Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Xuân và Yêu trong “Truyện Kiều”


       
   
Truyện Kiều là giai phẩm gần như toàn bích, điều đó không cần bàn nữa. Nhưng Xuân và Yêu trong Truyện Kiều thì chưa hẳn ai cũng cảm hết, hoặc cách cảm rất khác nhau. Thậm chí những trí thức lớn như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng..., còn cho đó là “dâm thư”. Xưa, nay cũng không ít người tỏ ra xa lánh Truyện Kiều, như thể bẩm sinh, họ đã không ưa xuân tình và khinh khi nhục dục : “Đàn ông chớ kể Phan Trần. Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”. Quả thực, xuân đến mức “Cỏ non xanh rợn chân trời”, yêu đến độ “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, tuổi ten bây giờ cũng phải ngước nhìn!

Xuân đến là yêu

Mùa xuân là mùa dậy thì của đất trời. Không chỉ cỏ cây, hoa lá, chim muông, con người cũng vậy. Cứ từ giao thừa trở đi, con tim của già, trẻ, gái, trai thể nào cũng rung rinh, cựa quậy, bổi hổi, bồi hồi. Cảm xúc đầu tiên của con người trước mùa xuân là thấy đời trẻ lại, không gian trẻ lại, dù biết thời gian, với mình, đã già thêm một tuổi. Khoảnh khắc trẻ lại ấy, bao giờ cũng sục sôi, bạo liệt, liều lĩnh, ngô nghê, ngộ nghĩnh đến không ngờ. “Già chơi trống bỏi”, “Cưa sừng làm nghé”, “Trâu bò già nào chẳng thích cỏ non”..., là những điều dân gian nhắc nhở để hạ nhiệt cơn đồng bóng ham của mới, của lạ của con người nói chung và các bô lão nói riêng ! Già còn thế , xinh đẹp như Thúy Kiều, trẻ trung như Kim Trọng, gặp mùa xuân, đương nhiên càng phới phới xuân thì, khát khao đôi lứa.

Có người thắc mắc, tại sao Nguyễn Du không cho Kim Trọng, Thúy Kiều gặp nhau vào tháng giêng, tháng hai mà lại là vào lúc “Thanh minh trong tiết tháng ba”? Có thể tác giả tôn trọng nguyên tác “Kim Vân Kiều Truyện”, có thể để hợp với logic giữa tình tiết “Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh” với sự hiện diện ngẫu nhiên của phần mộ kỹ nữ Lưu Đạm Tiên “Sè sè nấm đất bên đường”, như một điềm báo trước về sự xếp đặt  định mệnh của tạo hóa. Nhưng có lẽ còn một lý do khác: Tháng ba mới là tháng đạt đỉnh thăng hoa của mùa xuân. Kim – Kiều đột ngột xuất hiện trên đỉnh thăng hoa của mùa xuân ấy, thần ái tình ngẫu hứng hiệu ứng thành “Một vùng hơn cả cây quỳnh cành dao”, để vừa “Nẻo xa chưa tỏ mặt người” mà “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Như thể tình yêu sét đánh ! Hiếm có đôi nào tăng tốc yêu nhanh như thế. Phải chăng, mùa xuân là trợ thủ đắc lực, là chất xúc tác hoàn hảo cho đôi trai tài gái sắc này lập kỷ lục mọi thời đại về tốc độ yêu từ hai thế kỷ trước!


Sau lần hội ngộ vào mùa xuân đó, hai nửa con tim Kim – Kiều như thể chiếc đồng hồ cát đêm ngày thao thức, thay nhau ngược lên, xuôi xuống, nửa này rót cạn vào nửa kia thành không gian hai chiều “Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình”. Yêu như thế, đương nhiên, họ sẽ gặp lại nhau, bởi qui luật “tình cũ không rủ cũng đến”. Chuyện thuê nhà “ Ngô Việt thương gia” để trọ học của chàng, chuyện rớt “cành kim thoa” trên cành đào của nàng chỉ là cái cớ, kiểu “xấu hổ lấy rổ mà che, lấy nia mà đè, lấy cót mà quây” cho sự e thẹn, theo cách nửa kín nửa hở tinh tế của người phương Đông vậy! Qui luật muôn đời “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, luôn theo lập trình : Yêu là nhớ, nhớ sẽ thương, thương ắt xích lại gần, gần làm cho “Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng”,  và khi “Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu”, thì cả hai, ắt cùng chặc lưỡi “...ai lại tiếc gì với ai”... May thay, Thúy Kiều kịp phanh lại, kịp “Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non”. Ở một góc nhìn khác, hẳn không ít người hoài nghi về cái khóa, cái phanh bất đắc dĩ ấy của Nguyễn Du, bởi ông là thi nhân, là gã đàn ông thuộc hàng bậc nhất hào hoa. Dù cũng dòng dõi trâm anh thế phiệt, nhưng chính Nguyễn Du đã từng không thể khóa, không thể phanh trước lưới ái tình bẫy sẵn ở Kẻ Chợ, Kinh Bắc, xứ Huế... “Đã cho vào bậc bố kinh. Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”, có lẽ chỉ là những câu lục bát kiểu “mành mành che mắt thánh” cho đôi uyên ương Kim – Kiều, và cho cả Nguyễn Du, tránh được thị phi “trên bộc trong dâu” mà thôi!

Sau khi phải bán mình chuộc cha, rơi vào tay Tú Bà, có lúc Thúy Kiều trong tình trạng chai lỳ cảm xúc. Nhưng sức sống của mùa xuân, tình cảm chân thành của Thúc Sinh đã đánh thức tâm hồn nàng : “Hải Đường mơn mởn cành tơ. Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng”. 



Thúy Kiều trải qua ba cuộc tình với ba người đàn ông tử tế: Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải. Nhưng có lẽ, chỉ với Kim Trọng, trái tim nàng mới thực sự ngân lên những cung bậc yêu thương dâng hiến. Nếu kết hôn với Kim, Kiều vừa là vợ, là bạn, là người tình..., nàng đủ tự tin, kiêu hãnh thể hiện giá trị đích thực của mình. Lấy Thúc Sinh, Từ Hải nàng sẽ chỉ biết tròn bổn phận và hưởng thụ khiên cưỡng ngôi vị của một phu nhân, một bà lớn. Lấy Thúc Sinh, Từ Hải, chẳng những nàng luôn bị ám ảnh bởi ơn huệ cưu mang, mà hai người đàn ông này, với Thúy Kiều, vẫn có đôi điều khác biệt về tâm hồn, đam mê, sở thích...

Năm 1977, một sinh viên khoa văn đại học tổng hợp Hà Nội, làm khóa luận tốt nghiệp, nhất định không theo hướng dẫn của thầy về việc thừa nhận luận điểm: Phẩm chất người phụ nữ Việt Nam (hình tượng con người mới xã hội chủ nghĩa) trong văn học là sự tiếp nối của Thúy Kiều trong “Truyện Kiều”,  chị Dậu trong “Tắt Đèn”, Chị Út Tịch trong “Người Mẹ Cầm Súng”. Kết quả, chẳng những luận văn bị điểm kém, sinh viên này còn phải làm tự kiểm trước lớp, trước chi đoàn. Uất quá, sinh viên ấy bỏ văn, học triết học Mác-Lê nin, làm nghề cán bộ, lên đến chức trưởng ban tuyên huấn cấp tỉnh. Rất may, Thúy Kiều chỉ là nhân vật trong văn chương, và không thể sống lại, để cùng mùa xuân, cùng thầy trò kia, ngọn nguồn phân giải!

Cũng như bao tác phẩm văn học khác, rút cục, “Truyện Kiều” cũng là câu chuyện đời thường của trần gian, có già, trẻ, gái, trai, sang, hèn, tin, yêu, phản trắc, danh, lợi, vợ chồng, ái ân, bồ bịch...

Nói về Truyện Kiều, người ta thường né tránh vấn đề tình dục. Thực ra, tình yêu và tình dục là hai phẩm chất, hai thuộc tính, hai giá trị, hai nhu cầu đời thường của con người. Không thể xếp hạng tình nào cao, thấp, sang, hèn. Từ ông hoàng, bà chúa, cho đến nhân sỹ, trí thức...(trừ những trường hợp căn duyên tiền định, hoặc thiểu năng sinh lý), không được hưởng hai thứ tình đó, coi như bị khuyết tật về hạnh phúc. Họ là những người thiệt thòi, cần được cộng đồng cảm thông, chia sẻ. Những kẻ lên mặt cao đạo, tỏ ra né tránh khinh khi tình dục, chỉ là loại “tu hú” quen ăn vụng, giỏi chùi mép!

Trong Truyện Kiều, nhiều lần Nguyễn Du đề cập đến tình dục qua văn chương, chữ nghĩa, rất cụ thể, rõ ràng và đời thường. Thúy Kiều là người đàn bà mà định mệnh buộc phải trải nghiệm tình yêu, tình dục với nhiều loại đàn ông, do duyên phận, cảnh ngộ bày đặt, hoặc o ép, trong đó có Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải. Với Kim Trọng, trong lần gần gũi đầu tiên, tình dục ngẫu nhiên được giải thoát từ biên giới mong manh, khi cả hai “đầu mày cuối mắt” đã “ra chiều lả lơi”, nhờ đôi cánh thiên thần của tâm hồn trinh nữ và tình cảm trong sáng của chàng thư sinh. Với Thúc Sinh, tình dục là sự trỗi dậy, sự vượt ngục của Thúy Kiều để thỏa mãn bản năng và dâng hiến cho người đàn ông xứng đáng hơn, sau một thời gian dài trơ lỳ, hóa đá, “Mặc người mưa sở mây tần. Những mình nào biết có xuân là gì”. Sự hòa hợp, đồng pha, về mặt bản năng, của Thúc Sinh và Thúy Kiều làm cho hai người dắt tay nhau khám phá thế giới phiêu linh, muôn màu muôn vẻ của tình yêu, tình dục mà họ đã từng trải nghiệm, nhưng vẫn khát khao kiếm tìm. Không có gì ngạc nhiên khi cả Thúc và Thúy cùng “Miệt mài trong cuộc truy hoan. Càng quen thuộc nết càng dan díu tình”. Chưa thỏa, chàng còn xem trộm nàng tắm, tận hưởng vẻ đẹp sắc nước hương trời. Nói đúng hơn, Nguyễn Du đã mượn hành vi của Thúc Sinh để đặc tả Kiều khỏa thân: “Rõ ràng trong ngọc, trắng ngà. Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”!

Với Từ Hải, tình yêu và tình dục của Thúy Kiều, rẽ sang ngả khác. Đó là bức vẽ tương phùng, cân đối, hợp với những người có gu thẩm mỹ cổ điển: “Trai anh hùng, gái thuyền quyên. Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”. Bóng dáng của tình dục mất hút, khuất lấp sau quyền uy, danh vọng. Ngọn bút miêu tả đời sống tình dục của Nguyễn Du tài hoa ở chỗ, khi bay bổng, phá cách, khi dè chừng, chuẩn mực. Phải chăng, Thúy Kiều – Từ Hải là cặp đôi sâu nặng về nghĩa cử, nhưng có phần nhẹ về tình yêu đôi lứa? Thúy Kiều ngưỡng vọng Từ Hải là ngưỡng vọng nhân cách hào hiệp của người anh hùng “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, mà dám “lấy đĩ về làm vợ”, cứu rỗi thân phận “bọt bèo” của người đàn bà đa đoan, tài sắc. Nghĩa cử nhân tính, đời thường ấy, chứng tỏ Từ Hải không phải là loại “võ biền”. Từ Hải đã nhận biết được phẩm giá của loài hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”!


Tuy nhiên, nếu được chọn lại lần đầu giữa ba người, tin chắc rằng, Thúy Kiều vẫn sẽ chấm Kim Trọng. Bởi Kim – Kiều mới là cặp “môn đăng hậu đối”, “vừa đôi, phải lứa”, “âm dương hòa hợp”, “tương khí, tương đồng”,...Chọn Kim Trọng, chuyện ái ân của vợ chồng không còn phân định đâu là tình yêu, đâu là tình dục, vì cả hai cái đó đã trung hòa thành hợp chất vô hình, hợp chất Yêu Thương Hạnh Phúc! 

Sau 15 năm, Kim – Kiều cùng bị tước đoạt sự vô tư trong sáng. Giá trị tình yêu, tình dục ở mỗi người, đã được định lượng lại theo những góc nhìn khác nhau, so với thuở ban đầu, buộc họ phải “Mang tình cầm sắt đổi sang cầm cờ” chăng ? Câu thơ ấy, không mỹ từ, cảm thán mà sao thấy lạnh lùng, thấy tê buốt.., tàn nhẫn đến ghê người!

Phê phán Tú Bà, nhiều nhà phê bình văn học không biết rằng, mại dâm là một trong những nghề cổ xưa nhất của loài người, Tú Bà chỉ là hậu duệ. Sách “Tố Nữ Kinh”, cuốn sách hướng dẫn tỉ mỉ về nghệ thuật làm tình, ra đời cách nay 1500 năm. Tú Bà dạy Kiều: “Này con thuộc lấy làm lòng. Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”. “Bảy chữ”, “Tám nghề” là những kinh nghiệm, bí quyết làm tình, làm tiền, đúc rút qua nhiều trăm năm, được “chuẩn hóa” trong “Tố Nữ Kinh”. “Chơi cho liễu chán hoa chê. Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời”, đó là mục đích chân truyền của “Tố Nữ Kinh”, mà Tú Bà muốn Thúy Kiều đạt đến. “Vành ngoài tám chữ...”, gồm: 

1.Khốc (khóc) : Giả vờ khóc, bằng cách, tẩm sẵn nước gừng sống vào khăn rồi thấm lên mắt) để chứng tỏ thành tâm, thiện ý.
2.Tiễn (cắt) : Cùng khách làng chơi cắt một lọn tóc, kết thành sợi rồi chia đôi, buộc vào cổ tay mỗi người, gọi là “lễ kết tóc xe tơ”.
3.Thích (đâm, chích): Dùng cây trâm chích lên đùi non, bụng dưới, như xăm sống để chứng tỏ sự chung tình nếu khách làng chơi tỏ ý muốn “câu”mình ra khỏi lầu xanh, cưới hỏi làm vợ. Phương thức kinh doanh mại dâm xưa kia, hoặc “ăn bánh trả tiền” hoặc “mua đứt bán đoạn”. Nhất cử lưỡng tiện, chủ chứa thu hồi vốn nhanh chóng, kỹ nữ có cơ hội đổi đời... 
4.Thiêu (đốt) : Dùng ngải đốt châm vào 6 huyệt ở cổ, bụng, cánh tay của cả gái và trai để không dứt tình nhau được.
5.Giá (cưới) : Gạ khách nộp đủ tiền chuộc, cưới nhanh.
6.Tử (chết) : Giả vờ chết hoặc dọa tự vẫn, nếu thấy khách còn do dự, chưa chịu đặt tiền chuộc.
7. Tẩu (chạy) : Qua thăm dò thấy khách không đủ tiền chuộc, “ăn bánh” không chịu trả tiền, gia đình bất ổn, kinh tế sa sút..., muốn tống khứ khách một cách nhanh nhất thì giả vờ cùng khách trốn chạy, báo cho chủ chứa mai phục, bắt quả tang, để có chứng cứ thưa kiện khách.
“...Vành trong tám nghề”, tức là tám tư thế quan hệ tình dục gồm : Kính cổ thôi hoa (đánh trống, giục hoa), Kim liên song tỏa (sen vàng khóa hai vế), Đại triển kỳ cô (mở tung cờ trống), Màn đã khinh xao (chậm đánh, khẽ rung), Khẩu soan tam trật (ôm chặt ba chân), Tả chi hữu trì (tay mặt ôm, tay trái giữ), Tả tâm truy hồn (khóa lấy tâm, dõi thần hồn), Nhiếp thần siểm tỏa (thu hết tinh thần tạo ra cung bậc nhún nhảy).

Đương nhiên, “Tố Nữ Kinh”, không phải cuốn sách cổ duy nhất về đề tài này và nó cũng có những khiếm khuyết, hệ lụy nhất định như mọi sản phẩm văn hóa khác của loài người. Con người ngày nay đủ năng lực thẩm định mọi giá trị văn hóa, vật chất của tổ tiên để lại, hoặc thừa kế phát huy, hoặc bảo tồn như một hiện vật khách quan của lịch sử. Mọi sự cấm đoán, che dấu, tô hồng, bôi đen, xuyên tạc, lợi dụng..., chỉ làm cho thế hệ trẻ thêm nghi kị, xem thường!

Bản chất của tính dục chỉ có một, nhưng cảm quan tính dục thì khác nhau. Cuộc cách mạng tình dục trên thế giới từ thập kỷ 1960, thực chất chỉ là cách thay đổi nhận thức về tình dục trong thế giới hiện đại, trên cơ sở thừa kế tinh hoa của văn hóa tình dục truyền thống, đồng thời lên án và loại trừ thứ tình dục bệnh hoạn, cưỡng bức. Theo y lý Đông – Tây, tình dục lành mạnh là một trong nhu cầu thiết yếu của con người cũng như dưỡng khí, nước uống và thực phẩm vậy. Được thỏa mãn tình dục theo bản năng tự nhiên, hài hòa, đầy đủ, giúp con người thông tuệ, khỏe mạnh và trường thọ. Có thể, từ 8 nghề “vành trong” của “Tố Nữ Kinh” và một số sách cổ hướng dẫn về tình dục khác còn lưu truyền trên thế giới, mà hình thành 36, hoặc 72 tư thế quan hệ tình dục tích cực đang được phổ biến rộng rãi trong cuộc sống riêng tư của con người ngày nay. Tại Ấn Độ, hiện còn rất nhiều di tích văn hóa lịch sử từ hàng nghìn năm trước vẫn còn lưu giữ những bức phù điêu, tượng đài nghệ thuật, đặc tả các kiểu quan hệ tình dục dị giới như một cách bảo tàng, lưu truyền cho hậu thế chiêm ngưỡng, học hỏi.

Không biết bây giờ có bao nhiêu phần trăm người Việt còn thích “Truyện Kiều” ? Nhưng giữa năm 2013, Phan Quốc Đạt, học sinh lớp 11 chuyên toán trường trung học phổ thông Lê Quí Đôn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, huy chương bạc Olympic toán quốc tế, có bài lục bát đăng báo, làm người lớn phải giật mình. Bài thơ có 38 câu mà tóm tắt khá đầy đủ về nội dung tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (dài 3255 câu). 

“Truyện Kiều” được trích giảng trong chương trình văn học phổ thông lớp 9. Như vậy, sau 2 năm, Phan Quốc Đạt vẫn nhớ và yêu quí “Truyện Kiều”. Nhưng không chỉ có Đạt, bằng chứng là bài thơ này được các bạn trong cả lớp, cả trường Lê Quí Đôn đặt hàng. Bởi vậy, Đạt “nôm na” mở đầu bằng 2 câu chào hàng vừa ten vừa hài hước :
                       “Mình xin thay mặt tổ hai
               Bàn về tác phẩm của ngài Nguyễn Du...” !

             SÀI GÒN 2013 
           NGÔ QUỐC TÚY
(Cảm ơn TG đã gửi bài tới Quê Nhà)

Không có nhận xét nào: