Tháng Giêng như chiếc áo mới của năm. Mặc chiếc áo mới đầu xuân, dù ở tuổi nào cũng gợi nhớ về mẹ. Bởi con đã từng cả chục lần được mẹ so vạt, cài khuy mỗi sớm mùng một tết, được hứng trọn ánh nhìn, khóe cười tràn ngập yêu thương từ mẹ, bên thềm xuân gió bấc, mưa phùn ..., của đất trời phương Bắc !
“Mẹ còn, con vẫn như là trẻ thơ”!
Những cái tết ở xứ Bắc, nước Việt ta ngày xưa thiêng liêng mà đầm ấm, vui vẻ mà thân thương, nghèo khó mà hạnh phúc, gần gũi với đời thường..., một phần là nhờ đôi bàn tay mẹ.
Mẹ tôi con nhà khá giả, lại được học hành tử tế, lấy chồng “môn đăng hậu đối”, nên bạn bè cùng trang lứa, ai cũng nghĩ bà sẽ sung sướng hạnh phúc suốt đời.
Sau khi sinh con gái đầu lòng, thời thế đổi thay, gia cảnh hai nhà khánh kiệt, bố mẹ tôi gần như tay trắng. Đã thế, mẹ lại mắn đẻ, đều đặn 2 năm một đứa. Ngoài 40, mẹ tôi đã sinh 9 đứa con, 5 gái, 4 trai, rồng rắn sau lưng. Ở nhà quê, nhưng bố mẹ tôi lại không thạo việc nhà nông. Những việc chủ yếu trên đồng ruộng, như cày, bừa, cấy, hái..., tuyệt nhiên ông bà không biết.
Thời ấy, ở nhà quê, không biết cầy, bừa, cấy, hái..., như bố mẹ tôi, chẳng những bị khinh khi mà còn thiệt thòi đủ thứ so với các xã viên khác trong hợp tác xã nông nghiệp. Chẳng hạn, những xã viên là nông dân thực thụ, giỏi cày, bừa, cấy, hái..., thuộc diện bần cố nông, thì được chấm công ở thang điểm cao ngất (công điểm qui ra thóc, ăn chia theo từng vụ). Họ còn có quyền lên tiếng đòi hỏi quyền lợi trong các buổi họp xóm, họp đội sản xuất. Còn như bố mẹ tôi đã không thạo nghề nông, lại thuộc thành phần gia đình phong kiến, có vấn đề sau cải cách ruộng đất, nên thường bị rẻ rúng, khuất lấp, sống lầm lũi ngay chính trên thổ cư, thửa ruộng của ông cha để lại, bị chính quyền tịch thu vô cớ. Rất may là trong cơn bĩ cực, bố tôi tự thoát ra được. Nhờ chút vốn liếng chữ nghĩa, lại sẵn tư chất, bản lĩnh của nòi nho sinh, ông chuyên sâu về đông y, phụ thêm nghề dạy học nên không bị cái hợp tác xã nông nghiệp ấy, quản lý, o ép hàng ngày. Còn mẹ tôi cứ lùi lũi như người sai vặt, người sắm vai phụ trong mọi công việc đồng áng của đội sản xuất. Mỗi sáng, nghe tiếng kẻng, bà lật đật ra sân kho hợp tác xã để nhận đầu việc trong ngày. Khi làm cỏ tay, khi be bờ, khi xếp ải, khi dựng rạ, vớt bèo hoa dâu, mót lúa... Những ngày giáp tết, rét như cắt da, cắt thịt, mẹ mặc mấy lần áo vải, áo sợi, lại khoác thêm chiếc áo đụp, trùm khăn vuông, thắt dây chuối ngang eo cho đỡ lạnh. Độn mấy lớp áo quần như thế mà trông mẹ vẫn như đóm mạ chiêm lùn, bé choắt, loai nhoai, bơi trong gió bấc.
Nhưng dù nghèo khó vất vả, thiếu thốn bao nhiêu trong đận tháng ba ngày tám, cuối năm, bà cũng cóp nhặt, lặn lưng được một món tiền, dù ít ỏi, nhưng cũng đủ cho những phiên chợ tết.
Những phiên chợ có mùi mẽ của tết ở nhà quê, thường bắt đầu từ tháng chạp. Chợ họp cả ngày. Mèo, chó, lợn, gà, dong riềng, thóc nếp, chuối tiêu, chè tươi, mớ khoai, bơ đỗ..., đem ra chợ bán để mua về bộ tranh cá chép, đôi câu đối, bánh pháo tép, xấp lá dong, bó nhang quấn, trái phật thủ..., làm cho không khí tết mỗi nhà cứ “nóng” dần lên. Các bà, các chị đi chợ thường đầu đội thúng, tay khoác bị. Dưới đít thúng được kê chiếc vỉ lót rơm cho đỡ ê đầu. Họ đội thúng quen đến mức, buông cả hai tay, thúng vẫn không nghiêng ngả. Mẹ tôi không biết gánh, chỉ biết đội, cái gì cũng đội. Quanh năm, mẹ đội thúng đi chợ, đội lúa, đội rạ, đội cỏ..., từ đồng về. Mỗi tết, tôi lại thấy mẹ như lùn xuống !
Những phiên chợ áp tết, mẹ về chợ, nét mặt tươi ngay từ đầu ngõ, bởi trong chiếc thúng mẹ đội có nhiều thứ hơn ngày thường, và thể nào cũng có quà cho bầy con. Đứa cõng em, đứa đứt giải rút tay xách cạp quần cho khỏi tụt, đứa thò lò mũi xanh, đứa đang nhồm nhoàm sung xanh, dái mít, chát quá, nghẹn trư cổ chưa nuốt được..., cùng dán mắt vào cái thúng trên đầu mẹ...
Bố mẹ tôi ít nhiều được thừa hưởng nền nếp gia phong nên dù thời thế đổi thay, gia cảnh nghèo khó, vẫn căn cơ, mực thước trong đối nhân xử thế, biết cách nuôi dạy bầy con, âm thầm hy vọng đến ngày qua cơn bĩ cực. Bởi vậy, quà chợ tết trong thúng mẹ ngày ấy, mỗi món quà mọn là một câu chuyện nhân sinh, lưu ký suốt đường đời cho các con mãi sau này, vẫn nhớ. Đó là những chú heo đất mũm mĩm, chiếc trống bỏi xanh đỏ, đôi guốc mộc bằng gỗ xoan, viên bi ve lóng lánh... Mẹ dặn, heo đất để sáng mùng một đựng tiền mừng tuổi, tiết kiệm suốt năm, đứa nào để vỡ heo đất là không được mẹ mừng tuổi bằng tiền, không được về ngoại. Đó là chiếc bánh đa bột gạo rắc vừng vàng suộm, kèm theo mấy lát cùi dừa già trắng nõn. Mẹ bẻ bánh đa chia cho các con như chia phần họ, miếng nào cũng bằng nhau, vì mẹ biết tuy tay đã cầm phần của mình nhưng hai mắt chúng, những đứa con háu ăn của mẹ, vẫn liếc sang phần của đứa khác, như để so đo, xét nét... !
Nhưng có lẽ những tấm vải phin trắng trong thúng mẹ và củ nâu rừng mới là món quà tết mẹ đắn đo nhiều nhất. Đắn đo, bởi mỗi năm bầy con mỗi lớn và số mét vải mẹ phải mua lại tăng lên, mà vải vóc, quần áo thời đó ở nhà quê là mặt hàng quí hiếm, chỉ ngày tết, ngày hội, ngày cưới..., mới được mặc áo lành. Áo quần mẹ chiếc nào cũng chắp đầy mụn vá. Mẹ không mua áo sẵn hoặc vải màu. Mẹ bảo áo may sẵn mặc dễ tuột đường chỉ, đứt khuy lại hay lỡ cỡ, con mẹ toàn những đứa nghịch như quỉ sứ, chạy nhảy chân sáo, ba bảy hai mốt ngày là xoạc nách, hở mông, rách miệng túi. Vải màu, nhuộm thủ công, giặt vài lần là loang lổ, bạc phếch. Mẹ mua phin trắng, nhuộm nước củ nâu, phơi nắng, ba bốn lần như thế, rồi mới mang đến tiệm may, đo cho từng đứa. Vải dù mỏng, dù xấu mấy, nhuộm ba bốn lần nước củ nâu thì cũng đều dai, dẻo, dầy như mo nang, con mẹ tha hồ chơi u, kéo co, đánh vật.
Chiều ba mươi tết, mẹ đem tro bếp quậy nước nóng, đựng trong chậu thau, để ngâm những cái chân sù sì, nẻ hốc nẻ hoác của các con, rồi mẹ nấu nước hạt mùi tắm cho từng đứa. Đó là những khoảnh khắc thư thái nhất của đời mẹ. Hai tay kỳ cọ, vuốt ve da thịt các con, mẹ bảo đói cho sạch, rách cho thơm, con ạ ! Tắm nước hạt mùi, sau đêm giao thừa, da thịt các con của mẹ vẫn thơm như những thiên thần ở chốn bồng lai. Sáng mùng một tết, ngắm những đứa con xúng xính trong màu áo nâu tươi mới, mẹ như trẻ lại !
“Tháng giêng cơm tấm, ổ rơm”
Từ trước tết, mẹ đã lo cho lúc giêng, hai. Giêng, hai phương Bắc thường suốt ngày mưa phùn, gió bấc, có năm rét tê, rét tái, hơn cả mùa đông. Mấy bữa trong ba ngày tết hầu như nhà nào cũng no nê. Nhưng sau ngày hạ cây nêu, xóm giềng lại chạy ăn từng bữa.
Có ba thứ thực phẩm mẹ tích trữ nhiều nhất cho giêng, hai. Đó là mỡ lợn, dưa cải bẹ muối và gạo tấm. Mỡ, mẹ gom từ mỡ vai, mỡ lá của con lợn nhà nuôi, thịt sáng ba mươi tết, thái con toán, đem rán kiệt, rồi cho cả nước mỡ và tóp mỡ vào liễn. Dưa, cải bẹ già, muối cả cây vào thạp lớn, ép vỉ tre, đè cối đá, chẳng bao giờ khú. Gạo tấm, mẹ mua gom từng mớ trong các phiên chợ tết cho vào mấy chiếc cong sành, đậy năm lượt lá chuối mật khô, một lần vung, cho khỏi trợi. Ổ rơm cũng được thay mới từ chiều ba mươi tết bằng rơm nếp cái vò chân, sợi nào cũng dài, mềm xốp, vàng rộm. Những ngày mưa phùn, sân ngõ trơn trượt, mẹ mua bộ tam cúc để giam chân lũ con trong ổ rơm, chờ bữa. Mỗi trưa, ngửi thấy mùi xu hào xào tóp mỡ, dưa cải bẹ muối, nước mắm tép, cùng với bát cơm tấm vừa mới xới ra, hơi còn bốc nghi ngút, con mẹ, đứa nào cũng nuốt nước dứa ừng ực. Mẹ bảo, nhà quê mình, không gì bằng “no cơm tấm, ấm ổ rơm”, con ạ !
Đang miên man nghĩ về mẹ, chợt thấy quán cơm tấm trước nhà, trưa ba mươi tết vẫn còn đông khách, mà toàn những khách là công nhân ở khu công nghiệp Tân Bình. Kinh tế khó khăn, lương thưởng không đủ mua vé tàu về quê tận ngoài Bắc, họ đành ở lại ăn tết trong các phòng trọ chật chội ở Sài Gòn. Khoảng 4 năm nay, người nhập cư làm thuê ở các khu công nghiệp Sài Gòn, ăn tết “hẻo” hơn trước. Trung bình, mỗi người chỉ được trên dưới một triệu tiền tết, tương đương với một phần tư một chiếc vé tàu và một phần sáu chiếc vé máy bay hạng bình dân, cung đường Sài Gòn – Hà Nội. Tuy vậy, ngày tết trong những căn nhà trọ tồi tàn của người nhập cư cũng sực nức mùi bánh chưng, bánh tét, mứt kẹo thủ công, hạt dưa, nhuộm xanh đỏ mua ngoài chợ xép. Dù nghèo, hèn, nhưng nhà nào cũng phải bày bàn thờ cúng ba ngày tết. Đó là nếp riêng của người còn thuần Việt, dù họ ở bất cứ đâu trên trái đất này.
Ba ngày tết nhưng người nhập cư vẫn ăn cơm tấm ở những tiệm bình dân quen biết. Cơm tấm bình dân ở Sài Gòn chỉ dưới hai mươi nghìn đồng một đĩa. Muốn ăn no, gọi thêm cơm, chỉ thêm vài ngàn đồng nữa, là căng rốn. Dân nhập cư buôn bán hàng rong trong nội thành có cách tính toán riêng. Họ không ăn cơm phần, cơm đĩa mà mua cơm trắng (thuần cơm) ở đường Nguyễn Thông (gần ga Hòa Hưng), chỉ năm ngàn tiền cơm và hai ngàn đồng cà muối là xong bữa.
Người nhập cư ăn tết đạm bạc để dành tiền chơi tết. Chơi tết chay ở Sài Gòn cũng rẻ. Nếu không muốn tốn tiền vé vào cổng công viên Đầm Sen, Suối Tiên, Kỳ Hòa..., thì ra đường hoa Nguyễn Huệ. Đường hoa Nguyễn Huệ làm nên thương hiệu tết cổ truyền độc đáo, nổi tiếng của Sài Gòn. Chỉ khoảng dăm chục nghìn (tiền gửi xe, tiền chụp hình kỹ thuật số) là những gương mặt lao động nhập cư bầm dập quanh năm suốt tháng lại hiện lên tươi rói trong những bức ảnh bên đào, mai, cúc, quất..., hoặc những tiểu cảnh mùa xuân đặc trưng của ba miền nước Việt.
Nhưng không chỉ dân nhập cư ít tiền ăn cơm tấm, trên một vài con phố ở quận 3, quận 1, quận 5, cũng thấy lác đác những người giàu có, tuổi sồn sồn, gốc Bắc, thành đạt ở Sài Gòn, mấy ngày tết vẫn thỉnh thoảng ra vào quán cơm tấm. Họ ăn cơm tấm không phải vì túi tiền eo hẹp, vì để no bụng, bởi trong sọt rác của những gia đình này có khi còn nguyên cả chiếc bánh chưng, cây giò nạc, sau tết phải bỏ đi vì không ăn hết. Có lẽ, những người Sài Gòn gốc Bắc này đã từng trải nghiệm thời tuổi thơ nơi quê hương nghèo khó mùa mưa phùn, gió bấc:
“Tháng Giêng cơm tấm ổ rơm
Con nằm trông mẹ, đường trơn mưa chiều...”
Phải chăng, những ngày tết nắng gió phương Nam, đâu đó vẫn có người, dù giàu hay nghèo, cũng chưa nguôi về dĩ vãng, về “cơm tấm ổ rơm”, về chiếc áo mới được mẹ cài khuy so vạt, mỗi sớm xuân về !
SÀI GÒN 2013
Ngô Quốc Túy
(Cảm ơn tác giả gửi bài tới Quê Nhà)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét