Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Bắp ngô nướng xóa sổ văn hóa trăm năm


Ngôi nhà Lang duy nhất còn sót lại của người Mường với tuổi đời hơn 100 năm đã cháy đen dưới ngọn lửa bởi ý thức của những vị khách du lịch.
Trách nhiệm thuộc về ai?

Khi nhìn ngôi nhà sàn với gần 200 hiện vật bị thiêu rụi chỉ bởi một mồi lửa nướng ngô, chỉ còn sót lại những cọc gỗ cháy đen, nằm trơ trọi giữa mảng đất trống mà nhiều người không khỏi xót xa. Ngôi nhà Lang có tuổi đời hơn 100 tuổi ấy nằm trong quần thể Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, một Bảo tàng tư nhân do anh Vũ Đức Hiếu, một người mê văn hóa Mường dựng nên từ cách đây 6 năm.

Di sản trăm năm bị thiêu hủy chỉ bởi vì bắp ngô nướng

Giữa những mất mát không đong đếm được, bên cạnh những chia sẻ, hàng loạt câu hỏi được những người quan tâm đặt ra: Tại sao lại để du khách ăn uống, sinh hoạt trong ngôi nhà Lang, di sản văn hóa ý nghĩa ấy? Một ngôi nhà sàn chủ yếu lợp bằng gỗ, tre, nứa, lá… sao không có những thiết bị phòng cháy chữa cháy kịp thời? Nhân viên Bảo tàng tại sao không đứng ngay bên cạnh để trông nom, nhắc nhở du khách? Phải chăng Bảo tàng được quản lý theo kiểu… nghệ sĩ nên thiếu tính chuyên nghiệp?...

Năm 2007, khi quyết định mở cửa khai trương Bảo tàng Không gian văn hóa Mường độc đáo này, Vũ Đức Hiếu, chủ nhân của ý tưởng đã muốn xây dựng một Bảo tàng “sống”, nơi đây một quần thể rộng gần 5ha không chỉ trưng bày hiện vật và đóng khung trong tủ kính mà phải là một xã hội Mường thu nhỏ, một không gian sống động như thật. 

Để mỗi du khách muốn tìm hiểu văn hóa Mường có được những trải nghiệm chân thực nhất, được ăn các món ăn của người Mường, ngủ trên giường người Mường, tham gia các sinh hoạt thường ngày như một người Mường thực thụ. Đó mới là yếu tố làm nên thành công của Bảo tàng trong suốt 6 năm qua.

Theo chia sẻ của BQL Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, ngay từ khi xây dựng, BQL cũng tính toán đến các phương án và có các thiết bị phòng cháy chữa cháy trong ngôi nhà Lang này. Tuy nhiên, khi xảy ra cháy, thay vì kêu gọi nhân viên Bảo tàng hỗ trợ thì đám du khách tự mình cố dập lửa. Nhưng khi không khắc phục được vì ngọn lửa lan quá nhanh thì họ lập tức bỏ chạy. 

Phát động “du lịch ý thức”?

Mặc dầu theo khẳng định của GĐ Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường Vũ Đức Hiếu và các chuyên gia, vẫn còn khả năng phục dựng lại ngôi nhà Lang vì mới chỉ bị cháy phần mái trên và đầu cột, còn phần cấu trúc gỗ ở đế sàn, phần rường cột căn bản của công trình này vẫn còn nguyên vẹn.

Dân phượt phi cả xe máy lên cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang

Thế nhưng có một thực tế không thể phủ nhận được là giá trị lớn nhất của ngôi nhà Lang nằm ở bề dày lịch sử hơn trăm tuổi, ở tính nguyên bản được lưu giữ cẩn trọng trong suốt hành trình gần 2 đời người ấy đã biến mất, đã bị xóa sạch hoàn toàn, giống như một phần linh hồn của xứ Mường đã chết theo đám cháy, chết vì ý thức của chính khách du lịch.

Chỉ vì bắp ngô nướng mà cả một công trình mang dấu ấn văn hóa trăm năm đã bỗng dưng biến mất. Để lộ ra cả một khoảng trống đáng báo động về ý thức của những vị khách du lịch. Sự bỏ chạy, thậm chí còn nhấn ga đâm thẳng vào nhân viên bảo tàng khi ngăn cản họ, gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự vô ý thức của con người đối với di tích, di sản.

Theo tin mới nhất từ phía BQL Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, các cơ quan chức năng đã mời 4 vị du khách gây ra đám cháy đến làm việc, mọi thiệt hại sẽ được đền bù nhưng dấu tích văn hóa hơn 100 năm ấy thì mãi mãi, vĩnh viễn không bao giờ lấy lại được.

Câu chuyện ý thức khi đi du lịch thì cũng chẳng phải là mới. Trên khắp các địa danh du lịch nổi tiếng của cả nước, đâu đâu cũng có thể bắt gặp sự kém ý thức của những người tự nhận mình là thích du lịch, thích khám phá, yêu cảnh đẹp thiên nhiên.

Những tảng đá, những tấm bia, những di tích chằng chịt các dòng chữ viết lên như để chứng minh mình từng đặt chân đến đây. Những bước chân giẫm đạp, xéo nát lên các cánh đồng hoa ở Gia Lâm, Hà Giang, Mộc Châu, Sơn La… chỉ để có bức ảnh đẹp về khoe bạn bè. 

Những dòng sông, những danh thắng đẹp như mơ bỗng nhem nhuốc vì rác thải mà dân du lịch vô ý vứt bừa. Và rồi mới đây là cả một câu chuyện đau lòng, chỉ vì chiếc bắp ngô nướng mà cả công trình di sản được gìn giữ qua bao đời đã bị thiêu hủy…

Không hiểu rồi đây, câu chuyện bắp ngô nướng thiêu hủy cả dấu ấn văn hóa trăm năm có làm bừng tỉnh ý thức của những vị khách du lịch? Không hiểu rồi câu chuyện ý thức du lịch có được đưa ra bàn luận trong các cuộc hội thảo về du lịch tới đây hay không? Và liệu các nhà quản lý du lịch có nên học tập phong trào “Nghe nhạc có ý thức” mà khởi xướng phong trào “Du lịch có ý thức” hay không?

Không có nhận xét nào: