Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

BÀI THÁNH CA ĐÓ CÒN NHỚ KHÔNG EM!

Từ hơn một tháng trước, khi mỗi ban chiều, Sài Gòn trút những cơn mưa giông cuối mùa, Hà Nội giăng mây trở lạnh, mọi người đã cảm nhận được đêm Noel đã ở rất gần. Lễ Giáng Sinh bây giờ không còn của riêng đạo Thiên Chúa nữa. Thống kê mới nhất cho thấy, có tới 2/3 nhân loại trên cả 5 châu lục, không phân biệt tín ngưỡng đều chào đón Giáng Sinh như một món quà tặng của tình yêu thương đồng loại dành cho nhau.



Sinh ra ở nơi tối tăm, khốn khó nhất để Chúa
cảm nhận nỗi đau và cứu rỗi nhân loại

Lễ Thiên Chúa Giáng Sinh, theo cách gọi của người Pháp là lễ Noel, cách gọi của người Anh là lễ Christmas, cách gọi của người Hy Lạp là lễ Xmas. Những tên gọi khác nhau nhưng cùng ngọn nguồn từ sự kiện ngày chúa Giêsu được sinh ra trong máng cỏ tại Bethlehem, tỉnh Giudea, lãnh thổ Israel. Chúa giáng sinh ngay từ tối 24 tháng 12, nhưng vì lịch của người Do Thái, thời khắc đầu tiên của một ngày mới được tính từ lúc hoàng hôn, nên ngày sinh của Giesu đã sang ngày 25. Sau mấy trăm năm khi đã sinh Chúa, năm 354, Giáo hoàng Libero mới chính thức công bố ngày 25 tháng 12 hàng năm là ngày tất cả các giáo hội trên thế giới tổ chức nghi thức Lễ giáng sinh của Chúa.

Sang thế kỷ 21, ngày càng thể hiện rõ xu hướng toàn cầu hóa mùa giáng sinh, ý nghĩa tín ngưỡng của riêng một dòng đạo đã giao thoa, hòa hợp vào tâm thức của cả nhân loại, bởi đó là những ngày cuối của năm cũ, là khoảng lặng đồng pha của không gian thời gian cho con người đủ minh triết để chiêm nghiệm một tuổi sống, là quãng thời tiết đẹp, chờ nàng xuân gõ cửa…Những tập tục truyền thống được gạn đục, khơi trong, làm phong phú thêm dòng chảy văn hóa của trái đất qua các thời đại. 








        





      Trước hết là hình ảnh ông già Noel, còn được gọi là ông già Giáng Sinh hay ông già Tuyết, mang quà tặng và những điều tốt lành ban phát cho mọi người, nhất là những người gặp cảnh ngộ nghèo khó. Ông già Noel thường mặc bộ đồ màu đỏ, viền trắng, thắt lưng đen, đội mũ đỏ, râu trắng, nét mặt hóm hỉnh, nụ cười tươi, ngồi trên xe trượt tuyết do 8 con tuần lộc kéo. Riêng người Nga lại cho ông già Noel mặc áo xanh, dắt theo công chúa Tuyết phát quà cho trẻ nhỏ. Có 3 truyền thuyết về ông già Noel: ông là nhân vật có thật, tên là Nicolas, sinh ra ở Hà Lan, thế kỷ 14; ông chính là thánh Nicolas, quê hương vùng Myra, Thổ Nhĩ Kỳ, xuất hiện từ năm 280 đến năm 343; ông sinh ra ở Bắc Cực, ngụ cư tại Lapland, thuộc thành phố Rovaniemi, phía bắc Phần Lan. Để thuyết phục thế giới nghiêng về thuyết này, người Phần Lan còn chưng ra bằng chứng Lò Bánh Giáng Sinh, Bưu Điện Noel, Ngôi Nhà Của Những Chú Lùn…Và còn thành lập Văn phòng Ông Già Noel để cho cả thế giới liên hệ qua thư từ, bưu thiếp. Ông già Noel của Phần Lan đựng quà giáng sinh trong những chiếc tất rồi treo lên ống khói của từng nhà, lặng lẽ làm những điều tốt đẹp mà không màng mọi người biết đến.

    Biểu tượng thứ 2 không thể thiếu trong lễ giáng sinh là cây thông noel được trang trí bằng những quả chuông vàng, dây kim tuyến, thiệp mừng…chưng trong phòng khách, trước cửa nhà hoặc giữa quảng trường. Người xứ lạnh thường sử dụng loại thông thuộc họ bách tán, người xứ nóng sử dụng loại thông ba lá hoặc thông mã vĩ làm cây noel. Bên cây thông noel còn có Vòng Lá Mùa Vọng Chúa, kết bằng lá xanh, hình tròn. Màu xanh là màu hy vọng đấng cứu thế sẽ luôn chở che, cứu rỗi nhân loại. Hình tròn thể hiện sự tin yêu vĩnh hằng của con người. Mùa giáng sinh, không thể thiếu vắng  những chợ noel. 

Birmingham (Chợ Noel của người Đức tại Anh) 
là khu chợ giáng sinh lớn thứ hai sau Đức và Áo
   
       Chợ giáng sinh xuất hiện lần đầu ở miền tây nước Đức và miền đông nước Pháp, từ cuối thời trung cổ, nó hình thành và tồn tại như kiểu chợ đường phố truyền thống. Ngoài những mặt hàng phục vụ cho trang trí lễ giáng sinh như cây thông noel, nến, đèn màu…, chợ noel còn dàn dựng các hoạt cảnh về sự kiện Chúa hài đồng. Người đi chợ vừa mua sắm, vừa thưởng thức món xúc xích nướng, bánh khúc cây, rượu vang nóng. Chợ noel truyền thống đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng triệu khách trong mùa giáng sinh. Những chợ noel nổi tiếng thế giới như chợ Nurnberg, chợ Stuttgart, chợ Augsburg ở Đức, chợ Strasbourg, chợ Colmar, chợ Reims ở Pháp. Hai chợ noel cổ xưa nhất là chợ Deresden hoạt động từ năm 1434 và chợ Bautzen hoạt động từ năm 1384. Việt Nam có chợ noel trước nhà thờ Trương Định, và chợ noel cạnh nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, tuổi đời cũng đã ngót trăm năm.

      Những món quà giáng sinh có ý nghĩa tượng trưng là món quà Thiên Chúa ban tặng cho tất cả mọi người. Khi Chúa vừa cất tiếng chào đời trong máng cỏ, Chúa cũng nhận được quà giáng sinh. Vua, đạo sỹ, nhà thông thái, những người ở đẳng cấp trên, quà tặng Chúa là vàng, trầm hương và mộc dược. Những người lao động nghèo, chăn cừu, cắt cỏ thì quà tặng Chúa là hoa trái và các loại đồ chơi bình dân. Nhưng không vì thế mà giá trị linh hồn được định giá theo giá trị quà tặng. Vua và người chăn cừu khi sang thế giới bên kia cũng giống như nhau. Kinh thánh nói rằng, chúng ta không mang gì khi chào đời thì khi lìa đời cũng sẽ không mang gì theo được. 

    Howard Hughes, tỷ phú Mỹ mất năm 1976 để lại 3 tỉ đola, trước lúc lâm chung tại bệnh viện Houston, bang Texas, trên người chỉ khoác chiếc khăn choàng, ông nói với mọi người rằng, các bạn biết không, tôi trần truồng khi lọt lòng mẹ, lại trần truồng khi về cát bụi. Dẫn ra chuyện này để mỗi chúng ta cùng chiêm nghiệm mà bảo dưỡng, bảo hiểm lấy tâm hồn mình, vì kinh phật, kinh thánh, kinh đời…kinh nào cũng dạy rằng, nếu một người được cả thế giới mà đánh mất linh hồn mình thì có ích gì ! Bởi vậy, những món quà tết, quà sinh nhật, quà giáng sinh không từ thành ý thì cả người cho và người nhận đã tự vấy bẩn linh hồn mình. 

Tỷ phú Howard Hughes: ...Tôi lại trần truồng về với cát bụi

    Truyện ngắn “Những món quà thông thái ” của Wiliam Sydney Porter, bút danh O.Henry, xuất bản năm 1906, trở thành tác phẩm truyện ngắn hay nhất mọi thời đại từ câu chuyện bình dị mà đậm chất nhân văn. Chuyện về cặp vợ chồng trẻ James và Della, nghèo khó nhưng yêu thương nhau tha thiết. Ngày lễ giáng sinh đã gần mà không có tiền mua quà tặng nhau. James có chiếc đồng hồ quả quít, là món đồ gia bảo quí giá, nhưng lại không có cái dây đeo tương xứng. Della có mái tóc tuyệt vời nhưng không mua nổi những chiếc kẹp tóc đẹp để cài lên. Đêm giáng sinh tới, James đã tặng vợ, Della đã tặng chồng những món quà không thể bất ngờ hơn, đó là chiếc dây đồng hồ bằng bạch kim, những chiếc kẹp tóc đẹp mua trong cửa hiệu phố Broadway. Cả hai đã vô cùng thích thú vì điều bất ngờ này và cảm nhận được niềm vui của người kia trước món quà độc đáo. Để làm đẹp thêm món quà tặng chồng, Della phải bán đi mái tóc tuyệt vời. Để làm đẹp thêm món quà tặng vợ, James phải bán đi chiếc đồng hồ gia bảo. Khi biết được điều đó, Della luyến tiếc chiếc đồng hồ của chồng, Jemas xót xa mái tóc của vợ. Nhưng sự thất vọng ấy thật nhỏ bé trước ngất ngây hạnh phúc. Họ lại càng yêu thương nhau  hơn vì cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng chân thành vì nhau. Cứ tưởng  đôi vợ chồng nghèo này khờ dại, nhưng thật ra họ là cặp đôi khôn ngoan, thông thái nhất. Khôn vì biết cho để được nhận. Ngoan vì biết cách làm đẹp lòng nhau! 

    Cùng với đạo Phật, đạo Hồi, đạo Bà la môn…đạo Thiên chúa cũng đã để lại những dấu ấn kiến trúc tín ngưỡng giá trị. Nhà thờ Đức Bà ở Pais, nhà thờ Duomo ở Milan, nhà thờ Sagrade Familia ở Barcelona… Ở Việt Nam cũng có những kiến trúc thiên chúa giáo đáng kể, đó là nhà thờ đá Phát Diệm, Ninh Bình, nhà thờ lớn  Hà Nội, nhà thờ Đức Bà  Sài Gòn. Nhà thờ lớn Hà Nội, khởi công năm 1882, khánh thành năm 1887, do linh mục Pau Francois Puginier chủ xướng, theo phong cách nghệ thuật Gothique, tổng chi phí hết 200.000 fran bằng nguồn tài chính thu được từ 2 đợt phát hành xổ số 1883, 1886 và nguồn tài trợ của một số nhà tư bản. 

    Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, khởi công ngày 7 tháng 10 năm 1877, khánh thành ngày 11 tháng 4 năm 1880, do kiến trúc sư S.Bourard thiết kế theo phong cách nghệ thuật Roman, tổng chi phí hết 2 triệu rưỡi fran, gấp 12 lần nhà thờ lớn Hà Nội. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, dài 93m, rộng 35m, tháp chuông cao 60m. Bộ chuông đồng 6 chiếc, nặng 28,85 tấn. Năm 1903, phía trước nhà thờ dựng thêm tượng Giám mục Pigneau de Behaine (Giám mục Bá Đa Lộc), bằng đồng, năm 1945, tượng này bị phá chỉ còn đế, năm 1958, trên cái đế ấy thay thế bằng tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng đá cẩm thạch. 

Giáng Sinh, hòa hợp vào tâm thức của cả nhân loại. 
Đêm Giáng sinh ở Nhà thờ Đức Bà- Sài Gòn
    Nhà thờ đá Phát Diệm là nhà thờ có qui mô lớn và đẹp nhất Việt Nam, nằm trong khuôn viên 22ha, xây dựng từ 1878 đến 1898, do Linh mục Phê ro Trần Lục chủ trì, theo phong cách nghệ thuật giao thoa Đông-Tây, nghiêng về mô phỏng kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam. Ba điểm nhấn ấn tượng nhất của quần thể kiến trúc này là Ao Hồ hình chữ nhật rộng 4ha, bờ kè đá, giữa có đảo tượng Chúa; Phương Đình 3 tầng xây đá phiến, 4 đỉnh có 4 tượng thánh. Tầng 3 treo chiếc chuông nặng 2 tấn, đúc năm 1890; nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi dài 74m, rộng 21m, cao 15m, có 48 cột lim nguyên khối. Ngoài ra còn có Nhà Nguyện, 3 hang đá, 3 núi đá nhân tạo là Lệ Đức, Sinh Nhật, núi Sọ.

Nhà thờ đá Phát Diệm- quy mô và đẹp nhất VN

    Giáng sinh ở Nhật Bản hoàn toàn không mang màu sắc tôn giáo, chỉ là mùa trai gái tỏ tình. Màu sắc Noel rõ nhất của đất nước mặt trời mọc là phố đèn Marunoichi dài 800m ở Tokyo, lung linh đèn lồng từ đầu tháng 12. Ông hoàng vật lý Stephen Hawking, trong cuốn sách “Kế hoạch vĩ đại”(The Grard Design), xuất bản năm 2010, viết rằng: Vũ trụ không cần đấng cứu thế, vì vật chất trong vũ trụ theo qui luật tự nhiên gom góp mà thành. Hình thức lễ Giáng Sinh ở Nhật Bản, kết luận khoa học của Hawking là hoàn toàn bình thường trong thời đại hiện nay, thời đại mà con người được quyền lựa chọn hưởng thụ giá trị tâm linh, văn hóa của những sắc tộc, tôn giáo khác nhau. 

    Các bạn trẻ bây giờ có thể biết rất ít về kinh “Tân Ước”, “Cựu Ước”, nhưng vẫn hòa vào dòng đêm giáng sinh để chào đón ông già Noel, để trao tặng nửa kia món quà ý nghĩa nhất, để được nghe ca khúc “Đêm thánh vô cùng”, một trong những giai điệu nhân loại yêu thích nhất. “Đêm thánh vô cùng” còn có tên là “Đêm yên lặng”(Silent Night), nhạc của Fraz Xaver Gruber, lời Josef Mohr, được cả 2 tác giả người Áo này sáng tác ngẫu hứng trên quê hương mình, đêm 25 tháng 12 năm 1818, tại nhà thờ Thánh Nicholas, thành phố Obendorf . Lời ca khúc “Đêm thánh vô cùng” được dịch ra 300 thứ tiếng. Nó thực sự đã đem lại khoảnh khắc yên lặng trong vắt để con người cảm nhận được cả những góc khuất không gian ba chiều của tận đáy tâm hồn. 

    Đến nay, đã có thêm hàng trăm ca khúc mới về đêm giáng sinh, trong đó có ca khúc “Bài Thánh ca buồn” của Nguyên Vũ. Đó là trang hồi ức bằng giai điệu của chính tác giả năm 14 tuổi lỡ yêu vụng một cô bé cùng trang lứa dậy thì, trong những đêm đông Đà Lạt mà tiếng mưa khuya thấm đẫm tiếng phong cầm vọng ra từ  những thánh đường.

    Đêm Giáng Sinh đang đến, ta cùng nhớ về “Noel năm nào chúng mình có nhau. Long lanh mây trời đẹp thêm đôi mắt. Áo trắng em bay như cánh thiên thần…”. Nhưng trước hết hãy là những thiên thần của cuộc sống thực trong cõi nhân gian này, bạn nhé! 

                                            
                                          
    








    
 Sài Gòn mùa Giáng sinh
           Ngô Quốc Túy
(Cảm ơn TG đã gửi bài tới Quê Nhà- Vườn Địa Đàng)

Không có nhận xét nào: