Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

“RƯỢU NGON KHÔNG CÓ BẠN HIỀN”

Việt Nam hiện nay là một trong những vùng trũng của bia rượu thế giới. Mỗi năm, người Việt uống 1,33 tỉ lít bia, 300 triệu lít rượu, chưa kể hàng triệu lít bia cỏ, rượu đế sản xuất chui, không kiểm soát được. Nếu tính cả chi phí y tế và chi phí cho nhiều hệ lụy khác do bia rượu gây ra thì mỗi năm ma men đã ngốn hết trên 10 ngàn tỉ đồng. 

Ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp, tân gia, thôi nôi, sinh nhật, hội hè, ngẫu hứng…đều có thể biến thành những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng.  Bất kể lúc nào, sáng, trưa, chiều, tối…, bất kể nơi nào, vỉa hè, công viên, bãi biển…đều có thể nâng ly, chạm cốc, hò hét “zô zô”.  

Buồn thay, cán bộ công chức nhà nước, tầng lớp trí thức lại chiếm tỷ lệ cao, 65%, trong số người lạm dụng rượu bia. Khởi công dự án, nghiệm thu công trình, mừng công, tổng kết, xét duyệt danh hiệu, bảo vệ luận án, học hàm, học hiệu…đều kết thúc bằng những cuộc tắm rượu bơi bia. Nghiêm trọng hơn, tửu lượng bình quân đầu người ở Việt Nam, năm sau luôn cao hơn năm trước và diễn biến theo xu hướng trẻ hóa và bình đẳng giới. Những bợm nhậu mới là phụ nữ, trẻ em dưới 18 tuổi ngày càng đông. Phố phường, làng quê xuất hiện ngày càng nhiều những công dân suốt ngày say xỉn. Đuối trong rượu bia, rất nhiều gia đình, trai trẻ bị bần cùng hóa thành những anh Pha, chị Dậu, Chí Phèo của thế kỷ 21.
                           
Trên đường làng, ngõ phố, quốc lộ, xa lộ nhan nhản những ma men cướp quyền tay lái, điều khiển phương tiện giao thông chạy như điên như dại. Khách bộ hành ai cũng phải thất kinh khi nhìn thấy những quái xế diễn xiếc trên từng cây số,  vạ lây chỉ trong gang tấc. Trong tổng số những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng từ năm 2005 đến năm 2013 có đến 70% lái xe gắn máy, 30% lái xe ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt nhiều lần cho phép.

Vụ tai nạn rơi xe thảm khốc ngày 17 tháng 5 năm 2012 ở Đắc Lăk làm 37 hành khách chết dưới sông Serepok, vụ tai nạn kinh hoàng ngày 25 tháng 7 năm 2012, ô tô lao qua lề đường làm chết 7 thực khách đang ăn sáng trong quán tại huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam… tài xế đều có mùi bia rượu. Khi rượu bia vẫn còn ngang nhiên làm chủ phương tiện giao thông thì trên đường, thần chết có thể gọi bất cứ ai. 

Con đường bia rượu mặc nhiên quyến rũ những đệ tử lưu linh đến chỗ nợ nần, vào vòng lao lý. Mọi cuộc nhậu nhẹt bét nhè bao giờ cũng bắt đầu bằng chén chú chén anh, nổ như bắp rang , chuyện trên trời dưới đất, đến lúc líu lưỡi thì tay chân, dao búa thay lời. Đã xảy ra rất nhiều vụ việc đau lòng mà rượu bia nhạt nhòa cùng máu và nước mắt của tình cốt nhục, tình bằng hữu ngay trên bàn tiệc. 

Rượu bia vô lối, là điều kiện thuận lợi để ma men kích hoạt bản năng thú tính của con người, gây nên những tội ác vô cùng man rợ. Lưu Văn Thắng, 26 tuổi, đã có vợ con, đòi vay tiền bố mẹ trả nợ cờ bạc, không được, mượn hơi men, hạ sát cùng lúc cả hai đấng sinh thành, ngày 24 tháng 6 năm 2012 tại nhà số 5 ngách 48/49 phố Thùy Lĩnh, phường Lĩnh Nam quận Hoàng Mai, Hà Nội . Phạm Tuấn Em, 32 tuổi, sau chầu nhậu bí tỉ, nổi máu ghen tuông, tưới cả can xăng lên ba mẹ con người tình là chị Võ Thùy Linh, đốt cháy một lúc ba mạng sống, ngày 19 tháng 6 năm 2012 ở ấp Hòa Phúc, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đặng Trần Hoài, 27 tuổi, vợ con đề huề, chỉ vì quá chén trong tiệc cưới, bùng cơn dâm loạn, cưỡng hiếp cháu Khuất Thị Mai 8 tuổi và chém chết cháu Khuất Thị Lan 4 tuổi, em ruột Mai, ngày 29 tháng 7 năm 2012 tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội…

Rượu bia vô độ, sức khỏe bị bòn rút mỗi ngày. Kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất cho biết, khả năng giải độc của gan là 7 gam cồn ethylic trong một giờ. Như vậy, một người có sức khỏe bình thường, mỗi ngày chỉ nên uống 2 ly bia, hoặc 50ml rượu. Rượu gián tiếp gây ra 12 loại bệnh ( thiếu máu, ung thư, tim mạch, xơ gan, mất trí nhớ, suy nhược, động kinh, gout, huyết áp, nhiễm trùng, tổn thương thần kinh, viêm tụy ), bia gây ra 6 loại bệnh ( suy gan, thừa mỡ, sỏi thận, viêm dạ dày, ung thư khoang miệng và đường ruột, nhiễm độc chì ). Tửu lượng càng cao, cuộc nhậu càng nhiều thì quãng đường đến bệnh viện, đài thiêu, nghĩa địa càng ngắn. 

Bản chất của bia rượu không độc hại. Nếu được dùng đúng cách, rượu bia là thứ hữu ích với con người. Y học phương Đông vẫn thường sử dụng rượu để bào chế một số vị thuốc như thục địa, phụ tử, hoàng kỳ…nhằm cho vị thuốc nhanh chóng thâm nhập vào lục phủ ngũ tạng để trị bệnh. Một số bài thuốc chữa sốt rét, phong thấp ngâm rượu dùng tốt hơn sắc. Trong ẩm thực, rượu còn được dùng để chế biến một số món ăn đặc sản như món thịt thỏ sốt vang, vịt tìm thuốc bắc…Một ly vang đỏ, nếu là cơm thịt, một ly vang trắng nếu là cơm cá, trước mỗi bữa ăn sẽ có tác dụng tích cực cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể. Mỗi chiều cuối tuần, gia đình, bạn hữu họp mặt, vài ly rượu nhỏ, mấy vại bia tươi, chia sẻ tâm tình, cũng làm cho cuộc sống thăng hoa, thêm phần đầm ấm, hạnh phúc.

Người Ai Cập biết nấu bia, người Trung Quốc biết nấu rượu từ 5 nghìn năm trước công nguyên.  Như vậy, loài người đã bầu bạn cùng bia rượu hơn 7 nghìn năm về trước. “Nam vô tửu như cờ vô phong”, nam nhi quân tử không biết uống rượu thì cũng èo uột, ủ rũ như cờ không gió. Đương nhiên, cờ chỉ bay đẹp khi gió lay nhè nhẹ, còn quá đà như giông như bão thì cờ nào cũng rách nát! Làm chủ cuộc chơi với bia với rượu sẽ được tận hưởng những nỗi niềm chạng vạng của nhớ nhung, những cảm xúc ban mai của tinh khôi ngẫu hứng. 

Người xưa tìm đến men say, hoặc để điểm tô cho cảnh vật, làm đẹp thêm kỷ niệm về một mối tình, “Khi chén rượu, khi cuộc cờ. Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”, hoặc để hào sảng, sử thi về một lời thề sắt son vì nghĩa lớn “tướng sỹ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Để trả ơn bạn tri âm, con người cũng dốc lòng sáng tạo và vinh danh tên tuổi những dòng rượu bia nổi tiếng trên thế giới : Bàu Đá của Việt Nam,  Sa Kê của Nhật Bản, Mao Đài của Trung Quốc, Vodka của Nga, Whisky của Scotland, Vang của Pháp, Bia Đen của Phần Lan, Bia Tươi của Slovenia…

Trên thị trường Việt Nam hiện nay, ngoài sản phẩm bia Sài Gòn, bia Hà Nội có từ thời Pháp thuộc, còn có trên 50 loại bia khác. Từ những thương hiệu lớn như Heineken, Tiger, Carlsberg, San Miguel…đến các loại bia liên doanh với địa phương như Nada, Huda, Larue…đã tạo ra một biển bia muôn màu muôn vẻ. Nhìn vào vại bia có thể đoán thực khách thuộc đẳng cấp nào. Một bia thủ sành điệu, không thể không thưởng thức dòng bia Chi May, được sản xuất theo qui trình và công nghệ riêng của người Bỉ. Theo thời giá hiện nay, Chi May Trắng 8%, giá 230 nghìn đồng 1 chai, Chi May Xanh 9%, giá 109 nghìn đồng một chai, đắt gấp nhiều lần bia Heineken. Bia Chi May là loại bia mạnh, nên thường được uống khi đã ướp lạnh 12 độ. Trong không gian thoáng đãng, với tâm thế thanh nhàn, những giọt Chi May sủi bọt lan tỏa từ chân răng đến chót lưỡi mùi hương của hoa hồng vàng, vị the của mạch nha cháy, cộng hưởng thành khoảnh khắc khoái cảm vô bờ.

Thị trường Việt Nam thế kỷ 21 cũng đã hiện diện hầu hết sản phẩm rượu của toàn cầu. Các loại thương hiệu từ bình dân đến cao cấp của những dòng danh tửu như Walker, Whisky, Vodka, Cognac, Chivas…đều đã nhập tịch Việt Nam.Thế giới của bia rượu cũng phân chia ngôi thứ, đẳng cấp, chẳng khác gì thế giới con người. Riêng dòng Vodka đã có tới mấy chục loại khác nhau. Cùng dung tích, cùng 40 độ, một chai Vodka có giá từ 50 rúp đến gần 2.000 rúp. Nổi tiếng nhất là Vodka Status của Ukraina, được lên men từ 5 loại ngũ cốc và nấu bằng nước giếng Artesian ở độ sâu 180 mét. Trong những nhà hàng sang trọng có thể nhận ra ngay thiếu gia hay đại gia qua chai rượu trên bàn tiệc. Các loại rượu mà những thiếu gia, đại gia Việt ưa dùng là : Blue Label 0,75 lít giá 3 triệu đồng, Chivas Rega 0,75 lít giá 6 triệu đồng, King Geroge  0,75 lít giá 12 triệu đồng, Chivas 38 Years Old 0,75 lít giá 18 triệu đồng. Nhưng số lượng rượu ngoại tiêu thụ nhiều nhất vẫn là Vang Đỏ và Vang Trắng của Pháp. 

Theo luật thương mại, rượu lên men từ nho mới được gọi là rượu vang. Vang Trắng lên men từ nước nho ép. Vang Đỏ lên men từ nước nho ép và vỏ của quả nho. Rượu vang xuất hiện từ thế kỷ thứ 6 trước công nguyên ở miền Nam nước Pháp, thời La Mã chiếm đóng. Rượu vang châu Âu được phân loại theo xuất xứ của vùng trồng nho, như vang Bordeaux, vang Chianti…Nho Pinot Noir, nho Nebbiolo, nho Rijoa là 3 giống nho tốt nhất thế giới để sản xuất rượu vang. Chất lượng rượu vang còn phụ thuộc vào độ ẩm thấp của hầm rượu và  loại gỗ sồi làm thùng ủ và đựng rượu. 

Người Pháp còn để lại dấu ấn thực dân về cách bảo quản rượu trên lãnh thổ Việt Nam, đó là hầm rượu De Bay, xây dựng năm 1923, dài 100 mét, cao 2,5 mét, rộng 2 mét, trên đỉnh núi Bà Nà, Đà Nẵng. Thùng gỗ sồi được dùng để lên men và đựng bỗng rượu vang cách nay đã 2 nghìn năm. Loại gỗ sồi tốt nhất để làm thùng rượu là sồi Pháp, Mỹ, Canada có tuổi từ 80 đến 120 năm. Sồi tạo ra mùi vanilla và màu sắc của rượu vang. Cứ mỗi 3 năm, phải thay thùng mới vì thùng sồi cũ đã hết mùi vị. Đó chỉ là vài nét về  một dòng vang, mà đã thấy rất nhiều công phu để có được vại bia, ly rượu cho mọi người chúc tụng, thưởng thức.



Ngoài Bàu Đá, danh tửu Việt còn có Anh Đào, Vang Đà Lạt, Sim Phú Quốc… Nhưng có lẽ đế Nếp Cái Hoa Vàng, ủ men, chưng cất theo kinh nghiệm gia truyền của xứ Bắc, vẫn là loại rượu chân quê quyến rũ nhất. Rất nhiều đại gia ở Sài Gòn, Hà Nội bây giờ vẫn còn mê đế nếp Bắc hơn cả rượu Tây. Đó là loại rượu nấu thủ công còn sót lại ở một vài làng quê đồng bằng xứ Sơn Nam hạ. Gạo nếp cái hoa vàng ủ men thuốc bắc, hạ thổ 1 tháng, chưng cất bằng nồi đồng, chõ sành, máng gỗ, nấu nhỏ lửa, cả buổi mới được vài lít rượu. Rượu nấu xong mỗi mẻ, đóng chung vào hũ, nút lá chuối mật khô. Mỗi lần đãi khách, san ra các nậm sứ, rót lưng chén hạt mít, vừa đủ một lần chạm cốc. Nước rượu hơi đục, cay êm dịu, hương thơm lan tỏa, đối ẩm sinh tình. Rượu ấy đúng nghĩa là cao gạo của đồng quê, bổ dưỡng, không độc hại, nhưng cũng đủ ngất ngây để kết nối “bầu rượu túi thơ” cùng bằng hữu. Đó chính là thứ rượu nặng nghĩa nhân sinh mà Tam Nguyên Yên Đổ đã từng thù tạc cùng Dương Khuê mỗi lần hội ngộ. “Rượu ngon không có bạn hiền. Không mua, không phải không tiền không mua”. Không có bạn hiền, rượu ngon không còn ngon nữa. Không còn ngon nữa, rượu chỉ là cạm bẫy của ma men, hạ bệ chủ nhân thành nô lệ !

Thưởng rượu bia cũng như, thưởng thơ, thưởng trà, thưởng hoa, thưởng nguyệt... Phải chăng, đó là cách con người săn tìm vẻ đẹp tận cùng của cái đẹp!? 

NGÔ QUỐC TÚY
(Cảm ơn TG đã gửi bài tới Quê Nhà)

Không có nhận xét nào: