Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Những bí ẩn chưa từng biết đến về ngôi nhà Bá Kiến


Hơn 100 năm thăng trầm theo lịch sử, là nguyên mẫu trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao nhưng ít ai biết đến ngôi nhà cổ ẩn chứa nhiều điều kì bí chưa từng được nói đến tại làng Đại Hoàng (nay thuộc xã Hòa Hậu- Lý Nhân- Hà Nam)- ngôi nhà “Bá Kiến”.














Đi theo sự chỉ dẫn của người dân xã Hòa Hậu – Lý Nhân- Hà Nam chúng tôi chạy xe theo tuyến đường nhựa dọc sông Châu tìm đến được ngôi nhà của cụ Chánh Bính – nguyên mẫu Bá Kiến trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Từ tuyến đường chính chạy vào làng 500m chúng tôi tới được ngôi nhà cổ tọa lạc trên mảnh đất hơn 900m2. Thoạt nhìn thì không ai nghĩ đây từng là nhà của một địa chủ giàu có nhất nhì làng Đại Hoàng ngày đó. Ngôi nhà mái ngói ba gian nằm giữa mảnh đất rộng, cổng được xây bằng gạch vữa kiên cố. Qua lời kể của bác Trần Thị Mai người trực tiếp trông nom ngôi nhà từ khi Sở Văn hóa tỉnh Hà Nam mua lại ngôi nhà và giao cho UBND xã Hòa Hậu quản lí chúng tôi đã tìm hiểu được rất nhiều điều về những bí ẩn cũng như những chuyện chưa từng được nói đến.

Ngôi nhà với kiến trúc độc đáo

    Ngôi nhà Bá Kiến ngày nay
Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong làng, trước đây ngôi nhà được xây dựng theo cấu trúc hình chữ U với 3 gian nhà chính quay hướng Tây- Nam, 5 gian ở phía Bắc 5 gian ở phía Nam vuông góc với dãy nhà chính.Cổng gỗ cũ của ngôi nhà đã được dỡ bỏ và xây dựng lại ở cách đó 10m là cổng hiện tại. Đưa chúng tôi vào trong ngôi nhà bác Trần Thị Mai chỉ cho chúng tôi từng chi tiết trong nhà từng cái cột nhà tới những họa tiết, hoa văn trên mái nhà và giới thiệu tỉ mỉ về ngôi nhà cho chúng tôi.  Toàn bộ căn nhà được xây đựng bằng gỗ lim với 16 cây cột trụ to chắc chắn, được kê bằng các viên đá tảng đục đẽo rất tỉ mỉ.     
   
Toàn bộ xà nhà và các hoa văn của ngôi nhà      

                                                                                                                                     
                                                    








Cột kèo và xà nhà được trạm khắc rồng phượng, chữ nho rất tinh tế, các cánh cửa được làm bằng gỗ lim ghép mảng, hiên nhà có các manh chắn che mưa che nắng. Mái nhà được lợp bằng các tấm ngói ta được chọn lọc từ hàng nghìn viên ngon có độ bền rất cao và cho tới bây giờ vẫn chưa phải thay mới viên nào. Ngưỡng cửa cao đúng theo cấu trúc của ngôi nhà truyền thống của người Việt. Bác Mai chia sẻ: “ Trước đây trồng nhiều mía nên người ta dùng mật mía, vôi, vỏ cây và một số phụ gia khác để gắn kết từng viên gạch”  chỉ riêng có nước sơn là khi Sở văn hóa mua lại và quét nên còn mới nên cho tới bây giờ mặc dù đã qua 7 đời chủ, tồn tại 146 năm nhưng tường nhà vẫn chưa hề bị bong tróc. Bởi vậy mới có câu thơ:
 “ Đại Hoàng còn lại một ngôi nhà
Nếp cổ gỗ lim mái ngói ta
Bảy chủ thay nhau quyền sở hữu
Hơn trăm năm bão táp vượt phong ba”
Hiện tại ngôi nhà còn 3 gian nhà chính còn 2 dãy nhà 5 gian đã đươc dỡ bỏ từ năm 2007.

Những lần đổi chủ của ngôi nhà và những cái kết không có hậu của những của chủ nhân

Từ khi xây dựng đến bây giờ ngôi nhà đã trải có 7 chủ thay nhau sở hữu. Liên tục là những sự thay đổi chủ và mỗi lần như vậy lại là một lần “xuống dốc không phanh” của các chủ nhân của ngôi nhà. 

Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là cụ Cựu Hạnh là lái buôn giàu có nhất vùng thời đó xây dưng nên trong gần một năm trời. Cụ Cựu Hạnh mất đi dể lại ngôi nhà cho con trai là Trần Duy Xầm sau đó Cựu Cát con trai cụ Xầm kế thừa. Cựu Cát vốn là một người chơi bời ham mê cờ bạc, rượu chè, nhiều lần vay mượn tiền của Bá Bính ( tên thật là Trần Duy Bính mất năm 1948 cũng có tài liệu viết cụ mất năm 1946) – một ngụy viên Bắc Kì kiêm Chánh tổng và Lý trưởng trong làng để ăn chơi. Trong một lần đánh bài với Cựu Cát tại chính ngôi nhà này Bá Bính đã đánh thắng và sở hữu được ngôi nhà. Bác Mai kể lại: Hôm đó đúng ngày 15/2 âm lịch có một ông cụ đã ngoài 80 tuổi tay cầm một phong bì và một nắm hương về đây thắp hương bác thấy lạ nên hỏi thì cụ cho hay: “Khổ lắm cơ chị ạ, đáng lẽ ngôi nhà này là của dòng họ chúng tôi nhưng do ông trưởng họ ham mê cờ bạc, hôm đó đã vay của cụ Bá một khoản tiền để đánh bạc và thua cụ bá một ván bài mà đã mất ngôi nhà này đây”. Ngôi nhà đã gắn liền với tên Bá Kiến trong tác phẩm “ Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Kể từ đây ngôi nhà bắt đầu chuyển phải trải qua những biến cố thăng trầm và mang đầy những điều bí ẩn, gắn liền với sự lụi bại của các chủ nhân nó sau này. 

Theo như các cụ trong làng nói lại thì ngôi nhà xây theo kiểu này không có hậu. Ai đến đây ở lúc đầu cũng tưởng chừng sẽ rất giàu có phát đạt nhưng cuối cùng đều ra đi với con số không và không những thế còn gặp nhiều tai ương. Sau khi sở hữu được ngôi nhà Bá Bính dùng 3 gian nhà chính để làm nơi thờ tự và đánh bài, 2 dãy nhà 5 gian cụ dành cho 5 bà vợ của cụ ( trong sách vở thì chỉ nói cụ có 3 vợ) và các bà không bao giờ được phép bước chân lên ngôi nhà chính. Chỉ riêng có bà Ba xinh đẹp nhất được cụ ưu ái nhất cho bén mảng đến. Nhưng đến năm 1945 sau khi bà Ba theo Chí Phèo cụ đã tức bỏ đi đến  xã Nhân Bản nay thuộc xã Nhân Khang – Lý Nhân- Hà Nam. Năm 1947 cụ trở về và truy tố bà Ba. Bà ba sau đó đã treo cổ tự tử tại cây nhãn phía sau ngôi nhà. 

Năm 1948 cụ Bá mất cụ để lại ngôi nhà và tài sản cho con trai là Trần Duy Tảo (Binh Tảo) thừa kế nhưng do bản tính ham chơi lười làm Binh Tảo đã sớm bán hết đồ đạc trong nhà để ăn chơi và sau đó đã bán lại ngôi nhà cho một Việt Kiều từ Thái Lan về là cụ Trần Hữu Hậu. Cụ Hậu ở tới cuối đời do không có con nên đã để lại căn nhà cho người cháu họ là Trần Hữu Hòa. Nói tới đây bác Mai khẳng định Chủ thứ năm và thứ sáu bác đã chứng kiến, chính ông Trần Hữu Hòa đã nói với bác: “Chúng tôi thật xấu hổ với các chị, thật lúc các chị mới đẻ ra chúng tôi nàng đã có hàng lọ lu vàng thế mà bây giờ chúng tôi cũng tay trắng mà nhà cửa thua  nhà các chị, khổ vẫn hoàn khổ vợ chẳng ra vợ con cũng không ra con”.

Quả thật, vợ của ông thì suốt ngày cờ bạc, đi theo trai và có một đứa con nhưng ông vẫn chấp nhận nuôi đứa trẻ. Mặc dù vậy nhưng bà vợ vẫn không chịu sửa đổi tính nết ông uất quá đã treo cổ tự tử tại dãy nhà 5 gian. Sau khi ông Hòa chết 2 gian nhà ngang đã được dỡ bỏ, bác Mai thở dài chỉ cho chúng tôi đống gạch ngói xếp ở bên cạnh bể nước và nói. Trước đó có một thương nhân Hà Nội đã trả giá 2 tỉ đồng để mua lại ngôi nhà nhưng ông Hòa đòi giá 2 tỉ 500 triệu, hai người đã hẹn nhau nửa tháng sau quay lại thương lượng. Nhưng trong thời gian đó ông Hòa đã treo cổ tự tử nên bà vợ sợ không bán được nhà nên đã bán vội cho sở Văn hóa với giá 700 triệu đồng. Hiện tại ngôi nhà đang thuộc quyền quản lí của UBND xã Hòa Hậu đón khách du lịch về tham quan.

Những chuyện kì lạ xung quanh ngôi nhà Bá Kiến















Trò chuyện với chúng tôi bác Trần Thị Mai kể năm nay là năm thứ 6 hai vợ chồng bác trông ngôi nhà này mà 5 năm trước bác không dám đặt chân vào nhà một mình nếu mỗi lần đến dọn dẹp nhà bác lại đi cùng bác trai hoặc con bác mới dám vào bên trong nhà. Nếu có khách đến thăm quan thì bác mở cửa cho họ vào trước rồi bác vào sau. Nhưng sang năm nay bác không sợ nữa. 

Bác cũng kể đầu tháng 3 năm 2013 tới bây giờ bác đã nằm mơ thấy một cụ ông cao, đậm người, mặc áo xanh tím than vải gấm, áo cộc tay 3 túi một túi ngực và 2 túi cạnh, quần dây chun, đầu đội khăn xếp trắng đi từ cửa ngách vào vừa nói bác vừa chỉ đưa tay chỉ cho chúng tôi hướng mà mà bác nằm mơ thấy cụ đi vào đến cửa giữa và ngồi xổm lên cửa giữa quay mặt vào trong nhà cà cho bác 32 nghìn đồng rồi bước xuống hè tay vuốt quần áo rồi từ từ biến mất. Bác đem kể với các cụ cao tuổi trong làng thì các cụ nói thì đúng là cụ Bá. Từ đó tới bây giờ bác đã nằm mơ gặp cụ tổng cộng 9 lần cứ xuất hiện rồi đi đến cửa giữa mà không bao giờ lên đến gian trên mà trước đó chưa từng gặp cụ.

Bác chỉ tay ra con đường bê tông trước cửa nhà nói hôm tháng 5 âm lịch năm 2012 mới đổ con đường đó. Tối hôm đó trời đổ mưa mọi người ra lấy nilon che đống xi măng để ngoài thì thấy trong bếp nhà cụ Bá cứ sáng chưng như điện còn bên ngoài thì như cái vành xe xanh lè quay đi quay lại mà khi đó thì chưa lắp điện ở trong bếp. Từ đó mọi người không ai dám động chạm gì đến đồ vật gì trong khuôn viên ngôi nhà. Ngay cả đống gạch ngói được dỡ ra từ 2 căn nhà ngang xếp cạnh bể lúc trước làm đường, đường thiếu gạch để đôn lên cũng không ai dám lấy.

Ngôi nhà đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng cơ bản vẫn giữ được những kết cấu ban đầu, nó cũng ẩn chứa nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá.

“ Ngôi nhà Bá Kiến” chính là bằng chứng lịch sử về một thời phong kiến tại quê hương nhà văn Nam Cao nói chung và về đất nước Việt Nam nói riêng cần được bảo tồn.
                                                                                                       
Hữu Trường
(Bài gửi tới Quê Nhà)

Không có nhận xét nào: