Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Vời vợi mưa ngâu


        

Thử tưởng tượng, nếu chỉ có mưa rào, mưa giông, mưa đá…thì mặt đất này chưa chắc đã hấp dẫn muôn loài đến thế.

Mưa bụi, mưa phùn, mưa bay…cũng không giống mưa ngâu. Mưa bụi, là hiện tượng “quá mù sang mưa”, mưa như không mưa, chẳng nhìn thấy hạt mưa nào mà áo em vẫn ướt. Mưa phùn, thường vào mùa xuân, hạt nhỏ nhưng dài, dai, bao bọc đất trời, thấm đẫm cỏ cây, chẳng khác gì tằm tơ quấn kén. Khi những hạt nước nhỏ li ti có cánh, bất chợt đậu trên mái tóc, bờ vai thì ta gọi đó là mưa bay. Mưa ngâu như thể mưa bay, mưa phùn, mưa bụi cùng lúc trộn với heo may rắc xuống lúc thời tiết vừa mới chớm thu. Nó là thứ nước trời vời vợi một hình bóng cháy bỏng khát khao lứa đôi trần thế!

        
Ngưu Lang, Chức Nữ ứng với hai ngôi sao đậu hai bờ dải Ngân Hà được ngành thiên văn học thế giới đặt tên là Vega (Chức Nữ), Altair (Ngưu Lang). Thần thoại này có hai phiên bản khác nhau, một của Việt Nam, một của Trung Quốc và hàng chục dị bản dân gian khác ăn theo câu chuyện tình ngoại hạng, muôn thuở tình tang chuông gió đôi bờ sông Ngân mà cõi trời cũng ước ao, thèm muốn. Phiên bản Việt, cả Ngưu Lang, Chức Nữ đều là thần, thần chăn trâu và thần dệt vải. Tiếng tiêu của chàng và sắc đẹp của nàng làm cả hai  mê mệt yêu đương, trễ nải công việc khiến Ngọc Hoàng nổi giận, buộc đôi lứa chia lìa. Phiên bản Trung, Ngưu Lang là người trần mắt thịt chăn bò, xem trộm bảy tiên nữ tắm tiên hạ giới, vì  Chàng trót thấy rõ “tòa thiên nhiên” của cô út Chức Nữ mà bén duyên chồng vợ, Thiên Hậu, mẹ Chức Nữ không bằng lòng, bà phù phép dòng Ngân để cho Nữ, Lang hai bờ ly biệt.

 Hình phạt do ham yêu lười làm của người Việt, hình phạt do ái tình vượt rào đẳng cấp của người Tàu, đều là thói quen của kẻ quyền thế, cố ý kìm nén, trói chặt loại bản năng bất trị, liều lĩnh, hồn nhiên nhất của con người. Nhưng, dù bị khóa trái bằng âm mưu, bạo lực như thế nào chăng nữa, cuối cùng, tình yêu vẫn vượt ngục thăng hoa.

Không chỉ con người, tình yêu có ở muôn loài. Cỏ cây, muông thú, nước non…đều mật mã những cảm xúc âm dương, ái ân, sinh nở. Có thể nói, tình yêu là một dạng năng lượng phi vật thể cùng với nước và ánh sáng, làm nảy mầm sự sống trong vũ trụ. Bí bầu kết trái, ong bướm sinh sôi, trăng sao mọc lặn…làm gương cho loài người kết nhau thành đôi lứa.




          Mùa thu, tính theo âm lịch, bắt đầu từ tháng Bảy. Tháng Bảy phương Bắc, nếu thời tiết đúng chu kỳ, là lúc trời đất vừa thoát ra khỏi mùa hè nóng nực. Một chút heo may chưa đủ lạnh, vừa đủ dịu mát mặt người, mặt đất. Những cơn mưa chuyển mùa dễ xiêu lòng trắc ẩn, xiêu lòng cả Ngọc Hoàng thượng đế. Nỗi niềm ly biệt, thương nhớ nhau đến độ nước mắt như ngâu của Ngưu Lang, Chức Nữ đã buộc thiên đình phải bắc cầu Ô Thước, chiếc cầu mặc định cho trần gian đừng có hoài công chia rẽ lứa đôi. “ Môn đăng hậu đối” theo cách nghĩ khởi nguyên của người xưa là xuất phát từ quan niệm vừa đôi phải lứa, “nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo”, sau hôn nhân sẽ có tình yêu. Sau này, nó biến thái vì mục đích ham muốn danh lợi, vì thỏa mãn hận thù, vì thói gia trưởng của cha mẹ, họ tộc. Những đôi trẻ xuống tóc đi tu, bỏ nhà biệt xứ, tâm thần phân liệt, tự tử…là hệ lụy cho những gia đình không biết tôn trọng tình yêu.

Tình yêu, hạnh phúc lứa đôi cũng đương nhiên xác xuất như muôn sự ở đời. Có kết hôn thì có ly hôn, có ly hôn thì có tái hôn. Tôn trọng tình yêu, tôn trọng hạnh phúc lứa đôi không có nghĩa cột chặt nó, hù dọa nó bằng búa rìu dư luận bằng viện cớ đạo lý truyền thống. Người Nhật thể hiện sự tôn trọng hôn nhân, tôn trọng con người, tôn trọng văn hóa dân tộc bằng cách tổ chức lễ ly hôn cũng trang trọng như lễ kết hôn vậy. Khác nhau ở chỗ, trong lễ ly hôn, đôi nam nữ cùng tháo nhẫn cưới, những chiếc nhẫn mà họ đã đeo cho nhau trong ngất ngây hạnh phúc, cùng đặt trên đe, cùng cầm búa đập, đeo nhẫn để thề nguyện sắt son, đập nhẫn để tháo cũi sổ lồng cho nhau tự do tìm bờ bến mới.

          Trai ham sắc, gái ham tài, có thể không đúng trong một giai đoạn lịch sử nào đó, nhưng nó là bản chất của giống đực và giống cái, là vẻ đẹp quyến rũ, tinh tế, lãng mạn nhất của lứa đôi, là sử thi của của những mối tình cơ duyên tiền định. Cá voi đực lưng gù ở vùng biển Newzealand, trung bình phải chiến đấu và chiến thắng 4 con đực khác để có 30 giây lên đỉnh cùng bạn tình. Loài chim sẻ ngô cái ở Tây Á, luôn chăm chút chỏm lông ở đỉnh đầu, nơi hấp dẫn nhất với chim đực, nếu để nhan sắc này tàn phai, chim trống sẽ bỏ rơi, tìm đến vùng trời khác để ngoại tình.

Đấu trường La Mã, Con Đường Tơ Lụa, những ngai vàng, lâu đài, cung cấm từ Á sang Âu, đã ngã giá tài sắc của biết bao nhiêu cuộc hôn thú đỉnh cao trong lịch sử loài người. Có lẽ cuộc săn tìm trai tài gái sắc của muôn loài luôn là những “cuộc chiến” một mất một còn, luôn là những cuộc chơi ngoạn mục trong vũ trụ. Tiếng tiêu mê hồn của chàng Ngưu, vẻ đẹp chim sa cá lặn của Chức Nữ đến loài quạ cũng rung rinh thương cảm, dám liều mình cùng nhau gối đầu để bắc Ô Kiều, chấp nhận hình phạt vặt trụi lông, cho hai người vượt qua sông trời, đoàn tụ. “Trai anh hùng gái thuyền quyên”, hoàng tử và công chúa, đại gia và chân dài, lãnh tụ và ngôi sao…nếu không bị ám ảnh bởi toan tính vụ lợi, tác hợp hồn nhiên, dù thời đại nào, được chọn giá đúng cũng là lẽ công bằng của tạo hóa.

Sắc, Tài luôn là thứ tài sản đặc biệt, mặc nhiên quyền sở hữu, mặc nhiên quyền định giá trị, nó là thương hiệu không thể sang nhượng, là niềm tự hào của dân tộc, quốc gia. Sự ghen ghét, đố kỵ, dèm pha  của đồng loại với trai tài gái sắc là một phần của thói đời “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Nếu Ngưu Lang không tài, Chức nữ không đẹp, thì chắc gì truyền thuyết về mưa ngâu ngây ngất lòng người mỗi lúc sang thu như thế!

          Luật rừng trong thế giới tự nhiên không chỉ phân chia đẳng cấp, ưu tiên sức mạnh, rạch ròi lãnh địa…mà còn cắm mốc biên giới quyền sở hữu, thống trị của con đực, khi con đực còn đủ sức quyến rũ, hấp dẫn con cái. Sói cái vùng Xibiri nước Nga, trong vòng bán kính 80 km vẫn thuộc vòng kiểm soát của sói chồng, vì với cự ly ấy, loài sói vẫn ngửi thấy mùi nửa kia của mình, vì sói là một trong những loài vật có mối quan hệ “ vợ chồng” chung thủy nhất. Chuồn chuồn kim cũng thế, con cái có cái yếm che bộ phận sinh dục, cái yếm ấy chỉ được vén lên khi nó xác nhận con đực muốn giao hợp với nó đúng là bạn tình, bởi vậy trong thế giới chuồn chuồn kim không bao giờ xảy ra hiện tượng hiếp dâm. Cái yếm chung thủy của chuồn kim cái cũng giống cái khóa trinh tiết của những phụ nữ vùng địa trung hải và châu mỹ la tinh thời trung cổ. Chỉ khác nhau ở chỗ, yếm chung thủy của chuồn kim cái do thiên nhiên ban tặng và chuồn kim cái đươc toàn quyền lựa chọn đóng mở, còn khóa trinh tiết cho người đàn bà thời trung cổ là sản phẩm nhân tạo hoàn toàn phụ thuộc vào trạng thái nóng lạnh của những ông chồng bất lực, đa nghi, hèn hạ. Thói xấu ấy đến tận bây giờ vẫn tồn tại đâu đó trên trái đất. Mới đây nhất là cái chết tức tưởi của cô Rosa Vela 22 tuổi, người Pê Ru, vì nhiễm trùng máu do khóa trinh tiết tự chế của chồng.
         

Dòng Ngân Hà nhìn bằng mắt thường lớn thế, nếu luận theo tỷ lệ vũ trụ thì nó phải rộng hàng ngàn km. Bị đày ở hai bờ cách trở mù khơi như thế, đôi trai tài gái sắc ấy sống được để than khóc để chờ đợi , không nghĩ đến quyên sinh là bài học ái tình mà tuổi ten thế kỷ này vẫn nên chiêm nghiệm để tránh những hành vi  dại dột. Năm 2011, riêng ở Việt Nam đã có hàng trăm đôi tự vẫn vì ngộ nhận về ngang trái lứa đôi, vì nông nổi với tình yêu mới lớn. Điển hình nhất là vụ nhảy cầu Rạch Chiếc của đôi bạn cùng lớp 12 trường Trung học phổ thông Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh, dẫn đến hai cái chết thương tâm, hai nỗi đau tột cùng của hai gia đình. Cái chết không bao giờ cứu cánh được tình yêu, nó chỉ là hành động trả thù với người còn sống. Chấp nhận hình phạt mỗi năm chỉ được qua sông Ngân, gặp nhau một lần vào ngày mồng bảy tháng bảy, Ngưu Lang, Chức Nữ đã son sắt đợi chờ, đó cũng là một cách tranh đấu để giành lấy tình yêu, hạnh phúc.

            Thật khó đo đếm những phẩm chất của tình yêu. Tình yêu cho Tagor, Puskin, Nguyễn Bính…những câu thơ không chỉ do tài năng mà có. Những bản tình ca trẻ mãi không già của Hoàng Việt, Trịnh Công Sơn, Phan Huỳnh Điểu…là quà tặng cho những mối tình cụ thể. Có thể là rượu đắng, là trái ngọt, là hương hoa nhưng sản phẩm nghệ thuật hoài thai từ tình yêu có thực bao giờ chất lượng cũng bền vững cùng thời gian.

Chuyện tình Ngưu Lang, Chức Nữ là câu chuyện xảy ra trên trời mà cứ mãi vời vợi nỗi niềm hạ giới. Đó hẳn là câu chuyện về những cặp vợ chồng ngâu có thực ở cõi người, diễn lại nơi cõi trời cho nhân gian cùng thấy. Chuyện ở cõi trời đã kết thúc có hậu, Ngọc Hoàng đã cho bắc cầu vĩnh viễn qua Ngân Hà để sớm tối Lang, Nữ hạnh phúc bên nhau. Nhưng hình như cõi người bây giờ không được thế.

Không tin Ngọc Hoàng, không tin sông Ngân, không tin Ô Kiều, không tin mưa ngâu, chỉ tin tiền bạc thì làm sao có được chuyện tình như Chức Nữ, Ngưu Lang!

SÀI GÒN SANG THU 2012
Ngô Quốc Túy    


          

Không có nhận xét nào: