Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

MỘT PHÚT THỰC LÒNG

                                                                                                   

 Như Nguyễn

Hay tin sếp ngã bệnh người trong cơ quan lục tục kéo nhau đi thăm cứ đông như ...trẩy hội. Thế rồi các bộ phận phân công người đi mua quà, trích tiền quỹ cho vào phong bao, rút ví ra cho vào phong bì. Không khí thật là chộn rộn, vui vẻ. Thế có lạ không. 

Tôi lại nghĩ, thăm người bệnh mà xếp hàng , mà lũ lượt  như thế liệu có ích gì cho sức khỏe người bệnh suy tim. Nhưng không tranh thủ đi thì đến bao giờ mới có dịp. Hèn chi trong mỗi phong bì nhất thiết phải ghi rõ ràng tên người, tên bộ phận . Có mấy người đi về tỏ ra hoan hỷ, “ được sếp bắt tay” . Chừng một tuần sau, cơ quan lại xếp hàng vào viện. Tôi trộm nghĩ, bệnh nhân phải nghiền khoai tây nước thịt ăn thay cơm, sức mấy mà  dùng đến hàng túi hoa quả Niu Di-lan , bánh bơ chính hiệu Hà Lan với lại rượu tây chính hiệu Scotlen. Tôi lại trộm nghĩ, cũng may chỉ có một sếp ốm, chứ có vài ba sếp thay phiên nhau ngã bệnh thì có lẽ cơ quan chỉ có mỗi một việc hệ trọng nhất là vào bệnh viện. Nghĩ vậy nên mãi khi sếp về nhà  tôi mới đưa vợ và thằng con trai bảy tuổi đến chúc mừng sức khoẻ sếp Tuy vậy lòng vẫn không khỏi áy náy. Tôi đã chuẩn bị một tinh thần chịu trận. Nếu sếp không quở mắng thì cũng đưa mắt nhìn như muốn bảo, “giờ còn đến làm gì...”

    Nhưng thật ngỡ ngàng đến không tin được. Sếp không mắng, không mặt lạnh khinh khỉnh như thường ngày tôi vẫn nhìn thấy, lại đầy vẻ  cởi mở tâm tình nữa chứ:
    -  Mấy hôm còn trong bệnh viện mà cậu vào nhất định tôi phải đuổi về sớm. Chịu không nổi.
    Có lẽ tôi khởi hành nhằm giờ hoàng đạo hay sao ấy. Chẳng những không bị quở mắng, mà lần đầu tiên tôi được nghe sếp hé mở tâm tình. Thú thực xưa nay tôi vẫn nhìn sếp như con người lạnh lùng, đôi khi như bí hiểm, đầy những mưu tính, khiến tôi thực sự bất ngờ,  như chuyện lạ có thật trên chương trình VTV3  vậy.
- Cậu không thể mường tượng đựợc cảnh người đến thăm, bắt đầu từ 5 giờ chiều đến tận tối. Còn thứ bảy, chủ nhật thì cả ngày. Hết cán bộ vụ  tổ chức rồi văn phòng, đảng uỷ. Hết công đoàn lại đến cục nọ vụ kia. Mỗi sáng ngủ dậy mình lại thấy lo lo, không biết ngày hôm nay sẽ có mấy đoàn nữa đây. Lại những câu hỏi ngày hôm qua, “anh có đỡ không ạ.” Lại những câu trả lời mỏi mệt, "cảm ơn, hôm nay đỡ nhiều.” Lại  vẫn những câu hỏi đầy vẻ ái ngại, "hôm nay anh ăn được không ạ.” Rồi lại phải cố gượng lắng nghe và trả lời như thể lần đầu tiên mình mới được nghe người ta hỏi vậy. Cho đến khi mọi người ra về hết thì mình  như cái xăm xe xì kiệt hơi, nằm vật xuống giường, thở dốc. Có hôm phải bấm chuông gọi y tá trợ giúp. Đêm ngủ chập chờn nhẩm tính, cho ngày mai, ngày kia, ngày kìa...để mà chịu trận. Ông ơi, mấy tuần nằm trong viện mình mới ngẫm ra một điều: Cái phận làm sếp thật khổ. Thì ra cái gì cũng có mặt trái của nó  đấy anh bạn trẻ ạ. Đến lượt cậu làm sếp rồi sẽ lãnh đủ.  

Ông sếp của tôi hình như cũng có tí máu khôi hài. Ngoài bốn mươi rồi, vẫn còn trẻ ư. Cái thân làm lính ngót hai mươi năm không mon men nổi tới chân phó phòng, thì đến bao giờ mới được với tới cái ghế sang trọng, ngời ngời thế kia. Nhưng lại nghĩ,  hôm nay thời tiết nó làm sao ấy nên sếp tôi mới mở lòng mở dạ. Tôi tự nhủ mình, sếp  nói gì thì đó là chuyện của sếp, đừng có dại mồm dại miệng. Việc của tôi là, ''vâng ạ, vâng ạ..”. Mà rồi chuyện gì của sếp trả sếp, đừng có đến cơ quan mà bép xép, "à sếp nói ...”
Vậy là đã xong một việc. Sẽ giữ được ấn tượng nhẹ nhõm hơn, nếu không nghe sếp kết thúc câu chuyện “cởi mở” bằng một câu tôi nghe cứ ngờ ngợ:
- Anh em họ yêu mến mình thì mình cũng phải gắng thôi. Biết sao giờ. 

Tôi còn nhớ cách đây không lâu, thân sinh ra sếp qua đời. Vòng trong vòng ngoài xếp hàng vào viếng. Hoa có dễ trên 300 vòng, phải dùng tới 5 xe mới chở hết. Phong bì phúng điếu phải có hẳn một nhóm phụ nữ chuyên trách thu gom. Vậy là đứa con thành đạt đã làm  mát mặt người cha quá cố. Mừng cho cụ ông bao nhiêu thì lại chạnh lòng khi nghĩ đến cụ bà. Cũng tại cơ quan này thôi, cũng những anh em đó thôi, vậy mà ngày cụ bà ra đi nhiều lắm cũng chưa đến 30 vòng hoa. Phong bì rời rạc vài chục cái. Đơn giản , ngày đó sếp , ừ, cũng là bậc sếp rồi đấy, nhưng chưa phải sếp lớn như  bây  giờ.  Giá mà cụ bà đi chậm chậm  lại một chút.

Có những anh bạn trẻ chưa một lần thấy mặt sếp, vậy mà lại tỏ ra xăng xái  đi thăm chẳng kém mấy vị trưởng phó ban, trưởng phó phòng. Có mấy nhân viên hành chính thầm thì thật nhỏ điều gì đó mà chỉ một vài người nghe được rồi im bặt khi có người qua lại sau lưng. Trên đường về tôi cứ nghĩ, có thật trong số anh em  hối hả đi thăm sếp ốm, đều vì một lòng quan tâm, yêu mến sếp không. Nhưng “cái tình” anh em dành cho sếp mà đem ngờ vực thì e không phải. Nhưng sẽ đến một lúc nào đó chính sếp sẽ có cách giải mã  cái nghĩa thực hư khó diễn ra thành lời này. Vào lúc còn là người quyền uy đầy mình, sếp hãy cứ tận hưởng “tình thương mến” mà các nhân viên dưới quyền giành cho sếp. 

(Cảm ơn tác giả đã gửi bài tới Quê Nhà)

Không có nhận xét nào: