Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

GÁI ĐẸP PHƯƠNG NAM


Hoa hậu Đặng Thu Thảo


Tại sao gọi tên: “Gái đẹp ”.
Gọi “Người đẹp ”, nghe mập mờ giới tính. Vì không chỉ phái yếu, phái mạnh bây giờ cũng không ít người hàng ngày chau chuốt dung nhan chạy đua trong các cuộc thi đàn ông để được vinh danh “ người đẹp ” cùng vương miện “Nam Hậu”.


Gọi “ Giai nhân ” hay “ Mỹ nhân”, có vẻ quý phái, sang trọng nhưng nặng mùi chữ nghĩa, cũng chẳng hơn gì nôm na “ Người đẹp ”

Gọi “Hoa hậu ”, “ Hoa khôi ”,…thì cái đẹp đã bị cắt, gọt bởi dao kéo trường qui, của hội đồng giám khảo. Mà cứ nghe cái gì liên quan đến thi cử, điểm số, danh hiệu…, ở Việt Nam hội chứng niềm tin lại phát cơn bạo bệnh nghi ngờ!

Gọi “ Gái đẹp ” vừa rõ ra cái đẹp thuộc về phái yếu, ngữ nghĩa lại ngon ngọt, non tươi.

Gọi “ Gái đẹp ” là cách phong tặng cho thế giới đàn bà ngôi vương, từ mỹ cảm ngưỡng mộ của đàn ông, là ngợi ca nhan sắc của gương mặt, mái tóc, dáng dấp, màu da…, là ngợi ca nhan sắc của trí tuệ, tâm hồn trẻ trung phụ nữ.

Cánh đàn ông xứ Bắc thường rỉ tai nhau “Trà Thái, Gái Tuyên ”, ý muốn khen trà móc câu Thái Nguyên thơm, ngon, con gái Tuyên Quang đẹp người, tốt nết. Quả thực, ai đã từng “ mục sở thị ” hai xứ ấy mới thấy cánh đàn ông xứ Bắc khôn ngoan lọc lõi như thế nào.



Trà Thái Nguyên ngon, thơm nhất ở huyện Đại Từ. Trà Đại Từ nếu hái, vò, sao, làm móc… đúng cách truyền thống có thể ngang ngửa trà Đại Hồng Bào ở Phúc Kiến, Trung Quốc, trà Ô Long ở Cao Hùng, Đài Loan.

Gái Tuyên Quang đẹp người tốt nết ở ven bờ thượng nguồn sông Lô. Cái đẹp như mọc từ đất lên, như từ trời sa xuống. Những thiếu nữ trăng tròn ấy nếu được đào tạo, huấn luyện theo công nghệ Venezuela thì một ngày không xa gái đẹp Việt Nam hẳn có cơ hội đăng quang trên sàn châu lục.

Cánh đàn ông phương Nam cũng sành điệu không kém. Khi đã sương sương vài xị là nổ bàn tròn, xoay quanh cái đề tài lai rai muôn thuở: “ Con gái Tiền Giang, Trà vàng Bảo lộc ” Nói    “ Con gái Tiền Giang ” là nói con gái vùng Chợ Gạo, nơi cung tiến gái đẹp vào Tử Cấm Thành triều Nguyễn nhiều nhất miền Tây Nam Bộ.

Gái đẹp phương Nam nổi tiếng miền Viễn Đông từ đầu thế kỷ 17, khi chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên cùng lúc tiễn ba cô công chúa lên xe hoa năm 1620. Công chúa Ngọc Vạn gả cho vua Chân Lạp là Nặc Ông Chăn. Công chúa Ngọc Khoa gả cho vua Chăm Pa là Prome. Công chúa Ngọc Hoa gả cho Araki Soutarou, một thân vương uy quyền Nhật Bản.

Đó không phải là những cuộc hôn nhân kiểu “ cha đặt đâu con ngồi đó ” theo lễ giáo phong kiến, không phải toan tính chính trị dụ dỗ ngoại bang sập bẫy tình. Quả thực tài sắc của ba cô con gái chúa Nguyễn đã làm những ông vua láng giềng ngả mũ cầu hôn.

Cuộc sống nhung lụa xứ người không làm cho ba nàng Công chúa họ Nguyễn quên nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc. Ngọc Vạn góp phần mở rộng bờ cõi phía Tây Nam. Ngọc Khoa đem về một phần đất đai Nam Trung Bộ. Ngọc Hoa bắc cầu kiều qua biển Đông, mở đường giao thương với Nhật, hình thành đô thị cảng Hội An vang bóng một thời. Đó là cách định lượng giá trị gái đẹp công bằng, minh bạch, phù hợp với xu thế lịch sử và ý chí lãnh thổ của các quốc gia nhỏ bé nhưng hơn hẳn về trí tuệ, bản lĩnh, với lý tưởng sống nam nhi quân tử “Tu thân, tề gia, trị nước bình thiên hạ ” lúc bấy giờ.

Đầu thế kỷ 20, Hồ Thị Chỉ con gái thượng thư Hồ Đắc Trung, tài sắc nổi danh xứ Huế, mười bốn tuổi đã làm vua Duy Tân say sóng ái tình nơi Cửa Việt. Nhưng vốn là bậc hiền nhân quân tử muốn tránh thảm họa sau cuộc cách mạng Việt nam Quang phục hội cho gia đình họ Hồ, Duy Tân đã âm thầm đau xót từ chối cuộc hôn nhân với Hồ Thị Chỉ.

Việt Nam Quang phục hội thất bại, cả dòng họ thượng thư thoát nạn. Quá nổi tiếng về nhan sắc, không có chỗ dung thân cùng mối tình trắc ẩn, Hồ Thị Chỉ trôi theo dòng đời tới đỉnh vinh hoa phú quý bởi vở diễn giá thú cùng vua Khải Định. Trước đó, bà đã định tuẫn tiết cho mối tình đầu, cho cựu hoàng Duy Tân, người bị thực dân Pháp đày nơi đảo xa Reunion trên Ấn độ dương. Làm vợ ông vua bất lực như Khải Định, Hồ Thị Chỉ suốt đời chịu nỗi bất hạnh của một Vương phi không chồng.

Gái đẹp là tài sản quý báu là niềm kiêu hãnh của mỗi gia đình, họ tộc, quốc gia… Vì đó là của quý trời cho. Giá trị của gái đẹp tùy thuộc vào số phận, người sở hữu và định giá của thời đại.

Dương Qúy Phi thời Đường Minh Hoàng đẹp đến nỗi tài như Lý Bạch cũng chỉ tả được vài phần: “ Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung. Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng…” ( Áo như làn mây, mặt như hoa. Giọt sương rơi, gió thoảng qua…) Sắc đẹp ấy gây ra đại loạn An Lộc Sơn, giết chết hàng vạn sinh linh.

Dương Quý Phi


Nhưng sắc đẹp của quí bà Lisa Gherardini, vợ thương gia buôn lụa Fracesco del Gocondo ở thành phố Florence Italia thời Phục Hưng để lại giá trị hoàn toàn khác. Qúi bà Lisa Gherardini chính là nàng Mona Lisa trong kiệt tác cùng tên của danh họa Leona de Vince, đã mấy thế kỷ qua mà nhân loại vẫn còn ngây ngất bởi nụ cười huyền bí trên gương mặt thánh thiện của gái đẹp.

Gái đẹp phương Nam nổi tiếng đầu thế kỷ hai mươi phải kể đến hai người đàn bà lên ngôi hoàng hậu cùng một thập kỷ của hai vương triều cuối cùng ở xứ Đông Dương. Bằng sắc đẹp, trí thông minh và bản năng đích thực của giống cái, hai bà đã làm cho hai vị hoàng đế đẹp trai, hào hoa bậc nhất thời đó, bỏ qua đạo quân thần, xuống ngựa, “ rước nàng về dinh ”.

Người đàn bà thứ nhất là Kỳ Nam, con gái ông chủ Hotel Terminus ở thành phố Nha Trang. Cái tên Kỳ Nam gợi nhớ một sản vật cực kì quý hiếm của rừng già nguyên sinh miền Tây Nguyên hùng vỹ. Nếu bây giờ ai bòn mót được vài ký kỳ nam, coi như đổi đời cho cả thế hệ thứ ba.

Mười bốn tuổi, Kỳ Nam đã sở hữu những đường cong miên man sông trời, ngả nghiêng bến đất. Tương truyền rằng, một họa sỹ người Pháp đã bẻ cọ, đổi nghề vì không thể sao chép lại những đường cong của Kỳ Nam trên giấy. Biết bao vương tôn công tử, đại gia người ta người tây ký thác cuộc đời, sản nghiệp vào cuộc đua giành giải Kỳ Nam, cuối cùng phải chấp nhận phơi áo trước Hoàng Thân Xu-Na-Nu-Vông. Kỳ Nam trở thành đệ nhất phu nhân của xứ sở vũ điệu Chăm Pa, bà chủ của đất nước triệu voi và cánh đồng Chum sử thi huyền bí.

Người đàn bà thứ hai là Nguyễn Hữu Thị Loan, cháu ngoại Huyện Sỹ, người đứng đầu tứ đại gia Nam kì thời đó. Dòng dõi ấy được mặc định suốt nửa  thế kỉ trong bảng xếp hạng đại gia Nam Bộ: “ Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Gái đẹp Nguyễn Hữu Thị Loan sinh ra ở miền Tây Nam Bộ, tắm nuớc dừa Bến Tre từ lúc sơ sinh, ăn chè sen Tháp Mười từ nhỏ.

Thừa hưởng gen “ Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” từ bà ngoại, đến tuổi dậy thì, Nguyễn Hữu Thị Loan đã hội đủ tố chất của một thiếu nữ cành vàng lá ngọc. Đó là gương mặt quyền quý cao sang có thể sai khiến, cai trị được thế giới đàn ông. Đó là bờ vai trăng non trên thảo nguyên gió chướng có thể hơn cả gươm, cung khuất phục chí anh hùng. Nhan sắc khuynh thành ấy được sự hỗ trợ của gia cảnh phong lưu tột bậc. Tuy chỉ là cháu ngoại nhưng Nguyễn Hữu Thị Loan được Huyện Sỹ dành cho số tiền bạc làm của hồi môn trị giá hàng nghìn lượng vàng.

Huyện Sỹ tên thật là Lê Phát Đạt, là thương gia nhưng được phong huyện hàm nên gọi là Huyện Sỹ. Ông thông thạo ba ngoại ngữ: Hán, La tinh, Pháp, am tường văn hóa Đông Tây. Ông giàu có đến mức chưa bao giờ kiểm kê hết số tài sản mình sở hữu. Những kiến trúc đáng kể bằng tiền của Huyện Sỹ còn lại đến bây giờ là Nhà thờ Huyện Sỹ, Nhà thờ Hạnh Thông Tây ở Sài Gòn, biệt điện Bảo Đại ở Đà Lạt.

Nam Phương Hoàng hậu


Vua Bảo Đại rước Nguyễn Hữu Thị Loan lên xe hoa về cố đô Huế ngày 20 tháng 3 năm 1934. Ngay trong tuần trăng mật, hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn đã phá bỏ luật lệ hàng trăm năm của tổ tiên, đặc cách sắc phong vợ là Nam Phương Hoàng Hậu. Dấu tích mối tình vàng son này không chỉ bảo tồn ở kinh thành Huế, mà còn lưu giữ thiên thu ở Ghành Ráng Qui Nhơn, Hồ Lắk, Buôn Mê Thuột và thành phố sương mù Đà Lạt.
         
Gái đẹp được mệnh danh là Nữ hoàng sân khấu phương Nam thập kỉ 1970 là nghệ sĩ cải lương Thanh Nga. Thanh Nga sinh ngày 31 tháng 7 năm 1942 tại Tây Ninh, nơi có tòa thánh Cao Đài tráng lệ, có chùa Núi Bà Đen linh thiêng. Năm mười tuổi, Thanh Nga đã biết xàng xê, xuống xề điệu đà những câu dạ cổ hoài lang. Mười sáu tuổi được đóng vai chính Phà Ca trong vở kịch nổi tiếng “ Người vợ không bao giờ cưới”.

Sau khi hoàn tất suất diễn vai Dương Vân Nga Trong vở kịch cùng tên ở rạp Cao Đồng Khánh, Thanh Nga bị ám sát trên chiếc xe hơi sang trọng volkswagen ngay trước cổng nhà lúc 23 giờ ngày 26 tháng 1 năm 1978, để lại chồng và bé Cúc Cu mới 5 tuổi. Thanh Nga ra đi giữa lúc tài năng đang ở đỉnh cao phong độ và sắc đẹp vừa chạm ngưỡng quyến rũ nồng nàn. Không xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc nhưng Thanh Nga có vẻ đẹp đài trang vương giả. Thời đó, rạp nào có Thanh Nga xuất hiện trên sân khấu là rạp đó hết vé. Có người không thích cải lương nhưng nghe Thanh Nga ca, xem Thanh Nga diễn là áp phê, ngửa bàn đèn tại chỗ!
         
Gái đẹp đàn em của Thanh Nga là Mộng Tuyền. Mộng Tuyền tuổi tuất, sinh năm 1942, quê Cần Thơ, liền kề sông Hậu, nơi có bến Ninh Kiều nước mây đỏng đảnh. Mười ba tuổi, mộng Tuyền đã được ông bầu Bảy Cao tuyển chọn vào đoàn Hoa Sen. Sau này, Mộng Tuyền chuyển về đoàn Thanh Minh, là diễn viên duy nhất lấp được khoảng trống sau khi Thanh Nga mất.

Mộng Tuyền độc quyền ngai vàng của miền gái đẹp Tây Đô, giành nhiều giải thưởng danh giá trên sân khấu cải lương Sài Gòn. Từ thập kỉ 1970, Mộng Tuyền chuyển sang đóng phim, đoạt giải Diễn viên xuất sắc trong các phim “ Gánh hàng hoa”, “ Tình yêu của em”…Nhan sắc Mộng Tuyền là nhan sắc cỏ hoa đồng nội, thứ cỏ hoa quen ăn nắng, uống sương, thở gió. Gái đẹp Mộng Tuyền hiện định cư ở xứ sở Kăng- gu- ru. Không biết nhan sắc U60 ấy giờ đây còn lưu lại dấu vết nào của thời quá vãng.

Bức chân dung gái đẹp phương Nam sẽ không còn rực rỡ, nóng bỏng gam màu nắng gió phương Nam nữa nếu thiếu gương mặt Thẩm Thúy Hằng. Thẩm Thúy Hằng sinh năm 1941, tại vùng An Giang, Đồng Tháp. Nơi có mối tình Việt Pháp vượt Thái Bình Dương, xuyên qua thế kỷ của trai Việt Huỳnh Thủy Lê và gái Pháp Duras. Vẫn còn đây Nhà Người Tình, dấu tích để đời của hai nửa trái tim đa đoan không qua được mười hai bến nước. Nói vậy để thấy rằng miệt vườn núi thiêng Châu Đốc không chỉ nổi tiếng tâm linh Bà Chúa Xứ không chỉ nổi tiếng đấu sỹ săn bắt cá Hô mà còn là mảnh đất của ái tình, của gái đẹp.

Xét theo nhân tướng học, Thẩm Thúy Hằng có gương mặt hội đủ vẻ đẹp của cả tam đình, ngũ quan. Nổi bật nhất là cặp mắt nai treo dưới đôi mày trăng non và cái miệng anh đào luôn lung linh một nụ cười kiêu sa, mời gọi. Vào vai Tam Nương, Thẩm Thúy Hằng tỏa sáng rực rỡ trong phim “ Người đẹp Bình Dương”, được mệnh danh là “Bông Hoa Biết Đi”của điện ảnh Sài Gòn lúc bấy giờ .

                                                          Thẩm Thúy Hằng

Chưa thể sánh ngang cùng các “tỉ tỉ” tiền bối , nhưng Việt Trinh cũng xứng danh tốp ten gái đẹp Phương Nam cuối thể kỷ 20. Sinh ra ở xứ “Đồng Nai gạo nắng nước trong”, Việt Trinh có đôi mắt biết nói thầm cười nụ, có bờ vai biết dâng hiến dỗi hờn. Hồn cốt tuổi thơ, ban mai hoa cỏ như định vị vào vóc dáng Việt Trinh làm tuổi tác, thời gian phải ngoái đầu nhìn lại. Cùng với Chánh Tín, Lý Huỳnh, Việt Trinh đã góp phần không nhỏ cho Xinê Sài Gòn thập kỷ 1980, đêm đêm sáng đèn màn bạc.

Trong lịch sử nhân loại, gái đẹp bốn phương đã từng làm nghiêng ngả ngai vàng, châm ngòi chiến tranh, kết nối hòa bình, hóa thân vào hội họa, âm nhạc, văn chương … Quyền năng của gái đẹp khôn lường. Quyền năng ấy cảm hóa cái ác thành cái thiện , kết nối thiên nhiên với con người thành bức tranh hoàn mỹ. Tuy nhiên , khuyết tật của con người cũng bẩm sinh nơi gái đẹp. Thấp thoáng trong lịch sử nhân loại có những bóng dáng gái đẹp làm hậu thế nổi da gà.

Đó là Võ Tắc Thiên, ngoài công lao chỉnh trang khoa cử, chùa chiền… đã gieo rắc nỗi kinh hoàng gần nửa thế kỷ thứ bảy cho đất nước đông dân nhất thế giới: Thông dâm với con chồng là Lý Trị, bóp chết con gái, hàm oan cho vợ cả Lý Trị để cướp vương miện hoàng hậu, giết sạch gia quyến mười vương hầu triều Lý, trảm mười bảy thừa tướng thuộc quyền, hai lần cướp ngôi con đẻ … Năm mươi hai năm trị vì, Võ Tắc Thiên là hoàng đế duy nhất dựng vô tự bia, bia không có chữ, trên lăng mộ. Người ta thường nói tiếng hót của con chim sắp chết rất hay. Không có gì đáng ghi vào bia đá, ở tuổi 87, Võ Tắc Thiên như con chim sắp chết nhưng không có gì để hót!

Không hẳn là bản sao của Võ Tắc Thiên nhưng phương Nam nước Việt cũng có gái đẹp làm đàn ông hiếu sắc muôn thuở phải ngước nhìn. Đó là Trần Lệ Xuân, chắt ngoại vua Đồng Khánh, người đàn bà quyền lực nhất thế giới trong khoảng mười năm từ 1954 đến 1963. Lệ Xuân sở hữu thứ nhan sắc và trí thông minh vương truyền từ long mạch sông Hương núi Ngự. Lớn lên ở ba sáu phố phường Kẻ Chợ, Lệ Xuân được bổ túc thêm học vấn Tây phương và phong cách tiểu thư Hà thành giữa thế kỷ trước. Người đàn bà của Sài Gòn, của phương Nam thuở ấy còn rất trẻ đã hội tụ đủ tố chất khôn ngoan ngon ngọt của gái miền Trung, vẻ thâm thúy kiêu sa của quý bà xứ Bắc. Lệ Xuân toát lên vẻ đẹp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, hạ gục mọi đẳng cấp mỹ cảm của đàn ông Việt lúc bấy giờ.

Chọn đúng vị trí trên bàn cờ chính trị thập niên 1950, với nhan sắc và khẩu khí của siêu gái đẹp, Lệ Xuân đã đánh thuốc mê nghị trường Sài Gòn và nghị viện một số nước phương Tây, đồng thời với nước cờ thí tốt sang sông diệt xe, pháo, mã, củng cố ngôi vị cho anh em nhà Ngô Đình độc trị. Sau nửa thế kỉ gạn đục khơi trong của lịch sử, Lệ Xuân cũng có đóng góp đáng kể cho văn hóa Việt, đó là ý tưởng cách tân cho chiếc áo dài, thừa hưởng được phong cách yếm đào Kinh Bắc, sổ lồng cho cung đoạn hư ảo của đường cong gái đẹp, đó là dốc cổ và bờ vai.
         
Cũng như Võ Tắc Thiên, Trần Lệ Xuân hưởng thọ 87 tuổi. Bà mất lúc 2 giờ ngày 24 tháng 4 năm 2011, đúng vào dịp lễ phục sinh, tại Ro-ma Italia. Đó là hai cái chết lịch sử của gái đẹp trần gian: già nhất, cô đơn nhất và có lẽ, sám hối cũng nhiều nhất!


         SÀI GÒN GIÊNG NON 
               Ngô Quốc Túy
(Cảm ơn tg đã gửi bài tới Quê Nhà)

Không có nhận xét nào: