Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Công chức bằng giả, học giả: Biết nhưng khó xử



Dư luận cả nước sôi nổi thảo luận ý kiến đánh giá của Bộ trưởng Bộ GDDT Phạm Vũ Luận tại phiên họp ngày 25-2 của Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2015, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.


Ông nói thẳng thắn: “Thực tế những người có bằng giả, hay bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức Nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”. Dẫu không phải tất cả các công chức được tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước đều yếu kém, song nhiều ý kiến phản hồi đồng tình quan điểm với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Ông đã rất can đảm khi nói nên điều này vì trong đó không những có trách nhiệm của Bộ ông đứng đầu, mà đã nhìn ra những tồn tại trong việc tuyển chọn công chức hiện nay.

Một thực trạng buồn

Tại sao bằng giả không thể vào được công ty tư nhân, công ty nước ngoài? Đơn giản, vì họ không cần tấm bằng mà họ cần khả năng làm việc thực tế, họ cần anh chứng minh cho họ khả năng làm việc của mình. Vì thế nên mới có chuyện nhiều sinh viên mới tốt nghiệp, thậm chí chưa có bằng cũng xin được việc tại các công ty tư nhân. Cái mà nhà tuyển dụng cần không phải một tấm bằng, một nhân sự để lấp chỗ trống, mà cần một nhân sự làm được việc. Thêm nữa, những người làm việc trong các công ty tư nhân, các doanh nghiệp nước ngoài quá biết rằng họ chỉ có thể giữ được việc làm, thăng tiến được nếu chứng tỏ được khả năng, làm lợi cho doanh nghiệp. Không có ai đảm bảo công việc cả đời cho anh nếu anh không làm được việc. Thông thường, ở các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân, khi tuyển người, vẫn có yêu cầu sao, lưu bằng cấp để xem người đó được đào tạo chuyên ngành gì nhưng mặt khác, chủ các doanh nghiệp tư nhân sẽ kiểm tra, thử việc rất kỹ ứng viên xem họ có làm được theo trình độ đó không. Thậm chí, bằng thật, chứng chỉ thật nhưng làm kém vẫn không tuyển dụng. Bằng cấp, chứng chỉ ghi trình độ trung bình, hay yếu nhưng thực tế làm tốt thì vẫn tuyển dụng.

Tại sao bằng giả, học giả bằng thật lại vẫn có thể vào làm việc tại các cơ quan, Nhà nước? Bởi vì các cơ quan không chú trọng lấy người làm được việc vào đơn vị mình. Các tiêu chuẩn phụ không liên quan tới khả năng làm việc quá nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng lao động tuyển dụng. Nào lý lịch, nào chất lượng chính trị cùng nhiều tiêu chuẩn ngoài quy trình như quan hệ, như truyền thống gia đình và cả chạy chọt bằng vật chất nữa đã làm thay đổi kết quả các kỳ thi tuyển công chức, thi tuyển lao động. Đây là vấn đề về tổ chức, của hệ thống. Chúng ta không có hệ đánh giá trực tiếp, nhìn vào khả năng và năng lực. Cái gốc là hệ thống của tổ chức cán bộ, chuyện này còn dài.

Nhưng tất cả những lý do này chỉ chứng tỏ các đơn vị Nhà nước khó tuyển được người giỏi, còn tại sao bằng giả lại có thể qua mặt được các nhà tuyển dụng thì lý do là ở cái quy trình máy móc đã làm hại hoạt động hành chính ít lâu nay. Quy trình tuyển dụng ít lâu nay đã triệt tiêu mọi sáng tạo của các công chức, viên chức. Những quy trình thi tuyển công chức, chưa bao giờ thấy hai chữ thẩm tra hồ sơ. Mà không thẩm tra thì làm sao mà biết bằng thật bằng giả, làm sao biết họ thật học giả. Nếu tuyển dụng chỉ nhìn vào những tấm bằng đã được photo công chứng thì sẽ không lấy được người giỏi việc, không tránh được những người có bằng nhưng học giả.

Còn tại sao người ta đua nhau chạy chọt để vào ngạch công chức? Có một sự khác biệt với các đơn vị ngoài Nhà nước. Những người trong ngạch công chức gần như chắc chắn có công việc cả đời, miễn là không có kỷ luật nặng. Thế là cứ đến hẹn lại lên, ngồi chờ đến lượt để được thăng tiến. Cơ quan Nhà nước không đánh giá lương bổng, chức vụ bằng hiệu quả công việc, bằng năng suất hay tiền lãi thật, mà đánh giá bằng các tiêu chí khác. Nhiều khi đó chỉ là sự ngoan ngoãn, không cần làm việc để không phạm lỗi sẽ được thăng tiến.

Cần quyết liệt thay đổi

Rất nhiều chuyên gia giáo dục và lao động đã có kiến nghị gửi các cơ quan chức năng góp ý về chiến lược phát triển nhân lực. Trước mắt, cần có những giải pháp để thay đổi chất lượng các kỳ thi tuyển công chức cũng như lao động cho các cơ sở Nhà nước, đổi mới cách thức thi nâng ngạch cán bộ công chức.
Về lâu dài hơn, vấn đề này cần được đặt ra một cách tổng thể và chi tiết trong việc cải cách chế độ công vụ, công chức, trong cải cách hành chính. Cần đổi mới cách đánh giá cán bộ công chức, đổi mới cách tuyển dụng, gắn với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu. Đồng thời tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát đối với việc tuyển chọn công chứ. Chứ cứ để những công chức “cắp ô” lọt vào cơ quan Nhà nước rồi yên tâm ngồi rung đùi chờ lĩnh lương và tìm cơ hội thăng tiến thì hại cho dân lắm.
Dĩ nhiên, trách nhiệm ngành giáo dục cũng không nhỏ. Bằng giả thì dễ phát hiện nhưng bằng thật học giả mới khó. Nguyên nhân học giả bằng thật đương nhiên là do giáo dục. Việc bỏ tiền ra không cần đi học để “mua” được cái bằng đại học nhét vào hồ sơ tuyển dụng hiện nay là không quá khó, nếu như không nói là dễ. Trách nhiệm của tình trạng bằng giả, học giả này là của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Nhưng nguyên nhân sâu xa là do tuyển dụng và sử dụng lao động. Nếu tuyển dụng và sử dụng lao động đúng năng lực thì người học phải học khác và thi kiểu khác. Tuyển dụng và sử dụng như thế nào người học sẽ học và người dạy sẽ dạy như thế. Việc ngành Giáo dục cần làm ngay là đổi mới đánh giá, đặc biệt là đánh giá chất lượng đầu ra để đảm bảo tính chính xác, công bằng, khách quan và cho ra trường những người lao động có chất lượng.

THEO AN NINH THỦ ĐÔ





Không có nhận xét nào: