Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Bà lang mù nức tiếng nhờ 40 năm mày mò học cách cứu em gái bệnh tật

Từ một người đàn bà mù loà bẩm sinh, từ tình thương yêu dành cho người em gái chẳng may mắc bệnh thần kinh, bà đã tự mày mò học cách chữa bệnh, cứu được em gái. Câu chuyện tưởng như đùa lại là sự thật đầy cảm động mà phóng viên Lao Động & Đời sống ghi lại được tại một xã vùng cao xứ Thanh.


Hình ảnh hai người đàn bà dắt díu nhau, người đi trước cầm cái gậy vông dẫn người đi sau bị mù từ chợ trở về nhà ở thôn Lau, xã Thành Công, huyện Thạch Thành (Thanh Hoá), trên vai hai chị em là bao bì lá cây thuốc, những ai chứng kiến hẳn sẽ rất tò mò. Người dân nơi đây bảo với chúng tôi, đó là hình ảnh quen thuộc suốt 40 năm nay của hai chị em bà Bùi Thị Hồng (63 tuổi – người chị mù) và bà Bùi Thị Nục (57 tuổi – người em gái).
Nỗi đau từ thuở lọt lòng
Theo chân chị em bà Hồng, men theo con đường mòn nơi sườn chân núi với lởm chởm đá cuội, phân dê, phân bò, chúng tôi đặt chân vào căn nhà rộng chưa đầy 20m2  chật chội. Không gian chính của căn nhà đã được các bà chọn làm nơi để toàn những bao với bì lá cây, rễ cây (mà theo hai bà là những thứ có giá trị nhất, những dược thảo quý); phần còn lại của căn nhà là chỗ nấu nướng, kê giường và nơi ở của hai con gà mái đẻ…
Trong không gian chật chội đó, bà Nục bảo bà Hồng đi lấy chai nước đun sôi để nguội ở góc nhà gần bếp mời khách, còn bà lấy nắm thóc vãi cho mấy con gà ăn. Đi lại qua những khe hẹp phải lách người, nhưng bà Hồng cứ thoăn thoát, chẳng khác một người mắt sáng, tay với đúng chỗ để chai nước trên kệ tường, lấy quay ra rót mời khách một cách thuần thục. “40 năm đã thành nếp rồi chú à! Ai hàng xóm, ai khách lạ như các chú đến, tôi chỉ nghe qua bước chân cũng nhận ra được”, bà Hồng cười nói.
Sinh ra trong một gia đình người dân tộc Mường nghèo khó, quanh năm phải đối mặt với cái đói. Cuộc đời bà Hồng sớm gặp phải bất hạnh khi đôi mắt không tìm thấy ánh sáng kể từ lúc sinh ra. Mặc dù nghèo, miếng ăn không đủ no mỗi ngày, nhưng cha mẹ bà cũng chạy vạy khắp nơi, tìm đến những vùng cao của người Thái, xuống tận đồng bằng chỗ người Kinh để tìm đến những lang y có tiếng, mong cứu chữa được đôi mắt cho con. Nhưng tất cả những nỗ lực ấy đều dẫn đến tuyệt vọng. Kết cục buồn cho những nỗ lực không biết mệt mỏi ấy là sự ra đi tức tưởi của người cha – vì làm việc quá sức mà dẫn đến lao lực, không thuốc chữa, rồi mất.
Lúc đó, bà Hồng mới 6 tuổi, không làm được gì, mẹ bà thì đang mang bầu, cuộc sống rau cháo nhờ tình thương của bà con hàng xóm cuối cùng cũng đưa hai mẹ con thoát được cơn cùng cực khi Nục ra đời. Một tay người mẹ, không kể nặng nhẹ, bất kể ngày đêm, làm việc nuôi nấng hai chị em. Thấy cuộc sống nơi vùng cao (chỗ ở trước kia mà bà Hồng không còn nhớ rõ) đường sá, công việc đều khó khăn, ba mẹ con lại chuyển đến một vùng đất mới (chỗ ở hiện nay). Chị em Hồng bấy giờ cũng đã lớn, có thể phụ giúp mẹ trong công việc hàng ngày, nhưng rồi hai chữ số phận đâu có thể ngờ, người mẹ hiền tần tảo cũng từ bỏ hai chị em mà bước sang thế giới bên kia.
Gánh nặng cơm áo được đặt lên đôi vai cô thiếu nữ Nục, không còn cách nào, hai chị em đành bôn ba đây đó xin ăn, chiều tối lại trở về ngôi nhà đầy ảm đạm. Sau khi đất nước được giải phóng, Nục được bà con thương tình giới thiệu vào làm công nhân tại lâm trường Vĩnh Thạch, những tưởng từ đây bóng tối và đói nghèo khổ cực sẽ không còn bao trùm lên cuộc sống của hai chị em, thế nhưng cũng chỉ được một năm sau ngày được nhận vào làm việc, Nục chẳng may gặp phải tai nạn lao động, mất trí, chỉ nằm liệt một chỗ và la hét như người điên. “Khi đó khổ lắm chú ơi, mù loà nên có làm được gì đâu, thời gian đầu khi Nục bị tai nạn, mọi công việc chăm sóc, ăn uống cũng may có bà con luân phiên nhau giúp. Tôi khi đó chỉ còn biết kêu trời, kêu đất rồi bà con khuyên nhủ phải cố gắng sống để nuôi em. Thương nó, tôi đã tự học làm tất cả công việc trong nhà, nấu nướng cho đến thay quần áo cho em…”, bà Hồng ngậm ngùi gạt những giọt nước mắt kể lại quãng thời gian khổ cực.
Nghị lực người chị mù và những bài thuốc kỳ lạ
Trong suốt quãng thời gian 40 năm kể từ ngày hai chị em phải rời xa cha mẹ và Nục chẳng may mắc bệnh, một mình bà Hồng dù mù lòa vẫn phải tự thân lao động để nuôi em, nuôi bản thân bằng một nghị lực phi thường.
Chuyện tưởng như đùa khi bà Hồng kể về cách học thuốc chữa bệnh cứu người qua chiếc radio cũ mà cha bà để lại. Những bài thuốc với cả trăm vị khác nhau, từ lá, rễ cây rừng được bà sáng chế ra thử nghiệm lại có hiệu quả, được bà minh chứng qua sự khoẻ mạnh và sự minh mẫn của người em và một loạt những bệnh nhân được bà cứu chữa từ mọi vùng miền. Bà kể, khi đó bà thực sự tuyệt vọng, ngày thì lang thang xin ăn về nuôi em, tối đến nghe radio. Bà hứng thú trước những bài thuốc dân gian được phát trên đài, ghi nhớ tự mày mò và nhờ người dân lên rừng lấy lá thuốc về kết hợp sao tán lại thành viên. Ban đầu, bà cũng không dám tin vào những vị thuốc do mình làm ra, đến khi không còn con đường nào khác đành đánh liều đưa thuốc cho Nục uống, nào ngờ thuốc hữu nghiệm trông thấy, từ chỗ nằm liệt giường Nục đã có thể ngồi dậy, ăn uống, minh mẫn và đi lại được như hiện nay.
Bà Hồng cho biết, những bài thuốc do bà tự sáng chế ra là sự kết hợp của hàng trăm cái loại lá cây, dễ cây khác nhau tạo thành. Bà có thể chữa khỏi rất nhiều bệnh khác nhau như: Phong tê thấp, cảm hàn, xơ gan cổ trướng, bướu cổ, viêm đại tràng… Tự tin vào những bài thuốc mình học được và sáng chế ra, hai bà lại dắt díu nhau đi nhờ người lên rừng lấy thuốc. “Trước thì nhờ người ta giúp không công, nhưng bây giờ ít người lên rừng nên chúng tôi phải đi mua lại ở chợ, của những người quen”.
Người dân nơi đây cho biết, những người tìm đến lấy thuốc của bà Hồng rất đông, người địa phương cũng có và người ở xa về cũng có. Nhiều người trong số đó đã khỏi bệnh. Điều đáng trân trọng nữa đó là bà lang mù tuyệt nhiên không đòi hỏi thù lao. “Hàng tháng, hai chúng tôi cũng được Nhà nước trợ cấp 180 nghìn đồng mỗi người, số tiền ấy dành dụm để mua thóc, mua thuốc, không còn phải đi ăn xin nữa”, bà Hồng cho biết.
Cho dù những bài thuốc kỳ lạ của các bà sáng tạo còn cần thêm sự thẩm định khoa học, nhưng chí ít niềm vui đã hiện hữu trong cuộc đời đầy nước mắt của các bà. Giờ thì bà Hồng đã có thể nở nụ cười mãn nguyện trước những gì bà đã làm được.

(Lao Động)

Không có nhận xét nào: