Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

VUI, BUỒN DI SẢN

           
                                                                                
        Chỉ vài thập niên trở lại đây, hàng loạt di sản văn hóa Việt Nam được cấp giấy chứng nhận. Loại tầm tầm thì đóng dấu quốc gia. Loại kha khá thì nhờ UNESCO ký duyệt. Trước chứng nhận là cổ động tuyên truyền. Sau chứng nhận là đón rước linh đình, nâng ly hỉ hả. Và sau nữa thì đa số di sản văn hóa ấy lâm vào “Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”!


        Di sản hay bất động sản ?

Di sản văn hóa được phân làm hai loại : Vật thể và Phi vật thể. Việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, hay cấp chứng chỉ danh phận, phân bậc đẳng cấp cho một di sản văn hóa là cần thiết. Các di sản kiến trúc văn hóa của Việt Nam đa phần là nhỏ bé, phân tán, non tuổi, lý lịch không rõ ràng, phục dựng, bảo tồn chưa chuyên nghiệp nên chỉ so với ở khu vực Đông Nam Á thôi cũng thuộc top dưới. Đó là sự thật. Nhìn nhận khách quan như thế để khỏi vướng vào bệnh tự huyễn hoặc “rừng vàng, biển bạc” như sách giáo khoa dạy học sinh mấy chục năm trước.

Di sản kiến trúc văn hóa có vóc dáng sử thi đáng kể nhất trên lãnh thổ Việt Nam còn lại cho đến thời điểm này là hệ thống tháp Chàm ở Nam Trung bộ. Tháp Chàm là của người Chăm. Người Việt ta chỉ có cố đô Huế, hoàng thành Thăng Long được xem là 2 di sản kiến trúc văn hóa tầm cỡ, có độ tin cậy nhất định. Kinh thành, đền đài, lăng tẩm ở Huế phần lớn mới xây dựng cách nay một vài trăm năm, còn Hoàng Thành Thăng Long, chủ yếu chỉ có giá trị về khảo cổ học. Các di tích văn hóa thuần Việt ấy, xét về nhiều mặt, cũng không thể sánh với Angkor Wat của Campuchia hay Cánh Đồng Chum của Lào. Có những di sản văn hóa  trước đây ta cứ nghĩ của riêng người Việt. Chẳng hạn, Inđonexia, Philippin cũng có trống đồng, tương tự về niên đại, hoa văn như trống đồng Ngọc Lũ, Đông Sơn..., vậy.

Từ khi UNESCO đưa ra khái niệm văn hóa phi vật thể, một số nước, chủ yếu là châu Á rất hăng hái lập dự án, vận động dư luận trong và ngoài nước để có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được công nhận. Trung Quốc dẫn đầu thế giới, với 26 di sản loại này. Ngành văn hóa nước ta cũng “nhanh chân” đề xuất, “nỗ lực phấn đấu” để được công nhận tới 7 di sản. Theo nhận xét của nhiều người, trong số 7 di sản văn hóa phi vật thể đó chỉ có 4 di sản đáng kể là : Dân ca quan họ, Nhã nhạc cung đình Huế, Đờn ca tài tử Nam bộ, Không gian cồng chiêng Tây Nguyên. Số còn lại, nếu đem so với Vũ điệu Tan-go của Argentina, Gagaku của Nhật hay Kinh kịch của Trung Quốc thì độ chênh quá lớn.

Di sản văn hóa chẳng những là niềm tự hào của dân tộc, mà còn đem lại lợi ích kinh tế cho quốc gia thông qua hoạt động du lịch, cũng cần quảng bá để bạn bè quốc tế chia sẻ, quan tâm. Những di sản có giá trị văn hóa đích thực rất cần được bảo tồn để các thế hệ mai sau chiêm nghiệm, kế thừa tinh hoa tư tưởng cũng như nghệ thuật của cha ông. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn những di sản xứng tầm, nhất là khi “đem chuông đi đánh nước người”. Nếu chạy theo số lượng thì vừa lãng phí ngân sách lại làm cho du khách tham quan thất vọng. Và hệ lụy của những di sản ấy thành thứ bất động sản “bỏ thì thương, vương thì tội”. Hiện không ít các di tích lịch sử văn hóa của Việt Nam, cả năm không bóng người thăm quan. Nhưng cũng có di sản văn hóa đích thực bị bỏ rơi hoặc xem thường. Cầu Long Biên – Hà Nội là ví dụ điển hình.

UNESCO là một tổ chức văn hóa quốc tế, chủ yếu đóng vai trò kết nối, quảng bá, nặng về hình thức hồ sơ, chứng chỉ, không có thực lực tài chính để góp phần bảo tồn các di sản của các nước mà họ sẵn lòng công nhận. Di sản văn hóa của Việt Nam ta chỉ có thế và cũng nên nhìn nhận như thế ! Vẽ vời, tô hồng di sản, không làm giá trị văn hóa, danh thơm của đất nước tăng thêm, mà ngược lại. Tầm vóc của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào thâm niên lịch sử, diện tích lãnh thổ hay dân số. Mỹ hiện là một trong các quốc gia trẻ nhất thế giới nhưng hùng mạnh nhất thế giới. Singapo có diện tích xấp xỉ đảo Phú Quốc và số dân già nửa Sài Gòn nhưng hiện thời mặt bằng văn hóa, kinh tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, cao hơn hẳn Việt Nam ta. Đó là sự thật .

           Cảnh quan thiên nhiên, di sản trời cho

Hang động Phong Nha- Kẻ Bàng

          Bù lại tầm vóc nhỏ bé của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, Việt Nam có những danh lam thắng cảnh khá độc đáo và hấp dẫn được thiên nhiên ban tặng, chia đều cho ba miền đất nước. Miền Bắc có vịnh Hạ Long, Yên Tử, Hoa Lư, Hương Sơn, Sa Pa...Miền Trung và Tây Nguyên có Phong Nha-Kẻ Bàng, bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, vịnh Nha Trang, Mũi Né, Đà Lạt... Miền Nam có Cát Tiên, Côn Đảo, Cửu Long, Trà Sư, Bảy Núi, Phú Quốc...

          Cảnh quan thiên nhiên nếu được con người tôn trọng thường khó mai một theo thời gian nên chi phí cho duy tu bảo dưỡng cũng ít, trong khi xu hướng của thế giới hiện đại lại đang hướng về những nơi này. Trong số cảnh quan thiên nhiên kể trên, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng gần đây được cả thế giới quan tâm vì những phát hiện mới lạ, độc đáo, kỳ vĩ . Đó là sự thật đáng tự hào.

          Tháng 7 năm 1991, tình cờ trong một lần tránh cơn mưa rừng trở chứng dữ dằn, anh Hồ Khanh thấy một cửa hang rất lạ. Sau đó, nhiều lần anh Khanh trở lại nơi này tìm kiếm nhưng cửa hang kia mất dấu. Mãi đến năm 2006, Hiệp hội hang động Hoàng Gia Anh, với những trang thiết bị thám hiểm hiện đại nhất, được Hồ Khanh dẫn đường, mới khám phá ra một trong những kỳ quan thiên nhiên bậc nhất thế giới mang tên Hang Đoòng. Hang Đoòng rộng 152m, cao 200m, dài 9.000m, hình thành cách nay 3,5 triệu năm, có sinh vật hóa thạch 300 triệu năm..., vượt xa kỷ lục thế giới mà hang Deer của Malaysia đang sở hữu.

          Hang Đoòng không có dấu tích của người tiền sử, một tuyệt tác hùng vĩ, còn nguyên trinh của thiên nhiên. Những dòng sông ngầm trong vắt, những thềm cát tinh khôi, những bãi đá trân châu và cả những khu rừng nguyên sinh, đã phối cảnh thành không gian thần tiên trong lòng đất. Hang Đoòng làm cả thế giới hướng về Phong Nha-Kẻ Bàng.

          Ngày 22 tháng 4 năm 2009, tiến sỹ Howard Limbirt, một chuyên gia hang động hàng đầu thế giới đã ra thông cáo báo chí, chính thức khẳng định Sơn Đoòng hiện là hang động lớn nhất thế giới. Những năm tiếp theo, giới truyền thông quốc tế liên tục tổ chức thực địa để thẩm định các thông tin của tiến sỹ Howard Limbirt, rồi đồng loạt đăng bài phản ánh, đánh giá sự độc đáo của Hang Đoòng như tờ The Guardian (Anh), trang điện tử Foxnews (Mỹ), tạp chí News (Úc), tạp chí National Geographia (Hiệp hội du lịch thế giới)... Tháng 4 năm 2013, hãng phim truyền hình Hồng Kong TV đã thực hiện một phóng sự công phu về Hang Đoòng, phát sóng tới gần 100 quốc gia. Gần đây, hãng phim Kyodo đã hoàn thành bộ phim khoa học 3D đầu tiên về Hang Đoòng mang tên “Hãy cảm nhận sự vĩ đại của thiên nhiên” và kênh truyền hình NHK của Nhật Bản đã trình chiếu bộ phim này tới 60 nước trên thế giới.

          Nhưng Sơn Đoòng chưa phải là hang động cuối cùng của Phong Nha – Kẻ Bàng. Đầu năm nay, người ta lại phát hiện thêm hang động Vả, dài 1,7 km, nghe nói, tuy nhỏ nhưng hang động này còn đẹp hơn Hang Đoòng gấp nhiều lần.

          Di sản con người

          Trong khi các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm đến việc lập dự án bảo tồn, bảo tàng, cổ động tuyên truyền, vận động UNESCO công nhận di sản văn hóa thì lại sao nhãng đến loại di sản văn hóa đặc biệt của dân tộc, của quốc gia, đó là di sản con người. Người Việt Nam chúng ta hiện nay đang nguy cơ lây nhiễm các hội chứng cực kỳ nguy hiểm. Nếu không “duy tu, bảo dưỡng” kịp thời thì những thế hệ tiếp theo sẽ phải thừa hưởng nỗi buồn di sản.

          Trước hết là hội chứng dối trá. Công chức sai hẹn với dân. Học trò quanh co trước thầy. Con cái phỉnh phờ cha mẹ. Anh em, vợ chồng, đồng nghiệp lường gạt lẫn nhau. Rồi bằng giả, học giả, hồ sơ chứng từ giả, tâm linh giả...Hình như dối trá đã trở thành mốt kỹ năng sống cho không ít người Việt đương thời.

          Thứ hai là hội chứng vô liêm sỉ, nói cách khác là không biết tự trọng. Khi mà con người không còn tự trọng sẽ không biết xấu hổ, không biết xấu hổ sẽ tùy tiện làm mọi việc xấu. Tham nhũng, hối lộ, chạy chức chạy quyền, hàng giả, hàng nhái, buôn thần, bán thánh, ăn nói tục tĩu, hành vi thô lậu..., đang diễn ra gần như công khai, là nỗi ám ảnh, đau xót cho những người tử tế .

 Một trong những tật xấu của người Việt đang nảy nở theo cấp số nhân là thói ăn cắp vặt. Ăn cắp vặt thời gian ở công sở (làm trễ, về sớm,vừa làm vừa chơi...). Ăn cắp vặt lẫn nhau. Ăn cắp vặt ở công ty, xí nghiệp, siêu thị... Thói ăn cắp vặt đang làm xấu đi hình ảnh của người Việt trước bạn bè quốc tế. Tế nhị như người Nhật, họ cũng phải trương những dòng chữ cảnh báo bằng tiếng Việt ở những nơi “nhạy cảm” : “Ăn cắp vặt là phạm tội. Có thể tù dưới 10 năm. Came ra đang hoạt động...”. Thế mà vẫn xảy ra những vụ việc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể diện quốc gia. Ở Anh, Đức, Singapor, Nhật..., đã có những người Việt ăn cắp trong siêu thị, bị bắt quả tang. Mới đây, Nhật Bản lại phát hiện một tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines, tham gia đường dây tiêu thụ hàng mỹ phẩm ăn cắp ở các siêu thị trên nước Nhật. Theo phát ngôn của cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật, được báo Sankel đăng tải ngày 22 tháng 2 năm 2014 thì trong tổng số các vụ ăn cắp vặt ở nước này có 40% là người Việt Nam. Số vụ người Việt ăn cắp vặt ở Nhật năm 1998 có 247 vụ, năm 2012 tăng lên 999 vụ.

Chúng ta nghĩ gì khi thấy những tấm biển bằng tiếng Việt treo trước các quán ăn mà khách du lịch người Việt tham quan Băng Kốc thường lui tới “Xin vui lòng ăn bao nhiêu, lấy bấy nhiêu. Ăn không hết bị phạt từ 200 đến 500 bath”.

Còn rất nhiều hội chứng khác như hành xử bạo lực, a dua, lãng phí, nghiện ngập..., làm tổn thương đến tình cảm gia đình, họ mạc, cộng đồng, phương hại đến giá trị sống của cả một quốc gia.

“Học thầy không tày học bạn”. Những ai có dịp tham quan, học tập, làm việc ở Nhật Bản thì có lẽ không khỏi ngạc nhiên khi đem so sánh hành vi, thói quen của người nước mình và người nước bạn. Những đường phố chính ở Nhật Bản thường kín mít xe hơi, nhưng rất ít tiếng còi xe. Nếu đi taxi, bạn sẽ được bác tài chọn đường ngắn nhất để đưa bạn đến bến xe buýt, bến tàu điện ngầm gần nhất, giúp bạn di chuyển nhanh, tiết kiệm tối đa thời gian và tiền bạc. Chủ nhân các ngôi nhà vườn ở ngoại ô có thể tiêu thụ sản phẩm tăng gia mà không cần phải nghỉ việc ở công sở để đem đi bán. Chẳng hạn, nếu rau, gà, trứng ăn không hết, người ta ghi giá mỗi con gà, mỗi bó rau...Người qua lại nếu muốn mua, tự lấy hàng, tự tính tiền rồi bỏ tiền vào thùng đặt cạnh đó. Ở Nhật Bản, làm “sếp” to, nhỏ cũng như mọi nghề nghiệp khác, bình đẳng như nhau trong gia đình, ngoài xã hội, trước pháp luật...

Những giá trị di sản con người của Nhật Bản được thế giới ngưỡng mộ là tư tưởng võ sĩ đạo, là sự trung thành với đất nước, là tinh thần lao động cần cù sáng tạo, là bản lĩnh trước hiểm nguy, là lòng tự trọng, tự tin và ứng xử nhân văn. Câu chuyện về viên sĩ quan Hiroo Onoda cùng hai đồng đội kẹt lại trong rừng rậm trên đảo Luzon của Philippines từ cuộc chiến tranh Thái bình dương năm 1944, vẫn kiên trì bám trụ, thực thi nhiệm vụ, chưa tin chiến tranh đã kết thúc vì chưa nhận được lệnh rút lui của cấp trên, tưởng như chỉ có trong tiểu thuyết. Mãi đến năm 1974, người chỉ huy trực tiếp của viên sỹ quan này, bay từ Nhật tới, dùng loa trên trực thăng truyền đi mệnh lệnh thì Hiroo Onoda mới hạ vũ khí. Đích thân Nhật Hoàng đã tham dự lễ trao nộp thanh kiếm samurai của Hiroo Onoda theo đúng nghi thức nhà binh của quân đội Nhật.

Còn rất nhiều câu chuyện về phẩm của người Nhật mà nhiều người chưa có dịp chứng kiến, lắng nghe, chiêm nghiệm. Nhưng những sự kiện lịch sử nổi bật thời hiện đại hơn nửa thế kỷ qua thì ai cũng biết : Đất nước “mặt trời mọc” luôn tự mình đứng dậy sau các cuộc tàn phá ghê rợn của bom nguyên tử, của sóng thần, núi lửa, trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh về kinh tế, văn hóa, giáo dục. Ngày nay, người Nhật Bản không chỉ thuyết phục cả nhân loại qua các sản phẩm xuất khẩu có độ tin cậy hàng đầu thế giới, mà con người Nhật Bản tới quốc gia nào cũng được ngưỡng mộ, tôn trọng, bởi văn hóa ứng xử của họ. Đó là di sản văn hóa quí giá nhất của một dân tộc, một quốc gia.

Đương nhiên, ở đâu có con người là có những vấn nạn xã hội, kể cả Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch... Vấn đề ở chỗ, tỷ lệ giữa cái thiện và cái ác, cái đẹp và cái xấu là bao nhiêu so với dân số của quốc gia ấy. Chưa thể thống kê trong số 90 triệu di sản con người  Việt Nam hiện hữu, có bao nhiêu triệu di sản đã bị chắp vá, biến thái, hư hỏng, hoang phế. Nhưng chắc chắn rằng xu hướng cái ác, cái xấu đang chiếm ưu thế trong xã hội chúng ta.

Phong trào Đông Du cách nay gần 100 năm của các chí sỹ yêu nước như Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Lương Ngọc Quyến..., vẫn còn là bài học cảnh tỉnh cho những người lãnh đạo đất nước cần có hành động kịp thời để chấn hưng văn hóa, chấn hưng đất nước.


SÀI GÒN 2014 
Ngô Quốc Túy

Không có nhận xét nào: