Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

> Xin lỗi- nhưng xin lần sau lại "nguyễn y vân"

“Vấn đề là xin lỗi để làm gì? Cái quan trọng là cần sửa chữa chứ không phải xin lỗi. Vì càng xin lỗi thì người dân càng mất lòng tin” - ông Dương Trung Quốc tỏ ra bức xúc trước việc Bộ Y tế xin lỗi người dân sau vụ bác sĩ ném xác phi tang.


Theo NLĐ dẫn lời, sau khi buổi thảo luận Quốc hội 23/10 kết thúc, Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu ý kiến về việc Bộ Y tế xin lỗi nhân dân sau khi sự việc bác sĩ ném xác nạn nhân xuống sông.
"Vấn đề là xin lỗi để làm gì? Cái quan trọng là cần sửa chữa chứ không phải xin lỗi, vì càng xin lỗi thì người dân càng mất lòng tin", ông nói.
Trước đó, TTO đưa tin,  tối 22/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các vụ, cục liên quan về vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném thi thể bệnh nhân xuống sông Hồng để phi tang.
Trong ngày 22/10, ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Phó Chánh văn phòng Bộ Y tế Phạm Thị Thanh Bình đã có văn bản khẩn yêu cầu Sở Y tế Hà Nội báo cáo vụ việc và báo cáo từ Sở Y tế đã được chuyển tới Bộ Y tế ngay chiều cùng ngày.
Ông Dương Trung Quốc: Xin lỗi để làm gì khi đã mất lòng tin?

Theo thông tin từ Bộ Y tế, do Bộ trưởng Bộ Y tế đang đi công tác tại Philippines (tham dự hội nghị lần thứ 64 của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương), nên Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên sẽ ký văn bản thay mặt ngành y tế chia buồn với gia đình nạn nhân, xin lỗi toàn thể nhân dân, đồng thời sẵn sàng phối hợp với cơ quan liên quan làm sáng tỏ vụ việc.
Có thể dễ dàng nhận thấy, thông qua vụ việc vừa rồi của ngành y tế, ông Dương Trung Quốc đang tố cáo việc nhận trách nhiệm, xin lỗi của các cơ quan công quyền khi có sự cố xảy ra không giải quyết được vấn đề gì, một khi lòng tin của nhân dân vào đó đã bị mất. Nếu xin lỗi mà để đấy thì đừng nên xin lỗi làm gì.
Nhớ lại những vụ việc tương tự trước đây, các cơ quan công quyền của Việt Nam đã rất nhanh nhẹn nói lời xin lỗi mỗi khi xảy ra sự cố. Còn nhớ, Tổng cục Du lịch cũng được dư luận khen ngợi khi nhanh chóng xin lỗi du khách ngay sau khi biết được thông tin khách nước ngoài bị chặt chém. Cụ thể, sáng 25/4, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cùng quan chức đầu ngành du lịch đã đến gặp mẹ con bà Ilona Schultz để bày tỏ đáng tiếc đối với sự việc bà bị lái xe xích lô đòi 1,3 triệu đồng cho một chặng đường tham quan.
Thậm chí, ông Mai Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, dù đang bận họp ở xa nhưng đã vội về gặp bà Ilona Schultz. Ngành du lịch Hà Nội đã trao tặng bà món quà nhỏ để thể hiện thiện chí và như lời xin lỗi vì sự việc trên. Sở cũng sắp xếp ôtô để tiễn mẹ con bà Ilona Schultz ra sân bay.
Tuy nhiên, tình hình chẳng thay đổi là bao sau đó, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn phải bỏ tiền gấp đôi, gấp ba so với người Việt để cùng mua một món đồ.
Dân trí đưa tin ngày 15/8/2013, theo thống kê có tới 90% "nạn nhân" bị “chặt chém” là khách nước ngoài. Cũng theo thông tin từ bộ phận hỗ trợ du khách, mới đây vụ việc 3 du khách Pháp bị hai tài xế xe ôm chở đến khu vực chợ Đồng Xuân, lừa khách xuống, xe hai tài xế này không trả hành lý mà chạy “mất hút”. Tiếp đó là vụ vợ chồng du khách Pháp bị tài xế taxi tính cước cao gấp 5 lần. 
Động thái xin lỗi của Tổng cục du lịch ngay sau khi nhận được tin khách nước ngoài bị chặt chém đã khiến dư luận giảm bớt bức xúc, nhưng lòng tin của người dân, cái nhìn của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã bị ảnh hưởng. Không có hành động cụ thể, dứt điểm, đến nơi đến chốn ngay sau lời xin lỗi thì đó chỉ là một lời nói xuông, vô trách nhiệm.
Ngay sau khi vụ việc hình ảnh tượng Lạc Sơn Đại Phật (Trung Quốc) xuất hiện trong gian hàng du lịch Việt Nam tại Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2013 (diễn ra từ ngày 6 đến 10/3) ở Berlin được phát hiện.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã nhanh chóng đứng lên nhận trách nhiệm của đơn vị mình. Ông Cường thẳng thắn: “Đây là sự cố đáng tiếc, nhất là trong thời điểm nhạy cảm với nước bạn, gây bức xúc trong dư luận. Chúng tôi xin nhận thiếu sót và nhận thấy đây là bài học sâu sắc trong công tác triển khai quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch không đổ lỗi cho ai hết mà nhận trách nhiệm toàn bộ sự việc này. Lãnh đạo sẽ chịu trách nhiệm, kể cả cấp dưới sai thì lãnh đạo sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm”.
Ba chuyên viên đại diện Tổng cục Du lịch trực tiếp tham gia hội chợ ITB thì ông Trần Phong Bình (Vụ Thị trường du lịch) bị kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc sau đó. 
Lời xin lỗi quả thực chỉ có hiệu quả nhất thời, tránh được mũi tên dư luận hướng vào mình mà không giải quyết tận gốc được vấn đề. Thử hỏi sau đó, Tổng cục du lịch đã có hoạt động xúc tiến quảng bá nào cho Việt Nam chưa? Thực tế, mọi chuyện vẫn ở nguyên vị trí cũ, chỉ có lòng tin ở người dân vào họ là mất dần thôi.
 A Châu (phunutoday)

Không có nhận xét nào: