Sau cả thập kỷ chê bai, dè bỉu và dùng những biện
pháp che chắn thô bạo ở một số quốc gia hẹp hòi, thiển cận, thế giới mạng xã hội
vẫn phát triển như thể hiệu ứng hạt nhân, ngày một lan tỏa, thẩm thấu, bộc lộ, phơi
bày toàn cảnh đời sống ở cõi người : Chân, Thiện, Mỹ, Sân, Si, Lạc, Tục...
Số 1 thế giới
Khi chưa có công nghệ truyền
thông, con người thể hiện nhu cầu liên kết, chia sẻ, tranh luận, thể hiện mình
qua...đường miệng. Buôn chuyện, tám, mách lẻo, đưa đẩy, tâm sự..., là nhu cầu đời
thường của con người khi ở nhà, đang trên đường, lúc ngoài chợ. Kinh Thánh nói
rằng “Cả miệng cũng phải được mở rộng để ăn và chúc tụng, ngợi khen...”.
Mạng xã hội hay mạng ảo (Social net work) có tính năng
chat, e-mail, phim ảnh, voice chát, chia sẻ file, blog..., mục đích để mọi người
trên hành tinh vượt mọi không gian cách trở, kết nối với nhau qua email hoặc
screen name, với thời gian nhanh nhất.
Mạng xã hội xuất hiện từ năm 1995 và trở thành trào lưu từ
năm 2002. Hiện có hàng trăm mạng xã hội hoạt động. Bắc Mỹ và Tây Âu có Myspace,
Facebook. Nam Mỹ có Orkut, Hi5. Châu Á có Friendster, Mixi...
Ra đời từ 2006, với nhiều tính năng vượt trội, Facebook
đánh dấu bước ngoặt bởi hệ thống mạng trực tuyến với lập trình facebook
platform mang lại nhiều tiện ích mới. Bình quân mỗi cư dân mạng mỗi ngày dành
19 phút lướt trên Facebook. Số cư dân mạng Facebook hiện là 1,2 tỷ, bỏ xa
Windows Live Space (120 triệu), Twitter (100 triệu).
Đầu
năm 2014, nhằm đáp ứng nhu cầu của những người còn sử dụng máy tính “cổ điển”, Facebook
khôi phục giao diện 2007, “chiếc áo” tuy cũ, đơn giản nhưng vẫn tiện dụng, được
cư dân mạng hoan nghênh. Trước vấn nạn khoe ảnh “nóng”, ảnh sex, link sex và
tình trạng mồi chài like (thích), câu commen (bình luận), lôi kéo share (chia sẻ)
Facebook đã có biện pháp kịp thời : Xóa tài khoản của những thành viên chuyên
post nội dung khiêu dâm, giảm tần suất trên News Feeed của những thành viên có
máu lăng-xê đồng bóng...
Doanh
thu của Facebook liên tục phát triển. Quí I năm 2014, Facebook đạt doanh thu
2,3 tỷ USD từ quảng cáo, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Ông chủ mạng xã hội
này là Mark Zuckerberg, mới 30 tuổi, hiện là tỷ phú đứng thứ 16 thế giới, với số
tài sản 33,3 tỷ USD. Riêng ngày 23 tháng 7 năm 2014, Mark Zuckerberg đã kiếm được
1,6 tỷ USD nhờ cổ phiếu của Facebook tăng kỷ lục. Theo nhận định của các chuyên
gia kinh tế hàng đầu thế giới, tỷ phú Mark Zuckerberg trong tương lai sẽ vượt tỷ
phú Bill Gates để chiếm ngôi vị người giàu nhất thế giới.
Con dao hai lưỡi ?
Gọi
mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng là “con dao hai lưỡi”, là không
công bằng, vì lợi ích của nó lớn hơn rất nhiều so với phần độc hại. Nhưng thông
thường, ngư phủ quen đánh bắt ven bờ thường rất ngại thử thách xông pha nơi biển
lớn, cái đầu mãi nông cạn, nên chỉ chài lưới được tôm cá nhỏ.
Xã hội
càng hiện đại, công nghệ càng tiên tiến thì con người càng cô đơn. Có lẽ cô đơn
là cái mà tiền bạc, danh vọng, bản lĩnh dù lớn bao nhiêu cũng không cứu rỗi được.
Cô đơn như những chiếc lá mùa thu rơi rụng lãng đãng, bất ngờ, lặng lẽ, để rồi
một lúc nào đó chỉ còn lại trơ vơ, khẳng khiu cành cội.
Chiều
cuối tuần trống vắng, đêm trăng khuyết, tinh sương trong veo..., hay khoảnh khắc
thất vọng về tình cảm gia đình, mối quan hệ bạn bè..., hoặc những rung động
tình đầu, niềm vui nghề nghiệp và cả những băn khoăn, yêu, ghét, giận dữ vu
vơ..., con người đều muốn chia sẻ, nhưng lại muốn chia sẻ gián tiếp, tế nhị, bằng
nhiều hình thức khác nhau. Lễ tình nhân, lễ giáng sinh, ngày quốc tế phụ nữ...,
là những dịp “sổ lông cất cánh” của tình bạn, tình yêu, tình mẫu tử. Đôi khi một
bản nhạc, một hình ảnh, một biểu tượng, một lời tâm sự..., được “thả”, được thấy,
được thoại trong không gian bao la của cõi ảo “phây” cũng làm nguôi ngoai hoặc
thăng hoa cho mỗi thân phận, mỗi cuộc đời, cải thiện chất lượng sống và chỉ số
hạnh phúc.
Ý tưởng,
kiến thức, trải nghiệm, thông tin..., trên Facebook tuy còn là mớ hỗn độn, lẫn
nhiều tạp chất, nhưng lại có những “món” nóng hổi, nguyên chất, khách quan...,
với nhiều lứa tuổi, thành phần, đẳng cấp trong xã hội. Cơ quan cảnh sát điều
tra, thông qua video clip trên mạng tìm ra các vụ hiếp dâm, cướp giật, ẩu đả...
Người bệnh lướt web thấy bài thuốc nam có cây cà gai leo chữa bệnh xơ gan, lá
đu đủ đực hay nước mãng cầu xiêm chữa ung thư...Người có nhu cầu phượt, du lịch,
thăm thú cảnh quan thiên nhiên mà túi tiền eo hẹp, cũng thỏa mãn phần nào qua
những hình ảnh cảnh quan trên mạng.
Gần
đây, trên Facebook thơ tình nở rộ như hoa cỏ mùa xuân. Người muốn quảng bá,
phát hành thơ tình không phải thông qua nhà xuất bản, không tốn tiền in ấn.
Mạng
xã hội còn là một thị trường toàn cầu sôi động, tự hòa nhập mà không cần phải
đàm phán, ký kết nhiêu khê, không cần phải trụ sở giao dịch, cửa hàng giới thiệu
sản phẩm, thời gian tiếp thị. Từ áo, quần, hoa cảnh, máy ảnh, đến ô tô, nhà cửa,
vé máy bay, tàu hỏa ...đều được tung lên mạng để tìm kiếm khách hàng.
Ngoài
việc bán hàng, người ta còn kiếm tiền trên Facebook bằng các dịch vụ chăm sóc
trang, cung cấp dịch vụ hỗ trợ, bán fapage, cho thuê trạng thái...Năm 2013, trò
chơi Flappi Brid của chàng trai trẻ Hà Đông gây nên cơn sốt mạng, trong thời
gian rất ngắn đã đem lại một khoản thu nhập không tưởng cho chủ nhân của nó. Có
lẽ, một ngày nào đó đồng tiền ảo Bitcoin sẽ chiếm vị thế toàn cầu, thúc đẩy thế
giới tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3.
Những hệ lụy
Thói
quen cấm đoán tùy tiện của một số thể chế quốc gia, một phần là xuất phát từ sự
lười nhác, vô cảm và năng lực yếu kém của bộ máy công chức. Ngay thuốc chữa bệnh
nếu lạm dụng cũng gây nguy cơ phát sinh một thứ bệnh khác thì bất kỳ món ăn
tinh thần, vật chất nào dù ngon, bổ, dù thần thánh cao xa, cũng song song tồn tại
một tỷ lệ gây hại nhất định. Mạng xã hội cũng vậy.
Tình
trạng trẻ em chìm đắm vào thế giới ảo là một vấn nạn nghiêm trọng, cần được gia
đình, nhà trường, xã hội quan tâm tháo gỡ. Khi trẻ em bị rơi tự do vào cuộc sống
ảo thì cánh cửa của cuộc sống thực sẽ dần bị khép lại. Không chỉ trẻ em, mà
ngay cả người lớn nếu sa đà quá mức trên mạng xã hội sẽ dẫn đến rối loạn về sức
khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất, ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và xã hội.
Hiện ở Trung Quốc đã phải thành lập 125 Trung tâm cai nghiện, điều trị cho những
người lâm bệnh vì lạm dụng thế giới ảo.
Không
ít người đã lợi dụng mạng xã hội để khoe da thịt, đánh bóng bản thân, tung tin
thất thiệt, xâm hại danh dự đồng loại...Và cũng không ít người trở thành con
nghiện các trò chơi candy crush, farmville, mafia, wars...Có người “nhàn vi cư
bất thiện”, suốt ngày cập nhật lên mạng gây khó chịu cho cộng đồng...Gần đây
còn có hiện tượng tạo tài khoản giả danh những người có tên tuổi như Mai Phương
Thúy, Diễm Hương, Lại Văn Sâm để bẫy like...
Để tránh
những hậu quả đáng tiếc, những người tham gia vào cộng đồng mạng nên tránh chia
sẻ công khai những điều sau : Tài sản, chuyện cơ quan, ngày tháng năm sinh, địa
chỉ chỗ ở, số điện thoại, mối quan hệ tình cảm... Và cũng không nên khai thác,
săm soi những bí mật riêng tư của những thành viên khác.
Nhiều
kẻ tỏ ra cao đạo cho rằng thế giới mạng nói chung và Facebook nói riêng là cộng
đồng của những người bình dân. Nếu họ xuất hiện ở đó thì tổn thương hình ảnh, đầy
rẫy rủi ro với bản thân, như thể cành
vàng lá ngọc mà lại vào ở xóm Liều Thanh Nhàn - Hà Nội vậy. Đó là ngộ nhận là
triệu chứng của bệnh tự kỷ.
Rất
nhiều nguyên thủ, chính khách, doanh nhân, ngôi sao nổi tiếng thế giới, thường
xuyên xuất hiện trên mạng xã hội. Đầu năm nay, phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức
Đam, qua Facebook mới rõ tình hình bệnh sởi trẻ em ở bệnh viện nhi trung ương mà
kịp thời chỉ đạo khắc phục. Cũng qua mạng xã hội, cơ quan tình báo Ukraine đã
thu thập được những chứng cứ quan trọng về việc phiến quân miền Đông nước này
dính líu đến vụ máy bay MH17 bị bắn hạ làm chết 298 người, ngày 17 tháng 7 năm
2014.
Sự
kiện giàn khoan HD 981 của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam cũng gây ra
làn sóng phản đối sôi sục trên mạng xã hội bằng những hình ảnh, những chia sẻ sống
động, nóng bỏng, biểu hiện lòng yêu nước của dân tộc ta, góp phần định hướng
cho dư luận thế giới.
Nguyên
thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, ngày 2 tháng 6 năm 2014, cũng thông qua
Facebook để “cảm ơn đồng bào” và bày tỏ thái độ “ủng hộ tinh thần cho người Thái”.
Sau khi cùng Atletico Madrid giành chức vô định Tây Ban Nha mùa bóng 2013 –
2014, huấn luyện viên Simeone tổ chức hẳn một cuộc họp báo để công bố sự kiện
gia nhập Twitter và Facebook của mình... Điều đó chứng tỏ, mạng xã hội nói
chung và Facebook nói riêng, đâu phải là sân chơi hạng hai?
SÀI GÒN 2014
Ngô Quốc Túy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét