Có lẽ,
không ít người đã nhận ra những vai chính và kép phụ cùng ngửa bài trên “sới bạc”
biển Đông. Lịch sử chiến tranh từng chứng tỏ : Thắng chụp giật trong một cuộc
chiến ngoài biên giới nói chung và trên
biển nói riêng, chắc gì đã thắng. Trải nghiệm sau chiến tranh thế giới lần thứ
2, đô đốc hải quân Nhật Bản, tướng Hara Tadaichi, nhận ra rằng “Nhật Bản thắng
một chiến thắng vĩ đại tại Trân Châu Cảng và do đó đã thua trong cả cuộc chiến
thế giới lần thứ 2”. Bởi đó là chiến thắng “sống mãi trong sự khinh bỉ”! Trên
biển Đông, Trung Quốc đã và đang ỷ y bạo lực để chơi một canh bạc gian lận.
Canh bạc này còn đáng bị khinh bỉ gấp nhiều lần canh bạc Trân Châu Cảng nửa đầu
thế kỷ trước !
Thái
Bình Dương là đại dương lớn nhất so với 3 đại dương còn lại. Thái Bình Dương rộng
179,7 triệu km2, bao phủ một phần ba hành tinh, lớn hơn toàn bộ 5 lục địa của
trái đất. Không chỉ án ngữ đường hàng hải lớn thứ 2 thế giới bởi 3 eo biển nổi
tiếng : Malacca nối Ấn Độ dương, Magellan nối Đại Tây Dương, Bering nối Bắc
Băng Dương, Thái Bình Dương còn là cái kho khổng lồ về tài nguyên, là sân chơi chiến
lược về quân sự, ngoại giao cực kỳ quan trọng.
Trong số 32 biển thuộc phạm vi Thái Bình Dương, Biển Đông với diện
tích 3,5 triệu km2, trải rộng từ Singapore đến eo biển Đài Loan, chung biên giới
với 12 nước và vùng lãnh thổ, được xem là trung tâm địa chính trị, kinh tế của
Đông Á . Bởi vậy, muốn chiếm lợi thế trên Thái Bình Dương thì độc diễn trên biển
Đông là canh bạc mà các cường quốc luôn muốn tham gia và muốn giành phần thắng.
Biển Đông, chiếc phao trong vai trò toàn cầu của Mỹ
Sau khi rút quân khỏi miền Nam Việt Nam năm 1973, một thời gian
dài Mỹ đã không có chiến lược chính trị rõ ràng với khu vực Đông Nam Á. Đến đầu
thế kỷ 21, “triều đại” Barak Obama mới “ưu tiên thắt chặt mối quan hệ đồng minh
vốn có và phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược mới ở Đông Nam Á”. Có thể Mỹ
đã giật mình trước sự lộ diện độc chiếm biển Đông và lấn sân Thái Bình Dương của
Trung Quốc. Tháng 2 năm 2009, ngay sau khi nhận chức, bộ trưởng bộ ngoại giao Mỹ
Hillary Clinton đã thăm chính thức Indonesia, quốc gia có vị thế trung tâm địa
chính trị ở Đông Nam Á, nước nằm sát eo biển Malacca, Lombok, Sunda nổi tiếng.
Tháng 10 năm 2010, tổng thống Indonesia, Yudhoyono và tổng thống Mỹ, Barac
Obama ký Hiệp định hợp tác song phương toàn diện, ưu tiên hàng đầu cho an ninh,
thương mại và đầu tư. Tiếp theo đó, Mỹ nâng cấp quan hệ chiến lược với
Singapore, đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Nam Á. Hải cảng Semhavan, căn
cứ không quân Paya Lebar, căn cứ hải quân Changi…, của Mỹ trên lãnh thổ
Singapore hoạt động ngày một nhộn nhịp hơn. Mỗi năm, Mỹ-Thái có 40 cuộc tập trận
chung, hàng chục tàu hải quân Mỹ cập cảng Malaysia…Mới đây nhất là cuộc tập trận
CARAT giữa Mỹ và Malaysia từ ngày 14 đến ngày 23 tháng 6. Tiếp theo, là cuộc tập
trận CARAT giữa Mỹ và Philipine ngay sát bãi cạn Scarborough, nơi đang xảy ra
tranh chấp với Trung Quốc, diễn ra từ 27 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7 năm 2013. Đặc
biệt là việc Mỹ bán máy bay quân sự, tàu chiến hiện đại cho Đài Loan và
Philipine, ủng hộ Philipine kiện Trung Quốc ra Tòa án biển của Liên hiệp quốc…,
làm cho Bắc Kinh tức giận. Không chỉ thế, trong 3 năm gần đây các cuộc viếng
thăm của hải quân Mỹ đến Việt Nam, các cuộc tập trận qui mô lớn của Mỹ với các
nước đồng minh ven biển Đông và biển Hoa Đông…, ngày một gia tăng, chứng tỏ chiến
lược trở lại châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng của Mỹ đã được hiện thực
hóa.
Quả thực, nếu để Trung quốc biến biển Đông thành “ao nhà” thì vị
thế của Mỹ trên Thái Bình Dương bị chia sẻ. Mất vị thế trên Thái Bình Dương,
đương nhiên vai trò toàn cầu của Mỹ bị đe dọa, hình thành thế giới đa cực về
quyền lực như Nga, Trung Quốc hằng mong muốn.
Trung Quốc và cái lưỡi
bò robot
Tất cả những học giả trên thế giới hiện vẫn chưa phát hiện được bằng
chứng nào cho thấy các thể chế nhà nước suốt 5 nghìn năm lịch sử của đất nước
Trung Hoa sở hữu Hoàng Sa, Trường Sa. Đường 9 đoạn và cái “lưỡi bò” thè lè, liếm
hết 80% biển Đông chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng cuồng vọng của họ từ năm
1947.
Trung Quốc có 15.000 km bờ biển. Tuy nhiên, lãnh hải và thềm lục địa
của Trung Quốc tài nguyên không đáng kể, lại bị các vòng cung đảo án ngữ, cản
trở giao lưu, thông thương hàng hải và các cuộc tập trận lớn trên biển. Đường
chín đoạn và cái lưỡi bò rô bốt của Trung Quốc nhằm đạt các mục tiêu chiến lược
: Kiểm soát vùng eo biển Đài Loan, không cho Mỹ ứng cứu đồng minh thân cận khi
Trung Quốc thấy cần thiết phải dùng sức mạnh quân sự để thống nhất lãnh thổ; kiểm
soát khu vực Marianes, Guam để so kè vị thế trên Thái Bình Dương với Mỹ; một
mình tận hưởng nguồn hải sản gần như vô tận và 200 tỷ thùng dầu dưới đáy biển
Đông để giải cơn khát nhiên liệu cho nền kinh tế thứ 2 thế giới; từ biển Đông,
tạo bước đệm, tiến tới hiện diện trên tất
cả các đại dương và các lục địa của hành tinh này.
Trong 20 năm qua, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 18 lần.
Hiện lực lượng hải quân của Trung Quốc có 225.000 quân, 70 tàu ngầm, 79 khu trục
hạm. Cuối năm 2012, Trung Quốc trình làng tàu sân bay đầu tiên và hệ thống tên
lửa đạn đạo chống hạm có tầm bắn 2000km. Nếu căn cứ vào lịch sử và số liệu thống
kê hiện tại, kinh nghiệm chiến trận trên biển của Trung Quốc còn thua Nhật, tàu
sân bay và khí tài cho một cuộc chiến trên biển của Mỹ mạnh hơn Trung Quốc nhiều
lần. Trung Quốc không thể tái diễn trận Xích Bích trên con sông nội địa trong “Tam
Quốc Diễn Nghĩa” trên biển Đông! Nhưng theo báo cáo của Viện khoa học Trung Quốc
thì “Sức mạnh quốc gia của Trung Quốc tốt hơn Mỹ từ năm 2007, sẽ gia tăng rõ rệt
từ năm 2019 và vượt trội Mỹ từ năm2049”. Những năm gần đây, Trung Quốc ngày
càng thể hiện sự cứng rắn thái quá như nhất định đòi đàm phán song phương về
tranh chấp biển với các nước liên quan, không thiện chí xây dựng Bộ qui tắc ứng
xử biển Đông DOC (phải hơn 10 năm mới chịu ký), đến nay vẫn không chịu ký vào Bộ
qui tắc ứng xử biển Đông COC (bản Qui tắc ứng xử có ràng buộc pháp lý quốc tế
cao hơn, chi tiết hơn DOC), cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh trong vùng biển
chủ quyền của Việt Nam, thành lập thành phố Tam Sa (bao gồm Hoàng Sa, Trường
Sa), mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam, in “lưỡi bò”
trên hộ chiếu… Trung tuần tháng 6 năm 2013, trong Hội nghị an ninh thường niên
đối thoại Shayri-la ở Singapore, trung tướng Thích Kiến Quốc, phó tổng tham mưu
trưởng quân đội Trung Quốc tuyên bố “Lập trường về biển Đông và biển Hoa Đông của
chúng tôi, đó là những khu vực thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Tuyên bố của
Thích Kiến Quốc làm cho hầu hết các nước phản ứng, trong đó có Mỹ, Nhật,
Indonesia…Tướng La Viện, một trong những nhân vật thuộc nhóm “diều hâu”, nhân sự
kiện tranh chấp đảo Scarbrough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) với
Philipines, chủ trương “Philipine tiến một bước, Trung Quốc tiến mười bước…,
thu hồi cho đủ 8 đảo còn lại”. Trước tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng
Philipines, tướng Voltaire Gazmin: “Philipines sẽ bảo vệ lãnh thổ và chiến đấu
với Trung Quốc đến quân nhân cuối cùng”, tướng La Viện ngạo mạn mỉa mai nước
láng giềng theo kiểu bề trên : “Philipines huýt sáo đi đêm cho khỏi run”!
Khởi đầu năm 2013, cơ quan ấn loát bản đồ Trung Quốc (Simomaps
Press) cho phát hành tấm bản đồ mới, thâu tóm thêm 130 đảo, thể hiện đầy đủ ý đồ
bá chủ biển Đông. Cùng với việc phát hành bản đồ mới là hàng loạt động thái kèm
theo như : Tuyên bố nguy cơ chiến tranh, tăng quyền lực cho Ủy ban hải dương học,
điều động tàu đổ bộ tiến sát Malaysia, đưa chiến hạm tối tân tới đảo Đá Vành
Khăn, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, chủ lực là tờ
báo “Hoàn Cầu” và các ấn phẩm của cơ quan ngoại giao, quân đội…
Chiếm trọn Hoàng Sa và phần lớn Trường Sa chưa đã, đầu tháng
5/2014, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan dầu trị giá trên một tỷ USD vào
vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam. Bản chất bá quyền, ngang ngược, tham tàn từ
hàng ngàn năm của quốc gia này vẫn không có gì thay đổi. Hình ảnh chiếc lưỡi bò
cuồng vọng của Trung Quốc trên biển Đông hiện thời đang làm cho cả thế giới
quan ngại đến mức tình hình chiến sự ở Syria,Ucraina, phát triển vũ khí hạt
nhân ở Iran, Triều Tiên…, phần nào bị khuất lấp, xuống hàng thứ yếu !
Kép phụ, ẩn số Nhật Bản
Gọi là kép phụ vì Nhật Bản không có tranh chấp về lãnh thổ trên biển
Đông và thất bại trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 vẫn còn ám ảnh đất nước
này. Tinh thần võ sĩ đạo, động đất, sóng thần…, cùng với sức mạnh kinh tế thứ 3
thế giới đã được trải nghiệm qua đỉnh vinh quang và tận cùng cay đắng trong thế
kỷ 20 chỉ làm cho dân tộc này trầm tĩnh, kiệm lời và khôn ngoan hơn. Nhưng
không thể xem nhẹ vai trò của Nhật Bản trên Thái Bình Dương. Lịch sử không thể
quên một Trân Châu Cảng (còn gọi là Chiến dịch Hawii) diễn ra sáng chủ nhật
ngày 7 tháng 2 năm 1941, hải quân Nhật đột ngột ngoi lên giữa Thái Bình Dương
mênh mông, chỉ trong mấy giờ tiêu diệt 3 tuần dương hạm, 188 máy bay chiến đấu,
3324 tướng lĩnh và binh sỹ hải quân thiện chiến của Mỹ ( 2042 chết, 1282 thương
tích nặng), mà tổn thất phía Nhật chỉ có 65 người chết và bị thương. Đầu thế kỷ
20, khi hải quân của châu Á còn hết sức lạc hậu thì nước Nhật đã có 6 tàu sân
bay hiện đại như Akagi, Kaga, Zuikaku…, và hàng chục tàu ngầm tối tân ngụp lặn
thường nhật trên biển Đông và biển Hoa Đông. Trong chiến tranh thế giới lần thứ
2, chính nước Nhật đã qua mặt Mỹ độc diễn ở biển Đông, Đông Nam Á, lục địa
Trung Hoa và bán đảo Triều Tiên…Ngày nay, Nhật Bản vẫn còn ảnh hưởng tương đối
lớn với khối ASEAN, đặc biệt là các nước có lãnh hải trên biển Đông và Thái
Bình Dương. Từ khi trở lại nắm quyền, thủ tướng Shizo Abe luôn tuyên bố và hành
động cứng rắn trong tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền đảo Senkaku trên biển
Hoa Đông. Gần đây, Nhật còn gián tiếp hỗ trợ khí tài và kỹ năng tác chiến trên
biển cho Philippine và một số nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển
Đông. Báo chí Trung Quốc đã có lúc nổi xung coi “Mỹ là con hổ toàn cầu, Nhật là
con sói châu Á đang cắn xé Trung Quốc”!
Sau cuộc viếng thăm của tổng thống Obama cuối tháng 4/2014, liên
minh Mỹ - Nhật lại được củng cố và đương nhiên “hổ giấy” Trung Nam Hải tạm dè
chừng. Phải chăng, kép phụ Nhật Bản vẫn còn là ẩn số trên “sới bạc” biển Đông
nói riêng và Thái Bình Dương nói chung.
ASEAN phải tự cứu mình
Đông Nam Á có diện tích 4.494.047 km2, dân số 556.200.000 người,
11 quốc gia, chỉ duy nhất Lào không có biên giới biển. Người Ấn gọi Đông Nam Á
là Suvanabhumi (đất vàng) và Suvanadvipa (đảo vàng). 8000 năm trước, dân các nước
ASEAN đã biết dùng thuyền đi biển. Từ thế kỷ thứ 5 TCN, một số nước ASEAN đã
đóng được những chiếc thuyền buồm lớn tầm cỡ các hạm thuyền La Mã cổ đại, trên
mũi thuyền chạm khắc hình trống đồng Đông Sơn. Rất nhiều trận chiến đã diễn ra
trên vịnh Thái Lan, vịnh Bắc Bộ…, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, không chỉ chứng
tỏ ý chí độc lập mà còn tôi luyện khả năng chiến đấu trên biển của các dân tộc
này. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Đông Nam Á giữ vị trí chiến lược trên
bản đồ thế giới. Các nước Đông Nam Á ngày càng đồng thuận hơn trong nhiều vấn đề
về chính trị, kinh tế, văn hóa…, trong đó có vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh
thổ với Trung Quốc và giữa các nước trong cùng khối ASEAN.
Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung không
thể yên bình bên gã hàng xóm khổng lồ Trung Quốc đầy tham vọng, nếu không có sự
giúp đỡ của Hoa Kỳ. Việt Nam đã chậm một nước cờ, chậm nhiều thập kỷ, không thể
ngộ nhận, hoặc “làm le” mãi.
Nước Việt thời Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, đã từng nhiều lần thư
hùng trên Bạch Đằng Hải Khẩu đánh đuổi giặc phương Bắc mạnh hơn nhiều lần ra khỏi
bờ cõi. Nước Đại Việt thế kỷ 15, triều Lê là quốc gia hùng mạnh nhất Đông Nam
Á. Lực lượng hải quân Việt Nam vừa được trang bị thêm tàu ngầm KILO, máy bay
đánh chặn SU30 MKV. Quan trọng hơn, kinh nghiệm đặc công nước trong chiến tranh
hiện đại trên biển là ưu thế hơn hẳn của Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Câu chuyện về chiếc máy bay SR-71 ở Việt Nam cuối thập kỷ 1960 sẽ
là lời cảnh bảo cho bất cứ quốc gia nào ỷ vào sức mạnh quân sự để bắt nạt Việt
Nam khi dân tộc này thực thi quyền tự vệ bảo toàn lãnh thổ quốc gia theo luật
pháp quốc tế. Máy bay SR-71 là loại máy bay trinh sát tình báo do Mỹ sản xuất
năm 1964, sử dụng trong cuộc chiến ở Việt Nam từ ngày 31tháng 7 năm 1967, được
xem là loại máy bay hiện đại nhất thế kỷ 20. SR-71 dài 32,74m, sải cánh 16,95m,
được trang bị khí tài quang học, điện tử, hồng ngoại, thiết bị dẫn đường từ xa,
tốc độ 3.717 km/giờ, tầm bay 4800km, bay qua vùng trời miền Bắc chỉ mất 10
phút. Trong vòng 1 giờ, SR-71 có thể chụp ảnh một diện tích rộng tới 26.000km2.
Trong khi Việt Nam chỉ có tên lửa SAM-2 do Nga sản xuất, tốc độ chậm hơn SR-71.
Không thể dùng SAM-2 bắn rơi SR-71, binh chủng phòng không không quân chủ
trương bí mật trận địa, mặc cho SR-71 hoạt động, dẫn đường cho các loại máy bay
chiến đấu khác của Mỹ lọt vào trận địa giăng sẵn, biến SR-71 thành khí tài chỉ
điểm cho SAM-2 tiêu diệt F105, F111, RF-4, RF-101…Chỉ trong 5 ngày từ 24 đến 28
tháng 10 năm 1967, bộ đội tên lửa đã bắn hạ 45 máy bay chiến đấu của Mỹ do
chính SR-71 của Mỹ cùng “hợp tác”!
Việt Nam không tham gia canh bạc biển Đông, nhưng bằng mọi giá, Việt
Nam phải bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của mình !
SÀI GÒN HÈ 2013
Ngô Quốc Túy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét