Việt Nam được đánh giá là nơi có muối ngon nhất thế giới. Nhật Bản, Mỹ vẫn luôn nhập khẩu muối Việt Nam để ăn. Trong khi đó, một số doanh nghiệp trong nước lại nhập khẩu muối công nghiệp rồi bán ra thị trường làm muối ăn… Nghịch lý đó còn xảy ra với gạo Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng giá lại rẻ mạt, nông dân phải bỏ ruộng….
Muối Việt Nam ngon nhất thế giới, nhập muối công nghiệp về làm muối ăn
Báo Dân trí dẫn lời kể của Kỹ sư hóa thực phẩm Nguyễn Đình Bình, sau hàng chục năm bôn ba khắp Việt Nam từ vùng muối ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ đến miền Bắc, thương gia Nhật Bản – ông Terufumi Nozawa – vẫn chưa tìm ra được loại muối ưng ý.
Cho đến một ngày cuối tháng 5/2000, vị thương gia này có mặt tại trụ sở Tổng công ty Muối Việt Nam (số 7 Hàng Gà – Hà Nội) và tại đây, vị thương gia này đã được giới thiệu một loại muối thực phẩm sản xuất theo phương pháp tự nhiên sử dụng năng lượng mặt trời từ khâu kết tinh đến sấy khô (không qua chế biến công nghiệp) do những người diêm dân trực tiếp làm ra với công nghệ phơi cát độc đáo, hoàn toàn đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhận những hạt muối trắng, ông Nozawa đưa vào miệng nếm thử, nét mặt của ông bỗng giãn ra vì vui mừng. Ông chậm rãi nói: “Kết quả cuộc hành trình của tôi sau 15 năm tìm kiếm là đây. Đây mới chính là phương pháp sản xuất muối độc đáo và là loại Muối ngon nhất thế giới”.
Từ sau cuộc hội ngộ “định mệnh” đó, trung bình mỗi năm Việt Nam xuất sang thị trường Nhật Bản hơn 600 tấn muối phơi cát miền Bắc.
Năm 2005, ngành muối Việt Nam lại đón nhận một thị trường khó tính không kém, đó là Hoa Kỳ. Hiện nay, Việt Nam cũng đã xuất khẩu muối ăn cao cấp sang thị trường Hoa Kỳ mỗi năm 800 tấn.
Điều đáng nói là trong khi nhiều doanh nghiệp làm công nghệ thực phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ… luôn tìm cách nhập khẩu muối biển sạch tự nhiên từ Việt Nam để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong việc ăn, nêm, chế biến thực phẩm thì một số công ty trong nước lại nhập muối công nghiệp có nguồn gốc khai thác từ muối mỏ, hồ nước mặn với giá rẻ về làm muối ăn cung ứng ra thị trường.
Thực tế, trong các năm qua, ngành Hải quan đã phát hiện một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế ưu đãi thuế đối với nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất để nhập khẩu muối công nghiệp, nhưng sau đó lại bán trở lại thị trường làm muối ăn, chế biến thực phẩm
Nhận định của kỹ sư Nguyễn Đình Bình: “Những hạt muối trắng tinh, khô giòn với độ tinh khiết cao 99% không đem lại lợi ích mà còn có thể mang lại bệnh tật vì khi đưa chúng vào cơ thể sẽ làm mất cân bằng khoáng chất.
Các nguyên tố khoáng rất cần thiết cho cơ thể song nếu dùng nó một cách đơn phương riêng rẽ có thể phản tác dụng, chẳng hạn đối người bị huyết áp cao mà ăn mặn, ăn nhiều nguyên tố Natri có thể gây nguy hiểm”.
Gạo xuất khẩu nhiều, giá rẻ mạt, nông dân bỏ ruộng
Nghịch lý ấy cũng được lặp lại với lúa gạo của Việt Nam. Năm 2013, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 6,68 triệu tấn gạo. Từ vị trí xuất khẩu nhiều thứ hai thế giới trong mấy chục năm qua, VN đã bị rớt xuống vị trí thứ ba trong năm 2013.
Ông Trương Thanh Phong – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng mặc dù rớt xuống vị trí thứ ba, nhưng việc vẫn đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa cho nông dân và nông dân có lãi hơn 30% mới là mục tiêu lớn nhất của ngành trong năm qua.
Tuy nhiên, theo VFA, tính đến hết tháng 6/2013, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 3,485 triệu tấn, trị giá 1,575 tỷ USD. Cũng theo Hiệp hội này, hiện giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.000 – 5.100 đ/kg, lúa dài khoảng 5.200 – 5.300 đ/kg. Theo Oryza, trang tin giá gạo toàn cầu, Việt Nam vẫn là quốc gia có giá gạo rẻ nhất.
Nhiều nông dân ở phía Bắc tính toán, làm một sào lúa sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng họ nhận được khoản lợi nhuận từ 50.000-80.000 đồng, tương đương với hai bát phở ở thành phố. Trong khi đó, 3kg lúa thu mua tại ĐBSCL chưa bằng giá 1kg ốc bươu vàng bán cho Trung Quốc, nông dân tại các vựa lúa ĐBSCL phải ôm nợ hàng trăm tỷ vì lúa gạo. Từ đó, dẫn đến nhiều nông dân phải bỏ ruộng.
Không chỉ khu vực ĐBSCL, ngoài miền Bắc có tới hơn 42.000 hộ bỏ ruộng, trả ruộng. Ban chỉ đạo trung ương sơ kết năm năm thực hiện nghị quyết trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vừa có báo cáo tổng hợp về kết quả thực hiện nghị quyết nêu trên.
Theo đó, nghị quyết này đã được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, nghiêm túc và sâu rộng, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại như tốc độ tăng trưởng của nông lâm ngư nghiệp tiếp tục có xu hướng chậm lại, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp… Đáng chú ý trong các năm 2012-2013 đã có 42.785 hộ bỏ không đất canh tác 6.882,1ha, 3.407 hộ trả 433,05ha đất.
Vải thiều VN bị lột mác, gắn thương hiệu Trung Quốc để bán giá cao
Mặc dù Bộ Công thương đã quy định không cho thương lái nước ngoài vào nội địa thu mua nông sản, nhưng tại các vựa vải thiều lớn ở miền Bắc như Lục Nam, Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương)… các thương lái Trung Quốc vẫn núp dưới danh nghĩa khách du lịch để trực tiếp mua bán với nông dân.
Tại vựa vải thiều lớn nhất miền Bắc là huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), trung bình mỗi ngày có tới 1.500 – 2.000 tấn vải tươi được đóng thùng, ướp đá lạnh chở ngược lên hai cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Lào Cai để xuất sang Trung Quốc.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang Đào Xuân Cường, mỗi năm có khoảng 100-200 thương lái Trung Quốc vào tận Lục Ngạn để thu mua vải. Toàn bộ giá cả, sức mua, thị trường vải thiều hàng năm cao hay thấp hầu như phụ thuộc vào họ, do chính họ quyết định.
Tấp nập chợ vải thiều ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.
Theo quy định của Bộ Công thương, các thương nhân nước ngoài không được phép trực tiếp vào thu mua nông sản tại địa phương ở Việt Nam. Họ chỉ được phép mua nông sản (như vải thiều) tại cửa khẩu do các thương nhân Việt Nam xuất sang.
Ông Nguyễn Quang Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) than phiền, điều đáng buồn nữa là từ nhiều năm nay, vải thiều Việt Nam không hề được gắn nhãn mác, thương hiệu của Việt Nam, mà chỉ cần sang khỏi cửa khẩu là vải Việt Nam bị lột mác, bóc thùng, gắn thương hiệu Trung Quốc để bán được giá cao hơn.
Bộ NN-PTNT cho biết, Trung Quốc cũng trồng khá nhiều vải thiều, nhưng chất lượng và độ ngon của vải Trung Quốc thua xa vải Thanh Hà, Lục Ngạn của Việt Nam.
“Phát triển nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ chiến lược”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngày 6/1/2014 đã tái khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước phát triển nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ chiến lược của đất nước trong giai đoạn tới.
Phát biểu kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn về tổng hợp các ý kiến đóng góp vào Báo cáo sơ kết của Ban Chỉ đạo và xây dựng dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo, nhấn mạnh, các văn bản của Ban Chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị cần xây dựng cụ thể, nêu bật tính cần thiết và lợi ích từ việc thực hiện Nghị quyết.
Trưởng Ban chỉ đạo cũng yêu cầu ban soạn thảo đánh giá, phân tích kỹ kết quả đã làm được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TU; khẳng định, đây là nhiệm vụ chiến lược phát triển và xây dựng đất nước giai đoạn tới; lấy thị trường, hiệu quả kinh tế làm định hướng.
Báo cáo cũng làm rõ bài học kinh nghiệm rút ra từ việc đổi mới tư duy, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, đoàn thể nhân dân do cấp ủy, chính quyền địa phương làm nòng cốt để xây dựng nông nghiệp, nông thôn thì sẽ thực hiện thành công Nghị quyết, nâng cao hiệu quả, đời sống cho người nông dân.
Trong các giải pháp thực hiện, cần xác định rõ lĩnh vực, mục tiêu tăng trưởng; đặc biệt cần nhấn mạnh nhiệm vụ công nghiệp hóa nông thôn; công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn theo hướng phát huy những mô hình đã phát huy kết quả, hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống người nông dân, đảm bảo lợi ích căn bản, lâu dài của đất nước.
Nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới; tiếp tục nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của nông dân, góp phần quan trọng duy trì phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ở các vùng nông thôn.
Qua 5 năm thực hiện, thực tế cho thấy cần thiết phải thay đổi bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với tình hình mới và đặc thù các địa phương. Các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo đánh giá tổng quan hơn việc xây dựng, triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp; kết quả công tác đào tạo, nhất là đào tạo nghề cho nông thôn.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đề nghị điều chỉnh mức tăng trưởng nông nghiệp ở mức 3-3,5% cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
Ông Cường cũng đề nghị cần có chính sách đặc thù cho người trồng lúa, vùng trồng lúa để cân đối thu nhập, đảm bảo đời sống cho nông dân, đồng thời giữ vững an ninh lương thực quốc gia, khắc phục tình trạng nông dân bỏ trồng lúa.
Theo Báo Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét