Theo “con hùm xám đường số 4” – Đặng Văn Việt: “Đạo Phật tồn tại đến nay trên 2500 năm (đang phát triển), Đạo Thiên chúa tồn tại được 2013 năm, Đạo Hồi tồn tại được trên 1500 năm, Đạo Mác tồn tại đến khi Liên Xô sụp đổ được 75 năm”. Thực ra, nếu tính thời gian tồn tại cho “Đạo Mác” lùi xa hơn cái mốc từ năm 1917, tỷ như từ những năm 40 của thế kỷ XIX, cho đến nay, thì rõ ràng “Đạo Mác” có sức sống rất lâu dài !
Với bản chất cách mạng và khoa học (nhất), “Đạo Mác” được đảng cầm quyền tại một số nước cách xa quê hương mà nó ra đời hàng vạn dặm lấy làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Ở VN, một trong những nhà lãnh đạo – nhà thơ say mê cổ vũ “Đạo Mác” nhất, không ai khác hơn, chính là Tố Hữu:
Với bản chất cách mạng và khoa học (nhất), “Đạo Mác” được đảng cầm quyền tại một số nước cách xa quê hương mà nó ra đời hàng vạn dặm lấy làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Ở VN, một trong những nhà lãnh đạo – nhà thơ say mê cổ vũ “Đạo Mác” nhất, không ai khác hơn, chính là Tố Hữu:
Mỗi chặng đường qua, ngoảnh lại nhìn
Càng đi, càng vững, lại càng tin
Hai bàn tay trắng nên cơ nghiệp
Một tấm lòng son quyết giữ gìn.
Độc lập tự do vàng quý nhất
Năm châu cách mạng, sức nhân nghìn.
Hãy hô một tiếng vang trời đất
Muôn năm, muôn năm Mác-Lênin!
(Ngẫu hứng)
Thơ Tố Hữu đầy những tiếng hô, tiếng hoan hô: “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên. Chiến sỹ anh hùng. Đầu nung lửa sắt”. “Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp. Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp”. “Hoan hô anh giải phóng quân. Kính chào anh con người đẹp nhất”…Có cả tiếng nổ của “hai mươi phát đại bác vang trời, chào xuân 67” nữa.
Song, có lẽ những tiếng hô ấy, tiếng nổ ấy cũng khó có thể to bằng tiếng hô “vang trời đất”: “Muôn năm, muôn năm Mác-Lênin” ! Câu thơ – khẩu hiệu ca ngợi hai vĩ nhân của lịch sử.
Đến đây, tôi xin mở một dấu ngoặc. Khỏi phải nói, có rất nhiều nhà phê bình văn học cự phách nghiên cứu, phê bình thơ Tố Hữu. Điều đáng chú ý là Tổng bí thư đương nhiệm kính mến của chúng ta cũng nghiên cứu thơ Tố Hữu. Luận văn tốt nghiệp của Tổng bí thư với đề tài “Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu” đã đạt điểm tối ưu duy nhất của khóa học. Sau này, khai thác kết quả luận văn, Tổng bí thư đã viết bài “Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu”, đăng trên Tạp chí Văn học, được đánh giá cao và lãnh đạo Viện Văn học có ý định xin ông về Viện công tác, song ông từ chối. Tôi xin đóng ngoặc.
Và tôi chợt nghĩ, bây giờ mà bàn về thơ Tố Hữu, xem ra không hợp thời mà cũng chẳng đúng lúc. Vì sao vậy? Theo GS. Nguyễn Đăng Mạnh: “ở khoa văn Trường Đại học sư phạm Hà Nội có điều này, nếu Tố Hữu sống lại chắc buồn lắm: hàng năm cán bộ giảng dạy phải hướng dẫn hàng trăm sinh viên cao học, hàng chục nghiên cứu sinh làm luận án thạc sỹ, tiến sỹ. Đề tài ngày càng bí, quanh đi quẩn lại khai thác mãi những Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Thạch Lam, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu…hầu như đã cạn kiệt. Rất bí. Cả thầy lẫn trò đều bí. Vậy mà không ai chịu làm về Tố Hữu, tuy Tố Hữu vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình phổ thông và đại học như một tác gia lớn của nền văn học VN hiện đại” (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh).
Phải chăng, thơ Tố Hữu là thứ “thơ của một thời” – cái thời ấy qua đi thì thứ thơ đó cũng “biến mất”? Còn Trần Đăng Khoa thì cho rằng, “phần lớn thơ Tố Hữu sẽ bất tử nhờ lịch sử. Bởi nó đề cập đến những cái mốc lịch sử” (Chân dung và đối thoại). Có lẽ điều đó không hoàn toàn đúng, bởi không hẳn hễ cứ đề cập đến “những cái mốc lịch sử” là thơ sẽ bất tử?
Nhưng quả là thơ Tố Hữu đánh dấu, ghi lại rất đậm nét nhiều sự kiện lịch sử VN mà qua đó – đánh thức cảm hứng của chúng ta về lịch sử.
Trở lại với hai vĩ nhân trong thơ Tố Hữu. Nhà thơ có rất nhiều bài trực tiếp viết về Lênin: Trước Kremlin, Lều cỏ Lênin, Với Lênin, song với Mác thì hơi hiếm hoi:
Kính chào Mác thân yêu, vĩ đại!
Hơn một thánh thần
Người làm ra ánh sáng
Cho trái đất, bình minh
Cho Việt Nam, chiến thắng
Cho mỗi chúng ta tin ở chính mình
Vì lẽ sống, hy sinh cho cuộc sống.
Đời, với Mác, là tình cao nghĩa rộng.
Xin cho tôi được ngợi ca Người
Dâng một vòng hoa cúc vàng tươi
Muôn lời cảm tạ.
Ôi, ta hiểu Mác còn đau trong dạ
Quê người đây còn mang nặng xích xiềng
Như lấy Chúa thiêng liêng chịu đóng đinh tội ác!
Ca ngợi vĩ nhân, như thường lệ, Tố Hữu luôn dùng những tính từ quen thuộc: “thân yêu”, “vĩ đại”, “ánh sáng”, “thánh thần”, “tình cao”, “nghĩa rộng” và dĩ nhiên, tác giả “muôn lần cảm tạ”…Khó mà có thể cảm nhận được chất thơ trong những tứ thơ, ý thơ, lời thơ đó. Cái đặc biệt có lẽ là sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn vĩ nhân của tác giả, dường như không có vĩ nhân thì chẳng bao giờ có cuộc sống tốt đẹp ngày nay.
Vào đầu cái năm 1974 ấy, Tố Hữu tham dự Đại hội ĐCS Tây Đức. Tất nhiên, bấy giờ (và cả bây giờ), ĐCS Tây Đức – quê hương của Mác, không phải là đảng cầm quyền. Ông ta muốn gặp một số sinh viên VN đang học tập ở đó. Một đảng viên ĐCS Tây Đức phân vân: “Đồng chí có biết họ là ai không? Có biết tên nào không?”. “Không! Tôi chỉ biết nơi đây có sinh viên VN hoặc trí thức VN thôi!”. “Thế thì ít nhất đồng chí cũng phải cho tôi biết là họ từ đâu tới chứ”. “Tôi biết chứ. Họ từ Sài Gòn tới. Tôi hoàn toàn biết vì không bao giờ chúng tôi gửi sinh viên chúng tôi sang mảnh đất không may này cả”. “Cũng có thể! Nhưng sao đồng chí lại gặp người Sài Gòn?”. “Sài Gòn là đất nước của chúng tôi!”. “Nhưng …ít nhất đồng chí cũng phải biết họ con ai chứ?”. “Có lẽ tôi cũng đoán được. Họ con tư sản, con của đại công chức…những chắc chắn họ không phải là con của những người lao động chân tay. Chắc họ chưa tới được cái may mắn đó. Mà nếu có thì chắc họ không còn chân tay nữa”.
Lịch sử vẫn tiến lên, ngay trên quê hương của vĩ nhân mà nhà thơ ca ngợi. Chỉ có điều nó hơi khác kịch bản của Mác. Nhà kinh tế học Paul A.Samuelson, người Mỹ đầu tiên giành giải Nobel về kinh tế năm 1970, trong tác phẩm Kinh tế học đã viết : “Trong thế kỷ qua, từ khi có cuốn Tư bản, lịch sử đã không tỏ ra có thiện cảm với những lời tiên tri của Mark. Nhưng như chúng ta thấy nhiều lần, lịch sử ít khi theo đúng một kịch bản nào của những con người bình thường”.
Còn Isaiak Berlin lại viết: “Không một nhà tư tưởng nào trong thế kỷ XIX có ảnh hưởng trực tiếp, dứt khoát và mạnh mẽ đối với loài người như Karl Mark”.
Những người cộng sản chân chính luôn tin rằng, Mác đã chứng minh một cách khoa học sự quá độ tất yếu từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Các cuộc khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản những năm 1890, 1929 hay cuộc đại suy thoái từ năm 2008 đến nay vẫn chưa phục hồi xem ra đang chứng minh những tiên tri của Mác?
Phải chăng vì thế mà Tố Hữu khẳng định:
Mác – Lênin, vĩnh viễn mặt trời
Giữa mây đục, càng sáng ngời chân lý
Vẫn trong Đường của ta đi, Tố Hữu ước muốn:
Ta muốn viết cho đời ta bài ca Đại hội
Bài ca vui của ngày mai, gió nổi
Tan sương mù
Không biết sương mù đã tan hay chưa, song chính nhà thơ cũng hiểu rõ, mười sáu năm sau, nước Đức đã thống nhất. Người VN – không chỉ từ Sài Gòn, định cư ở nước Đức không ít, dù đây là “mảnh đất không may”. Với gần 3,5 ngàn tỷ Euro, nước Đức có nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đứng thứ tư thế giới. Nước Đức có tiếng nói đầy sức mạnh trên bàn cờ chính trị thế giới. Tuy vậy, nước Đức vẫn chưa thể tiến lên chủ nghĩa xã hội?
Ta hãy cùng với nhà thơ:
Tạm biệt! Đường ta lại trở về
Tưởng chừng lâu lắm đã xa quê
Ngoảnh trông muôn dặm đường sương tuyết
Nhìn lại ta, xuân dậy bốn bề
Trở về để đến Với Lênin – một bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu ca ngợi Lênin, vĩ nhân của lịch sử, người đã bổ sung, phát triển một cách toàn diện học thuyết của Mác. Tên tuổi Lênin luôn luôn gắn liền với tên tuổi của Mác. Khác với VN luôn gọi chủ nghĩa Mác – Lênin, TQ chỉ gọi là chủ nghĩa Mác.
Ta lại gặp lại những tính từ quen thuộc tả vĩ nhân: “dòng ánh sáng”, “làm lại loài người”, “làm thế kỷ hai mươi”, “vĩnh viễn” “phơi phới”, “diệu kỳ”, “thiên tài”, “ngôi sao”, “con người đẹp nhất”…
Về nghệ thuật thơ, nhà thơ Chế Lan Viên, sau khi ca ngợi hết lời thơ Tố Hữu, có nhận xét: “Anh hay chú ý cái ruột, cái gốc hơn là cái ngọn, cái vỏ. Một đôi hình ảnh của anh chung chung, vì không có đường nét rõ, như cái hình này của Lênin:
Vĩnh viễn Lê-nin sống giữa loài người
Vầng trán mênh mông đôi mắt yêu đời
Như trái đất vui mùa xuân mới dậy
Tôi muốn đổi “cái đôi mắt yêu đời” lấy cái “đôi mắt nheo cười” và đổi cái “sống giữa loài người” đó lấy cái “giữa công nông ngồi chật” rất cụ thể ở những câu này:
Người là đồng chí
Hồn nhiên giản dị
Giữa công nông ngồi chật quanh Người
Rất yêu thương, đôi mắt nheo cười…
Đổi những “trái đất” “mùa xuân” trên lấy những “chiếc gậy”, “bậc thang”, “tấm áo dạ sờn”, “đôi dày ống gót mòn” ở những câu sau này rất là sinh động:
Người đã sống đến giây phút cuối:
Chiếc gậy cầm tay còn gác cạnh bàn
Bậc thang nhà còn ấm những lan can
Và tấm lịch đứng lại ngày 21
Hay:
Ghét mọi quân thù, ghét mọi nước sơn
Suốt đời mang tấm áo dạ sờn
Đôi dày ống gót mòn sỏi đá”.
Và Chế Lan Viên cũng có bài thơ Đến trước Lênin giàu chất suy nghĩ. Nhà thơ đến Hồng trường viếng mộ Lênin trong khung cảnh trang nghiêm và xúc động. Nhà thơ nhận thấy Lênin “Sau thủy tinh vầng trán bình yên. Đang sóng gió”. Vì sao vậy? Đó chính là sự phản bội của bọn tự xưng là mặt trời hồng:
Những phản bội ấy Người đâu lạ nữa
Ngỡ như có thể đoán ra từ lúc sinh thời
Mặc cho chúng tự xưng mặt trời, tự huơ sách đỏ
Và bây giờ, chúng ta đến với Lều cỏ Lênin. Nghệ thuật ca ngợi hai vĩ nhân của Tố Hữu xem ra chúng ta đều đã rõ. Dù sao, ý thơ sau đây cũng khá hay:
Sự thật vốn không ưa trang trí
Đời thanh cao quen dáng đơn sơ
Lịch sử thường đi những lối không ngờ
Một lều cỏ làm mũi tên chỉ hướng
Quả là “lịch sử thường đi những lối không ngờ”. Ai có thể ngờ, Liên Xô, thành trì XHCN và hệ thống các nước XHCN Đông Âu bỗng chốc sụp đổ. Chủ nghĩa tư bản, tuy gặp những khúc quanh song vẫn đầy tiềm năng và vẫn phát triển vượt bậc. Hai vĩ nhân của lịch sử hiện lên trong thơ Tố Hữu đầy thiên tài và nặng ơn nghĩa. Chỉ có điều, mơ ước đòi “đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” của hai vĩ nhân lịch sử vẫn chưa thể trở thành hiện thực. Song, hãy tin rằng, theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định tiến lên chủ nghĩa xã hội!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét