Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Mùa thi "Nóng"


Mùa thi năm nay “nóng” sớm hơn nhiều so với mọi năm. Lý do chủ yếu là những đổi mới “quyết liệt” về thi cử và học hành, bắt đầu được thực thi ngay từ kỳ thi tốt nghiệp năm nay, năm 2014...


        Toàn dân kỳ vọng

Có người nói, ở Việt Nam học không quan trọng bằng thi. Thi trượt chẳng khác gì “kiếm củi ba năm thiêu cháy một giờ”, coi như tay trắng. Tay trắng vì nếu không kiếm được mảnh bằng, kiến thức đọng lại chẳng còn là bao, phải tái đầu tư. Thi tưởng khó mà rất dễ. Bằng tú tài cứ đủ 12 năm phổ thông là coi như đỗ. Còn thạc sỹ, tiến sỹ của Việt Nam bình quân theo đầu người cao nhất ASEAN.

Nhưng độ khó hay dễ để đỗ hoặc trượt trong mỗi cuộc thi, lại tùy thuộc vào hành vi ứng xử của trò với thầy. Hình như đã thành lệ, thi mà không học thêm, thi mà không gì gì..., nữa thì trượt như chơi. Những “gì gì...” nhạy cảm ấy rất khó nói, nhưng riêng về khoản học sinh phải học thêm thì trước “ thanh thiên bạch nhật”, Việt Nam xếp thứ 5 thế giới.

Một nền giáo dục phù phiếm kết quả là có tới hai phần ba cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ Việt Nam hiện nay, thực lực không tương xứng với bằng cấp. Có người không kìm được cảm xúc, thốt lên rằng : “Thi cử như thể ra chợ mua bằng”. Nguy hiểm hơn, theo nhận xét của ông bộ trưởng giáo dục, thì những cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ giấy ấy, đa số lại chui lọt vào các cơ quan nhà nước qua chiêu trò thi tuyển công chức mỗi năm. Một bộ máy công quyền nhiều bằng cấp vàng mã như thế thì đương nhiên lợi ích nhóm, tham nhũng, đấu đá, hành xử vô cảm với nước với dân sẽ diễn ra theo qui luật muôn đời : Nhân nào Quả ấy.

Có người nói, ở Việt Nam, trước đổi mới, “ra ngõ gặp anh hùng”, sau đổi mới “ra ngõ gặp tiến sỹ”. Quan niệm “vô đại học bất thành nhân” đã thấm vào máu người dân từ bản làng đến phố xá. Đối với những gia đình nghèo khó, sống chết cũng phải kiếm cho con, cháu cái bằng đại học, may ra có cơ hội đổi đời. Đối với người đương quyền đương chức muốn thăng tiến hay bảo toàn bổng lộc, đương nhiên phải thủ cái bằng để lấy điểm cạnh tranh, phòng khi bộ nội vụ nâng cấp tiêu chuẩn cán bộ. Đối với kẻ giàu có hay đã chắc ghế cao sang, sẵn máu sĩ diện, kiếm cái bằng để in lên cac-pi-zic mấy từ thạc sỹ này, tiến sỹ nọ cho oách...Bởi vậy, bằng cấp không phải là chứng chỉ về văn hóa, kiến thức hay nghiệp vụ chuyên môn. Bằng cấp là cần câu để câu cá trong chậu, là cái khiên, cái mộc để che đỡ sự dốt nát, láu cá.


Có người nói, nền giáo dục Việt Nam dạy để thi, học để thi. Quanh năm suốt tháng, thầy trò đánh vật với chữ nghĩa. Mải mê đánh vật với chữ nghĩa nên cảm xúc trơ lỳ, ý tưởng thui chột. Nghe thầy dạy trò, xem trò học bài chẳng khác gì ngày xưa thầy đồ giảng tam tự kinh, trò tập đánh vần để thuộc mặt chữ vậy. Chẳng riêng các môn xã hội, các môn tự nhiên cũng thế. Cứ luyện bài tập theo bộ đề thi là trúng phoóc. Ở các thành phố, thị xã, các trường chuyên, đa số giáo viên giàu lên là nhờ dạy thêm. Trong số đó, không ít thầy cô đứng lớp trở thành “đại giáo”, không ít thầy cô làm quản lý giáo dục trở thành “đại gia”.

Có người nói, giáo dục Việt Nam đào tạo ra được nhiều người giỏi làm toán, giỏi làm văn vần (không phải văn chương). Đúng thế, giải toán, in thơ, làm báo cáo, viết xã luận..., người Việt Nam là số một. Nói vậy, không phải rẻ rúng khinh khi, chứ Lê Bá Khánh Trình, Ngô Bảo Châu... và hàng ngàn đầu sách văn vần tự in, “tự sướng” cũng không thay thế được nguồn nhân lực quốc gia siêng năng, sáng tạo, giàu ý tưởng... để tiếp thu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, làm ra nhiều của cải vật chất, xây dựng đất nước hùng cường.

Có người nói, người Việt Nam thi nội địa cũng giỏi, thi quốc tế cũng giỏi mà làm gì cũng dở. Các sản phẩm công nghiệp madein Việt Nam chủ yếu là hàng gia công. Đến chiếc xe đạp, chất lượng cũng chưa hoàn chỉnh. Có người nói, ngân sách chi hàng nghìn tỉ cho phong trào trường chuyên lớp chọn ở Việt Nam nở rộ như hoa cỏ mùa xuân, hoa lá nhiều mà quả chẳng bao nhiêu.

Có người nói, cũng là thầy, là trò nhưng sinh “nhầm” ở vùng sâu, vùng xa sao mà khổ thế. Thầy cô, học trò những nơi này xem ti vi thấy cảnh học hành, vui chơi, ăn mặc của các thầy cô, học sinh trường điểm, trường chuyên, trường thành phố cứ tưởng là chốn thần tiên...

        Trong bối cảnh đó, không chỉ thầy, trò, phụ huynh học sinh, không chỉ thế hệ trẻ..., sự mong mỏi đổi thay trong ngành giáo dục là của toàn thể dân ta. Những người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo và cũng đã mệt mỏi chờ đợi sự đổi thay suốt mấy thập kỷ qua. Có lẽ, điều sơ đẳng nhất về biện chứng, mà không cần học duy vật biện chứng, ai cũng rõ: Giáo dục thế nào thì văn hóa, xã hội, kinh tế của một quốc gia thế ấy. Có 6 yếu tố làm nên giá trị sống, giá trị hạnh phúc cho mỗi con người là sức khỏe, trí tuệ, tài chính, cộng đồng, tinh thần, và tâm linh. Trong đó, trí tuệ là yếu tố cực kỳ quan trọng. Trí tuệ có ảnh hưởng trực tiếp nhất từ giáo dục.

          Thi tốt nghiệp phổ thông trung học 4 môn, trong đó có 2 môn tự chọn ngay trong năm học 2013- 2014 và tiến tới một kỳ thi chung vào năm 2015, về mặt lý thuyết, đó là cuộc cách mạng giáo dục “cực nóng” trong bối cảnh trì trệ nhiều thập niên. Tuy nhiên, những người trải nghiệm và thận trọng vẫn còn thấp thỏm, hoài nghi về đội ngũ cán bộ quản lý và cả không ít thầy cô, những nhân tố quyết định đổi thay, liệu có chịu thay đổi để “bình” và “rượu” cùng mới hay không ?

          Học gì, dạy gì ?

          Nếu vào vai học sinh, sinh viên, sau một tháng học thôi thì bất cứ ai cũng phải thốt lên : Ngộp quá, đơn điệu quá, lạc lõng quá, lãng phí quá !

          Học sinh trung học phổ thông hiện đang phải học 15 môn gồm : Văn, sử, địa, công dân, sinh vật, thể dục, công nghệ, tự chọn (nghề phổ thông hoặc ngoại ngữ 2), toán, lý, hóa, tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, giáo dục quốc phòng. Số môn học gấp đôi số môn học của học sinh cùng cấp ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Có những môn vô bổ, chỉ tốn tiền, tốn thời gian, làm học sinh “rối loạn kiến thức” như sử, công dân, giáo dục quốc phòng, chủ yếu do nội dung sơ sài, lạc hậu, ôm đồm...

          Chẳng hạn môn giáo dục quốc phòng. Môn này buộc học sinh, sinh viên học chỉ để thỏa mãn chủ trương đường lối chiến tranh nhân dân. Giáo dục học sinh có ý thức, kỹ năng bảo vệ Tổ Quốc là cần thiết, nhưng ở thế kỷ 21, một cuộc chiến tranh đã hoàn toàn khác so với cách nay gần nửa thế kỷ. Vẫn giáo án tháo lắp khẩu CKC, vẫn cách thức ném quả lựu đạn chày, vẫn lăn lê bò toài..., các cô các cậu học sinh, sinh viên chẳng đọng lại gì trong đầu sau khóa học, chỉ béo những dịch vụ coi xe, cơm hộp, trà đá, trà chanh..., giăng sẵn. Đó là chưa kể hiện tượng một số trường né môn này, nhưng vẫn hợp thức hóa việc dạy và học môn này bằng cách lập hồ sơ khống.

          Môn giáo dục công dân vẫn buộc học sinh nghe, buộc học sinh nhớ và buộc học sinh công nhận những khái niệm, học thuyết, đạo đức..., những nhận xét, đánh giá giáo điều, áp đặt, lạc hậu, sai lệch...Nhưng chúng vẫn phải làm bài kiểm tra kiểu “sao y bản chính” để có điểm, vì điểm môn công dân cũng tham gia vào hệ số điểm học kỳ, điểm cả năm, làm thay đổi danh hiệu thi đua, thứ bậc xếp hạng như chơi.

          Khi còn 6 môn thi tốt nghiệp phổ thông, học sinh lớp 12 ngán nhất môn lịch sử. Vì chúng phải nhớ các nghị quyết của đảng trong hơn nửa thế kỷ. Vì chúng phải học thuộc những nhận định, nhận xét, đánh giá ý nghĩa thành công, thắng lợi của từng sự kiện lịch sử cách mạng theo góc nhìn một chiều. Mà sự kiện lịch sử cách mạng nào chưa học, chúng cũng đã biết ta toàn đúng, toàn thắng, địch toàn sai, toàn thua. Có thể nói hầu hết học sinh phổ thông chán môn sử. Bằng chứng là năm nay cho chúng lựa chọn môn thi tốt nghiệp, đã có một số trường không có học sinh đăng ký thi môn này. Vấn đề ở chỗ, không phải môn lịch sử làm cho học sinh chán học mà người viết sử, người dạy sử làm học sinh chán. Hầu như lịch sử dân tộc nào cũng có trang vẻ vang, bi tráng, bi thương. Sử Việt thời cận, hiện đại cũng vậy. Sử không chỉ đem lại niềm tự hào mà còn đem lại bài học xương máu về sai lầm của cha ông để thế hệ mai sau chiêm nghiệm, tự răn mình. Không ít người Việt Nam băn khoăn là tại sao chúng ta lại giấu thế hệ trẻ những sự kiện lịch sử bi hùng, quật cường của cả dân tộc như cuộc chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa ngày 17 tháng 1 năm 1974, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ngày 19 tháng 2 năm 1979, cuộc chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988... Những sự kiện ấy giá trị hơn nhiều một số sự kiện khác đang hiện diện trong sách giáo khoa lịch sử. Câu hỏi đặt ra là, nếu sử được viết đúng sự thật, như những gì nó xảy ra, cho học sinh, sinh viên được bày tỏ góc nhìn của họ trước mỗi sự kiện lịch sử..., thì môn sử có làm cho người học chán đến mức ấy không ?


          Môn Văn còn “đứng” được chẳng qua nó là một trong những môn thi tốt nghiệp phổ thông bắt buộc. Rất ít học sinh thích học văn, vì ba lý do chính : Những chuyên nghành khoa học xã hội không được trọng dụng, chương trình sách giáo khoa bỏ sót nhiều tác phẩm văn chương đích thực, trong khi nhiều văn bản sặc mùi chính trị, tuyên truyền lại chiếm vị thế áp đảo, nhất là chương trình lớp 12. Dạy văn không phải buộc học sinh viết văn hay mà trước hết để học sinh có kỹ năng tư duy hình tượng, nhận biết giá trị của chân, thiện, mỹ, biết diễn đạt, ứng xử có văn hóa trước những vấn đề của cuộc sống. Nếu học và dạy văn để thi như hiện nay thì học sinh chẳng cần lên lớp, chỉ cần ngồi nhà học thuộc các bài văn mẫu đã sẵn trên kệ sách.

          Các môn khác như nghề phổ thông, kỹ năng sống, công nghệ..., cũng kém hấp dẫn, xa rời thực tế. Các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh thì quá ôm đồm, nhồi nhét. Yêu cầu về kiến thức toán, lý, hóa đối với học sinh chỉ cần một nửa như chương trình hiện hữu. Quá tải các môn khoa học tự nhiên chỉ có lợi cho thầy cô kiếm cớ dạy thêm và khuyến khích các Trung tâm luyện thi phát triển.

Nhìn sang nước bạn

Trang Hà, một du học sinh Việt Nam tại trường ĐH Dickingson (Mỹ)

          Câu hỏi lớn nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, vẫn chưa được giải mã đầy đủ cho thế hệ trẻ hiện nay là : Tại sao những bậc trí giả, những mạnh thường quân đầu thế kỷ trước lại tổ chức vận động, ủng hộ phong trào Đông Du mà không phải là Bắc Du hay Tây Du, trong khi Pháp lúc ấy đang hiện diện còn Trung Quốc đã từng nghìn năm cai trị, Hán hóa nước ta. Nếu phong trào Đông Du thời đó thành công, chắc chắn lịch sử Việt Nam sẽ rẽ sang hướng khác và vị thế của quốc gia không phải như bây giờ.

          Nhà yêu nước Phan Bội Châu khởi xướng phong trào Đông Du vì ông nhận ra rằng Việt Nam lúc bấy giờ không thể thành công nếu theo mô hình của các nước phương Tây hoặc phương Bắc. Hướng đến Nhật Bản để học hỏi, đặng mở mang dân trí, bồi bổ dân khí là lựa chọn sáng suốt của lãnh tụ phong trào Đông Du. Nhật Bản gần hơn phương Tây, tin cậy hơn phương Bắc lại có “tông” thể chất, tâm hồn và đời sống văn hóa tâm linh giống người Việt.

Nhật Bản đến nay, không chỉ là cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới, mà quan trọng hơn, là nước có mức sống và giá trị sống hàng đầu thế giới với chỉ số IDH = 0,960, Gini = 38,1. Nhật Bản còn là nước đứng đầu châu Á về giải thưởng Nobel (9 giải) và giải thưởng Fields (3 giải). Về quân sự, cách nay hơn 100 năm, Nhật Bản đã tự trang bị hàng chục tàu sân bay và nhiều loại vũ khí tối tân số 1 thế giới, sánh ngang với Mỹ, Đức.

          Nếu so sánh về tốc độ phát triển của các quốc gia trên thế giới trong khoảng 50 năm gần đây thì Nhật Bản có tốc độ nhanh nhất, hơn cả các nước phương Tây. Được vậy là do Nhật Bản đã “thay máu” nền giáo dục, đào tạo ra những thế hệ công dân mới và mặt bằng văn hóa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

          Cũng như Việt Nam, Triều Tiên, nền giáo dục Nhật Bản chịu ảnh hưởng của Nho giáo Trung Hoa suốt 13 thế kỷ. Sang thời kỳ Meisi (Minh Trị), từ năm 1868, nhận ra vai trò lịch sử của Nho giáo Trung Hoa đã kết thúc, Nhật Bản “nhập khẩu” nguyên đai nguyên kiện tinh hoa giáo dục phương Tây vào các trường đại học và quân sự trong nước. Dự án  cách tân giáo dục đầu tiên là mời 500 giáo sư của các trường đại học hàng đầu thế giới sang Nhật, trực tiếp giảng dạy cho 15 trường đại học trong nước.

Cuộc cải cách giáo dục “không thương tiếc” ấy, tiến hành liên tục 20 năm từ 1868 đến 1888, đã đem lại thành công lớn. Những tinh hoa của giáo dục phương Tây đã thích nghi với thổ ngơi Nhật Bản, liên tục ra hoa kết trái. 

Sang thế kỷ 20, Nhật Bản tiếp tục cập nhật những thành tựu mới của giáo dục phương Tây. Cách làm này vừa nhanh, vừa rẻ, ít rủi ro, lại hiệu quả tức thì. Trung Quốc thời đó thường gọi ngư dân Phú Lang Sa là hải tặc lùn. Không có cứ liệu đo đếm chiều cao bình quân của người Hoa và người Nhật lúc bấy giờ nhưng quả thực nếu khảo sát ngay năm 2014 này thì bình quân tính theo đầu người về mọi phương diện, người Nhật cao hơn hẳn người Hoa cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

          Từ năm1960 cho đến nay, Nhật Bản vẫn duy trì hệ thống giáo dục hoàn chỉnh của mình suốt hơn nửa thế kỷ. Nền giáo dục ấy đã tạo ra những bước phát triển thần kỳ về kinh tế và duy trì bền vững nền tảng văn hóa, chính trị, xã hội cho đảo quốc Phù Tang.

          Hiện Nhật Bản đang đứng thứ 3 trong số 37 quốc gia có hệ thống đào tạo đại học tốt nhất thế giới (sau Mỹ và Anh).

          Nền giáo dục Nhật Bản theo mô hình Anglo – Saxon, đề cao chủ nghĩa tinh hoa. Ngân sách dành cho giáo dục là 7,4% một năm (tương đương 60 tỉ USD). Đặc trưng nổi bật của giáo dục Nhật Bản là tuyển sinh nghiêm túc và phân cấp mạnh cho địa phương.

          Giáo dục phổ thông Nhật Bản có 4 cấp : Mẫu giáo 3 năm (từ 3 đến 6 tuổi). Tiểu học 6 năm (từ 6 đến 12 tuổi). Trung học giai đoạn một 3 năm, tương đương với phổ thông cơ sở của Việt Nam (từ 12 đến 15 tuổi). Trung học giai đoạn hai 3 năm, tương đương phổ thông trung học Việt Nam (từ 15 đến 18 tuổi). Sau trung học hai là cao đẳng 2 năm, đại học 4 năm. Sau cử nhân là thạc sỹ 2 năm hoặc tiến sỹ PhD từ 3 đến 4 năm.

          Toàn bộ các trường phổ thông công lập ở Nhật được học miễn phí từ mẫu giáo đến hết trung học một. Năm học của Nhật Bản tính từ đầu tháng 4, dài 210 ngày, chia làm 3 kỳ. Kỳ 1, ba tháng rưỡi, từ tháng 4 đến giữa tháng 7. Kỳ 2, bốn tháng, từ tháng 9 đến tháng 12. Kỳ 3, hai tháng, từ tháng 1 đến tháng 2.

          Trung học phổ thông giai đoạn I, học 7 môn : Tiếng Nhật, Toán, Khoa học, Tiếng Anh, Nghệ thuật tạo hình, Âm nhạc và Giáo dục thể chất. Mỗi học sinh bắt buộc phải tham gia sinh hoạt cuối tuần với 1 câu lạc bộ tự chọn. Sau khi học xong Trung học phổ thông giai đoạn I, là có thể xin được việc làm hoặc học tiếp. Muốn học Trung học phổ thông giai đoạn II phải thi và được chọn học các môn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội nhân văn.

          Nhật Bản không tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông mà chỉ có kỳ kiểm tra (test) duy nhất, do một Tổ chức khảo thí độc lập đánh giá, làm cơ sở cho các trường đại học tham khảo để tuyển sinh.

          Đại học Nhật Bản chia làm 2 loại hình, đại học tổng hợp (Universite) có 96 trường và đại học chuyên nghiệp (Ecole speialisec). Trong số đó, có 4 trường danh tiếng thế giới là Đại học tổng hợp Tokyo, Kyoto, Keio, Wasedo.

          Hiện nay, cũng có ý kiến phê phán chủ nghĩa tinh hoa của Nhật Bản vì nó không còn phù hợp với xu hướng giáo dục của thế giới hiện đại, tốn kém tiền bạc và hệ lụy stress...Nhưng người Nhật có lý lẽ riêng của họ. Họ giải thích rằng, đó là nền giáo dục phù hợp với một quốc đảo ở vị trí địa lý không thuận lợi, nghèo tài nguyên, luôn phải hứng chịu những trận bão biển, động đất, sóng thần vào loại nguy hiểm nhất thế giới, Nhật Bản không có lựa chọn nào khác để tồn tại và phát triển nếu không duy trì nền giáo dục theo chủ nghĩa tinh hoa.

Nhìn sang nước bạn, để chúng ta, một đất nước có nhiều điều kiện thuận lợi hơn Nhật Bản, ngước nhìn và noi gương họ.


SÀI GÒN 2014
Ngô Quốc Túy

Không có nhận xét nào: