Bức ảnh gây bão truyền thông thế giới. |
(Quê Nhà)- Tổng thống Obama theo đạo tin lành, quan niệm quê hương vĩnh cửu của mình là Nước Trời, là Thiên đàng. Khi chết, họ vui mừng được về với Chúa, vậy nên họ không có gì phải buồn cả. Nên hành động "tự sướng" của họ được đồng tình nhiệt liệt. Đơn giản thế thôi.
5 lý do 3 nguyên thủ ‘tự sướng’
Tổng thống Mỹ Obama đã gây bão dư luận khi ông chụp ảnh “tự sướng” đầy vui vẻ với Thủ tướng Anh và nữ Thủ tướng Đan Mạch tại tang lễ của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, người hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid.
Khoảnh khắc gây tranh cãi đã bị phóng viên ảnh của hãng tin Pháp AFP Roberto Schmidt chụp được, cho thấy nữ Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt giơ điện thoại thông minh của mình lên, trong khi ông Obama nghiêng người giúp bà một tay và cả hai cùng Thủ tướng Anh David Cameron cười tươi chụp ảnh. Tất cả diễn ra tại sân vận động World Cup Soweto ở Nam Phi, tại tang lễ của cố Tổng thống Nelson Mandela vào ngày 10.12.
Khoảnh khắc được gọi là chụp ảnh “tự sướng” này đã nhanh chóng bị lan truyền trên mạng, với nhiều người chỉ trích 3 nhà lãnh đạo đã hành động không phù hợp. Trong khi đó ở Việt Nam, hàng loạt ý kiến đã cho rằng đây là hành động hết sức phản cảm, không phù hợp với không khí u buồn đáng có của một đám tang.
Cho tới lúc này, tranh cãi vẫn đang nổ ra khắp nơi, nhưng dường như đã có những khía cạnh đầy toan tính và ý nghĩa về mặt truyền thông, tiếp thị của 3 vị nguyên thủ quốc gia này.
Thứ nhất có thể thấy, nét mặt vui vẻ và hành động “nhí nhố” của 3 vị này thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và thích ứng siêu nhanh với hoàn cảnh. Bước chân tới Nam Phi, họ hiểu rằng việc tưởng nhớ người đã mất ở đây được xem như một buổi lễ vui.
Ngay ở buổi tưởng niệm Mandela ở sân vận động hôm đó, người dân liên tục hát vang những bài ca truyền thống, các loại nhạc khác nhau và không ngừng nhảy múa, tươi cười với hình và biểu ngữ đầy mến yêu với cố Tổng thống.
Ở đó không có sự âu sầu, chỉ có những bộ quần áo rực rỡ sắc màu, nhất là các màu có trên lá cờ Nam Phi. Xem buổi lễ được truyền trực tiếp trên CNN, thấy không khí không khác mấy so với không khí cổ vũ World Cup 2010 của người Nam Phi với kèn vuvuzela.
Vì vậy 3 vị này cho thấy họ thích ứng hòa nhập với hoàn cảnh mới nhanh tới thế nào khi hòa mình vào không khí đó. Hành động này của họ cũng cho thấy, họ không coi việc người dân nhảy múa là kỳ dị, khó chịu, như lãnh đạo Nam Phi lo lắng. (Trước đó vài phút, một quan chức vì sợ không khí ồn ã như một trận bóng đá có thể làm phiền quan khách quốc tế vốn chưa quen với văn hóa Nam Phi nên đã lấy micro nói với đám đông: "Hãy tôn trọng các quan khách. Các bạn có thể nhảy múa hát ca sau, khi họ đã tham dự lễ xong”).
Lập tức sau đó, nhiều người dân hô vang: "We love Obama" (Chúng ta yêu Obama)
Thứ hai, hành động chụp ảnh của 3 vị nguyên thủ cũng cho thấy sự bình dị và tính người trong họ. Có người nói, chụp vậy cũng chẳng sao, vì trước khi là nguyên thủ, họ cũng chỉ là con người. Thực ra, khi đã là nguyên thủ, họ vẫn cứ là con người như ai.
Chính vì vậy, sau khi đăng bức ảnh, chính phóng viên ảnh AFP Roberto Schmidt cũng cho biết đây là khoảnh khắc thú vị. “Nó cho thấy được các chính trị gia dưới ánh sáng rất người, bởi chúng ta thường thấy họ trong tình trạng tự kiểm soát cao độ”, Schmidt nói.
Thứ ba, không biết 3 nguyên thủ này có tính toán hay không, nhưng khả năng tên tuổi của họ sẽ lưu danh sử sách rất lâu sau hành động này. Ngay sau khi xem ảnh, nhiều người cho rằng rằng đây là bức ảnh “tự sướng” nổi bật nhất năm 2013.
Hành động chụp ảnh “tự sướng”diễn ra không lâu sau khi thế giới vừa đã gọi đây là “từ của năm” trong từ điển Oxford. Các cuốn từ điển sau này nhiều khả năng sẽ đăng ảnh và nêu tên 3 vị này để chú giải cho mục từ mới này. Điều này không phải là không thú vị với 3 con người nói trên.
Thứ tư, hành động dân dã của 3 vị nguyên thủ nói trên có thể tạo hiệu ứng đồng cảm với hàng triệu người đang có thú vui chụp ảnh tự sướng ở Mỹ, Đan Mạch, Anh cũng như các nước khác. Hành động này tạo sự đồng cảm tương tự những dịp các nguyên thủ có hành động rất đời thường như rơi lệ trước sự mất mát của người dân.
Trước mất mát của người dân, Tổng thống Phillipin mới đây cũng đã rơi lệ đầy cảm thông. Trước căng thẳng chính trị, phát biểu tại một cuộc họp nội các (diễn ra hôm 10.12), Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cũng đã bật khóc khi nói: "Chúng ta đều là người Thái. Tại sao chúng ta lại làm tổn thương lẫn nhau?" Tôi đã rút lui cho tới lúc này và tôi không biết nơi nào để lùi xa hơn nữa".
Quay trở lại vụ “tự sướng”, tác dụng lớn thứ năm với 3 vị này là dù không mất chút chi phí nào, tên tuổi 3 nguyên thủ này và cả đất nước của họ được dịp thống trị các mặt báo toàn cầu. Ở Việt Nam, ngoài hàng loạt bài báo nói tới 3 nguyên thủ này còn có vô số những chủ đề liên quan được bàn thảo sôi nổi trên các trang facebook, kể cả trang của các doanh nhân và người nổi tiếng, những người có lượng fan đông đảo và có độ lan tỏa không thua gì những phương tiện thông tin truyền thống khác.
Cả thế giới nhắc đến Mandela trong những ngày này. Cả thế giới cũng nhắc tới Obama cùng nước Mỹ, Cameron cùng Anh quốc và Helle Thorning-Schmidt của Đan Mạch. Thực ra trước đó, cái tên Helle Thorning-Schmidt có vẻ rất xa lạ.
Theo Lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét