Văn hóa, giáo dục và y tế là nhu cầu thường trực của cuộc sống con người. Ai cũng muốn bằng cấp, chứng chỉ, kiến thức, chuyên môn cao để dễ dàng tìm kiếm việc làm, để nhận biết thế giới quanh mình. Ai cũng muốn có thể chất sung mãn, trẻ, đẹp, thọ…, để hưởng thụ, chiêm nghiệm được nhiều thứ ở cõi trần này, dù đôi lúc làm bộ than vãn cho ra vẻ hiền triết : “đời là bể khổ”. Khi sức khỏe và chữ nghĩa đã dồi dào thì lại thèm giải trí. Giải trí thời nay, ở Việt Nam, không gì bằng nghe hát…!
Thợ hát thuần Việt
Nhạc cổ điển, sân khấu, rạp chiếu phim…, không phải người nào cũng thích, lúc nào cũng tiện lợi. Trong khi đó, chỉ cần một cái mp4 bằng hai đầu ngón tay, cái iphone mỏng dính vừa để alo, cái máy tính bảng xinh xinh vừa để lướt web…, là nghe hát xả láng. Bây giờ, dân sành điệu diễu phố, “vùng đầu” nhất định phải đủ bộ ba : Mũ bảo hiểm, khẩu trang và cặp tai nghe.
Ca sỹ thời nay có nhiều lợi thế. Trong đó, có những lợi thế được phát huy cao độ trong lãnh thổ Việt : Nhạc bình bình, ca từ quen quen, thính giả dễ dãi… Rất nhiều công ty biểu diễn, trung tâm văn hóa quảng cáo huấn luyện, đào tạo ca sỹ cấp tốc, thành tài nhanh hơn cả học nghề làm móng. Ở những thành phố lớn còn có dịch vụ dạy kèm thanh nhạc như thể dạy kèm học sinh phổ thông “mất kiến thức căn bản”, nội dung ù ù cạc cạc nhưng tiền bạc rõ như ban ngày !
...Nổi như Cồn Cỏ, Cồn Hến, Cồn Vành…, ai chả nghiện
Hát nhép là trò diễn phổ thông của các ca sỹ Việt Nam đầu thế kỷ 21. Có mấy lý do dẫn đến hát nhép : Do chạy sô quá nhiều, nên đuối sức, hết hơi…, nhưng vẫn ham cát-sê bỏ túi ; do tài năng có hạn ; do quen dùng đồ giả, làm hàng giả ; do khán giả dễ lừa…Trên thế giới cũng có ca sỹ hát nhép nhưng cực ít, và thường bị khán giả phát hiện, tẩy chay tức thì. Trường hợp của Rihanna là một ví dụ. Tháng 9 năm 2013, Rihanna biểu diễn vòng quanh thế giới để giới thiệu album “Diamon”. Trong đêm diễn ở Grand Pxit – Singapore, khi bị đuối sức, ca sỹ này chêm 2 bài hát nhép vào cuối chương trình. Cứ tưởng khán giả đang còn say trong cơn mê hồn trận trước thần tượng. Không ngờ, những cái tai của các fan hâm mộ cô vẫn tỉnh táo và đủ năng lực thẩm âm của thật, của giả. Rimana đã phải trả giá đắt cho sự dại dột ấy.
Tay cầm míc, môi mấp máy…
Chỉ trong 5 năm, từ 2007 đến 2012, người ta đã thống kê được vài chục ca sỹ biểu diễn trên những sân khấu hoành tráng ở Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ, Hải Phòng…, tay cầm míc, môi mấp máy…, như thể hát thật. Tốp đầu của Showbiz Việt hát nhép này thuộc về ca sỹ Cao Thái Sơn, Bạch Công Khanh, Búp Bê Thanh Thảo, Lâm Chí Khanh, Đôn Nguyễn, Thủy Tiên, Quỳnh Nga…Thấy hát nhép ngon ăn quá, ngay cả Hiền Thục cũng dính, tuy không nhiều.
Cái gọi là nhạc trẻ hiện nay, đa số được sáng tác như nhân giống gà công nghiệp, được bôi trơn, ma mị bằng những ca từ vần vè, vừa sến vừa vô nghĩa. Rất nhiều bài hát nhạc và lời na ná như nhau, thậm chí có người còn đạo nhạc Nhật, nhạc Hàn, nhạc Hoa..., nữa. Hình như sân khấu và các album ca nhạc ở Việt Nam mấy chục năm qua không chú trọng chất lượng giọng hát mà chủ yếu ưu tiên phô trương son phấn, quần áo, da thịt..., trong sự bảo kê của dàn âm thanh, ánh sáng hiện đại. Không ít những ca sỹ tên tuổi, gạo cội cũng bị sa đà, luyến láy vào vòng xoáy của sự nổi tiếng mà vẽ vời sự mới lạ vụng dại. Họ tung tẩy, đùa dỡn với nghệ thuật, hát như thợ hát, những thợ hát thuần Việt !
Lành nghề thợ dạy
Gọi là “thợ dạy lành nghề” bởi vì mấy thập kỷ qua, dù đã cải cách, đổi mới nhưng ngành giáo dục Việt Nam ngày càng góp phần biến người thầy thành người thợ. Với cơ chế quản lý giáo dục, chương trình sách giáo khoa, hình thức thi cử, bệnh thành tích đã di căn, nền tảng sư phạm trong môi trường giáo dục sa sút nghiêm trọng như hiện nay thì giáo viên, nhất là giáo viên cuối cấp phổ thông, giáo viên các trường cao đẳng, đại học…, không trở thành thợ dạy mới là chuyện lạ.
Ở các lớp 12, hầu hết các trường đều dạy thần tốc các môn không thi tốt nghiệp, chỉ để hợp thức hóa mục tiêu “toàn diện”, để học bạ “đủ món” như mâm cơm đãi khách. Thậm chí có trường dân lập bỏ luôn các môn không thi tốt nghiệp, chỉ dậy những môn chắc chắn thi : Toán, Văn, Ngoại Ngữ ; và dậy xác suất những môn trong quĩ đạo chọn thi như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Song song với ôn thi tốt nghiệp là luyện thi đại học : Luyện ở trường, luyện ở trung tâm, luyện tại nhà. Bên cạnh sách giáo khoa là tài liệu ôn thi : Tài liệu của hàng chục nhà xuất bản trung ương, địa phương…, tài liệu của các thầy cô bộ môn và cả những tài liệu không rõ xuất xứ bán trong các nhà sách. Để cạnh tranh thị trường tuyển sinh, và đạt các con số thành tích, không ít trường ( cả công lập và dân lập) buộc học sinh cuối cấp phổ thông học 3 buổi (sáng, chiều, tối), tổ chức thi hàng tuần. Tính ra, một ngày học xấp xỉ 15 tiếng, một năm thi gần 40 lần. Bắt buộc học, buộc thi như thế, bộ óc siêu việt nào cũng sẽ bị bão hòa, trơ lỳ, khả năng lưu trữ kém. Không chỉ học vẹt, thi vẹt các môn xã hội, các môn tự nhiên cũng vẹt nốt. Mục đích của tài liệu nhiều, học nhiều, thi nhiều để học sinh thuộc làu các dạng bài tập toán, lý, hóa…, đến lúc thi “thật” chỉ việc “truyền thần” hoặc cop-pi, sao chép mẫu mã kiến thức có sẵn mà thầy cô đã xếp đặt. Bởi vậy, đa phần học sinh thi xong là quên hết.
Gọi là “thợ dạy lành nghề”
Sau nhiều thập kỷ thực nghiệm, những gương mặt thợ dạy sáng giá, đã trở thành những thương hiệu “ độc”cho các trường, các trung tâm luyện thi. Tên tuổi các thợ dạy cũng được các “ông bầu”, “bà bầu” kinh doanh chữ nghĩa, trương lên trong các tờ rơi, băng rôn như các thợ hát, mục đích để quảng cáo, chiêu dụ các sỹ tử gần xa. Việc đẻ ra các trường chuyên, lớp chọn, chất lượng cao của các nhóm lợi ích trong ngành giáo dục, cũng là môi trường béo bở cho đa số thầy cô các nơi này làm giá cát-sê cho một tiết dạy thêm, một tiết dạy kèm. Nhiều thầy cô ở các trường phổ thông, đại học kiếm một tháng cả trăm triệu. Họ chạy sô dạy thêm như con thoi, đứng lớp một ngày mười mấy tiết. Nếu không là thợ dạy cao thủ, có phương pháp “dạy nhép” tinh vi, thì làm sao đủ sức cày miên man quanh năm suốt tháng được như thế.
Nếu có dịp được nghe các thợ dạy ra rả từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác, nếu được mục sở thị học sinh lớp 12 bây giờ học sử, học văn…, có lẽ những thầy cô giáo là cây đa, cây đề từ cổ chí kim cũng phải cấm khẩu mà ngả mũ thán phục. Bởi các nhà giáo chân chính không thể đứng lớp mà không yêu nghề, không cảm xúc. Thầy không thể truyền đạt kiến thức cho trò như những rô-bốt lập trình !
Một số ý kiến cho rằng : Thành tích rõ nhất của ngành giáo dục trong mấy thập niên qua là hầu hết các trường đã đồng phục hóa 100%, và tỷ lệ nói dối của học sinh mỗi năm mỗi tăng, mỗi cấp mỗi cao ( kết quả điều tra mới đây về tỷ lệ học sinh nói dối hiện nay là : tiểu học 40%, trung học cơ sở 64%, trung học phổ thông 84 %...)
Ý tưởng hay?
Hội nghị trung ương đảng lần thứ 8, đầu tháng 10 năm 2013 đã phát đi tín hiệu lạc quan cho những người muốn dạy thật, học thật, kết quả thật. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu cải cách hay đổi mới giáo dục. Lỗi hệ thống, chất lượng con người đang quản lý giáo dục từ cấp trường tới cấp bộ, các thầy cô đứng lớp, các bậc phụ huynh, môi trường gia đình, xã hội, chính sách tuyển dụng công chức, đề bạt cán bộ, trọng dụng nhân tài…, không được cải thiện đồng bộ, thì chắc chắn nghị quyết này cũng chỉ là ý tưởng đẹp.
Mức lương giáo viên bình quân 1 năm hiện nay ở Singapore là 45.755 USD (910 triệu đồng), ở Hàn Quốc là 43.784 USD (877 triệu đồng), ở Thổ Nhĩ Kỳ là 25.378 USD (510 triệu đồng), ở Hy Lạp (nước đang khủng hoảng kinh tế) là 23.341USD ( 470 triệu đồng), nước láng giềng Trung Quốc là 17.730 USD (350 triệu đồng)... Ở Việt Nam, không rõ mức lương bình quân của giáo viên là bao nhiêu nhưng khoảng cách thu nhập là cực lớn. Có giáo viên chỉ vài triệu đồng một tháng nhưng có nhiều cán bộ quản lý giáo dục, nhiều thợ dạy mỗi năm đút túi cả tỷ bạc. Chiếc bánh lương bổng được chia khuất tất theo luật bất thành văn như thế, thì xu hướng các thầy cô phấn đấu để trở thành thợ dạy lành nghề chắc chắn mỗi ngày mỗi tăng!
Chuyên nghiệp thợ kê đơn
Thành tích của ngành y tế cũng có những “điểm son” như thành của ngành giáo dục. 25 năm trước là ca mổ song sinh Việt –Đức và hơn hai thập kỷ nay có mấy trăm ca ghép thận và hơn chục ca ghép gan, hầu hết cho những bệnh nhân khá giả, hoặc được các tổ chức nhân đạo tài trợ. Nhưng hàng triệu bệnh nhân nghèo khác lại bị đối xử như công dân hạng 2. Nếu trong ngành giáo dục có trường chuyên lớp chọn thì trong ngành y tế cũng có các dịch vụ cao, thấp khác nhau. Chưa bao giờ ngành y tế Việt Nam xuống cấp trầm trọng đến thế. Cơ sở vật chất mỗi ngày một hiện đại, tiên tiến bao nhiêu thì y đức càng trượt dốc bấy nhiêu. Bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng cách nay 50 năm, nhưng cung cách phục vụ thua xa nửa thế kỷ trước. Mới đây một bác sỹ lên sóng VTV1 trong mục “Cuộc sống thường ngày” ngày 14 tháng 10 năm 2013, phân bua rằng : Việt Nam có những bác sỹ chuyên khoa và những trang thiết bị ngang tầm châu lục, nhưng không hiểu sao người Việt vẫn kéo nhau sang Singapore, Hồng Kong, Đài Loan..., chữa bệnh, dù chi phí cao hơn ? Có lẽ, câu hỏi ấy các vị giám đốc bệnh viện Việt Nam trả lời là thỏa đáng nhất.
Họ là những công dân hạng mấy?
Họ là những công dân hạng mấy?
Tiêu cực xuất hiện từ ở tiệm thuốc nhỏ, phòng khám tư cho đến các bệnh viện trực thuộc bộ, các công ty dược quốc doanh. Hành vi vòi vĩnh, thái độ ghẻ lạnh của bộ phận không nhỏ từ hộ lý đến giám đốc bệnh viện đã làm tổn thương đến niềm tin của người bệnh, mà theo y lý, niềm tin của người bệnh là liệu pháp tinh thần góp phần quan trọng giúp người bệnh nan y thoát hiểm. Hàng loạt những vụ việc nghiêm trọng xảy ra gần đây như vụ tiêm vắc-xin cho trẻ bị bớt xén ở Hà Nội, phiếu xét nghiệm khống ở bệnh viện Hoài Đức – Hà Nội, cắt xén phim chụp X quang ở bệnh viện Bình Dân và bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình, bệnh viện Nguyễn Tri Phương ở Sài Gòn, vụ bác sỹ phi tang thi thể bệnh nhân ở thẩm mỹ viện Cát Tường – Hà Nội... Nhưng đó chỉ là một phần nổi rất nhỏ so với phần chìm của tảng băng tiêu cực trong nghành y tế. Nếu những cán bộ cao cấp của ngành này vi hành, vào vai bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có bảo hiểm y tế, bệnh nhân buộc phải đưa phong bì, hay vào vai các trình dược viên, cò bệnh viện…, hẳn các vị cũng chia sẻ được phần nào gánh nặng trên vai của người bệnh bị khuất lấp đằng sau ánh hào quang của cái băng rôn to đùng “lương y như từ mẫu”!
Tốc độ khám bệnh kê đơn của bác sỹ Việt Nam thời nay năng suất gấp nghìn lần thầy thuốc đông y xem mạch, bốc thuốc thuở trước. Thầy thuốc đông y chẩn đoán lâm sàng nhất định phải qua 4 bước : Văn, vấn, chẩn, thiết. Riêng “thiết”, phải mất thời gian khá lâu để dò cho đủ 3 tượng mạch : Quan, thốn, xích, và phải mẫn cảm, tinh tế, suy xét kỹ lắm mới kê thành đơn, bốc thành thang. Bốc thuốc theo đơn cũng hết sức cẩn trọng. Sâm, qui, thục, thược…, được bốc bằng mấy đầu ngón tay, cùng lúc chia cho cả chục thang mà nếu đem cân tiểu ly khảo lại cũng chỉ chênh nhau tí xíu. Bởi vậy, người bệnh thấy sự công phu của thầy thuốc, bệnh tật đã thuyên giảm một phần. Bây giờ đi khám bệnh, nhất là khám bệnh có bảo hiểm y tế sao thấy bác sỹ khám nhanh thế, vô cảm thế. Ví dụ : khám bệnh có bảo hiểm y tế ở Trung tâm y tế quận Tân Bình – Sài Gòn, sau vài ba giờ xếp hàng lấy số tích kê, xếp sổ lấy phiếu đợi khám...Đến lượt được vào khám, bệnh nhân chưa kịp hoàn hồn, chưa kịp mở miệng để trần tình đôi điều về bệnh tật với bác sỹ thì đã nhận được đơn thuốc từ chiếc máy in, nhanh như chớp! Ngay cạnh nơi khám bảo hiểm là khám dịch vụ. Khám dịch vụ khác khám bảo hiểm ở chỗ, mất tiền, không phải chờ lâu, được khuyến mãi thêm ánh mắt thân thiện của bác sỹ, nhưng đơn thuốc thì giống hệt nhau : nhiều thuốc, nhiều tiền (thường phải nộp thêm so với mức tiền được bảo hiểm).
Nếu có dịp quan sát ở nhà thuốc Minh Châu (nhà thuốc tư nhân lớn nhất đường Trường Chinh – Sài Gòn), mới thấy qui mô của những đơn thuốc khủng của các bác sỹ kê cho bệnh nhân, toàn tiền triệu. Ở Sài Gòn có hàng trăm hiệu thuốc cỡ Minh Châu và hàng ngàn tiệm thuốc nhỏ hơn. Sổ mũi, hắt hơi, hoa mắt, mụn cơm, rôm sảy..., cứ đến bác sỹ là có bệnh, có đơn thuốc. Gần đây các loại thực phẩm chức năng liên tục xuất hiện trên mặt báo, trên ti vi, càng làm cho cái mê-nu thuốc của người Việt dài thêm, phong phú thêm.
Thống kê mới nhất cho thấy, bình quân tiêu thụ thuốc tính theo đầu người ở Việt Nam (không kể thực phẩm chức năng) ở top mười nước cao nhất thế giới. Dùng thuốc quá liều lượng theo đơn bác sỹ, bệnh tật không bớt, không chết, không thấy hại ngay, nhưng hệ lụy từ việc lạm dụng thuốc chắc chắn là không nhỏ, không chỉ cho một thế hệ.
Phải chăng, hội chứng “nghiện” thuốc chữa bệnh, “nghiện” học thêm, “nghiện” đeo tai nghe, của dân mình, “công đầu” thuộc về thợ kê đơn, thợ dạy và thợ hát ?
NGÔ QUỐC TÚY
(Cảm ơn tác giả đã gửi bài tới Quê Nhà)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét