Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Nghề báo- sơ sơ về nhục và hèn


Nhục và hèn, nếu chính thức công nhận với bàn dân thiên hạ thì nhiều nhà báo không dám( mà cũng chẳng tội gì phải nhận). Nhưng tự nhận với chính mình là nhục và hèn, nếu có một chút lòng tự trọng thì nhà báo nào cũng nhận thấy điều đó. Nhưng nhìn chung là họ thỏa hiệp để “sống chung với lũ” thôi.

Nhục đi đôi với hèn. Sơ sơ kể qua về cái nhục và hèn thế này.

Báo chí Việt Nam như con khướu bị nhốt trong lồng. Thoải mái hót nhưng không được tự do hót. Tiếng hót đấy phải chui qua cái vòng kiểm duyệt bắt đầu từ cấp lãnh đạo phòng, đến tổng biên tập, trên nữa là cấp lãnh đạo chủ quản tờ báo. Bên cạnh đó là Ban tư tưởng; Ban Tuyên giáo; và hàng trăm, hàng ngàn tai mắt của bạn đọc…Sai sót gì cũng được nhưng đừng có dính vào hai chữ “nhạy cảm” là mệt, là “sao quả tạ” chiếu bươu toác đầu.

Nếu anh làm báo chính trị, điều đó càng phải tuân thủ tuyệt đối. Không được phép sơ suất. Nếu chẳng may sơ sẩy dù chỉ một chữ, sai một ly đi một dặm, các thế lực thù địch sẽ lợi dụng để xuyên tạc nói xấu chế độ; anh dễ bị treo chức, treo bút (thế cũng nhục đấy chứ).

Nếu anh làm báo kinh tế, tự nuôi nhau, viết lách có phần thoải mái hơn, Nhưng anh phải đi xin quảng cáo; vận dụng mọi “tài năng”, mối quan hệ, mồm mép, chân dài, váy ngắn…miễn sao “kều” được quảng cáo, kiếm được tiền về tòa soạn. Được vài đồng quảng cáo không cẩn thận bị coi thường; bị khinh rẻ; bị lợi dụng…Nhục chưa? Thân phận đi ăn xin, biết làm thế nào?

Vì nếu không, đừng mơ có lương, mà cũng chẳng thể yên ổn để tồn tại với nghề. Nhiều phóng viên chỉ có tài viết mà không có tài lách, ai sử dụng?
Báo kinh tế không cần người viết bài tốt, chỉ cần đi xin giỏi. Không biết làm “ăn mày” thì sao có miếng ăn? Rồi phải bật hết từ tòa soạn nọ đến tòa soạn kia cũng không yên thân. Thế không nhục là gì?

Nếu may mắn vào được các tòa soạn có máu mặt (như Thanh niên, Tuổi trẻ, Lao động, Tiền phong…như anh Kha nêu) sống bằng phát hành, nghề viết được trọng dụng thì cũng còn may mắn vì sống bằng nghề. Còn ngẩng đầu cao tác nghiệp, cóc cần cái phong bì xấu xa như anh Kha nói ư? Tôi không hoàn toàn tin điều này. Điều này chỉ đúng với những nhà báo thuần túy làm nghề thôi (tôi không vơ đũa cả nắm). Tờ báo nhiều quyền lực, PV càng nhiều quyền hành. Kiếm tiền trên sự quyền hành thì ghê gớm lắm, lại hợp pháp nữa, không mang tiếng xin xỏ ai cả (nên ngẩng cao đầu) mà vẫn có cái phong bì tươi tốt (cóc cần cái phong bì xấu xa). Nên “máu mặt” có khi cũng đồng hành với “máu túi” đấy.

Chẳng thế mà cũng nhiều vụ tiêu cực xuất phát từ những tờ báo này (đã bị lộ và có thể chưa bị lộ) về những chiêu trò lợi dụng danh nghĩa và thương hiệu của tờ báo để làm tiền: PR, chống tiêu cực, từ thiện xã hội…(Loạt bài về báo Tuổi trẻ trên TTXVA). Nhục và hèn, nếu khéo che đậy thì vẫn “ngẩng cao đầu” đấy chứ.

Những người có năng lực làm báo bước vào nghề báo bằng sự hăm hở, nhiệt thành nhưng nếu “đặt không đúng chỗ” thì cũng tiêu tan. Nhất là lại không chịu dưới trướng sếp. Hay phát biểu, góp ý, chống lại những sai trái của sếp chỉ có nước bật bãi. Sếp sẽ lừa lúc có sơ suất để biến thành tội nặng và chấm dứt hợp đồng. Hoặc dở chứng không dùng bài. Không thể trụ nổi thì phải bật bãi.

Trong khi một sự thật là nhiều nhà báo phải cúi đầu chịu nghe những con người ngu hơn mình mấy cái đầu (nhưng họ rất giỏi về cái khác đấy). Một sự thật là đội ngũ Tổng biên tập rất có vấn đề về năng lực chuyên môn, tư cách đạo đức…Và báo chí hiện đang muôn vàn sự bất cập. Điều này ông Nguyễn Bắc Son biết rất rõ và mới đây đã phải thừa nhận quy hoạch báo chí lúc này là cần thiết. Chúng ta hãy chờ xem.

Đây nhé, đơn cử, có tổng biên tập chưa học đại học, không viết nổi một câu hoàn chỉnh; chưa từng viết một bài báo hay một cái tin nào mà vẫn làm tổng biên tậplâu năm (rất sự thật, không tin hỏi ông Lượng, ông Thiên, Cục báo chí đang quản lý), sai khiến và trù dập người giỏi, thì người giỏi ngóc đầu lên sao được? Nhưng họ rất giỏi quan hệ, kiếm tiền, luồn cúi, ninh trên nạt dưới nên tồn tại dai lắm. Đấy là một trong những mối họa lớn nhất của báo chí VN. Vậy những người tốt mà vẫn phải chịu đựng thì không nhục không hèn sao được?

Nhưng vì sao những người làm báo khác vẫn phải chịu đựng cái nhục cái hèn?

Vì miếng cơm manh áo nên vẫn phải bám lấy nghề. Không lẽ ra đường bơm xe, chạy xe ôm? Hay bán khoai, bán xôi dạo? Mang tiếng có học mà làm thế thì thật thất vọng cho bố mẹ nuôi ăn học thành tài. Hơn nữa, “cái mặt” tri thức này cái sĩ diện lớn lắm, cũng không đủ dũng cảm để chiềng ra bàn dân thiên hạ. Thôi thì đành chấp nhận vậy.

Tự an ủi là không chỉ mình cam chịu nhục hèn đâu. Ối người còn nhục và hèn hơn. Nhìn xuống thì ối người vì mưu sinh cũng phải làm những nghề nhục nhã. Nhìn lên thì …Các sếp dốt (và cả giỏi) để tồn tại được cũng phải chịu nhiều cái nhục và nhiều cái hèn lắm chứ. Có khi còn phải luồn cúi những sếp trên dốt hơn.

Có lẽ cái nhục cái hèn ấy càng “lên cao” càng lớn?

Nhục và hèn thì đầy rẫy, nhưng tự nhận nhục và hèn là những điều “xa xỉ” đối với nhà báo. Nhưng cái này may là không ghi vào hồ sơ, và cũng không ai khuyến khíc, nếu dũng cảm thì cứ nhận.

“Chủ nghĩa AQ” một chút để tự trấn an mình với cái sự bằng lòng. Bởi nếu có thay đổi cũng chỉ là con khiếu hót (hay) trong lồng thôi.



Không có nhận xét nào: