Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi đã khép lại một chương bi thương trong lịch sử chung của hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam.
Là một người Mỹ gốc Việt lớn lên tại Hoa Kỳ sau cuộc chiến, tôi được cho hay Tướng Giáp là một kẻ thù được kính trọng.
Cộng đồng người Việt tỵ nạn phải rời bỏ đất nước hồi 1975 và sau đó, mô tả ông Giáp và ông Hồ Chí Minh, là những kiến trúc sư chính của cuộc chiến cộng sản.
Tương tự, nước Mỹ sau cuộc chiến Việt Nam coi ông Giáp là nhà chiến thuật quân sự đứng sau chiến thắng của Hà Nội.
Nhìn cả từ hai cách, ông Giáp là một vị tướng đầy mưu mẹo, chiến thắng được Pháp trước, rồi sau đó là Mỹ và đồng minh Nam Việt Nam.
Nổi danh quốc tế
Uy tín quốc tế của ông cũng không kém phần ấn tượng.
Các cuốn sách của ông đã được dịch ra hàng chục ngôn ngữ khác nhau, được các cuộc cách mạng trên toàn thế giới thời hậu Chiến tranh Việt Nam nghiên cứu.
Bên cạnh Mao Trạch Đông và Che Guevara, sự đóng góp của ông Giáp cho chiến lược cách mạng du kích đã truyền cảm hứng tới cho các chiến binh muốn giải phóng đất nước trên toàn thế giới đang phát triển, như Palestine, Angola, và Nicaragua.
Những bài giảng của ông tiết lộ cách các du kích quân có thể đối phó rồi đánh bại được những kẻ thù lớn hơn, mạnh hơn. Cách Hoa Kỳ đàn áp các phong trào nổi dậy bộc lộ nhiều điểm yếu, và ông Giáp đã chỉ ra được toàn bộ các điểm đó.
Tuy nhiên, tại Việt Nam thì câu chuyện lại khác.
Bị những người nắm quyền, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, coi thường và không tin cậy, Tướng Giáp chỉ có những ảnh hưởng quốc tế chứ không có vị thế trong nước.
“Các đồng chí” họ Lê đã coi ông như một mối đe dọa cho quyền lực của họ trong cuộc chiến chống Mỹ, nhưng họ đã phải chờ cho tới sau cuộc chiến mới rũ bỏ ông khỏi vũ đài chính trị.
Vào năm 1980, ông Giáp không còn là Bộ trưởng Quốc phòng và năm 1982, ông mất ghế trong Bộ Chính trị.
Tới đầu thập niên 1990, ông không còn giữ bất kỳ chức vụ chính trị nào nữa.
Bị tước bỏ khỏi vị trí then chốt và các chức lãnh đạo trong Đảng, ông Giáp bị đánh tụt xuống những vai trò mang tính trang trí.
‘Không quyền lực từ thời chiến’
Điều mà hầu hết mọi người không biết đến là chuyện gạt ra lề đã diễn ra từ rất sớm.
Từ khi khởi đầu cuộc chiến, trong khoảng 1959-1960, ông Giáp đã bắt đầu bị Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, hai cái tên lẽ ra nên được xem là đồng nghĩa với Chiến tranh Việt Nam, cho tuột dốc.
Với việc ông Duẩn quay ra Hà Nội, ông Giáp mất quyền kiểm soát việc hoạch định chiến tranh của Hà Nội – nó rơi vào tay ông Duẩn.
Trong 1963-1964, khi ông Duẩn quyết định tấn công nhằm đánh bại chính quyền Sài Gòn trước khi người Mỹ có thể can thiệp, ông Giáp đã bất lực trong việc ngăn cản điều mà ông cho là một chiến lược liều lĩnh.
Tới 1967-1968, việc ông Giáp phản đối chiến lược tiến hành Tổng tấn công và nổi dậy của ông Duẩn đã khiến vị tướng phải trả giá đắt.
Ông Duẩn và ông Thọ đã cho bắt các chỉ huy phó của ông với tội phản quốc, với mục tiêu khép ông Giáp vào tội đi theo đường lối xét lại, có âm mưu lật đổ chính phủ.
“Với việc ông Duẩn quay ra Hà Nội, ông Giáp mất quyền kiểm soát việc hoạch định chiến tranh của Hà Nội – nó rơi vào tay ông Duẩn.”
Trong thời kỳ từ 1963 đến 1967, bản thân ông Giáp cũng bị các lực lượng an ninh của ông Duẩn theo dõi, và người anh hùng nổi tiếng của Điện Biên Phủ thậm chí đã phải ra nước ngoài để tránh áp lực chính trị tại Hà Nội.
Năm 1972, sau khi lấy lại được ít nhiều ảnh hưởng quân sự nhờ thành công của mình tại Lào, ông Giáp đã dám lên tiếng phản đối ông Duẩn và ông Thọ về việc muốn tấn công toàn diện vượt qua đường chiến tuyến trong dịp lễ Phục sinh 1972.
Lại một lần nữa, sự phản đối của ông vấp phải sự phớt lờ, còn binh lính miền Bắc vẫn cứ cưỡi xe tăng vượt Vĩ tuyến 17.
Nếu như được lưu ý tới, thì những lời cảnh báo của ông Giáp có thể vẫn đem lại chiến thắng cho Hà Nội, nhưng không phải với những hy sinh mất mát nhiều đến vậy.
Im lặng
Thận trọng, muốn tránh đi giai đoạn Chiến tranh Việt Nam vì e là sẽ chuốc lấy sự trả thù của “các đồng chí họ Lê”, ông Giáp đã không đả động tới giai đoạn này trong hồi ký.
Thay vào đó, ông để những người khác lên tiếng.
Chúng ta biết được về sự đối xử của ông Duẩn và ông Thọ đối với ông Giáp nhờ vào lời kể của các quan chức cấp thấp hơn trong Đảng, từ các cuộc phỏng vấn sau chiến tranh đối với những nhà bất đồng chính kiến, và ít nhiều từ những lời đồn đoán đầy rẫy tại Hà Nội rồi lọt ra nước ngoài.
Gần đây nhất, ấn phẩm của một phóng viên và một blogger trong nước, Huy Đức, đã tiết lộ nhiều thêm nữa những bí mật và rọi thêm ánh sáng vào những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ Hà Nội.
Nhưng bản thân ông Giáp không nói gì cả, dẫu ông sống thọ tới 103 tuổi.
Nay, là một học giả chuyên nghiên cứu về Chiến tranh Việt Nam, người đã viết về chính trị nội bộ của Hà Nội, tôi chỉ có thể hy vọng sẽ tìm thấy những bản thảo chưa từng được công bố của ông Giáp, hay ít nhất là tài liệu nào đó được ông Giáp chấp thuận, để trả lời cho những lỗ hổng trong sự hiểu biết của chúng ta về cuộc chiến của Hà Nội, và về vai trò của ông trong cuộc chiến đó.
THEO BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét