiêu. Người còn lại là Công Tôn Tiên Sinh. Liệu ông ấy có chịu nhận phần trong cái bánh mang tên “TRÁCH NHIỆM”?
Bạn đọc Nguyễn Thành An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của bạn đọc
BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰĐiều 35. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên1. Điều tra viên được phân công điều tra vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:a) Lập hồ sơ vụ án hình sự;b) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án;c) Quyết định áp giải bị can, quyết định dẫn giải người làm chứng;d) Thi hành lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản;đ) Tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra;e) Tiến hành các hoạt động điều tra khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra.2. Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng Cơ quan điều tra về những hành vi và quyết định của mình.Điều 36. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát1. Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:a) Tổ chức và chỉ đạo các hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự;b) Quyết định phân công Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự;c) Kiểm tra các hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên;d) Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án theo quy định của pháp luật;đ) Quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên;e) Quyết định rút, đình chỉ hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới;g) Quyết định thay đổi Kiểm sát viên;h) Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.Khi Viện trưởng Viện kiểm sát vắng mặt, một Phó Viện trưởng được Viện trưởng uỷ nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng. Phó Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về nhiệm vụ được giao.2. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự, Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:a) Quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can; yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật này;b) Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra thay đổi Điều tra viên;c) Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn; quyết định gia hạn điều tra, quyết định gia hạn tạm giam; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can;d) Quyết định phê chuẩn, quyết định không phê chuẩn các quyết định của Cơ quan điều tra;đ) Quyết định hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra;e) Quyết định chuyển vụ án;g) Quyết định việc truy tố, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định trưng cầu giám định;h) Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, quyết định phục hồi điều tra, quyết định xử lý vật chứng;i) Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định của Toà án;k) Cấp, thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa; ra các quyết định và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.3. Khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại khoản 2 Điều này.4. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình.Điều 37. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên1. Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:a) Kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra;b) Đề ra yêu cầu điều tra;c) Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án;d) Kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam;đ) Tham gia phiên toà; đọc cáo trạng, quyết định của Viện kiểm sát liên quan đến việc giải quyết vụ án; hỏi, đưa ra chứng cứ và thực hiện việc luận tội; phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, tranh luận với những người tham gia tố tụng tại phiên toà;e) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án, của những người tham gia tố tụng và kiểm sát các bản án, quyết định của Toà án;g) Kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Toà án;h) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát.2. Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát về những hành vi và quyết định của mình.Điều 38. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án1. Chánh án Toà án có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:a) Tổ chức công tác xét xử của Toà án;b) Quyết định phân công Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết, xét xử vụ án hình sự; quyết định phân công Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự;c) Quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa;d) Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án theo quy định của Bộ luật này;đ) Ra quyết định thi hành án hình sự;e) Quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù;g) Quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù;h) Quyết định xoá án tích;i) Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Tòa án.Khi Chánh án Tòa án vắng mặt, một Phó Chánh án được Chánh án uỷ nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án. Phó Chánh án phải chịu trách nhiệm trước Chánh án về nhiệm vụ được giao.2. Khi tiến hành việc giải quyết vụ án hình sự, Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:a) Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam; quyết định xử lý vật chứng;b) Quyết định chuyển vụ án;c) Cấp, thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa; ra các quyết định và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án.3. Khi được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự, Phó Chánh án Toà án có các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều này.4. Chánh án, Phó Chánh án Toà án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình.Điều 39. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán1. Thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:a) Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên toà;b) Tham gia xét xử các vụ án hình sự ;c) Tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử;d) Tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.2. Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa, ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại khoản 1 Điều này còn có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:a) Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật này;b) Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung;c) Quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án;d) Quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà;đ) Tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Toà án theo sự phân công của Chánh án Toà án.3. Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có quyền cấp, thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa.4. Thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét